Thế giới hôm nay: 21/06/2021

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Khi vòng đầu tiên của cuộc bầu cử ở Pháp khép lại, các dấu hiệu ban đầu đang cho thấy tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu khá thấp. Đảng Mặt trận Quốc gia cực hữu của Marine Le Pen dù kỳ vọng thắng lớn trong kỳ bầu cử này nhưng lại thể hiện không tốt, một tin tốt lành cho phe trung hữu. Và đến vòng hai vào ngày 27 tháng 6, bỏ phiếu chiến thuật ​​sẽ còn làm giới hạn hơn nữa số vùng mà đảng bà Le Pen có thể thắng.

Trong khi đó cuộc bầu cử quốc hội Armenia cũng vừa khép lại, đánh dấu cuộc bỏ phiếu đầu tiên kể từ khi nước này bị Azerbaijan đánh bại trong cuộc xung đột Nagorno-Karabakh hồi năm ngoái. Armenia đã đồng ý nhượng lại phần lãnh thổ chiếm đóng xung quanh khu vực ly khai, theo thỏa thuận ngừng bắn bị người dân Armenia phản đối. Dù thắng trong cuộc bầu cử trước, song thủ tướng Nikol Pashinyan có thể sẽ thua lần này.

Các cuộc đàm phán khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran 2015 ở Vienna đã bị hoãn. Nhà đàm phán hàng đầu của Iran tuyên bố nước này đã “tiến gần hơn bao giờ hết đến một thỏa thuận” với sáu cường quốc khác, nhưng vẫn còn “khoảng cách” giữa hai bên. Họ vẫn chưa ấn định ngày nối lại đàm phán.

Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết chính quyền Biden sẽ gia tăng trừng phạt Nga về vụ đầu độc Alexei Navalny, một lãnh đạo đối lập Nga đang bị bỏ tù. Thông báo được đưa ra chỉ 4 ngày sau khi Joe Biden và Vladimir Putin gặp nhau trong một cuộc gặp thượng đỉnh ngắn ở Geneva. Hồi tháng 3, Mỹ đã áp đặt trừng phạt lên các cơ quan an ninh Nga vì cách họ đối xử với ông Navalny.

Tổng thống Chile Sebastián Piñera thông báo hội đồng soạn thảo hiến pháp mới sẽ họp buổi đầu vào ngày 4 tháng 7. Hiến pháp hiện tại đã có từ thời chế độ độc tài Augusto Pinochet. 155 đại biểu của hội đồng soạn thảo sẽ có một năm để viết một phiên bản mới, rồi đưa ra trưng cầu dân ý trước khi nó chính thức có hiệu lực.

Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) Christine Lagarde cho biết đã có “tiến bộ tốt” trong một cuộc họp cuối tuần qua nhằm xác định lại các mục tiêu của ngân hàng. Cuộc thẩm định lại này, vốn có từ trước đại dịch, gần như chắc chắn sẽ thay đổi mục tiêu giữ lạm phát “dưới nhưng gần 2%” của ECB, một mục tiêu khá khó thực hiện. Ngoài ra ngân hàng cũng có thể nhận nhiệm vụ giúp chống biến đổi khí hậu.

Đài Loan cho biết bảy nhân viên tại văn phòng đại diện của họ ở Hồng Kông đã bị buộc rời lãnh thổ Trung Quốc, sau khi chính phủ ở đó yêu cầu các quan chức của văn phòng ký các văn bản cấp thị thực trong đó ủng hộ tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với hòn đảo. Trung Quốc đang đẩy mạnh chiến dịch kinh tế chống Đài Loan, với việc cả Hồng Kông và Ma Cao đều đóng cửa các văn phòng thương mại của họ ở Đài Bắc trong những tuần gần đây.

TIÊU ĐIỂM

Covid có phần hạ nhiệt ở Ấn Độ

Làn sóng covid-19 thứ hai vốn làm rung chuyển Ấn Độ trong tháng 4 và tháng 5 đã hạ nhiệt, và cũng đột ngột như khi nó xuất hiện. Hôm qua nước này ghi nhận ít hơn 60.000 ca mắc mới và 1.500 ca tử vong, thấp nhất trong hai tháng qua.

Tuần này, tổng số ca nhiễm sẽ vượt 30 triệu. Con số tử vong chính thức là 387.000 người, nhưng các nhà dịch tễ học tính toán số người chết thực tế kể từ khi đại dịch bắt đầu cao hơn tới sáu lần con số đó. Biến thể “delta” của làn sóng thứ hai đã lan ra toàn cầu – trong đó chiếm tới 99% các ca mới ở Anh. Một loạt các hạn chế đi lại dai dẳng mà người Ấn Độ đang đối mặt tiếp tục nhắc nhở mọi người về xuất xứ của biến thể.

