Người dịch: Nguyễn Hải Hoành
Ngày 08/11/2020, Thời báo Hoàn Cầu của Trung Quốc ra xã luận tiêu đề “Chớ ảo tưởng về mối quan hệ Trung-Mỹ, cũng đừng từ bỏ cố gắng”, nói về tác động của việc Joe Biden đắc cử tổng thống Mỹ và triển vọng quan hệ Mỹ – Trung. Bài viết có nội dung như sau:
Xem ra việc Biden trở thành Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ tới đã trở thành cục diện xác định. Bất chấp thái độ của Trump, các đồng minh phương Tây của Mỹ đã gửi lời chúc mừng tới Biden. Trong 4 năm Trump nắm quyền, chính sách đối ngoại của Mỹ giao động lớn nhất trên mối quan hệ với Trung Quốc, có thể coi việc [Trump] toàn diện đả kích, kiềm chế Trung Quốc là “di sản ngoại giao” lớn nhất của ông ta. Vậy Biden sẽ tiếp tục “đường lối Trump” trong quan hệ với Trung Quốc tới mức nào?
Phần lớn các phân tích cho rằng xung đột cường độ cao Trump từng phát động trong thời gian cầm quyền, kể cả cuộc chiến tranh thương mại, đã sắp đặt lại môi trường tổng thể quan hệ Trung-Mỹ, nhìn chung đã thay đổi cách tư duy đối với Trung Quốc của giới tinh hoa nước Mỹ. Biden nhậm chức sẽ tiếp nối cục diện đó của quan hệ Trung-Mỹ, duy trì thái độ cơ bản cứng rắn đối với Trung Quốc. Trên các vấn đề Tân Cương, Hong Kong mà phía Mỹ định nghĩa là vấn đề “nhân quyền”, không loại trừ việc chính phủ của Đảng Dân chủ sẽ có những biểu hiện ngày một thậm tệ hơn. Tóm lại, trên các phương hướng chủ yếu, sức ép mà Mỹ thực thi trong mối quan hệ giữa hai nước sẽ không nới lỏng.
Thế nhưng cũng cần thấy rằng, từ đầu năm tới nay đã xuất hiện nhiều trường hợp chính phủ Trump “ép Trung Quốc chỉ để ép Trung Quốc”, nguyên nhân ở chỗ chính phủ Trump coi việc khoa trương biểu diễn gây sức ép với Trung Quốc là một sách lược chính trong tranh cử. Họ tin rằng càng nặng tay với Trung Quốc thì càng dễ không phân biệt trắng đen phải trái trong việc vu vạ Trung Quốc phải chịu lỗi về chuyện nước Mỹ thất bại trong quá trình chống dịch bệnh, và càng giúp giành được nhiều phiếu bầu, vì thế trong chính sách đối với Trung Quốc của Mỹ từng xuất hiện một số nhân tố bề nổi cố ý làm cho quan hệ Trung-Mỹ căng thẳng.
Chúng tôi cho rằng để có thể gạt bỏ các nhân tố bề nổi đó, Bắc Kinh nên cố gắng trao đổi đầy đủ nhất với nhóm Biden, nên có những cố gắng nhằm khôi phục quan hệ Trung-Mỹ đang căng thẳng trở lại trạng thái tương đối mạnh, có thể dự báo được.
Trước hết, quan hệ giữa hai nước trên lĩnh vực phòng chống đại dịch có không gian rất lớn để điều chỉnh. Nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của Biden sau nhậm chức là phòng chống đại dịch. Về điểm này, như Biden từng nói trước đây, ngoài việc phòng chống dịch bệnh một cách khoa học và hợp tác với nhau ra thì chẳng còn lựa chọn nào khác. Như vậy, việc “chống dịch theo kiểu đổ tội” [cho Trung Quốc] và “chống dịch kiểu truy cứu trách nhiệm” sẽ khó tiếp tục, Trung Quốc và Mỹ có khả năng từ chỗ đối kháng kịch liệt xung quanh vấn đề nạn dịch chuyển hoá thành triển khai hợp tác cụ thể, hơn nữa sự hợp tác đó sẽ tạo thêm nhiều đầu mối để tái nhận thức một số vấn đề trong quan hệ Trung-Mỹ.
Thứ hai, Biden cho biết [Mỹ] sẽ trở lại Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, mà muốn tái xúc tiến hành động biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc thì không thể tách rời sự hợp tác Trung-Mỹ, điều này sẽ làm tăng phạm vi không có tính đối lập giữa hai bên.
