Thế giới hôm nay: 06/09/2019

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Công ty cho thuê không gian văn phòng chia sẻ WeWork được cho là đã giảm mức định giá của họ xuống còn 20-30 tỷ đô la trước khi niêm yết theo kế hoạch. Đây là mức giảm mạnh từ mức định giá 47 tỷ đô la của SoftBank, một nhà đầu tư lớn, vào đầu năm nay. WeWork cũng có thể lùi ngày IPO của họ sang 2020. 12 tháng qua chứng kiến một loạt vụ niêm yết các công ty công nghệ khổng lồ mà cuối cùng đều thất bại.

Bão Dorian đã phá hủy phần lớn bờ biển Carolina của Mỹ với gió mạnh, gây mất điện và lũ lụt. Nó đã tấn công quần đảo Bahamas với sức gió lên tới 185m/h (298km/h) – cơn bão mạnh nhất từng được ghi nhận khi đổ vào đất liền – khiến 20 người thiệt mạng. Dorian có thể gây thiệt hại ở Mỹ từ Georgia ở phía nam lên tận Virginia ở phía bắc.

Em trai của thủ tướng Anh Boris Johnson đã từ chức khỏi chính phủ. Không như anh mình, Jo Johnson, quốc vụ khanh phụ trách mảng đại học, đã bỏ phiếu ở lại Liên minh châu Âu. Ông được cho là thất vọng vì quyết định gần đây của Thủ tướng nhằm thanh trừng các nghị sĩ Đảng Bảo thủ chống lại Brexit không thỏa thuận. Ông nói rằng ông “bị giằng xé giữa lòng trung thành với gia đình và lợi ích quốc gia.”

Nam Phi đã đóng cửa đại sứ quán của họ ở Nigeria vì lý do an toàn. Các cơ quan ngoại giao của nước này đã bị tấn công trả đũa sau khi các đám đông bài ngoại (người Nam Phi) cướp phá và phá hủy các cửa hàng, trong số đó có các cửa hàng thuộc sở hữu nước ngoài, tại Johannesburg. Nigeria cũng rút khỏi một hội nghị của Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Cape Town để phản đối các cuộc tấn công vào công dân của họ ở Nam Phi.

Iran sẽ tăng tốc làm giàu uranium, có thể được dùng để chế tạo vũ khí hạt nhân. Đây là đòn giáng mới nhất vào thỏa thuận không phổ biến vũ khí hạt nhân mà Iran đã ký với sáu cường quốc khác hồi năm 2015. Tổng thống Donald Trump đã rút Mỹ khỏi thỏa thuận này và áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Iran. Trái lại, các cường quốc châu Âu vẫn hy vọng giữ lại thỏa thuận này.

Thị trường toàn cầu đang phấn khởi khi có tin rằng MỹTrung Quốc sẽ tổ chức các cuộc đàm phán thương mại mới. Lưu Hạc, trưởng nhóm đàm phán thương mại của Bắc Kinh, sẽ tới Washington vào đầu tháng 10. Cổ phiếu Mỹ tăng mạnh; lợi suất chuẩn trái phiếu kho bạc 10 năm tăng hơn 12 điểm cơ bản. Nếu đàm phán diễn ra vào tháng 10, thuế quan mới của Mỹ lúc đó đã có hiệu lực, có khả năng khiến một thỏa thuận trở nên khó khăn hơn.

Dữ liệu kinh tế ảm đạm được công bố ở Đức, nơi đơn đặt hàng nhà máy trong tháng 7 giảm mạnh 2,7% so với tháng 6. Nhóm hàng hóa sản xuất bán cho các nước ngoài khu vực đồng euro đặc biệt giảm mạnh – tới 6,7%. Các nhà kinh tế đổ lỗi cho sự bất định của Brexit và thương chiến Trung-Mỹ khiến các đơn hàng suy giảm. Các lo ngại cho rằng Đức đã bước vào suy thoái đang gia tăng.

TIÊU ĐIỂM

Tàu vũ trụ không người lái của Ấn Độ đến Mặt Trăng

Sứ mạng không gian thứ hai của Ấn Độ đến Mặt trăng, Chandrayaan-2 (tiếng Phạn nghĩa là “máy bay mặt trăng”), được dự đoán sẽ hạ cánh trên bề mặt mặt trăng vào ngày mai. Màn hạ cánh sẽ cho thế giới biết nhiều điều về tham vọng trở thành cường quốc không gian của Ấn Độ. Nhiệm vụ không người lái này bị trì hoãn nhiều lần, cuối cùng được phóng lên vũ trụ từ miền nam Ấn Độ vào ngày 22 tháng 7. Một cuộc đổ bộ thành công sẽ đưa Ấn Độ trở thành thành viên thứ tư của câu lạc bộ mặt trăng, sau Mỹ, Trung Quốc và Liên Xô.

Sứ mạng lên mặt trăng đầu tiên của Ấn Độ, tàu Chandrayaan-1, quay quanh Mặt trăng vào năm 2008 và giúp xác nhận sự tồn tại của băng mặt trăng. Sứ mạng kế nhiệm của nó đi kèm một chiếc rover, chiếc xe sẽ di chuyển trên bề mặt mặt trăng trong hai tuần để thực hiện các thí nghiệm. Tổ chức Nghiên cứu Vũ trụ Ấn Độ cho biết module hạ cánh đã tách thành công khỏi tàu mẹ vào thứ Hai và dự kiến sẽ hạ cánh trên bề mặt vào cuối tuần này. Bangalore hy vọng rằng, không như Houston, họ sẽ không gặp vấn đề gì.