Với chỉ 3,8% trong số 1,4 tỷ người Ấn Độ được tiêm chủng đầy đủ, các bác sĩ đang chuẩn bị tinh thần cho đợt thứ ba. Hầu hết mọi người dự đoán nó sẽ đến vào tháng 10. Nhưng một số chuyên gia cảnh báo nó có thể xuất hiện ngay sau tháng 8.

Ethiopia tổ chức bầu cử

Khi Abiy Ahmed trở thành thủ tướng ba năm trước, ông đã tự gọi mình là nhà lãnh đạo quá độ. Ông hứa đưa Ethiopia ra khỏi chủ nghĩa chuyên chế và đưa Ethiopia tiến tới bầu cử tự do và công bằng. Hôm nay, sau hai lần trì hoãn, cuối cùng hàng triệu người cũng được đi bầu quốc hội.

Mặc dù có một số ghế bị cạnh tranh, Đảng Thịnh vượng cầm quyền của Abiy chắc chắn thắng áp đảo, trong bối cảnh phe đối lập yếu ớt và rời rạc. Một số thậm chí đang tẩy chay bầu cử, với lý do các thành viên và lãnh đạo của họ bị đàn áp.

Lá phiếu cũng có những vấn đề khác. Khoảng 1/5 số khu vực bầu cử sẽ không tham gia vì các tranh chấp pháp lý, rắc rối hậu cần hay xung đột sắc tộc — hoặc cả ba. Đáng chú ý nhất là việc loại bỏ hoàn toàn khu vực Tigray miền bắc, trong bối cảnh một cuộc nội chiến tàn khốc và nguy cơ nạn đói. Cuộc bầu cử hôm nay có thể chỉ làm phức tạp thêm các vấn đề của Ethiopia hơn là giải quyết chúng.

Biến thể Delta làm hỏng kế hoạch gỡ phong tỏa của Anh

Anh có một trong những chiến dịch tiêm chủng covid-19 thành công nhất trên thế giới. Nhưng giờ đây sự hiệu quả của nó sẽ bị thử thách bởi biến thể “delta” – được ghi nhận lần đầu ở Ấn Độ và đang lây lan nhanh ở Anh. Làn sóng thứ ba “chắc chắn sẽ xảy ra” ở Anh, theo cố vấn khoa học của chính phủ, Adam Finn. Do đó, các kế hoạch chấm dứt hạn chế phong tỏa hôm nay đã bị trì hoãn cho đến ngày 19 tháng 7.

Đáng lo ngại là biến thể delta dường như dễ lây lan hơn các biến thể khác. Nó cũng có thể gây nguy hiểm tính mạng hơn. Ngay cả những người từng nhiễm bệnh cũng có thể tái nhiễm.

Rất may là vắc xin Pfizer lẫn AstraZeneca, hai loại vắc-xin chính ở Anh, vẫn có hiệu quả 80% sau hai liều. Song hiệu quả là thấp hơn đáng kể nếu chỉ tiêm một liều duy nhất. Nước Anh hiện đang gấp rút tiêm cho 22% người lớn mới tiêm một mũi và 19% chưa có mũi nào. Nếu nỗ lực đó bị đình trệ thì còn lâu mới dỡ bỏ được phong tỏa.

Giá hàng hóa giảm sau khi đã bùng nổ vài tháng qua

Các ngân hàng trung ương đang bắt đầu lo lạm phát quay trở lại. Ví dụ, giá tiêu dùng ở Mỹ đã tăng 5% theo năm tính đến tháng 5. Chính sách tiền tệ nới lỏng, một cuộc bùng nổ mua sắm sau đại dịch và một “siêu chu kỳ” giá hàng hóa cơ bản mới đều là những nguyên nhân gây lo ngại.

Trong đó giá hàng hóa cơ bản xem ra đã qua đỉnh. Trong những tuần gần đây, giá của một số loại hàng hóa đã mất hết mức tăng trong năm 2021. Chỉ số giá hàng hóa cơ bản của Economist đã không tăng kể từ tháng 5. Giá hợp đồng tương lai gỗ của Mỹ, vốn tăng giá nhờ bùng nổ xây dựng sau đại dịch, đã giảm 40% so với mức đỉnh của tháng trước. Điều này có thể là do ngành gỗ đã tăng mạnh sản lượng để đáp ứng nhu cầu, từ đó khiến các dự báo bị sai. Tương tự là các mặt hàng nông nghiệp khác như đậu nành, đường và lúa mì.

Có một ngoại lệ là dầu. Một số nhà phân tích đang nhận thấy giá bán sẽ lên tới 100 đô la/thùng, tăng từ khoảng 70 đô la hiện nay, nhờ sụt giảm chi tiêu đầu tư cho sản xuất mới. Không phải thuyền nào cũng lên theo sóng – nhưng một số có lên.

<\/div>","ppAdditionalControls":"