Thế giới hôm nay: 08/11/2020

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Thủ tướng Ethiopia Abiy Ahmed cam kết tiến hành một “hành động quan trọng cuối cùng” trong cuộc xung đột với khu vực Tigray ở miền bắc. Các lực lượng của chính phủ ông dự kiến ​​sẽ tiến vào thủ phủ Mekelle của Tigray sau khi các lãnh đạo vùng này làm ngơ thời hạn hạ vũ khí. LHQ đã mô tả tình hình là một “cuộc khủng hoảng nhân đạo toàn diện”. Khoảng 30.000 người tị nạn đã chạy sang nước láng giềng Sudan.

Cảnh sát Thái Lan bắn hơi cay và vòi rồng vào hàng trăm người biểu tình gần tòa nhà quốc hội ở thủ đô Bangkok. Khi ấy các nhà lập pháp bên trong đang tranh luận về các thay đổi hiến pháp. Những người biểu tình muốn cải cách chế độ quân chủ và thủ tướng Prayuth Chan-ocha, cựu tổng tư lệnh quân đội nắm quyền từ 2014, phải từ chức. Một số người đã bị thương trong các cuộc biểu tình.

Christopher Miller, quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, nói Donald Trump sẽ giảm số lượng lính Mỹ Afghanistan từ 4.500 xuống 2.500 trước khi ông rời nhiệm sở. Ông từng dọa sẽ rút toàn bộ quân trước Giáng sinh. Những người phản đối e ngại động thái này sẽ làm suy yếu đàm phán hòa bình giữa chính phủ Afghanistan và lực lượng nổi dậy Taliban.

Ba tổ chức y tế hàng đầu, bao gồm Hiệp hội Bệnh viện Hoa Kỳ, đã thúc giục Donald Trump hợp tác với nhóm của Joe Biden để ứng phó với đại dịch covid-19. Trong khi đó, Anthony Fauci, chuyên gia hàng đầu về các bệnh truyền nhiễm, nói Mỹ cần một “cách tiếp cận thống nhất” thay vì một nỗ lực “rời rạc” theo từng bang. Mỹ hiện đã ghi nhận hơn 11 triệu ca nhiễm virus, với 1 triệu trong số đó chỉ trong tuần vừa qua.

ÚcNhật Bản công bố một hiệp ước tiến hành tập trận và hoạt động huấn luyện quân sự cùng nhau. Thỏa thuận Quyền Tiếp cận Có đi có lại là thỏa thuận đầu tiên cho phép các lực lượng vũ trang nước ngoài được hiện diện trên đất Nhật kể từ thỏa thuận với Mỹ hồi năm 1960. Thủ tướng Australia Scott Morrison, người đang thăm Tokyo, đã nói về “quan hệ đối tác chiến lược đặc biệt” giữa hai nước.

Một đảng Hồi giáo ở Pakistan cho biết họ đã đồng ý ngừng biểu tình để đổi lấy việc chính phủ hứa ủng hộ tẩy chay hàng hóa Pháp, Reuters đưa tin. Tehrik-i-Labaik đã đưa hàng nghìn người xuống đường sau tranh cãi xoay quanh tranh biếm họa về nhà tiên tri Muhammad tái xuất ở Pháp, dẫn đến một số vụ giết người của các phần tử jihad ở nước này.

Tesla sẽ tham gia chỉ số cổ phiếu S&P 500 vào tháng tới. Giá trị vốn hóa thị trường của nhà sản xuất ô tô là 400 tỷ đô la, lớn hơn mức vốn hóa thị trường của 95% công ty trong giỏ chỉ số này. Các quỹ đầu tư chỉ số phản ánh thành phần của S&P 500 sẽ phải mua khoảng 51 tỷ đô la cổ phiếu Tesla. Các suy đoán Tesla tham gia chỉ số đã giúp tăng giá cổ phiếu của hãng.

TIÊU ĐIỂM

Hồng Kông ngày càng trở nên quá đắt đỏ

Với thuế thấp, bãi biển đầy nắng và chủ nghĩa tư bản khốc liệt, Hồng Kông từ lâu đã trở thành một trong những điểm đến ưa thích của các giám đốc điều hành nước ngoài. Song giờ đây nó không còn hấp dẫn như trước. Ngoài nền chính trị ngày càng độc đoán, nó cũng đã được đánh giá là thành phố đắt đỏ nhất thế giới cho người nước ngoài sinh sống bởi Economist Intelligence Unit (EIU).

Thành phố chia sẻ vị trí đó với Zurich và Paris. Trong khi ấy, các thành phố của Mỹ đã trở nên dễ chịu hơn một chút, phần lớn nhờ vào đồng đô la rẻ hơn. Đại dịch đã chứng minh mang lại cả tin vui và tin không vui cho những kẻ săn hàng rẻ trên thế giới. EIU cho biết, trong khi các vấn đề về chuỗi cung ứng đã đẩy giá hàng hóa như đồ điện tử và rượu lên cao, thì nhu cầu tiêu dùng giảm làm giảm giá của những thứ khác, bao gồm cả quần áo. Rõ ràng không mấy ai sẵn sàng chi đậm cho một tủ quần áo chỉ để mặc ở nhà.

