Thế giới hôm nay: 11/06/2020

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế, một câu lạc bộ của các nước giàu, cảnh báo đại dịch sẽ để lại “những vết sẹo lâu dài” cho nền kinh tế thế giới. Ngay cả khi tránh được làn sóng lây nhiễm thứ hai, ​​sản lượng toàn cầu vẫn dự kiến giảm 6% trong năm 2020. Ngành du lịch, khách sạn và giải trí đang thiệt hại nặng, ảnh hưởng đến lao động trẻ tay nghề thấp.

Ngân hàng trung ương Hoa Kỳ cho biết họ không có kế hoạch tăng lãi suất, vốn được giảm hồi tháng 3 xuống gần bằng 0, cho đến cuối năm 2022, và cam kết sử dụng “đầy đủ các công cụ” để thúc đẩy nền kinh tế. Fed cho biết sẽ tiếp tục mua trái phiếu chính phủ với tốc độ hiện tại. Trong quý 4 năm 2020, ngân hàng dự đoán ​​GDP sẽ giảm 6,5% so với cùng kỳ năm ngoái và tỷ lệ thất nghiệp là 9,5%.

Một thẩm phán nghỉ hưu vừa kêu gọi một tòa án liên bang không cho phép Bộ Tư pháp Mỹ từ bỏ vụ án hình sự chống lại Michael Flynn, cựu cố vấn an ninh quốc gia của Donald Trump. John Gleeson, người được chỉ định làm “bạn của tòa án” (người hỗ trợ tòa trong quá trình xét xử), đã cáo buộc Bộ Tư pháp “lạm dụng trắng trợn quyền lực công tố”. Ông Flynn hai lần nhận tội nói dối với FBI về các cuộc trò chuyện với đại sứ Nga.

Bộ trưởng ngoại giao Mỹ Mike Pompeo chỉ trích HSBC vì ủng hộ luật an ninh quốc gia mới mà chính phủ Trung Quốc sẽ áp đặt lên Hồng Kông, sau chuỗi biểu tình đường phố hồi năm ngoái. Ngân hàng này có trụ sở chính tại Anh, nhưng chủ yếu kiếm tiền ở châu Á. Họ có liên kết chặt chẽ với Hồng Kông, nơi họ được thành lập vào năm 1865.

Michel Barnier, nhà đàm phán Brexit của EU, nói Anh đòi hỏi quá nhiều trong các cuộc đàm phán thương mại với khối này. “Họ muốn chọn các phần hấp dẫn nhất của thị trường đơn nhất mà không phải thực hiện nghĩa vụ gì”, ông Barnier lập luận, thúc giục Anh thay đổi yêu sách. Hai bên có thời gian từ giờ đến tháng 10 để đạt được thỏa thuận.

Inditex, gã khổng lồ ngành thời trang  Tây Ban Nha sở hữu Zara, báo cáo doanh số bán hàng trực tuyến giữa tháng 2 và tháng 4 năm nay tăng 50%, trong bối cảnh đại đa số các cửa hàng của họ phải đóng cửa. Doanh số bán hàng trực tuyến tăng 95% chỉ trong tháng 4. Tuy nhiên, tổng doanh thu vẫn giảm, dẫn đến khoản lỗ 409 triệu euro (450 triệu đô la).

Cuộc tổng tuyển cử Sri Lanka bị hoãn lần thứ hai, từ ngày 20 tháng 6 đến ngày 5 tháng 8, vì đại dịch. Ban đầu nó được lên kế hoạch tổ chức vào tháng 4. Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn về cách thức tiến hành bầu cử. Họ không khuyến khích diễu hành và các cuộc mít-tinh, đồng thời khuyến nghị giới hạn 100 người trong các cuộc “mít-tinh tuyên truyền”.

