Thế giới hôm nay: 19/08/2020

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Hàn Quốc thông báo các cuộc tụ tập đông người ở nơi công cộng sẽ bị cấm và các địa điểm “nguy cơ cao” như nhà thờ và hộp đêm bị đóng cửa trong và xung quanh thủ đô Seoul, sau một đợt bùng dịch covid-19 mới. Sau thành công ban đầu trong việc kiểm soát virus, gần 1.000 trường hợp đã được ghi nhận từ ngày 13 đến 17 tháng 8. Các biện pháp có hiệu lực từ hôm nay.

Chỉ số thị trường chứng khoán S&P 500 của Mỹ đã tăng lên cao hơn mức trước đại dịch, đạt kỷ lục trong ngày là 3.395 điểm. Chỉ số này đã tăng hơn 50% kể từ đáy hôm 23 tháng 3, xuất phát từ đà tăng của các gã khổng lồ công nghệ. Trong khi đó, đồng đô la giảm xuống mức thấp nhất trong hai năm qua so với các đồng tiền hàng đầu khác, khi các nhà lập pháp vẫn chưa đạt được đồng thuận về các biện pháp kích thích để hỗ trợ nền kinh tế đang gặp khó khăn.

Louis DeJoy, tổng giám đốc bưu điện Hoa Kỳ, cho biết ông sẽ hoãn các điều chỉnh về mặt hoạt động của Bưu điện Hoa Kỳ cho đến sau cuộc bầu cử tháng 11. Những thay đổi, bao gồm loại bỏ thời gian làm thêm, đã làm dấy lên lo ngại phiếu bầu qua bưu điện có thể bị chậm trễ. Khoảng 20 tiểu bang đã cho biết sẽ kiện. Donald Trump nói ông không muốn bỏ phiếu đại trà qua thư.

Một cựu sĩ quan CIA bị buộc tội chuyển các bí mật quốc phòng cho Trung Quốc. Alexander Yuk Ching Ma, sinh ra ở Hồng Kông, làm việc cho CIA vào những năm 1982-1989 và sau đó trở thành một nhà thầu có quyền xem các tài liệu mật. Một lãnh đạo cấp cao của Bộ Tư pháp than thở: “Chuỗi hoạt động gián điệp của Trung Quốc còn dài, thật đáng buồn là một số trường hợp liên quan đến  các cựu sĩ quan tình báo Mỹ”.

Một tòa án do Liên Hợp Quốc hậu thuẫn đã tuyên án vắng mặt Salim Ayyash tội giết Rafik Hariri, cựu thủ tướng Lebanon, và 21 người khác trong vụ đánh bom Beirut năm 2005. Ba bị cáo khác được tuyên trắng án. Mặc dù cả bốn người đều là thành viên của Hizbullah, một đảng chính trị và nhóm phiến quân, nhưng các thẩm phán không tìm thấy bằng chứng cho thấy các lãnh đạo của Hizbullah hoặc Syria, bên ủng hộ nhóm, có liên quan.

Thủ tướng Úc Scott Morrison đã công bố một thỏa thuận với nhà sản xuất thuốc AstraZeneca để đảm bảo cho nước này một loại vắc xin covid-19 mà công ty đang phát triển. Nếu vắc-xin có tác dụng, chính phủ Úc sẽ mua đủ liều cho 25 triệu dân của đất nước, và cung cấp miễn phí. Số ca nhiễm ở Úc đã tăng lên trong thời gian gần đây, khiến một số bang áp đặt các biện pháp phong tỏa.

Tổng thống Donald Trump cho biết ông sẽ ban lệnh “ân xá đầy đủ và hoàn toàn” cho Susan B. Anthony, một nhà lãnh đạo ủng hộ quyền bầu cử cho phụ nữ. Anthony bị bắt và bị kết án tại một tòa án liên bang vì bỏ phiếu vào năm 1872. Lệnh ân xá đến vào đúng dịp kỷ niệm 100 năm phê chuẩn Tu chính án thứ 19, theo đó cho phép phụ nữ Mỹ đi bầu.

TIÊU ĐIỂM

Nhà thờ tiếp tục là các ổ dịch ở Hàn Quốc

Trong nhiều tuần qua, người Hàn Quốc lo lắng nhiều về một trong những mùa mưa lớn nhất từng được ghi nhận hơn là về covid-19. Nhưng tuần vừa rồi, số ca nhiễm mới đã tăng nhanh hơn bất kỳ thời điểm nào kể từ đợt bùng phát ban đầu. Hồi mùa xuân, hầu hết những người bị nhiễm đều là thành viên của Tân Thiên Địa, một giáo phái Tin lành bí mật. Lần này cụm dịch lớn nhất xuất hiện tại một nhà thờ tin lành truyền thống  ở Seoul.

Jun Kwang-hoon, lãnh đạo nhà thờ và là người thường xuyên chỉ trích Tổng thống Moon Jae-in, đã dương tính sau khi phát biểu tại một cuộc tuần hành chống chính phủ lớn vào cuối tuần, nơi ông tuyên bố người từ bên ngoài đã truyền virus vào nhà thờ để bịt miệng các hoạt động chính trị của họ. Nhà chức trách đã không thể tiếp cận một số tín hữu, những người được cho là đã bất chấp lệnh cách ly để đến dự cuộc tuần hành. Ông Jun đã nói với những người theo ông rằng Chúa sẽ chữa lành cho họ. Trong khi chờ đợi thần thánh can thiệp, ngăn chặn làn sóng dịch thứ hai vẫn là nhiệm vụ của các nhà cầm quyền  thế tục.

