Việt Nam đối mặt thách thức lão hoá dân số: Già trước khi giàu?

Print Friendly, PDF & Email

Tác giả: Lê Hồng Hiệp

Việc Việt Nam nổi lên trở thành một quốc gia có mức thu nhập trung bình vào đầu những năm 2010 đã mang lại một vấn đề mà một nước thu nhập trung bình thường bắt đầu gặp phải: tỷ lệ sinh giảm. Theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới, tỷ lệ sinh của Việt Nam đã giảm nhanh chóng kể từ sau khi áp dụng chính sách Đổi mới vào năm 1986, giảm từ mức 4,06 ca sinh trên mỗi phụ nữ xuống còn 2,04 ca vào năm 2018. Để giải quyết vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành vào cuối tháng Tư Quyết định 588 phê duyệt một chương trình nhằm duy trì vững chắc mức sinh thay thế trên các vùng miền khác nhau của cả nước.

Quyết định này kêu gọi người dân kết hôn trước 30 tuổi và sinh con sớm, trong đó phụ nữ lý tưởng nhất là sinh con thứ hai trước 35 tuổi. Quyết cũng đề xuất các chính sách khác nhau để khuyến khích và hỗ trợ các cặp vợ chồng sinh hai con, từ việc cung cấp thêm cơ sở chăm sóc trẻ em tới hỗ trợ mua nhà ở xã hội cho các cặp vợ chồng có hai con. Quyết định này cũng dự kiến một số biện pháp chưa được xác định cụ thể nhằm “từng bước thí điểm các biện pháp tăng trách nhiệm đóng góp xã hội, cộng đồng đối với những trường hợp cá nhân không muốn kết hôn hoặc kết hôn quá muộn”.

Quyết định này đã làm nổi lên các cuộc tranh luận sôi nổi trên mạng xã hội, đặc biệt là về ý tưởng tăng trách nhiệm đóng góp xã hội đối với những ai không muốn kết hôn hoặc kết hôn muộn. Tuy nhiên, hiệu ứng quan trọng nhất mà quyết định tạo ra là khiến người dân nhận ra thực tế rằng mặc dù Việt Nam thường được coi là một quốc gia trẻ với lực lượng lao động dồi dào, dân số Việt Nam thực ra lại đang già hoá nhanh chóng. Nếu không có các bước đi chủ động để giải quyết vấn đề, Việt Nam có thể sẽ phải đối mặt với một viễn cảnh không sáng sủa tương tự như những gì mà một số nước châu Á khác như Nhật Bản và Hàn Quốc hiện đang phải vật lộn để đối phó.

Dân số Việt Nam đạt 96,2 triệu người vào năm 2019, trong đó số người trong độ tuổi từ 15 đến 65 chiếm 68% tổng dân số. Số người dưới 15 tuổi và trên 65 tuổi lần lượt chiếm 24,3% và 7,7%. Do đó, Việt Nam vẫn đang tận hưởng giai đoạn “cấu trúc dân số vàng”, có nghĩa là một người phụ thuộc được hỗ trợ bởi ít nhất hai người đang làm việc. Điều này mang lại một cơ hội phát triển kinh tế – xã hội quan trọng cho Việt Nam, khi một dân số tương đối lớn và trẻ giúp Việt Nam trở thành một thị trường và điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư quốc tế.

Tuy nhiên, dự kiến “cấu trúc dân số vàng” của Việt Nam sẽ kết thúc trong vòng 20 năm tới, và các chuyên gia đã nêu quan ngại về triển vọng người Việt Nam sẽ “già trước khi giàu”. Thực tế, dân số Việt Nam đã chính thức bước vào giai đoạn già hoá kể từ năm 2011 khi tỷ lệ dân số trên 65 tuổi chạm ngưỡng 7%. Quá trình già hóa dân số Việt Nam sẽ tăng tốc trong những thập niên tới. Theo một báo cáo năm 2019 của Ủy ban Quốc gia về Người cao tuổi Việt Nam, khoảng một phần năm người Việt Nam sẽ ở độ tuổi 60 trở lên vào năm 2035, đưa Việt Nam thành một trong ba nước ASEAN duy nhất có tỷ lệ người già trong dân số vượt mức 20% (cùng với Singapore và Thái Lan).