TIÊU ĐIỂM

Các công ty Trung Quốc phải tháo chạy về Hồng Kông

Khi nói về môi trường kinh doanh Hồng Kông, từ đầu tiên người ta nghĩ đến sẽ không phải là những từ như “bùng nổ”. Năm ngoái nền kinh tế này suy thoái 1,2%; năm nay sẽ tồi tệ hơn. Vì Trung Quốc sẽ áp dụng luật an ninh quốc gia, Nhà Trắng đang xem xét thu hồi quy chế thương mại đặc biệt của Hong Kong. Song các công ty  công nghệ Trung Quốc lại đang chạy đua để lên sàn Hồng Kông. Hôm nay là ngày giao dịch đầu tiên của số cổ phiếu trị giá 21,1 tỷ đô la Hồng Kông (2,7 tỷ đô la) của NetEase, một đại gia internet niêm yết chính trên sàn Nasdaq.

Tuần tới JD.com, cũng niêm yết trên Nasdaq, có thể tung ra số cổ phiếu trị giá 31,4 tỷ đô la Hồng Kông. Alibaba, công ty giá trị nhất của Trung Quốc, đã niêm yết thứ cấp vào tháng 11. Tại sao lại đông vui như thế? Cơ sở hạ tầng pháp lý và tài chính của lãnh thổ này vẫn giữ được sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư. Nhưng chủ yếu là nhờ vào Donald Trump.  Lời đe dọa loại bỏ các công ty Trung Quốc khỏi các sàn giao dịch của Mỹ, một mặt trận khác trong cuộc cạnh tranh của hai siêu cường, đã khiến các công ty này phải rút lui, ít nhất là một phần, về bên kia Thái Bình Dương.

Kinh tế Bangladesh khó khăn

Hôm nay Bộ trưởng tài chính Bangladesh sẽ đứng trước các nghị sĩ bị giãn cách xã hội để trình bày ngân sách mới nhất. Dự kiến thuế sẽ thấp hơn, bên cạnh chi tiêu cho y tế và các cứu trợ khác nhằm bảo vệ sinh kế của người dân. Đại dịch đã tàn phá nền kinh tế Bangladesh. Tăng trưởng, vốn ở mức trung bình 6,5% một năm trong thập niên qua, dự kiến ​​sẽ giảm xuống còn 1-2% trong năm tài chính này, mức thấp nhất trong 32 năm qua.

Cơ hội để người Bangladesh gửi kiều hối, một nguồn thu nhập lớn cho các hộ gia đình nông thôn, đang dần biến mất, đặc biệt là ở vùng Vịnh nơi nhiều người làm việc. Ở trong nước, may mặc xuất khẩu sang Mỹ và châu Âu điêu đứng. Tỷ lệ nghèo dự kiến ​​sẽ tăng lên 35% trong năm nay (từ mức 24% vào năm 2016). Để đối phó, chính phủ đã nộp đơn xin vay 4,5 tỷ đô la từ các nhà tài trợ đa phương như IMF. Tiền sẽ đi kèm với nghĩa vụ. Đối với thủ tướng Sheikh Hasina, người đã bỏ tù các đối thủ và cầm quyền theo hướng ngày càng độc đoán, cái giá của sự phục hồi có thể là nguy cơ bị quốc tế soi xét kĩ hơn.

Cách chống dịch kỳ lạ của Venezuela

Việc cách ly đất nước, với mục tiêu làm chậm sự lây lan của covid-19, sẽ không được gia hạn hoặc dỡ bỏ vào ngày mai như kế hoạch. Thay vào đó, nó sẽ được “thay đổi lớn”, theo chế độ của Nicolás Maduro, nhà độc tài Venezuela. Đất nước sẽ có các tuần phong tỏa xen kẽ với các tuần tương đối bình thường, với tuần làm việc đầu tiên bắt đầu vào thứ Hai tới. Kế hoạch tắt-mở kì lạ này có phần không phù hợp: hàng triệu người Venezuela ở các khu ổ chuột bỏ qua các quy tắc, trừ việc đeo khẩu trang (thường được làm tại nhà) khi đi ra ngoài.