Thứ ba, trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, có lẽ Biden sẽ kiên trì đường lối sức ép cao của Trump, song phương thức canh bạc điên rồ của chính phủ Trump chưa chắc sẽ được chính phủ Biden tiếp tục. Mấy năm qua, phía Mỹ áp dụng một số thủ đoạn vụng về “giết nghìn địch thì mình thiệt tám trăm”, chưa đem lại hiệu quả thực tế nào trong chuyện giảm thâm hụt thương mại với Trung Quốc, lại còn làm cho rất nhiều công ty Mỹ kêu ca oán trách. Thay đổi chính phủ có khả năng đem lại một số điều chỉnh có tính thăm dò tình hình hiện thực.
Thứ tư, trên vấn đề trao đổi con người, chính phủ Trump cũng làm quá đáng, phá hoại lòng tin vào việc hai bên triển khai giao lưu dân sự nhiều hơn. Cộng thêm nạn dịch làm cho rất nhiều gia đình Trung Quốc bỏ lỡ kế hoạch đưa con em đi học ở Mỹ, mối quan hệ cung cầu đi Mỹ du học đang xảy ra thay đổi lớn, không gian để Biden kiên trì đường lối chèn ép học giả, học sinh Trung Quốc đã còn rất nhỏ.
Tóm lại, chính phủ Trump đã sử dụng quá mức chính sách cứng rắn đối với Trung Quốc, hầu như những quân bài có thể đưa ra thì đã quăng hết lên bàn, điều đó làm cho vốn liếng để chính phủ Biden thực thi chính sách “cứng rắn hơn nữa” với Trung Quốc đã bị giảm mạnh. Nói thật là quan hệ Trung-Mỹ cho tới nay đã rất không bình thường, sự căng thẳng của hai bên trở nên rất không tương thích với mối quan hệ lợi ích hiện thực của hai nước. Trên thực tế trong mấy năm qua Washington coi Trung Quốc là “kẻ địch” để đối xử, nhưng quan hệ Trung-Mỹ thật sự không phải là quan hệ đối địch. Hai bên tồn tại nhiều cạnh tranh, thế nhưng sự hoà nhập lợi ích rộng rãi lại là thực tế có thật. Trên phương diện này, sớm muộn sẽ có những hành động dẹp loạn, khôi phục trật tự với một mức độ nhất định.
Dĩ nhiên, trên mặt giá trị quan thì Đảng Dân chủ càng ương ngạnh. Thế nhưng Trung-Mỹ là hai nước lớn, không có nhiều khả năng chỉ vì xung đột giá trị quan mà trượt tới chỗ đối kháng chiến lược. Ngoài ra, Biden sẽ càng chú trọng củng cố quan hệ liên minh xuyên Đại Tây Dương, song liên minh Mỹ-phương Tây về căn bản đâu phải được xây dựng để đối phó Trung Quốc. Nếu Washington muốn dùng liên minh vốn có cho quan hệ với Trung Quốc thì nó ắt phải chịu sự chế ước nhất định từ các nước trong liên minh. Các quốc gia liên minh đó đều có rất nhiều mối quan hệ kinh tế-thương mại với Trung Quốc, họ không có nhiều khả năng muốn vì tăng cường liên minh với Mỹ mà đối kháng Trung Quốc, do đó nhất định sẽ dẫn tới một quá trình hình thành trạng thái cân bằng nào đấy.
Trung Quốc không nên có ảo tưởng về việc Biden có thể mang lại sự đảo ngược có tính hoà dịu trong quan hệ Trung-Mỹ, nhưng Trung Quốc cũng không nên giảm niềm tin vào sự cải thiện mối quan hệ đó. Xét về xu thế, xem ra tâm trạng cạnh tranh và đề phòng đối với Trung Quốc của người Mỹ chỉ có thể không ngừng mạnh lên, nhưng sự hoà dịu và kiểm soát mối quan hệ hai nước lại phù hợp với lợi ích chung của nhân dân hai nước và nhân dân thế giới. Cho dù quan hệ giữa hai nước có tồi tệ đi chăng nữa, hãy thực hiện một kiểu hoà bình ổn định, thực thi sự quản lý, kiểm soát để không làm cho quan hệ hai bên xảy ra tình trạng xấu đi có tính phá hoại –– đây là nỗ lực chính sách cần thiết mà hai nước cần phải cùng hành động.
Sau cùng, cần nói rằng phương pháp căn bản nhất Trung Quốc dùng để đối phó với thách thức chiến lược của Mỹ là phải không ngừng làm cho mình lớn mạnh. Chúng ta phải trở thành một thực thể lớn mạnh mà Mỹ không thể lật đổ hoặc làm cho rối loạn. Hãy làm cho việc hợp tác với Trung Quốc trở thành con đường tối ưu để nước Mỹ thực hiện lợi ích quốc gia của mình. Đây là con đường sống còn.
Nguyễn Hải Hoành biên dịch từ nguồn tiếng Trung 社评:对中美关系莫抱幻想,也别放弃努力.