Do đó, các biện pháp chủ động nhằm duy trì tổng mức sinh thay thế thuận lợi như Quyết định 588 đề xuất là rất quan trọng nhằm giúp Việt Nam làm chậm quá trình già hóa dân số và giải quyết các hậu quả kinh tế – xã hội đi kèm, bao gồm tình trạng lực lượng lao động suy giảm và áp lực gia tăng lên hệ thống phúc lợi xã hội. Tuy nhiên, những nỗ lực như vậy có thể sẽ gặp phải những thách thức nghiêm trọng.

Những người trẻ tuổi, đặc biệt là những người sống ở các thành phố lớn, ngày càng nhận thấy khó có thể kết hôn sớm và có nhiều hơn một con. Chi phí gia đình ngày càng đắt đỏ, đặc biệt là về nhà ở và giáo dục, đã khiến nhiều người trẻ trì hoãn quyết định kết hôn hoặc sinh con thứ hai. Lối sống thay đổi và suy nghĩ ngày càng tự do của những phụ nữ trẻ có học vấn cao cũng khiến họ coi trọng quyền tự do và cuộc sống cá nhân hơn trách nhiệm đối với gia đình và xã hội. Bằng chứng từ một số nước phát triển cũng cho thấy ngay cả những khuyến khích tài chính cũng không tỏ ra hiệu quả trong việc thuyết phục những người trẻ tuổi và có học thức kết hôn sớm và sinh thêm con.

Vì cấu trúc dân số vàng của Việt Nam sẽ chỉ kết thúc vào khoảng năm 2040 nên vẫn còn thời gian để Việt Nam chuẩn bị cho các giải pháp nhằm đối phó với tình trạng già hoá dân số. Mặc dù khuyến khích những người trẻ tuổi kết hôn sớm và sinh nhiều con hơn là cần thiết để duy trì quy mô dân số và quy mô lực lượng lao động, nhưng đó chỉ là một biện pháp ngắn hạn không thể giải quyết được các tác động dài hạn của tình trạng lão hoá. Một biện pháp quan trọng hơn chính là nâng cao năng suất của lực lượng lao động để ngay cả khi chỉ có một lực lượng lao động nhỏ hơn, Việt Nam vẫn có thể cung cấp đủ hỗ trợ cho nhóm dân số phụ thuộc ngày càng tăng.

Trên khía cạnh này, việc cung cấp cơ hội giáo dục và đào tạo tốt hơn và nâng cao kỹ năng cho lực lượng lao động là vô cùng quan trọng. Chẳng hạn, cuộc điều tra dân số năm 2019 cho thấy cứ 100 em trong độ tuổi đi học cấp trung học phổ thông thì có 26 em không đến trường. Trong khi đó, lực lượng lao động đã tốt nghiệp trung học phổ thông trở lên chỉ chiếm 39,1%, số người đã được đào tạo có bằng, chứng chỉ từ sơ cấp trở lên chỉ chiếm 23,1% lực lượng lao động. Quả thực, việc thiếu công nhân được đào tạo và có kỹ năng cao từ lâu đã là một thách thức đối với các công ty công nghệ cao muốn đầu tư vào Việt Nam.

Nếu không có các biện pháp phù hợp để nâng cấp các kỹ năng của lực lượng lao động và cải thiện năng suất, Việt Nam sẽ không thể tìm ra giải pháp bền vững cho vấn đề già hoá dân số của mình. Quan trọng hơn, Việt Nam sẽ tiếp tục phụ thuộc vào các ngành công nghiệp tay nghề thấp, thâm dụng lao động, và không thể phát triển được một nền kinh tế tiên tiến, dựa trên công nghệ vốn cần thiết để thúc đẩy tăng trưởng trong trung và dài hạn. Nếu thất bại trong quá trình chuyển đổi này, Việt Nam sẽ rơi vào bẫy thu nhập trung bình và người dân sẽ ngày càng có nguy cơ “già trước khi giàu”.

Một phiên bản tiếng Anh của bài viết đã được đăng trên ISEAS Commentary.