Nhật – Hàn đạt thỏa thuận về vấn đề “phụ nữ giải khuây”

Print Friendly, PDF & Email

24616387

Nguồn:South Korea and Japan reach landmark deal on comfort women”, Today Online, 29/12/2015.

Biên dịch: Phan Nguyên

Hơn 70 năm sau khi kết thúc Thế Chiến II, Hàn Quốc và Nhật Bản đã đạt được một thỏa thuận mang tính bước ngoặt vào hôm qua để giải quyết mâu thuẫn song phương về vấn đề phụ nữ Hàn Quốc buộc phải làm nô lệ tình dục cho quân đội đế quốc Nhật.

Theo thỏa thuận này, Nhật đã đưa ra một lời xin lỗi và hứa đền bù một khoản 1 tỷ yên (11,7 triệu đô la) nhằm loại bỏ một trong những trở ngại khó khăn nhất trong quan hệ giữa Hàn Quốc và Nhật Bản. Những “phụ nữ giải khuây” là di sản đau đớn nhất từ chế độ thuộc địa của Nhật Bản tại Hàn Quốc, kéo dài từ năm 1910 cho đến khi Nhật thất bại trong Thế Chiến II vào năm 1945.

Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản và Hàn Quốc khi công bố các thỏa thuận tại Seoul đã cho biết mỗi bên coi đó là một “giải pháp cuối cùng và không thể rút lại” đối với vấn đề này.

Cả Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã hoan nghênh thỏa thuận này và bày tỏ hy vọng rằng nó sẽ mở ra một chương mới trong quan hệ song phương. Nhưng thỏa thuận này đã bị chỉ trích là không đủ bởi một số cựu nô lệ tình dục còn sống cũng như các chính trị gia đối lập ở Hàn Quốc, nơi tình cảm chống Nhật đang trở nên sâu sắc.

“Do sự tham gia của quân đội mình, Chính phủ Nhật Bản nhận trách nhiệm chân thành đối với vấn đề phụ nữ giải khuây, vấn đề đã làm tổn thương nghiêm trọng danh dự và nhân phẩm của nhiều phụ nữ”, Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida cho biết hôm qua.

Ông Kishida nói thêm rằng ông Abe đã thể hiện “sự xin lỗi và hối hận từ trái tim của mình đối với tất cả những người đã phải chịu nhiều nỗi đau và những vết sẹo vốn rất khó chữa lành cả về thể chất lẫn tinh thần”.

Ông Abe sau đó cũng đã gọi điện cho bà Park để nói lời xin lỗi tương tự, Văn phòng của bà Park cho biết. “Tôi hy vọng rằng hai nước sẽ hợp tác chặt chẽ để xây dựng lòng tin dựa trên thỏa thuận này và mở ra một mối quan hệ mới”, bà Park nói với ông Abe.

Bà Park, người đã từ chối gặp ông Abe cho đến tháng trước, đã nhiều lần kêu gọi Nhật Bản giải quyết vấn đề đau khổ của các phụ nữ giải khuây trước khi hai nước láng giềng có thể cải thiện quan hệ.

Phát biểu với các phóng viên sau khi gọi điện cho bà Park, ông Abe cho biết thỏa thuận này báo trước một “kỷ nguyên mới” trong quan hệ song phương và nói thêm: “Chúng tôi không thể ép buộc con, cháu, và các thế hệ tương lai của chúng tôi phải gánh vác số phận khi họ phải tiếp tục xin lỗi.”

Mặc dù Nhật trước đó đã từng xin lỗi, bao gồm cả trong một tuyên bố năm 1993 qua đó thừa nhận trách nhiệm về vấn đề này, nhưng thỏa thuận ngày hôm qua báo hiệu một sự thỏa hiệp từ phía ông Abe.

Ngay vào năm ngoái, dưới áp lực từ phía cánh hữu đòi loại bỏ những lời xin lỗi, ông Abe và các đồng minh chính trị bảo thủ của mình đã đồng ý xem xét lại các chứng cứ dẫn đến lời xin lỗi đó.

Ông Tsuneo Watanabe, một nghiên cứu viên cao cấp tại Tokyo Foundation, cho biết ông Abe đã chọn một cách tiếp cận thực dụng vì các mối quan hệ ổn định với Hàn Quốc là rất quan trọng đối với mục tiêu chính sách đối ngoại được ông Abe ưu tiên: Nuôi dưỡng các liên minh để chống lại sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc.” Cuối cùng, Abe cũng tin tưởng vào sự cân bằng quyền lực”, ông Watanabe nói.

Theo thỏa thuận, chính phủ Nhật Bản sẽ cung cấp 1 tỉ yên cho một quỹ mà chính phủ Hàn Quốc sẽ thành lập để giúp đỡ những phụ nữ giải khuây này.

Việc Tokyo sẽ cung cấp tiền trực tiếp từ ngân sách quốc gia là một sự thay đổi đáng kể. Một quỹ trước đó được tạo ra sau lời xin lỗi năm 1993, Quỹ Phụ nữ châu Á, đã dựa vào đóng góp từ các nhà tài trợ tư nhân và không bao giờ được chấp nhận hoàn toàn tại Hàn Quốc.

Nhật Bản cũng giành được một sự nhượng bộ quan trọng từ Seoul: một lời hứa không chỉ trích Tokyo về vấn đề phụ nữ giải khuây nữa. Những phụ nữ Hàn Quốc sống sót sau cuộc chiến đã chủ yếu sống trong sự im lặng vì bị kỳ thị cho đến khi một số người bắt đầu lên tiếng đầu những năm 1990.

Tổng cộng có 238 phụ nữ giải khuây trước đây đã lên tiếng ở Hàn Quốc, nhưng chỉ có 46 người giờ còn sống, hầu hết trong số họ đã 80 – 90 tuổi.

Phản ứng ban đầu từ các cựu phụ nữ giải khuây Hàn Quốc đối với thỏa thuận này là không hề hài lòng.

“Thỏa thuận này không phản ánh quan điểm của các cựu phụ nữ giải khuây”, bà Lee Yong-soo, 88 tuổi, cho biết trong một cuộc họp báo. “Tôi sẽ bỏ qua nó hoàn toàn.” Bà cho biết thỏa thuận này chưa đáp ứng được đòi hỏi lâu nay của họ là Nhật Bản phải thừa nhận trách nhiệm pháp lý và chi trả bồi thường chính thức.

Nhật Bản đã duy trì quan điểm rằng tất cả các vấn đề pháp lý phát sinh từ chế độ cai trị thuộc địa tại Hàn Quốc đã được giải quyết thông qua một điều ước quốc tế năm 1965 nhằm bình thường hóa quan hệ giữa hai nước. Các nhà đàm phán từ cả hai quốc gia đã đưa ra một thỏa hiệp thông qua thỏa thuận có chữ nghĩa mơ hồ ngày hôm qua, trong đó không chỉ rõ liệu các trách nhiệm mà chính phủ Nhật Bản công nhận là về mặt pháp lý hay đạo đức. Ông Kishida khẳng định rằng số tiền Nhật Bản hứa cung cấp không phải là một sự bồi thường pháp lý.

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”620″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]