Thế giới hôm nay: 23/04/2021

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Bộ trưởng Quốc phòng Nga đã ra lệnh rút quân khỏi biên giới với Ukraine. Ông Sergei Shoigu nói mục tiêu điều động binh lính, được cho là có hơn 100.000 binh sĩ và gây ra căng thẳng địa chính trị nhiều tuần nay, đã “hoàn thành”. Nhưng người ta vẫn quan ngại. BBC đưa tin Nga đang có kế hoạch phong tỏa các khu vực trên Biển Đen, điều sẽ ảnh hưởng đến các cảng của Ukraine.

Jordan đã trả tự do cho 16 người bị giam giữ vì tội “gây rối” vài tuần sau khi nhà chức trách cho biết họ đã tiêu diệt một âm mưu gây mất ổn định vương quốc. Những người này được thả theo yêu cầu của Vua Abdullah II, người cai trị Jordan. Hai nghi phạm chủ chốt, cựu bộ trưởng phụ trách hoàng gia và cựu đặc phái viên tại Ả Rập Saudi, tiếp tục bị giam.

Hội đồng quản trị của Công ty Sản xuất Chất bán dẫn Đài Loan (TSMC) đã phê duyệt khoản đầu tư 2,9 tỷ đô la để đẩy mạnh sản xuất chất bán dẫn, vốn đang thiếu hụt trên toàn cầu. Ford tuyên bố sẽ tiếp tục cho ngừng 5 nhà máy lắp ráp xe ở Bắc Mỹ vì thiếu chip. Hãng sản xuất ô tô Renault của Pháp cũng thông báo sụt giảm sản lượng và doanh thu vì thiếu chip.

Ủy ban châu Âu đang chuẩn bị khởi kiện AstraZeneca, vài tháng sau khi công ty thông báo sẽ không thể cung cấp đủ 300 triệu liều vắc-xin như đã cam kết trong hợp đồng. Cụ thể hồi tháng 3, công ty cho biết sẽ chỉ cung cấp được chưa tới một phần ba con số đã kí. Ủy ban cũng cho biết sẽ không dùng quyền chọn mua thêm 100 triệu liều.

Bộ trưởng tài chính Đức Olaf Scholz nói chính phủ không chịu trách nhiệm về vụ bê bối Wirecard. Phát biểu trước một ủy ban điều tra của quốc hội về vụ việc 1,9 tỷ euro (2,3 tỷ đô la) mất tích khỏi tài khoản của công ty này hồi tháng 6 năm ngoái, ông Scholz đổ lỗi cho hãng kiểm toán EY vì đã không phát hiện ra các thủ thuật kế toán gian dối của Wirecard. Nhưng ông cũng thừa nhận những điểm yếu trong hệ thống quản lý của Đức do chính ông giám sát.

Mạng truyền hình HBO có thêm 2,7 triệu người đăng ký mới tại Mỹ cho dịch vụ phát trực tuyến Max, lên 9,7 triệu, chỉ trong ba tháng đầu năm nay. Mức tăng này lớn hơn dự đoán ​​của các nhà phân tích, và cũng lớn hơn con số của Netflix, đối thủ chính của HBO Max, bên chỉ thu được 450.000 người đăng ký mới ở Mỹ và Canada trong cùng quý.

Tòa án Tối cao Mỹ ủng hộ quyền của các bang trong việc kết án tù chung thân không ân xá đối với thanh thiếu niên. Vụ kiện này liên quan đến một người đàn ông 31 tuổi đến từ Mississippi, người đã đâm chết ông nội của mình khi mới 15 tuổi. Trong 20 năm qua, Tòa liên tục cho rằng trẻ vị thành niên chưa phát triển đầy đủ về mặt tâm thần, và do đó ít đáng tội hơn người lớn; nhưng phán quyết lần này, với tỉ số 6-3 đúng theo phân chia đảng phái, là một sự đảo ngược hoàn toàn.

TIÊU ĐIỂM

Hệ thống bệnh viện Ấn Độ thiếu oxy y tế trầm trọng

Ấn Độ bắt đầu ghi nhận hơn 300.000 ca covid-19 mới hàng ngày từ thứ Tư – một kỷ lục thế giới – trong khi đồ thị dốc đứng cho thấy vẫn còn nhiều khó khăn phía trước. Làn sóng đầu tiên với mức đỉnh hàng ngày gần 100.000 ca hồi tháng 9 giờ đây nghe như một kỷ niệm đẹp. Thống kê có khoảng 2.100 bệnh nhân Ấn Độ đã chết trong hôm qua, nhưng với việc thi thể nằm chất đống ở các nhà hỏa táng thì rõ ràng con số thực còn lớn hơn nhiều.