Myanmar tổ chức hội nghị hoà bình Panglong

Khi hội nghị Panglong đầu tiên của Thế kỷ 21 được tổ chức vào năm 2016, người Miến Điện mơ về việc chấm dứt những cuộc nội chiến đã tàn phá Myanmar suốt từ ngày độc lập. Hôm nay, khi nhà lãnh đạo trên thực tế của Myanmar, Aung San Suu Kyi, cùng quân đội Miến Điện và một số nhóm sắc tộc thiểu số tham gia một vòng đàm phán mới, hy vọng đó của người dân dường như là ngây thơ.

Khi bà Suu Kyi được bầu vào năm 2015, chỉ 20% quân nổi dậy ký một lệnh ngừng bắn nhằm tạo điều kiện cho đối thoại chính trị. Kể từ đó, bà đã không thuyết phục được các bên còn lại ngồi vào bàn đàm phán hoặc cố gắng thúc đẩy đàm phán với những bên đã ký. Quân đội đầy quyền lực của Myanmar không giúp được gì — họ nhiều lần phá vỡ các điều khoản của lệnh ngừng bắn. Nhưng bà Suu Kyi cũng mắc sai lầm khi không giải quyết được những bất bình của các sắc tộc thiểu số. Với cuộc bầu cử sắp đến vào tháng 11, bà Suu Kyi sẽ cố gắng đạt tiến bộ, dù nhỏ, để hướng tới hòa bình. Các nhà quan sát hoài nghi về điều đó.

EU họp bàn về tình hình Belarus

Hôm nay, các lãnh đạo châu Âu sẽ họp online để thảo luận về cuộc bầu cử ở Belarus hôm 9 tháng 8, trong đó Alexander Lukashenko, người đã nắm quyền 26 năm,  thắng tới 80% số phiếu một cách đáng ngờ. Sau khi kết quả được công bố, người dân Belarus đã xuống đường biểu tình. Nhiều người đã bị đánh đập, bị bắn đạn cao su và xịt hơi cay, hoặc bị bỏ tù.

Cho đến nay, phản ứng của phương Tây rất yếu ớt. Nhưng vào ngày 14 tháng 8, các ngoại trưởng châu Âu đã tuyên bố điều hiển nhiên — cuộc bỏ phiếu không hề tự do và cũng không công bằng. Hôm nay họ sẽ thảo luận bước tiếp theo. Ông Lukashenko nói Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đề nghị hỗ trợ quân sự. Nếu nương nhẹ cho Lukashenko, phương Tây sẽ tạo điều kiện để ông tiếp tục sử dụng bạo lực chống lại người dân của mình. Và điều đó lại có thể đẩy ông ta vào vòng tay Putin.

Một loạt hãng hàng không lớn của Mỹ Latinh phá sản

Thời cuộc đang khiến các hãng hàng không lớn của Mỹ Latinh lao đao. Các giám đốc điều hành của Aeroméxico sẽ đến tòa án ở New York vào hôm nay để tiếp tục quá trình tái cơ cấu, với hy vọng tận dụng được các thủ tục phá sản thuận lợi của Mỹ. Đây là hãng hàng không lớn thứ ba của Mỹ Latinh làm như vậy kể từ khi đại dịch covid-19 khởi phát, sau LATAM của Chile và Avianca của Colombia. Ngay cả trước đại dịch, họ cũng đã khó khăn.

Delta Airlines, một hãng hàng không lớn của Mỹ, từng mua cổ phần của Aeroméxico vào năm 2017 và của LATAM vào năm 2019, với hy vọng chen chân vào thị trường hàng không đang phát triển nhanh chóng của Mỹ Latinh. United, một đối thủ cạnh tranh, cũng đầu tư mạnh vào Avianca trong năm 2018. Song thuế cao, biến động tiền tệ và nền kinh tế uể oải đã khiến lợi nhuận đình trệ. Giá cổ phiếu của LATAM giảm mạnh vào năm 2018, với Aeroméxico tiếp bước vào năm 2019, trong khi Avianca phải vật lộn cùng các khoản nợ lớn. Với việc chính quyền quê hương từ chối bảo lãnh họ, cả ba đã đặt niềm tin rằng các tòa án ở New York sẽ nhẹ tay.

OPEC họp bàn về tình hình giá dầu 

Các bộ trưởng OPEC và các đồng minh của tổ chức này sẽ nhóm họp hôm nay. Thị trường dầu mỏ đã hồi phục từ những ngày đen tối của tháng 4, khi covid-19 nhấn chìm nhu cầu dầu, khiến các bồn chứa được bơm đầy ắp, và các hợp đồng tương lai dầu thô bị coi là không có giá trị. Trong những tháng gần đây, việc Trung Quốc liên tục mua vào đã giúp trợ giá. Các dấu hiệu cho thấy số ca nhiễm mới có thể đang chậm lại ở Mỹ cũng làm tăng sự lạc quan.

Nhưng công việc của OPEC vẫn khó khăn. Các-ten này và các đồng minh đã cắt giảm sản lượng trong tháng 5 ở mức 9,7 triệu thùng/ngày, mức cắt giảm lớn nhất từ trước đến nay, bằng khoảng 10% nhu cầu trước đại dịch. Nhóm hiện có kế hoạch phục hồi một ít nguồn cung để bổ sung cho thị trường, mặc dù Ả Rập Saudi đang thúc giục Iraq và các đồng minh khác không “mở cửa xả lũ” quá nhiều. Tuy nhiên, nguy cơ diễn ra một làn sóng lây nhiễm thứ hai vẫn còn, bên cạnh nỗi lo ngại đang gia tăng rằng sức mua của Trung Quốc có thể giảm dần.