Các nước đặt mục tiêu xóa ung thư cổ tử cung

Hôm qua, WHO thông báo lần đầu tiên 194 quốc gia thành viên của tổ chức này sẽ hướng tới mục tiêu xóa sổ một căn bệnh ung thư. Và đó là ung thư cổ tử cung. Vì nguyên nhân chính là do nhiễm virus u nhú ở người nên việc loại bỏ hoàn toàn có thể thực hiện được nhờ vào tiêm phòng HPV định kỳ cho các cô gái trẻ. Mục tiêu cũng yêu cầu 70% phụ nữ được tầm soát ung thư cổ tử cung ở độ tuổi 35 và một lần nữa ở tuổi 45, và 90% phụ nữ được chẩn đoán mắc bệnh được điều trị.

Nếu hoàn thành các đích đến này sẽ cứu được 5 triệu người vào năm 2050. Lợi ích kinh tế là đáng kể; tỷ lệ mắc ung thư cổ tử cung ở các nước có thu nhập thấp và trung bình cao gấp đôi so với các nước có thu nhập cao. Chiến lược này được đưa ra vào một thời điểm đầy thách thức vì covid-19 đang làm gián đoạn tiêm chủng thông thường trên khắp thế giới. Nhưng năm mới hứa hẹn vắc-xin covid-19 và sự trở lại trạng thái bình thường. Điều đó sẽ cho phép cuộc chiến chống ung thư cổ tử cung được bắt đầu một cách nghiêm túc.

Tổng thống Trump muốn dành nhiều đất cho ngành dầu mỏ

Donald Trump dường như quyết tâm sử dụng những tuần cuối cùng tại vị của mình để trao cho ngành dầu nhiều đất đai nhất có thể. Hôm nay, chính quyền của ông sẽ bán đấu giá quyền khoan 78 triệu mẫu Anh ở Vịnh Mexico – mặc dù giá dầu thấp, vì đại dịch covid-19, có thể khiến nhu cầu tham gia đấu thầu thấp. Trong tuần này, họ cũng đã công bố kế hoạch cho phép các thợ khoan vào Khu Bảo tồn Hoang dã Quốc gia Bắc Cực rộng lớn ở Alaska.

Tổng thống từ lâu đã tìm cách mở cửa cho ngành công nghiệp này vào các khu vực gần như hoang sơ, giàu dầu mỏ, rộng bằng Scotland. Dù vậy, vẫn chưa rõ liệu ông có thành công hay không. Joe Biden phản đối việc khoan mới trên các vùng đất và vùng biển liên bang, và chính quyền ông có thể sẽ làm tất cả những gì có thể để ngăn chặn các thương vụ này. Ngay cả khi chúng đã được hoàn thành vào thời điểm ông Biden nhậm chức, chúng vẫn có thể bị tòa lật ngược.

Mỹ xem xét phân bổ lại băng tần vô tuyến

Tùy thuộc vào thành viên nào của chính quyền Trump mà bạn hỏi, họ sẽ cho biết Ủy ban Truyền thông Liên bang (FCC) hôm nay sẽ hoặc là bỏ phiếu để hoặc tăng tốc độ Wi-Fi, hoặc là gây ra các tai nạn giao thông có thể ngăn chặn được, hoặc sẽ đe dọa khả năng cạnh tranh công nghệ của Mỹ. Cơ quan quản lý dự kiến ​​sẽ phê duyệt kế hoạch tái phân bổ lại một phần băng tần vô tuyến đã được dành cho các nhà sản xuất ô tô vào năm 1999, và trao nó cho các hãng cáp và viễn thông và các nhà sản xuất thiết bị để có thể đáp ứng ngày càng nhiều các thiết bị hỗ trợ Wi-Fi.

Cơ quan này chỉ ra rằng các nhà sản xuất ô tô hầu như không sử dụng tần số đó, vốn nhằm mục đích để các phương tiện giao tiếp với nhau, trong hai thập niên qua. Nhưng Bộ trưởng Giao thông vận tải Elaine Chao khẳng định băng tần này vẫn có thể được sử dụng để ngăn tai nạn xe hơi và cứu nhiều mạng người. Bộ Tài chính đứng về phía bà Chao, nói thêm rằng phần băng tần còn lại cho ô tô không đủ để giữ cho công nghệ xe thông minh của Mỹ đi trước Trung Quốc. Thật không may cho họ, FCC nằm ở một bước sóng khác.

Mexico sẽ hợp pháp hóa cần sa

Hôm nay, ba ủy ban Thượng viện sẽ bỏ phiếu về một dự luật cho phép người Mexico có quyền hút cần sa để giải trí. Cho đến nay chỉ mới có Canada và Uruguay làm như vậy trên toàn quốc. Ở Mexico, các băng đảng cai trị buôn bán ma túy bất hợp pháp và sự ủng hộ của công chúng đối với hợp pháp hóa cần sa còn thấp. Các nhà hoạt động đưa điều này tiến xa vậy là nhờ đã thuyết phục được Tòa án Tối cao rằng đặc quyền được hút đã được ghi trong hiến pháp. Thượng viện sẽ bỏ phiếu thông qua dự luật mà tòa án nói phải trở thành luật trước ngày 15 tháng 12.

Đảng Morena cầm quyền sẽ phải đối mặt chỉ trích từ bộ phận bảo thủ của họ, nhưng sẽ có số phiếu cần thiết ở cả hai viện. Vẫn còn đó những tranh cãi phút cuối về số lượng các quy định điều chỉnh thị trường cần sa. Quá ít quy định sẽ khuyến khích sử dụng đại trà và không mang lại nhiều tiền thuế, trong khi quá nhiều sẽ thúc đẩy thị trường chợ đen trong khi gạt ra ngoài lề những người mua và người trồng cần sa nghèo hơn. Sau các cuộc tranh luận căng thẳng, các chính trị gia có thể vui mừng vì có thứ gì đó để giúp họ thư giãn.