Nguồn: “Biden’s ‘middle-class foreign policy’ departs from Obama and Trump”, Nikkei Asia, 15/12/2020.
Người dịch: Phan Nguyên
Một báo cáo ít được chú ý được Quỹ Carnegie vì Hoà bình Quốc tế (Carnegie Endowment for International Peace) công bố ngay trước cuộc bầu cử tổng thống ngày 3 tháng 11 được coi là đãvạch ra lộ trình chính sách đối ngoại cho chính quyền của Tổng thống đắc cử Joe Biden.
Với tiêu đề “Để chính sách đối ngoại Hoa Kỳ phục vụ tốt hơn cho tầng lớp trung lưu”, báo cáo lập luận rằng không có phương pháp tiếp cận chính sách đối ngoại lớn nào hiện nay – cho dù làchủ nghĩa quốc tế tự do sau Chiến tranh Lạnh được các chính quyền Đảng Cộng hòa và Dân chủ kế tiếp áp dụng, chính sách “Nước Mỹ trên hết” của Tổng thống Donald Trump, hay việc tập trung vào biến đổi khí hậu hoặc cắt giảm quy mô chi tiêu quốc phòng của Mỹ do các tổ chức cấp tiến đề xuất – thu hút được sự ủng hộ rộng rãi ở Mỹ.
Thay vào đó, báo cáo kêu gọi một chính sách đối ngoại khiêm tốn, “ít tham vọng hơn” nhằm tránh các cuộc chiến tranh thay đổi chế độ và đảm bảo rằng các quyết định được đưa ra có lợi cho tầng lớp trung lưu ở quê nhà.
Ba đặc điểm nổi bật của báo cáo là, giống như Trump, nó thừa nhận rằng toàn cầu hóa không có lợi cho người Mỹ; nhóm chính sách đối ngoại phải phối hợp như thế nào với nhóm chính sách trong nước và nhóm kinh tế để điều chỉnh chính sách của Hoa Kỳ; và Mỹ nên nỗ lực để xây dựng một sự đồng thuận chính trị mới về một chính sách đối ngoại phù hợp hơn với tầng lớp trung lưu Mỹ.
Hai trong số các lựa chọn nhân sự của Biden cho thấy rằng báo cáo này của Carnegie sẽ có vai trò nổi bật.
Đầu tiên, lựa chọn cố vấn an ninh quốc gia của ông, Jake Sullivan (trong hình), là đồng tác giả của báo cáo và đã tư vấn cho Biden trong suốt chiến dịch tranh cử tổng thống.
Khi Biden giới thiệu Sullivan vào ngày 24 tháng 11, ông nói rằng người được bổ nhiệm trẻ tuổi sẽ mang lại “tư duy mới” cho việc hoạch định chính sách đối ngoại.
“Jake hiểu tầm nhìn của tôi, rằng an ninh kinh tế chính là an ninh quốc gia và điều này giúp địnhhướng điều mà tôi gọi là chính sách đối ngoại cho tầng lớp trung lưu, cho những gia đình như nơi anh ấy lớn lên ở Minnesota, nơi anh ấy được nuôi dưỡng bởi cha mẹ là những giảng viên và dạy anh ấy các giá trị của làm việc chăm chỉ, lễ phép, cống hiến và tôn trọng,” Biden nói.
Thứ hai, việc chọn cựu Cố vấn An ninh Quốc gia Susan Rice, một chuyên gia chính sách đối ngoại lâu năm, làm giám đốc Hội đồng Chính sách Nội địa của Nhà Trắng, cho thấy bà đóng vai trò là người liên lạc giữa hai nhóm an ninh quốc gia và kinh tế.
Khi giới thiệu Rice hôm thứ Sáu tuần trước, Biden cho biết Rice sẽ hợp tác chặt chẽ với Sullivan và Brian Deese, lựa chọn của tổng thống đắc cử cho vị trí giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia.
“Họ sẽ cùng nhau điều chỉnh chính sách trong nước, chính sách kinh tế và an ninh quốc gia theocách không giống như trước đây”, Biden nói.
Rice cũng nói rằng “trong thế kỷ 21, các mục tiêu đối ngoại, kinh tế và đối nội của chúng ta đan xen sâu sắc.”
Biden cũng nói về chiến lược mới khi giới thiệu lựa chọn nhân sự của mình cho vị trí Đại diện thương mại Hoa Kỳ, Katherine Tai. Ông nói: “Thương mại sẽ là một trụ cột quan trọng trong khả năng xây dựng trở lại tốt hơn và việc thực hiện chính sách đối ngoại của chúng ta – mộtchính sách đối ngoại dành cho tầng lớp trung lưu”.
Tất cả điều này báo trước một chính sách đối ngoại có vẻ khác biệt đáng kể so với chính sách của Trump và của cựu Tổng thống Barack Obama.
Edward Alden, nhà nghiên cứu cấp cao tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, nói với Nikkei Asia: “Cho đến nay, các cuộc đàm phán thương mại tập trung nhằm đảm bảo cơ hội kinh doanh cho các công ty Mỹ, và ở mức độ thấp hơn, là nhằm giảm giá hàng hoá cho người tiêu dùng Mỹ.”
Ông nói: “Không có khái niệm nâng tầng lớp trung lưu trong cấu trúc hiện tại. Đó sẽ là một tập hợp các ưu tiên khác biệt.”
Nhóm dự án của Carnegie đã thực hiện hàng trăm cuộc phỏng vấn với các chủ doanh nghiệp nhỏ, nông dân, nhà giáo dục, quan chức chính quyền địa phương và tiểu bang, và những người khác ở Ohio, Nebraska và Colorado, để hỏi suy nghĩ của họ về chính sách đối ngoại Hoa Kỳ.
