Biên dịch: Nguyễn Hải Hoành
Năm 1922 nhà khoa học người Đức Albert Einstein được trao giải Nobel Vật lý. Cũng năm đó ông cùng vợ là bà Elsa làm một chuyến du lịch dài tới 5 tháng rưỡi để khám phá vùng Viễn Đông và Trung Đông.
Trong chuyến đi này ông bà từng được Hoàng hậu Nhật Bản tiếp và mời cơm, được yết kiến Vua Tây Ban Nha. Einstein đã ghi chép chuyến du lịch ấy trong cuốn nhật ký của mình, trong đó đôi khi ông dùng những từ ngữ có tính chất phân biệt chủng tộc khá nặng nề để ghi lại ấn tượng của mình về người dân ở Hong Kong, Singapore, Trung Quốc, Nhật, Ấn Độ và Pakistan, là những nơi ông có dừng lại thăm.
Thời gian qua, nhà xuất bản Trường Đại học Princeton đã phát hành bản tiếng Anh bộ nhật ký của Einstein. Văn bản có tính riêng tư này đã hé lộ thế giới quan cũng như những thành kiến của ông đối với dân chúng các quốc gia, làm cho người đọc nghi ngờ thái độ của ông đối với vấn đề chủng tộc. Rõ ràng điều đó không có lợi cho thanh danh của nhà bác học được nhiều người hâm mộ này. Chẳng rõ việc xuất bản bộ nhật ký này có được Einstein đồng ý không?
Einstein là nhà khoa học người Do Thái sinh ra tại Đức, từng bị Quốc xã Đức hãm hại. Về sau ông trở thành nhà đấu tranh nổi tiếng cho nhân quyền. Trong một lần trả lời phỏng vấn, Einstein từng nói: “Là một người Do Thái, tôi có thể thông cảm với tình cảnh của người da đen bị phân biệt đối xử.”
Thế nhưng trong các ghi chép riêng tư, ví dụ đoạn nhật ký ghi lại chuyến du lịch từ tháng 10/1922 đến tháng 3/1923, Einstein lại “mô tả những người khác thành loại người hạ đẳng về sinh lý – rõ ràng như thế là phân biệt đối xử” – ông Ze’ev Rosenkranz Trưởng Trợ lý Dự án xuất bản toàn tập Einstein (Einstein Papers Project) của Học viện Công nghệ California viết.
“Tôi cho rằng rất nhiều phát biểu [của Einstein] sẽ làm chúng ta rất khó chịu – nhất là bình luận của ông về người Trung Quốc,” Ze’ev Rosenkranz nói với tờ The Guardian. “Điều đó tạo ra sự tương phản với hình ảnh Einstein, một nhà nhân đạo chủ nghĩa vĩ đại của công chúng. Khi so sánh những lời lẽ riêng tư ấy với những ngôn luận ông nói ở chỗ công khai, tôi cảm thấy rất kinh khủng.”
Khi bắt đầu chuyến du lịch kể trên Einstein đã ngoài 40 tuổi, đang nổi tiếng vì phát hiện ra Hiệu ứng quang điện và Thuyết Tương đối, ngoài ra dư luận xã hội còn đang tôn vinh ông như một nhân sĩ tiến bộ. Thế nhưng tập nhật ký du lịch này đã hé lộ toàn bộ một mặt khác của nhà tư tưởng lỗi lạc ấy. Dưới đây là tóm tắt một số nội dung tập nhật ký.
Tại Hong Kong
Einstein tỏ lòng đồng cảm với “tầng lớp chúng sinh lao động khổ nhọc – những phu khuân vác đàn ông đàn bà làm việc quần quật mà mỗi ngày chỉ kiếm được 5 xu” . Ông viết: “Người Trung Quốc đang bị guồng máy kinh tế tàn nhẫn xử phạt một cách tàn khốc chỉ vì họ có năng lực sinh đẻ quá mạnh.” Ông trích dẫn lời của một thầy giáo dạy môn tiếng Bồ Đào Nha: “Chẳng thể nào dạy cho người Trung Quốc biết suy nghĩ có logic. Họ đặc biệt không có đầu óc toán học bẩm sinh.”[1]
Einstein còn viết: “Tôi phát hiện thấy ở đây đàn ông và đàn bà hầu như chẳng có gì khác nhau. Tôi không rõ đàn bà Trung Quốc có sức thu hút gì ghê gớm có thể làm cho đàn ông nước này mê say họ tới mức không thể chống lại sức mạnh to lớn đòi hỏi phải sinh con đẻ cái nhiều như thế.”
Tại các vùng trên đại lục Trung Quốc
Einstein viết, ở đây ông nhìn thấy “Những con người siêng năng cần cù, bẩn thỉu và chậm chạp đần độn”.
– “Người Trung Quốc khi ăn cơm không ngồi trên ghế dài mà ngồi xổm trên đất như kiểu người châu Âu khi đi đại tiểu tiện trong rừng rậm. Trong bữa ăn ai nấy đều im lặng, nghiêm chỉnh, cả đến trẻ con cũng ủ rũ, xem ra rất chậm chạp, đần độn.”
