Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy
Ủy ban Châu Âu đã bắt đầu các thủ tục pháp lý chống lại AstraZeneca vì cáo buộc vi phạm hợp đồng. Mấu chốt của vụ kiện là việc hãng dược này không cung cấp đủ 100 triệu liều vắc xin covid-19 cho khối trong quý đầu năm 2021; cụ thể chỉ phân phối được khoảng một phần ba. Hoạt động tiêm chủng ở EU chậm hơn so với Mỹ và Anh.
Mỹ sẽ bắt đầu chia sẻ kho dự trữ vắc-xin AstraZeneca của họ với thế giới sau khi các cuộc thanh tra an toàn của liên bang hoàn tất. Chính quyền không nêu rõ lô thuốc này, có khả năng lên tới 60 triệu liều, sẽ được chuyển tới nước nào, nhưng được biết Mỹ đưa ra cam kết trên ngay sau cuộc nói chuyện giữa Tổng thống Joe Biden và thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi.
Số ca nhiễm covid-19 mới theo ngày ở Ấn Độ ngày thứ năm liên tiếp lập kỷ lục thế giới. Theo đó cứ ba ngày nước này lại ghi nhận thêm 1 triệu ca mới. Chỉ trong ngày Chủ nhật, họ ghi nhận gần 353.000 ca mới và 2.812 ca tử vong, với con số thực tế được cho là cao hơn nhiều. Mỹ, Anh và châu Âu đã cam kết gửi các vật tư y tế bao gồm oxy và máy thở. Làn sóng lây nhiễm thứ hai xuất phát một phần từ các biến thể virus mới đã đẩy hệ thống y tế nước này đến bờ vực sụp đổ.
Các công tố viên Nga đã ra lệnh cho các nhóm vận động ủng hộ Alexei Navalny, thủ lĩnh phe đối lập đang ngồi tù, ngừng các hoạt động của họ. Lệnh này được đưa ra ngay trước một phán quyết tòa án được cho là sẽ gán cho Quỹ Chống Tham nhũng, tổ chức chính trị của ông Navalny, là “cực đoan”. Nhãn này thường chỉ dành cho các nhóm khủng bố hoặc tổ chức tôn giáo. Ngoài ra hàng chục nhân viên của ông Navalny cũng đã bị bắt trong những tuần gần đây.
Chính phủ Trung Quốc mở rộng cuộc điều tra chống độc quyền của họ ra khỏi phạm vi gã khổng lồ thương mại điện tử Alibaba, theo đó giờ đây nhắm vào cả Meituan. Một loạt các cáo buộc lạm dụng của gã khổng lồ giao đồ ăn này đang bị điều tra, bao gồm các thỏa thuận độc quyền bắt buộc với nhà hàng và thương nhân, được gọi là “chọn một trong hai”.
Các công tố viên Thổ Nhĩ Kỳ đã ra lệnh bắt giữ 532 nghi phạm, bao gồm 459 quân nhân, có liên hệ với Fethullah Gulen, một giáo sĩ Hồi giáo sống lưu vong ở Mỹ. Chính phủ quy trách nhiệm cho ông Gulen về cuộc đảo chính thất bại vào năm 2016 khiến hơn 250 người chết. Ông Gulen phủ nhận có liên quan. Sau cuộc đảo chính đã có khoảng 150.000 công chức bị sa thải hoặc đình chỉ.
Tòa án Tối cao Mỹ cho biết họ sẽ xét xử một vụ kiện đệ trình bởi Hiệp hội Súng trường Quốc gia, theo đó có thể xác định liệu hiến pháp có cho phép người Mỹ có quyền mang súng bên ngoài nhà của họ hay không. Vụ này sẽ được tòa xử vào mùa thu năm nay; đây là vụ kiện đầu tiên về quyền sở hữu súng mà tòa nhận thụ lý kể từ khi Amy Coney Barrett được đề cử làm chánh án, vốn giúp tỷ số của tòa nghiêng 6-3 về cánh bảo thủ.
TIÊU ĐIỂM
Làn sóng dịch kinh khủng của Ấn Độ
Trong bối cảnh tăng 350.000 ca covid-19 mới mỗi ngày, giờ đây tin tốt ở Ấn Độ còn hiếm hơn cả oxy y tế. Dù thế vẫn có một điểm sáng nhỏ: số ca nhiễm mới ở thủ đô thương mại Mumbai đang giảm. Hôm qua con số này giảm xuống dưới 4.000, thấp hơn một nửa so với mức tăng trung bình hàng ngày của tháng trước. Làn sóng thứ hai đáng sợ của Ấn Độ khởi nguồn từ chính Mumbai, do đó dấu hiệu này cho thấy số ca nhiễm có thể sẽ sớm đạt đỉnh trên khắp đất nước.
