Thế giới hôm nay: 27/5/2021

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Amazon đồng ý chi 8,45 tỷ USD để mua Metro-Goldwyn-Mayer (MGM), một studio Hollywood. Đây là thương vụ mua lại lớn thứ hai từ trước đến nay của Amazon, và sẽ cho phép họ tiếp cận khoảng 4.000 bộ phim, gồm loạt phim James Bond và 17.000 chương trình truyền hình. Danh mục phim cũ của MGM sẽ rất có ích cho dịch vụ phát trực tuyến của Amazon, Prime Video, trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt với các hãng khác như Netflix và Disney+.

Ủy ban châu Âu (EC) yêu cầu AstraZeneca phải bồi thường 10 euro (12 đô la) mỗi ngày cho mỗi liều vắc-xin covid-19 chưa được phân phối nếu công ty không giao thêm 20 triệu liều vào cuối tháng Sáu. EC đã đệ một đơn kiện pháp lý chống lại công ty dược phẩm này vì chỉ nhận được một phần nhỏ số vắc-xin trong hợp đồng. AstraZeneca cho biết đã thực hiện “những nỗ lực hợp lý nhất” để hoàn thành các mục tiêu giao hàng.

Một tòa án Hà Lan ra lệnh cho tập đoàn dầu mỏ Shell cho tới năm 2030 phải cắt giảm 45% lượng khí thải carbon so với mức của năm 2019. Đây là vụ kiện mang tính bước ngoặt, vốn do các nhà hoạt động môi trường đệ đơn, đồng thời là vụ đầu tiên mà một công ty có nghĩa vụ pháp lý phải đẩy mạnh chiến lược giảm phát thải. Mặc dù Shell sẽ kháng cáo, phán quyết này đặt ra một cột mốc quan trọng cho các vụ kiện về khí hậu trên toàn thế giới.

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã yêu cầu các cơ quan tình báo liên bang “nỗ lực gấp đôi” để xác định nguồn gốc của covid-19. Ông từng tiết lộ về một báo cáo, vốn bắt đầu từ tháng 3 và hoàn thành trong tháng này, đã kết luận việc virus thoát ra từ phòng thí nghiệm là hợp lý, song không đủ bằng chứng chắc chắn. Ông Biden dự kiến ​​nhận được kết quả của các cơ quan trong vòng 90 ngày.

Các công ty công nghệ Trung Quốc báo cáo kết quả tài chính mạnh trong quý đầu năm. Xiaomi, một hãng sản xuất điện thoại thông minh, có ​​doanh thu tăng 55% so với một năm trước đó, nhờ vào việc đối thủ Huawei phải rút một phần khỏi thị trường điện thoại. Nền tảng thương mại điện tử Pinduoduo cũng giảm lỗ 29% so với một năm trước, xuống còn 2,9 tỷ nhân dân tệ (450 triệu USD). Doanh thu tăng gấp ba vì đại dịch giúp thúc đẩy mua sắm trực tuyến.

Tổng thống Iran Hassan Rouhani cấm “đào” tiền điện tử cho đến tháng 9 sau khi nó gây mất điện. Quá trình đào rất tốn điện, cụ thể nó tạo ra các đồng tiền mới bằng cách cho các máy tính rất mạnh chạy thuật toán phức tạp để kiểm tra hệ thống sổ cái blockchain mà tiền điện tử chạy trên đó. Khoảng 85% hoạt động khai thác tiền điện tử ở Iran là không có giấy phép; các thợ đào bất hợp pháp dùng điện gấp sáu đến bảy lần so với những người có giấy phép.

Thương mại của Anh với các nước ngoài EU đã vượt qua thương mại với khối này trong quý đầu năm 2021. Trung Quốc hiện là nguồn nhập khẩu lớn nhất của Anh, theo Văn phòng Thống kê Quốc gia, với 16,9 tỷ bảng Anh (24 tỷ USD) hàng hóa trong ba tháng. Nhập khẩu từ Đức giảm mạnh 26% so với mức của ba năm trước, xuống còn 12,5 tỷ bảng Anh vì Brexit và đại dịch.

TIÊU ĐIỂM

Chi phí vốn ở Mỹ tăng

Khi phong tỏa được dỡ bỏ, người tiêu dùng đang vung tiền — và họ không phải là những người duy nhất. Ở Mỹ, chi phí vốn (capex) của các công ty đang tăng với tốc độ hàng năm là 15%. Liệu đây chỉ là phản xạ khi nền kinh tế mở cửa hay là một phần của xu hướng dài hạn?

Phân tích của The Economist về S&P 500, chỉ số thị trường chứng khoán chính của Mỹ, cho thấy mức độ chi tiêu không đồng đều. Các công ty công nghệ, ăn nên làm ra nhờ nhu cầu trong đại dịch, dự kiến tăng tỷ lệ đầu tư lên 30 – 40% trong năm nay so với năm 2019. Các công ty tập trung vào khai thác chi tiêu tùy nghi của người tiêu dùng cũng đang mạnh dạn đầu tư. Trong khi đó, các công ty ở những ngành như năng lượng và hàng không đang chi ít hơn, đại dịch đã khiến một số phải thắt lưng buộc bụng.

