Nguồn: Tsukasa Hadano, “‘Last G-7’: China revels in parody mocking US and allies”, Nikkei Asia, 16/06/2021.
Biên dịch: Phan Nguyên
Một con đại bàng đầu trắng ngồi ở giữa bàn đang biến giấy vệ sinh thành những tờ đô la trong khi một chú chó Akita không có ghế ngồi đang rót nước phóng xạ từ Fukushima cho những con thú khách mời khác uống.
Đây là một trong những chi tiết trong bức biếm họa dựa trên bức tranh nổi tiếng “Bữa tối cuối cùng” của danh họa Leonardo da Vinci nhằm chế nhạo những nỗ lực của nhóm G7 và Hoa Kỳ trong việc xây dựng một liên minh chống lại Trung Quốc.
Với tựa đề “The Last G-7” (Hội nghị G-7 cuối cùng), tác phẩm này đã lan truyền ở Trung Quốc vào cuối tuần này sau khi nó được đăng trên trang Sina Weibo trong lúc hội nghị thượng đỉnh của nhóm G7 đang diễn ra ở Anh, nơi mà câu hỏi về cách đối phó với Bắc Kinh được đưa ra nhiều lần trong chương trình nghị sự.
Thay vì Chúa Giê-su và các môn đồ của ngài, bức biếm họa mô tả các nhân vật đầu thú, hầu hết đều đội mũ có cờ của các quốc gia mà chúng đại diện. Một chiếc bánh được trang trí bằng bản đồ của Trung Quốc nằm trên bàn.
Ở giữa tranh, nơi Chúa Giêsu ngồi trong bức tranh gốc, là con đại bàng đầu trắng đại diện cho Hoa Kỳ, với một chiếc máy in tiền ở phía trước, với hàm ý chế nhạo núi nợ đang tăng của nước này.
Gần đó, Nhật Bản, trong hình dạng một chú chó Akita, đổ một thứ chất lỏng màu xanh lá cây vào ly của những người tham dự từ một ấm đun nước được trang trí bằng biểu tượng bức xạ. Thời báo Hoàn cầu của Đảng Cộng sản Trung Quốc nói một số người dùng Weibo coi chất lỏng này là nước thải được thải ra từ nhà máy hạt nhân Fukushima Daiichi vốn bị hủy hoại do thảm họa sóng thần.
Một con hải ly đại diện cho Canada đang cầm một con búp bê mà Thời báo Hoàn Cầu xác định là Giám đốc Tài chính Mạnh Vãn Chu của Huawei, người vẫn đang bị quản thúc ở đó trong cuộc chiến pháp lý về việc dẫn độ bà sang Mỹ.
Mặc dù sân khấu là cuộc họp G-7, bức biếm họa cũng mô tả các quốc gia khác.
Ấn Độ hóa thân thành một con voi quỳ bên cạnh bàn, được kết nối với một ống truyền dịch cùng một bình oxy gần đó – ám chỉ đến làn sóng coronavirus khiến nhiều người chết mà nước này đang phải vật lộn vượt qua. Một con kangaroo đại diện cho Australia đưa tay ra lấy một cục tiền của Mỹ khi ngồi gần một ống truyền dịch có hình lá cờ Trung Quốc, tượng trưng cho sự phụ thuộc kinh tế của nước này vào Bắc Kinh.
Ở phía trước, một con ếch đang cầm mấy tờ tiền giấy và cố gắng với lên bàn, mà theo Thời báo Hoàn cầu mô tả là tượng trưng cho “chính quyền ly khai” của Đài Loan vốn “phụ thuộc” vào Hoa Kỳ.
Một số biếm họa chế giễu các quốc gia khác gần đây đã được lưu hành ở Trung Quốc, và được các quan chức chính phủ nổi tiếng giúp quảng bá. Triệu Lập Kiên, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, hồi tháng 4 đã tweet một bức biếm họa nhại theo bức tranh “Under the Wave off Kanagawa” của Katsushika Hokusai, mô tả các thùng chất lỏng phóng xạ bị đổ xuống biển.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Nhật Bản hồi tháng 4 cũng đăng một bức biếm họa trên tài khoản Twitter chính thức của mình với hình ảnh Thần chết mặc áo choàng có hình cờ Mỹ và mang theo một lưỡi hái hình cờ Israel. Đoạn tweet sau đó đã bị xóa vì gặp phản ứng dữ dội từ người dùng Nhật Bản và sự phản đối từ chính phủ Israel.