Nguồn: Tetsushi Takahashi, Beijing Diary, Nikkei Asian Review, 8/2020.
Người dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy
Thứ Bảy vừa rồi (22/08/2020) là kỷ niệm 116 năm ngày sinh Đặng Tiểu Bình, người đã đưa Trung Quốc “cải cách và mở cửa”.
Ông Đặng xem mối quan hệ với Hoa Kỳ là vấn đề quan trọng hàng đầu. Nhưng hơn hai thập niên sau khi ông qua đời vào năm 1997 ở tuổi 92, cách tiếp cận của ông đã trở thành dĩ vãng.
Phấn khởi vì thời tiết đẹp, tôi ngẫu hứng đến thăm một ngôi nhà cũ của Đặng. Nó nằm gần công viên Jingshan, ngay phía bắc Tử Cấm Thành. Khi tôi đi dọc theo một hutong – ngõ hẹp hình thành bởi những dãy nhà truyền thống – cánh cổng tôi đang đi tìm hiện ra trước mắt.
Tôi hỏi một cụ già đang tập thể dục ở phía trước nhà xem đó có phải thực sự là nơi ở trước đây của Đặng không. “Đúng rồi,” ông cụ đáp.
Người này nói ông sống gần đó và đã ngoài 90 tuổi, và cho biết đã từng thấy Đặng rời khỏi nhà vài lần hồi những năm 1980.
“Người bình thường như chúng tôi không thể nói chuyện với ông ấy vì ông ấy là nhà lãnh đạo tối cao”, ông cụ nói và thêm rằng điều này “một phần bởi vì ông ấy được bao quanh bởi nhiều cận vệ.”
Ông Đặng chuyển đến ngôi nhà này vào cuối những năm 1970 và ở đó cho đến khi qua đời. Ẩn mình khỏi những hối hả và nhộn nhịp của một thành phố lớn, Đặng hẳn đã suy tư về cách xây dựng lại nền kinh tế bị tàn phá bởi Cách mạng Văn hóa 1966-1976 và tạo ra môi trường quốc tế thuận lợi cho Trung Quốc.
Mỹ rõ ràng nằm trong chiến lược của ông. Long Yongtu, người từng là nhà đàm phán hàng đầu của Trung Quốc trong quá trình gia nhập WTO, tiết lộ một tình tiết thú vị trong một tài liệu gần đây.
Hội nghị lần thứ ba của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 11 quyết định chuyển sang chính sách cải cách và mở cửa vào tháng 12 năm 1978. Ngay tháng sau, ông Đặng đến thăm Hoa Kỳ.
Theo ông Long, khi một người hỏi Đặng tại sao lại vội vàng đến Mỹ, ông trả lời: “Tôi đã quan sát thế giới trong nhiều năm và rút ra một kết luận: Các nước có quan hệ tốt với Mỹ đều trở nên giàu có.”
Về sau, khi các nước phương Tây cùng nhau chỉ trích Trung Quốc sau sự kiện Thiên An Môn tháng 6 năm 1989, Đặng đã đề ra một chính sách đối ngoại nổi tiếng đến ngày nay: “thao quang dưỡng hối”. Ý của nó là Trung Quốc nên thúc đẩy kinh tế của mình mà không gây hấn với các nước phương Tây, bao gồm Mỹ.
Trung Quốc đã trung thành làm theo lời dạy của Đặng và kết quả là vượt qua Nhật Bản trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vào năm 2010 – chỉ sau Mỹ.
Phải chăng các lãnh đạo Trung Quốc giờ đây chuyển sang tin rằng không còn cần phải khiêm nhường trong quan hệ với Washington nữa?
Chủ tịch Tập Cận Bình, người lên nắm quyền lãnh đạo Đảng Cộng sản với cương vị Tổng bí thư và trở thành lãnh đạo tối cao của đất nước vào mùa thu năm 2012, đã từ bỏ chính sách “thao quang dưỡng hối” của Đặng, và thúc đẩy việc đưa Trung Quốc trở thành “cường quốc”.
Có thể cho rằng điều này đã khiến cuộc đối đầu của Trung Quốc với Mỹ giờ đây không còn đường lui. Nếu Đặng vẫn còn sống, ông sẽ làm gì bây giờ? Tôi chia tay ngôi nhà cũ của ông Đặng, và mường tượng ông bước ra khỏi đó.
Tetsushi Takahashi là trưởng văn phòng của Nikkei ở Trung Quốc.