Cả hộ gia đình và doanh nghiệp đều đã tích lũy tiền, và đại dịch đã khiến cả hai phải suy nghĩ sáng tạo, nhằm tìm ra những cách mới để chi tiêu. Bùng nổ có thể kéo dài lâu.

Tổng thống Pháp Macron thăm châu Phi

Hôm nay Emmanuel Macron hạ cánh xuống Kigali, thủ đô Rwanda, cho chuyến công du mang nặng tính biểu tượng đến hai nước châu Phi. Hồi tháng 3, một báo cáo chính thức được viết theo yêu cầu của Tổng thống Pháp đã kết luận Pháp chịu trách nhiệm “nặng nề và nghiêm trọng” vì đã không làm nhiều hơn nữa để ngăn nạn diệt chủng ở Rwanda năm 1994. Tuy nhiên, báo cáo không kết luận Pháp đồng lõa trong cuộc tàn sát.

Mặc dù ông Macron sẽ bị chỉ trích vì can dự với chế độ độc tài của Rwanda, nhưng ông kỳ vọng chuyến đi sẽ giúp bình thường hóa quan hệ. Ông sẽ có bài phát biểu tại Đài tưởng niệm Diệt chủng Kigali, và ông có thể nói về trách nhiệm của nước Pháp trong sự kiện này.

Ngày mai, ông Macron có chuyến thăm chính thức đầu tiên tới Nam Phi, nơi ông sẽ thảo luận về đại dịch cũng như việc phân phối và sản xuất vắc-xin với tổng thống Cyril Ramaphosa. Nhìn chung, các chuyến đi này thể hiện nỗ lực xây dựng quan hệ với các nước nói tiếng Anh, vào thời điểm vai trò của Pháp ở châu Phi vẫn gây tranh cãi, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ.

Châu Âu thảo luận về cải cách chính sách trợ cấp nông nghiệp

Chính sách Nông nghiệp Chung (CAP), chương trình trợ cấp nông nghiệp của EU, là một vấn đề nan giải. Có bằng chứng cho thấy nó tài trợ tham nhũng, tiếp tay gian lận và làm giàu cho những nông dân cho thuê đất chứ không trực tiếp sản xuất. Nhưng sau hai ngày đàm phán tại Brussels (kết thúc hôm nay) một thỏa thuận về một gói 387 tỷ euro (472 tỷ USD) dự định chi từ 2021 đến 2027 (lùi lại hai năm) có thể sớm được hoàn tất.

Cải cách vấp phải phản đối. Mặc dù có bao gồm tiền hỗ trợ để bảo vệ các hệ sinh thái, nhưng các nhà hoạt động khí hậu vẫn gọi đây là “quảng cáo xanh” vì thiếu các mục tiêu vững chắc. Một số chính trị gia không sẵn sàng đặt ra yêu cầu buộc nông dân phải “năng động” để được hưởng các khoản thanh toán. Các chuyên gia ước tính 30-40% số người Ba Lan có thể bị mất trợ cấp nếu nó trở nên không bắt buộc. Quá khứ cho thấy khó đạt được đồng thuận. Các chính trị gia không muốn làm mất lòng nông dân. Những cải cách khó có thể giải quyết vấn đề một cách triệt để.

Dominic Cummings đăng đàn chỉ trích chính phủ Anh

Những người mong chờ Dominic Cummings, cựu cố vấn trưởng của thủ tướng Anh, ra quốc hội để thẳng thừng chỉ trích cách chính phủ xử lý covid-19 đã không thất vọng. Hôm qua ông chỉ trích Boris Johnson, nói thủ tướng lẩn quẩn giữa các chính sách “như một chiếc xe đẩy hàng đập từ bên này sang bên kia của hàng lang [siêu thị]”. Ông cũng có những lời lẽ gay gắt về giới làm khoa học, các công chức và hệ thống chính trị Anh, rằng các chính trị gia đã ngủ quên khi khủng hoảng xảy ra, dẫn đến hàng chục nghìn cái chết không đáng có. Nhắc lại một câu nói từ Thế chiến I, ông nói “vấn đề trong cuộc khủng hoảng này là sư tử lại do lừa lãnh đạo”.

Vẫn chưa rõ liệu phiên điều trần của ông, kéo dài hơn bảy giờ, có gây khó cho sếp cũ của ông hay không. Có rất nhiều quan điểm về ông Cummings, là một kẻ nhảm nhí, là kẻ chủ mưu Brexit thiên tài theo kiểu Machiavelli, hay là một gã hề ích kỷ, người đã vi phạm các quy tắc phong tỏa. Những người khác sẽ có mặt để phản biện ông. Nhưng chỉ cần một phần tư là sự thật thì người Anh cũng nên lắng nghe.