– “Sẽ là đáng tiếc nếu xảy ra trường hợp người Trung Quốc thay thế cho các chủng tộc khác. Chỉ nghĩ tới điều đó thôi thì những người như chúng tôi đã cảm thấy một nỗi ngán ngẩm khó nói.”[2]
Ở Thượng Hải
– Lễ tang của người Trung Quốc “theo chúng tôi là dã man, không hợp với chúng tôi”, đường phố “đầy ắp người”.
– “Bầu không khí lúc nào cũng có mùi hôi thối.”
– “Ngay cả những người cơ nhỡ lưu lạc làm việc quần quật như trâu ngựa dường như cũng chưa hiểu được nỗi cực khổ của mình. Đặc biệt là những tộc người sống như bầy súc vật,” ông viết, “Thông thường họ không giống con người mà giống như người- máy.”
Tại Nhật
– “Người Nhật giản dị, đàng hoàng, nhìn chung rất có sức thu hút,”[3] Einstein viết. Ông dùng giọng điệu tâng bốc nói về họ, cho dù trong vài trường hợp có vẻ như nói về sự cải thiện nòi giống dân tộc.
– “Con người nơi đây có tâm hồn trong sạch mà người nơi khác không có. Đất nước này rất đáng để yêu thích và khâm phục.”[4]
– “Nhu cầu về tri thức của dân tộc này dường như không mạnh mẽ như nhu cầu đối với nghệ thuật – phải chăng bẩm sinh họ đã có tính tình như thế?”
Khi trả lời báo The Guardian, Rosenkranz từng nói, cho dù có lẽ nhiều người khăng khăng cho rằng đoạn nhật ký kể trên chỉ phản ánh thái độ của thời đại đó, song tình cảm thù hằn nước ngoài và thành kiến lệch lạc mà đoạn nhật ký đã hé lộ, thực ra không phổ biến như người ta nghĩ. “Phản ứng mà chúng tôi nhận được thường là thế này: ‘Chúng ta cần biết rằng Einstein là một phần của trào lưu tư tưởng thời đại, là một phần của thời đại”. “Nhưng tôi đang nghĩ xem, tôi gắng sức tìm kiếm cái bối cảnh rộng lớn hơn. Thời bấy giờ còn có những quan điểm khoan dung hơn.”
Nhưng phần nhiều mạng xã hội ở Trung Quốc hầu như đều muốn nghĩ rằng Einstein luôn luôn là người tốt, [vì thế] thậm chí họ đồng ý với quan điểm của ông.
“Thời bấy giờ người Trung Quốc để lại cho thế giới ấn tượng như thế đấy,” một bloger viết. “Nếu là bây giờ thì Einstein sẽ không viết những lời lẽ như vậy.”
“Nhật ký cá nhân là sự nối dài tư tưởng của một cá nhân, mà tư tưởng thì vô tội,” một bloger khác viết, “Dù Einstein nghĩ thế nào đi nữa, chỉ cần ông không có hành vi và ngôn luận phân biệt chủng tộc thì không thể suy diễn là ông ấy có tội, lại càng chẳng thể nói hoàn cảnh lịch sử thời đó cùng sự hạn chế do ông còn trẻ.
Cũng có một số người phản bác, ví dụ một bloger viết: “Bạn nói thế nghĩa là bạn đã thừa nhận Einstein đối xử không bình đẳng với người Trung Quốc, và bây giờ bạn muốn dùng lý do khác để bổ cứu cho ông ấy chứ gì?”
Có lẽ sự chuyển biến quan điểm của Einstein được phản ánh rõ nhất ở chỗ ông đã sử dụng thanh danh của mình trên lĩnh vực khoa học để phụng sự cho phong trào đòi dân quyền của nước Mỹ.
Tạp chí Smithsonian Magazine cho biết: năm 1931 Einstein từng tham gia một tiểu ban kháng nghị việc xét xử không công bằng vụ Scottsboro Boys ở bang Alabama, trong đó 9 thanh niên người Mỹ gốc Phi bị buộc tội oan sai là đã cưỡng bức hai phụ nữ da trắng.
Năm 1946 Einstein nói tại lễ tốt nghiệp của sinh viên trường Đại học Lincoln bang Pennsylvania rằng “Ở nước Mỹ người da màu và người da trắng tách rời nhau. Đây là một căn bệnh của người da trắng. Tôi không muốn im lặng trước tình trạng đó.”
Nguyễn Hải Hoành biên dịch từ nguồn tiếng Anh “Einstein the Anti-Racist? Not in His Travel Diaries”, New York Times, 14/06/2018.
———
[1] The Chinese are incapable of being trained to think logically and that they specifically have no talent for mathematics.
[2] It would be a pity if these Chinese supplant all other races. For the likes of us, the mere thought is unspeakably dreary.
[3] Japanese unostentatious, decent, altogether very appealing.
[4] Pure souls as nowhere else among people. One has to love and admire this country.