Với nền kinh tế vốn dĩ đã sụp đổ, Venezuela có một lợi thế: giao thông hàng không đến nước này đã giảm mạnh trong những năm gần đây, đồng nghĩa với số ca nhiễm ban đầu thấp. Họ chỉ ghi nhận hơn 2.600 ca và 23 người chết cho đến nay. Con số thực có lẽ cao hơn, nhưng các bệnh viện vẫn chưa bị quá tải. Đó là tin tốt. Hệ thống y tế của nước này vốn đã ở trong tình trạng khó khăn, với thuốc men, bác sĩ và thiết bị đều thiếu hụt. Một số bệnh viện thậm chí còn thiếu nước sạch. Một dịch bệnh toàn diện sẽ là thảm họa.

Quan hệ kinh tế  Đức –  Trung Quốc gặp thử thách

“Wandel durch Handel” (“thay đổi thông qua thương mại”) là câu châm ngôn đã từng chi phối chính sách Trung Quốc của Đức. Khi Trung Quốc trở nên giàu có nhờ vào thương mại với các cường quốc xuất khẩu như Đức, người ta cho rằng một tầng lớp trung lưu lớn dần sẽ làm dịu đi sự độc tài của đất nước. Thủ tướng Angela Merkel đã đến thăm Trung Quốc 12 lần. Nhưng mặc dù Trung Quốc đã là đối tác thương mại lớn nhất của Đức từ năm 2016, các thay đổi chính trị mà bà mong chờ mãi vẫn chẳng xuất hiện.

Bà Merkel muốn giữ Trung Quốc làm đối tác về các vấn đề khí hậu và muốn thực hiện một thỏa thuận đầu tư dài hạn EU-Trung Quốc. Nhưng căng thẳng cũng rất lớn, từ vấn đề Hồng Kông đến Huawei cho đến cả thương mại. Tuần trước, Đức đã hủy một hội nghị thượng đỉnh EU-Trung Quốc mà theo lịch sẽ tổ chức tại Leipzig vào tháng 9, viện dẫn lý do đại dịch coronavirus. Hôm nay, bà Merkel sẽ thảo luận nhiều đề xuất kinh doanh và đầu tư khác nhau với thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường trong một cuộc gọi video. Liệu hội nghị thượng đỉnh có được tái lập hay không vẫn chưa rõ ràng.

Ethiopia tranh cãi về việc hoãn bầu cử

Hôm nay, thượng viện Ethiopia sẽ họp với dự kiến rằng cả họ và chính phủ của thủ tướng Abiy Ahmed đều có thể vượt quá giới hạn nhiệm kỳ năm năm dự kiến kết thúc vào ngày 5 tháng 10. Covid-19 đã hoãn cuộc bầu cử vô thời hạn, gây ra một cuộc tranh luận về khủng hoảng hiến pháp. Để tránh một cuộc đấu với phe đối lập, chính phủ tháng trước đã tham vấn các luật sư xem liệu hoãn bỏ phiếu có hợp pháp hay không.

Đầu tuần này, một cơ quan tham vấn cho thượng viện (được kiểm soát bởi đảng cầm quyền) đã đề xuất kéo dài nhiệm kỳ của tất cả các nhánh chính phủ. Họ cũng đề xuất rằng các cuộc bầu cử nên được tổ chức từ 9 đến 12 tháng sau khi hết dịch, nhưng thời điểm cụ thể thì chưa rõ. Hôm qua thượng viện đã chấp nhận giải pháp này, nhưng chỉ sau khi chủ tịch thượng viện từ chức. Bà tố cáo quyết định sắp được áp dụng là “vi hiến”. Việc bà vắng mặt hôm nay cho thấy cuộc khủng hoảng chính trị ở Ethiopia còn lâu mới kết thúc.