Thực ra bản thân virus đã trở nên dễ lây lan hơn — và có lẽ cũng gây chết người nhiều hơn. Tuy nhiên, sự khác biệt giữa sự sống và cái chết là một hệ thống y tế đã sụp đổ. Một ví dụ tiêu biểu là tình trạng đột ngột thiếu oxy y tế. Các bang hiện đang tranh giành oxy với nhau và đổ lỗi cho chính phủ đã cho phép trục lợi xuất khẩu vật tư. Delhi đang cho vận chuyển hàng không các bình oxy hóa lỏng, đồng thời, theo chính quyền bang Haryana, cũng giành giật thêm từ các bang láng giềng. Và điều tồi tệ nhất là thiếu oxy tính bằng tuần chứ không phải chỉ vài phút.

ASEAN tổ chức thượng đỉnh bàn về Myanmar

Ngày mai ASEAN sẽ tổ chức một cuộc họp khẩn cấp tại Jakarta, thủ đô Indonesia, để thảo luận về cuộc khủng hoảng Myanmar. Quân đội nước này đã cướp chính quyền trong cuộc đảo chính hồi tháng 2 và kể từ đó đã giết chết hơn 730 người nhằm dập tắt biểu tình.

ASEAN thường không can thiệp vào các vấn đề nội bộ của các thành viên. Song họ đang tạo ra một ngoại lệ cho Myanmar. Với hàng nghìn người tị nạn chạy sang các nước láng giềng Ấn Độ và Thái Lan, cuộc khủng hoảng đang nhanh chóng trở thành một vấn đề mang tầm khu vực. Các cuộc đàm phán hiện tại chỉ mới bước đầu, với mục đích cuối cùng là thiết lập hòa bình. ASEAN hiện gặp rắc rối vì mời tổng tư lệnh Min Aung Hlaing mà không mời phe đối lập, một chính phủ đoàn kết dân tộc được thành lập bởi các chính trị gia vừa bị đảo chính. Nhưng nếu ASEAN mời họ, Tướng Min Aung Hlaing có thể đã từ chối tham dự. Đưa cả hai bên cùng vào bàn đàm phán là thách thức lớn nhất của ASEAN.

Tốc độ phục hồi của Nhật Bản bị kìm hãm bởi các đợt bùng dịch

Khi tỷ lệ lạm phát năm ngoái của Nhật Bản được công bố hôm nay, chính phủ cũng sẽ công bố tình trạng khẩn cấp lần thứ ba cho Tokyo và ba tỉnh khác để ngăn một đợt bùng dịch covid-19 mới. Sự kiện này nhắc nhớ chúng ta về ảnh hưởng của các đợt bùng dịch liên tục và việc triển khai vắc-xin chậm chạp lên tốc độ phục hồi kinh tế. Hiện niềm tin kinh doanh đã được cải thiện trong quý đầu năm, nhưng là nhờ sự phục hồi ấn tượng của các đối tác thương mại lớn nhất của Nhật. Triển vọng trong nước ảm đạm hơn, đặc biệt với những hạn chế mới đặt ra. Và dù Nhật Bản ghi nhận ít ca nhiễm và ca tử vong trên đầu người hơn Mỹ, đợt bùng phát mới nhất lại là do các chủng mới dễ lây lan hơn.

Đại dịch cũng đã làm tiêu tan tham vọng sớm nâng lạm phát lên mức mục tiêu 2% của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản. Tại buổi họp bàn chính sách trong tuần tới, ngân hàng được cho là sẽ dự báo lạm phát duy trì quanh mức 1% trong năm 2023.

Biden sẽ xác nhận cuộc diệt chủng Armenia

Các sự kiện của hơn một thế kỷ trước vẫn còn đang làm căng thẳng mối quan hệ Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ. Vào ngày mai tổng thống Mỹ Joe Biden dự kiến sẽ gọi các cuộc thảm sát và trục xuất người Armenia bởi quân đội Ottoman trong Thế chiến I làm hàng trăm nghìn người thiệt mạng là tội ác diệt chủng (24/4 là ngày kỉ niệm cuộc diệt chủng). Điều này sẽ khiến ông Biden trở thành tổng thống đương nhiệm đầu tiên kể từ Ronald Reagan dùng thuật ngữ này để nói về vụ thảm sát người Armenia. Các tổng thống khác đã né tránh nhằm không chọc tức Thổ Nhĩ Kỳ, bên  luôn khăng khăng là không có cuộc diệt chủng nào cả.

Một thập niên trước, nếu thừa nhận cuộc diệt chủng sẽ gây hại cho mối quan hệ tương đối thân tình với một đồng minh chủ chốt. Nhưng giờ đây, Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đang có mâu thuẫn về một số cuộc xung đột khu vực cũng như về hợp tác quốc phòng của Thổ Nhĩ Kỳ với Nga. Thay vì châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng mới, lời nói của ông Biden sẽ chỉ làm sâu sắc thêm một cuộc khủng hoảng đang diễn ra. Có thể dự đoán các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phản đối dữ dội.