Báo cáo cho biết trong phần tóm tắt mở đầu: “Sau ba thập niên Mỹ chiếm ưu thế trên trường thế giới, tầng lớp trung lưu của Mỹ đang ở trong tình trạng bấp bênh.”
“Toàn cầu hóa đã mang lại lợi ích không cân xứng cho những người có thu nhập cao nhất của quốc gia và các công ty đa quốc gia, đồng thời làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng kinh tế ngày càng gia tăng trong nước. Nó không thúc đẩy mức tăng lương thực tế trên diện rộng cho công nhân Mỹ”, báo cáo lưu ý.
Báo cáo không nêu rõ liệu Biden có nên tham gia lại hiệp định thương mại Đối tác xuyên Thái Bình Dương hay không nhưng nhắc lại rằng cả người Mỹ thành thị và nông thôn đều nhấn mạnh rằng chính quyền trước đây đã không làm đủ nhiều để chính sách đối ngoại phục vụ tốt hơn lợiích của tầng lớp trung lưu.
Nhu cầu về một “sự đồng thuận chính trị mới” bắt nguồn từ quan điểm rằng các đồng minh và đối tác trên thế giới không còn tin tưởng vào các thỏa thuận mà họ ký với Washington. Nỗi lo sợ rằng bất kỳ thỏa thuận nào với chính quyền Mỹ sẽ không thể sống sót sau quá trình chuyển đổi chính trị sang giai đoạn tiếp theo đã dẫn đến việc các đồng minh “ngày càng phòng vệ nước đôi trước rủi ro, cố gắng duy trì thiện chí của Hoa Kỳ trong khi vẫn để ngỏ các lựa chọn của họ với Trung Quốc và các đối thủ khác của Mỹ“, báo cáo viết.
Edward Alden cho biết báo cáo đáng nhận được sự chú ý lớn hơn so với những gì nó nhận được trong thời gian chuẩn bị cho cuộc bầu cử vào tháng 11.
Ông nói rằng việc báo cáo của Carnegie kêu gọi một chính sách đối ngoại “ít tham vọng hơn” mâu thuẫn với quan điểm của những người có khả năng thay thế Trump trong Đảng Cộng hòa. “Ngoại trưởng Mike Pompeo và các thượng nghị sĩ Marco Rubio, Tom Cotton và Josh Hawley đều đang châm ngòi cho một cuộc đối đầu toàn cầu mới với Trung Quốc. Họ tin rằng họ có thể xây dựng một vị thế chính trị vững chắc hơn bằng cách chống Trung Quốc”, ông nói.
Báo cáo lưu ý: “Không có bằng chứng nào cho thấy tầng lớp trung lưu của Mỹ sẽ ủng hộ những nỗ lực nhằm khôi phục vị thế thống trị của Mỹ trong một thế giới đơn cực, leo thang cuộc Chiến tranh Lạnh mới với Trung Quốc hoặc tiến hành một cuộc đấu tranh lớn giữa các nền dân chủ trên thế giới và các chính phủ độc tài.”
Bên nào đánh giá chính xác tâm lý của người Mỹ – Biden và Sullivan hoặc những người có khả năng lên lãnh đạo Đảng Cộng hòa – có thể là một nhân tố quan trọng trong các cuộc bầu cử trong tương lai.
Dale Mathias, một nhà đầu tư mạo hiểm vào các doanh nghiệp công nghệ ở Mỹ và châu Phi và trước đây là phó chủ tịch công ty tư vấn tài chính và quản lý tài sản Lazard Freres, nói rằng giải quyết những thách thức kinh tế mà tầng lớp trung lưu Mỹ đối mặt phải là ưu tiên hàng đầu của bất kỳ chính quyền nào.
Mathias nói: “Mỹ đã không tiếp nhận lại một cách phù hợp hàng trăm nghìn đàn ông và phụ nữ đã được triển khai đến Trung Đông và bị thương, tàn tật hoặc thậm chí tử vong. Những người vợ, con cái và gia đình của họ đã bị ảnh hưởng bởi những biến cố làm thay đổi cuộc đời, và Mỹ đã không giải quyết được một cách hợp lý những vấn đề này một cách trực tiếp”.
Kể từ khi đắc cử, Biden đã nhiều lần nói với người Mỹ rằng “chúng tôi đang chuẩn bị đưa ra sự giúp đỡ, rằng “chính sách đối ngoại vì tầng lớp trung lưu” của ông là nhằm giải quyết những vấn đề này.
Báo cáo của Carnegie cho biết: “Đơn giản là có rất ít sự ủng hộ từ công chúng dành cho cuộc cách mạng của Trump về chính sách đối ngoại Mỹ.”
“Nhưng điều đó không nên được diễn giải quá mức là công chúng ủng hộ khôi phục sự đồng thuận chính sách đối ngoại đã định hướng cho các chính quyền Cộng hòa và Dân chủ trước đây”, báo cáo nói thêm. “Bộ chính sách đó đã khiến quá nhiều cộng đồng người Mỹ dễ bị tổn thương bởi sự dịch chuyển kinh tế và đã đi xa quá mức trong việc cố gắng tạo ra sự thay đổi xã hội rộng khắp ở các nước khác. Tầng lớp trung lưu Mỹ muốn có một con đường mới tiến về phía trước.”
“Khôi phục khả năng dự đoán được và tính nhất quán trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ đòi hỏi phải xây dựng một sự ủng hộ chính trị trên diện rộng cho nó”, báo cáo lưu ý. “Và con đường tốt nhất và có lẽ duy nhất hiện nay để xây dựng lại một sự ủng hộ như vậy nằm ở việc làm sao để chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ phục vụ tốt hơn cho tầng lớp trung lưu.”