Giải giáp vũ khí nhóm phiến quân Hồi Giáo Philippines

Ngày mai nhà chức trách Philippines sẽ bắt đầu giải giáp số vũ khí của khoảng 40.000 người Hồi giáo, tất cả là cựu phiến quân thuộc Mặt trận Giải phóng Hồi giáo Moro (MILF). Đây là một phần của một quá trình nhằm chấm dứt năm thập niên rối loạn, trong đó hàng chục ngàn người bị giết ở khu vực phía nam Mindanao. MILF đang đổi hòa bình lấy quyền tự trị lớn hơn ở các vùng nơi người Hồi giáo chiếm đa số ở Philippines, một đất nước chủ yếu của người Kitô giáo.

Chính quyền hy vọng rằng hòa bình, và những lợi ích kinh tế mà nó mang lại, sẽ khiến cho chủ nghĩa thánh chiến trở nên kém hấp dẫn hơn đối với người Hồi giáo. Các lực lượng chính phủ đã đẩy lui Nhà nước Hồi giáo (IS) ra khỏi thành phố Marawi hai năm trước và hiện kiểm soát để IS không thể liên minh với các lực lượng MILF. Nhưng IS vẫn là một mối đe dọa, vì vậy các tay súng MILF, vốn không quen với việc không vũ trang, sẽ rất lo lắng về việc phải giao nộp vũ khí của mình.

Tin xấu từ thị trường lao động Mỹ

Trong bối cảnh căng thẳng thương mại gia tăng và lo ngại suy thoái kinh tế, mọi con mắt đều đổ dồn vào thị trường lao động Mỹ. Số liệu cung cấp ngày hôm nay sẽ cho thấy một bức tranh tổng quan về nền kinh tế. Dữ liệu gần đây cho thấy phía trước sẽ có những hỗn loạn. Trung bình có 165.000 việc làm mới được tạo ra mỗi tháng trong bảy tháng đầu năm nay, thấp hơn nhiều so với mức trung bình hàng tháng của năm 2018 là 223.000.

Sụt giảm thời gian làm việc trung bình hàng tuần cũng có thể là chỉ dấu thể hiện những rắc rối sâu sắc. Vào tháng 7, số giờ làm việc trung bình đã giảm 0,6% so với một năm trước đó trong khu vực tư nhân và 1,5% ở ngành chế tạo. Các công ty có thể cắt giảm thời gian làm việc vì họ phải đối mặt với sự bất định hoặc nhu cầu thấp. Các dự báo về suy thoái kinh tế có thể tác động đến các  nhà quản lý ngân hàng trung ương của Mỹ, những người sẽ gặp nhau vào ngày 17 tháng 9. Thị trường đang bồn chồn lo lắng, trước các khó khăn phía trước, họ đang rất mong chờ vào việc cắt giảm lãi suất.

Số việc làm mới hàng tháng ở Mỹ.

Hội nghị thượng đỉnh giữa các nước Mỹ Latinh về rừng Amazon

Hôm nay, các tổng thống Colombia, Ecuador và Peru sẽ gặp nhau tại thành phố Leticia của Colombia để thảo luận về các biện pháp chung nhằm bảo vệ rừng nhiệt đới Amazon. Cuộc họp là một phản ứng trước lời kêu gọi của quốc tế về các đám cháy đang hoành hành khắp khu vực. Tại Brazil, hơn 80.000 đám cháy đã xảy ra từ đầu năm đến nay, nhiều hơn 84% so với cùng kỳ năm 2018. Nhiều người đổ lỗi cho sự vô trách nhiệm đối với môi trường của Tổng thống Jair Bolsonaro, nói rằng ông đã khuyến khích phá rừng và việc đốt rừng làm rẫy.

Ông Bolsonaro đổ lỗi cho các tổ chức phi chính phủ về các vụ hỏa hoạn và từ chối nhận viện trợ 20 triệu đô la từ các nước G7. Đầu tuần này, ông tuyên bố không tham dự hội nghị thượng đỉnh ở Colombia vì phải phẫu thuật. Bộ trưởng ngoại giao sẽ đi thay. Tổng thống đã kêu gọi người Brazil xuống đường vào thứ Bảy, cũng là ngày độc lập của đất nước, với trang phục màu vàng và màu xanh lá cây, “để cho thế giới thấy rằng Amazon là của chúng ta.” Còn những người phản đối sẽ mặc màu đen.

Bầu cử vùng ở Nga: Kết quả đã biết trước?

Chủ nhật này người Nga sẽ đi bầu các thống đốc và nghị viện địa phương. Kết quả sẽ dẫn tới các cách diễn dịch khác nhau. Cũng như ở nhiều quốc gia độc tài khác, các cuộc bầu cử được thiết kế không phải để cung cấp các lựa chọn thay thế, mà là để loại bỏ chúng. Để đạt được điều này, Kremlin đã tạo nên một hệ thống ngăn chặn bất kỳ ứng cử viên đối lập độc lập nào đăng ký tranh cử. Ở Moskva, điều này đã gây ra các cuộc biểu tình rầm rộ suốt mùa hè. Nhưng có một cách để đối phó.

Alexei Navalny, nhà lãnh đạo phe đối lập nổi bật nhất, tuy chính thức không có cơ hội tham gia cuộc đua, nhưng đang tích cực thúc đẩy chiến lược “bỏ phiếu thông minh.” Ý tưởng là bỏ phiếu cho bất kỳ ứng cử viên nào có thể đánh bại được các ứng cử viên hàng đầu của Kremlin, mặc kệ ý thức hệ của họ là gì. Mục đích của ông là phá vỡ sự áp đảo của Kremlin. Kết quả ở Moskva và St Petersburg là đặc biệt quan trọng. Một thất bại mang tính biểu tượng (của Kremlin) ở hai “thủ đô” có thể dẫn đến một số hệ lụy chính trị thực sự.