Song virus vẫn tiếp tục tàn phá. Hiện tại ở thủ đô Delhi cứ xét nghiệm ba người sẽ cho ra một ca dương tính covid, trong khi ở Kolkata, thủ phủ Tây Bengal, tỉ lệ này là một trên hai. Còn ở vùng nội địa nông thôn xa xôi đông dân thì không thể thống kê, vì rất ít người được xét nghiệm. Chúng ta chỉ có thể biết rằng các bệnh nhân đang chết vì thiếu oxy còn các giàn hỏa táng ngày đêm rực lửa. Người Ấn Độ đang phải chịu đựng cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong nhiều thế hệ qua.
Tesla đối mặt nhiều đối thủ cạnh tranh
Trước khi tham gia chương trình “Saturday Night Live” vào ngày 8 tháng 5, Elon Musk có một số câu hỏi nghiêm túc cần trả lời khi hãng xe điện của ông báo cáo thu nhập quý đầu năm vào hôm nay. Trong đó sẽ có nhiều phần về các mối đe dọa cạnh tranh. Trước tiên là Trung Quốc, nguồn tăng trưởng lớn của Tesla. Tesla đang không còn được các quan chức chào đón cuồng nhiệt nữa, thay vào đó các công ty nước này đang trở thành các tâm điểm mới. Và cũng không sáng suốt nếu tranh cãi với chính quyền. Tiếp đến là châu Âu, nơi các nhà sản xuất ô tô lâu đời đang đẩy mạnh sản xuất xe điện. Câu hỏi chính là khi nào Tesla có thể bắt đầu sản xuất ô tô tại nhà máy mới gần Berlin và họ có thể dẫn trước các đối thủ như Volkswagen của Đức trong bao lâu.
Đối với công nghệ tự lái, điều khiến một số nhà đầu cơ rất phấn khởi về công ty, ông Musk cũng sẽ bị chất vấn về vụ tai nạn nguy hiểm của chiếc Tesla Model S ở Texas khiến hai người thiệt mạng.
Ủy ban Nghiệp vụ Thị trường Mở Mỹ họp kỳ tháng 4
Khi kết thúc cuộc họp kéo dài hai ngày bắt đầu từ hôm nay, Cục Dự trữ Liên bang (Fed) sẽ thông báo giữ lãi suất ở mức thấp chưa từng có là 0-0,25%. Hiện đã có những dấu hiệu rõ ràng về một cuộc bùng nổ kinh tế sau đại dịch. Nhưng Mỹ vẫn cần tất cả sự hỗ trợ có thể; trong bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp còn cao.
Vì vậy cuộc họp này sẽ chẳng có gì đáng nói. Tuy thế các nhà đầu tư sẽ theo dõi hai điều. Thứ nhất là liệu một nền kinh tế đang mạnh lên có khiến Fed đề cập đến việc giảm mua tài sản hay không. Điều này có vẻ khó xảy ra. Hầu hết các nhà đầu tư đều dự đoán các “tuyên bố hạ nhiệt” như vậy phải đến nửa cuối năm nay mới xuất hiện một cách nghiêm túc. Thứ hai là về chính sách tiền tệ mới của Fed. Các nhà quản lý ngân hàng trung ương nói giờ họ có thể chấp nhận lạm phát cao hơn mục tiêu trước đây nhằm hỗ trợ việc làm. Nhưng sự khoan dung này sẽ kéo dài được bao lâu? Cuộc họp hôm nay là một cơ hội tốt để mang đến một số thông tin cần thiết.
Đại diện hai phe đảo Síp gặp Tổng Thư ký LHQ
Hôm nay, các lãnh đạo chính phủ Síp và khu vực ly khai của Thổ Nhĩ Kỳ ở phía bắc hòn đảo sẽ gặp tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres tại Geneva để thảo luận về việc thống nhất. Vòng đàm phán gần đây nhất giữa chính phủ Síp thân Hy Lạp được quốc tế công nhận và phe ly khai thân Thổ Nhĩ Kỳ đã sụp đổ cách đây 4 năm. Giờ đây họ đang được yêu cầu quyết định xem có nên tiến hành đàm phán hay không.
Khó tìm ra điểm chung giữa hai bên. Phe Síp thân Hy Lạp vẫn cam kết thực hiện giải pháp một nhà nước, trong đó hai cộng đồng sẽ chia sẻ một chính phủ liên bang nhưng vẫn giữ quyền kiểm soát các vấn đề nội bộ của mình. Lãnh đạo mới được bầu của vùng Síp thân Thổ Nhĩ Kỳ, Ersin Tatar, và tổng thống Recep Tayyip Erdogan cho biết đã quá trễ để thống nhất. Họ muốn chia tách hòn đảo này vĩnh viễn. Gần năm thập kỷ các cuộc đàm phán, bắt đầu từ khi quân đội Thổ Nhĩ Kỳ xâm chiếm phía bắc hòn đảo, đã không đi đến đâu. Hy vọng về một cuộc thống nhất có thể sớm tiêu tan.