Lược dịch: Nguyễn Hải Hoành
Trung Quốc là nước xuất khẩu nguyên liệu dược phẩm lớn nhất thế giới. Nạn dịch COVID-19 đã hé lộ tình trạng Mỹ phụ thuộc vào Trung Quốc về dược phẩm, do đó Tổng thông Trump và ông Biden, ứng cử viên Tổng thống của Đảng Dân chủ, đều hứa sẽ giải quyết vấn đề này, kể cả việc chuyển về Mỹ các xí nghiệp sản xuất dược phẩm quan trọng.
Tờ “Nam Hoa Tảo báo” [South China Morning Post, SCMP] ở Hong Kong hôm 26/8 đưa tin: Ông Lý Đạo Quỳ (Li Daokui), giáo sư Viện Quản lý kinh tế Đại học Thanh Hoa , Ủy viên thường vụ Chính Hiệp toàn quốc Trung Quốc, mới đây có nói rằng Mỹ phụ thuộc cao độ vào xuất khẩu nguyên liệu dược phẩm của Trung Quốc, từ vitamin tới thuốc kháng sinh, hơn 90% nguyên vật liệu đều do Trung Quốc sản xuất, nước Mỹ trong một thời gian ngắn không thể sản xuất được.
Một trang mạng của Trung Quốc còn đăng bài dẫn lời ông Lý Đạo Quỳ từng nói: “Chúng ta tuyệt đối không đi đầu làm chuyện đó, nhưng nếu anh chơi xấu trước, anh dám chơi xấu tôi về chuyện chip bán dẫn, thì chúng ta cũng có cách trị lại.” Có phương tiện truyền thông tiếng Anh cũng đưa lại tin liên quan.
Thế nhưng giọng điệu những lời lẽ trên không ăn nhập với phong cách ăn nói bình thường trước nay của Lý Đạo Quỳ. Hôm qua, ông Lý có gửi tin nhắn trả lời phỏng vấn của tờ “Liên hợp Tảo báo” [Zaobao], làm rõ vấn đề trên. Ông cho biết: “Nam Hoa Tảo báo” đưa tin dựa vào bài của trang mạng Trung Quốc “Cộng đồng Nhà kinh tế” phỏng vấn ông, nhưng xuyên tạc ý của ông, sau đó họ đã gỡ bản tin đó.
Lý Đạo Quỳ nhấn mạnh: Khi trả lời phỏng vấn, ông có nói Trung Quốc và Mỹ gắn bó với nhau sâu sắc, dựa lẫn nhau, nền kinh tế hai nước chớ nên đứt móc với nhau, và cũng sẽ không đứt móc, mọi bất đồng đều có thể giải quyết bằng đàm phán.
Gần đây Mỹ đã tăng cường vây ráp các doanh nghiệp khoa học kỹ thuật của Trung Quốc. Vấn đề Trung Quốc có nên chơi con bài đất hiếm hay không đã gây ra tranh cãi sôi nổi. Cách đây vài tháng trên các trang mạng ở Trung Quốc và phương Tây bắt đầu xuất hiện những lời lẽ nói Trung Quốc nên dùng cách hạn chế xuất khẩu nguyên liệu dược phẩm làm vũ khí phản kích, chơi con bài dược phẩm với Mỹ.
Hôm kia, ông Tra Đạo Quýnh (Zha Daojiong), GS Viện Quan hệ quốc tế thuộc ĐH Bắc Kinh, có đăng trên tờ “Nam Hoa Tảo báo” bài viết phản bác, cho rằng dùng cách hạn chế xuất khẩu dược phẩm để phản kích việc Mỹ trừng phạt Trung Quốc về chip bán dẫn rõ ràng là “sai lầm, nguy hiểm và nên bị khiển trách”.
Tra Đạo Quýnh viết: Việc sản xuất và buôn bán dược phẩm có ý nghĩa chữa bệnh và cải thiện sức khỏe; nếu cấm dân chúng nước ngoài mua dược phẩm thì chẳng khác gì đòn đánh thẳng vào sức khỏe của những người bệnh hoặc tiềm ẩn mắc bệnh. Ngoài ra, hạn chế xuất khẩu dược phẩm “hầu như chắc chắn” sẽ dẫn đến sự giảm bớt số xí nghiệp dược của nước ngoài đặt tại Trung Quốc hoặc di chuyển hoạt động sản xuất của họ, và ảnh hưởng rõ rệt đến sự hợp tác lâu dài giữa hai cơ quan quản lý dược phẩm của Trung Quốc và Mỹ.
Khi trả lời phỏng vấn của bản báo, Tra Đạo Quýnh nói: “Trong sách lược quan hệ quốc tế, rõ ràng xưa nay chưa có tiền lệ nào về việc dùng dược phẩm làm vũ khí ngoại giao”. Ngay cả trừng phạt của Mỹ đối với Cuba và Iran cũng chỉ hạn chế mua dược phẩm quân đội , tức chỉ nhằm vào lực lượng vũ trang, chứ không nhằm vào dân thường.
Theo Thời báo New York, công ty dược Trung Quốc cung cấp cho Mỹ trên 90% kháng sinh, vitamin C , Ibuprofen và hydrocortisone, cũng như 70 % acetaminophen và 40 đến 45% heparin, một loại thuốc chống đông máu.
Có phân tích cho rằng các phương tiện truyền thông đã hình dung quá khoa trương về hình ảnh “lọ thuốc trong tay Trung Quốc”. Nếu Trung Quốc thực sự dùng xuất khẩu dược phẩm để đe dọa Mỹ thì Mỹ có thể ăn miếng trả miếng như cấm xuất khẩu các dược phẩm có bằng sáng chế của Mỹ mà Trung Quốc phụ thuộc vào, ví dụ thuốc chống ung thư. Bởi vậy khả năng Trung Quốc chơi “lá bài dược phẩm” là không lớn.
Nguyễn Hải Hoành lược dịch từ nguồn tiếng Trung “中国应以原料药当武器反击美国? 提议引争议” , Liên hợp Tảo báo (Singapore), 31/8/2020.