Thế giới hôm nay: 02/03/2021

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Một tòa án Pháp kết án cựu tổng thống Nicolas Sarkozy ba năm tù vì tội tham nhũng và buôn bán ảnh hưởng. Ông bị kết tội vì vào năm 2014 từng đề nghị giúp một thẩm phán thăng chức ở Monaco để đổi lấy thông tin về một vụ án liên quan đến tài trợ cho chiến dịch tranh cử của ông. Song Sarkozy khó có khả năng trở thành cựu tổng thống đầu tiên thụ án trong nhà tù – ông sẽ kháng cáo và dù sao thì hai năm là án treo, năm còn lại ông có thể chọn bị quản thúc tại gia.

Một báo cáo của Liên Hợp Quốc cáo buộc Nga về vụ ám sát Alexei Navalny, một nhà lãnh đạo đối lập ở nước này. Các chuyên gia của Liên Hợp Quốc nói một cuộc điều tra quốc tế là rất cần thiết khi mà ông Navalny đã bị chuyển đến một trại giam được biết đến với điều kiện rất khắc nghiệt. Trong khi đó, các nhà lãnh đạo EU đã thông qua việc trừng phạt 4 quan chức Nga, lượt trừng phạt đầu tiên dưới khung pháp lý mới của khối về trừng phạt các hành vi vi phạm nhân quyền.

Người biểu tình chống chính phủ đã xông vào một tòa nhà chính phủ ở Yerevan, thủ đô Armenia, kêu gọi thủ tướng của nước này từ chức. Nikol Pashinyan từ chối, nói rằng lời kêu gọi gần đây của quân đội yêu cầu ông từ chức là một âm mưu đảo chính. Những người biểu tình cáo buộc ông mềm mỏng trước nước láng giềng Azerbaijan sau khi một thỏa thuận hòa bình mới đây nhượng lại cho Azerbaijan phần lãnh thổ xung quanh vùng tranh chấp Nagorno-Karabakh.

Credit Suisse đã đình chỉ các quỹ đầu tư trị giá 10 tỷ USD có liên quan đến Greensill, một công ty tài trợ chuỗi cung ứng được hậu thuẫn bởi SoftBank, một công ty đầu tư công nghệ Nhật Bản. Các quỹ này bị vỡ nợ vào năm ngoái sau khi một số khách hàng sụp đổ hoặc dính phải các vụ bê bối kế toán. Các báo cáo cho thấy các hợp đồng bảo hiểm vỡ nợ đối với một phần tài sản của Credit Suisse đã hết hiệu lực vào cuối tuần, dẫn đến quyết định đình chỉ quỹ.

Fiat Chrysler Automobiles (FCA) nhận tội âm mưu tặng quà xa hoa và bất hợp pháp, trị giá hơn 3,5 triệu USD, cho các lãnh đạo của United Auto Workers, một nghiệp đoàn của Mỹ. Nhà sản xuất ô tô Mỹ gốc Ý (cổ đông lớn nhất của họ, Exor, cũng sở hữu một phần The Economist) gần đây đã hợp nhất với hãng đối thủ PSA để thành lập Stellantis. FCA chi nhánh Mỹ đồng ý nộp phạt 30 triệu đô la.

Tăng trưởng sản lượng nhà máy của khu vực đồng euro tăng tốc trong tháng 2. Chỉ số quản lý mua hàng của IHS Markit đối với lĩnh vực chế tạo ở châu Âu đã lên mức cao nhất trong ba năm là 57,9, cao hơn nhiều mức 50, ranh giới giữa tăng trưởng và suy thoái. Chỉ số cao của Ý và Pháp, Đức tăng giúp tạo ra một kết quả tốt hơn dự báo cho khối.

Klarna, công ty fintech có giá trị nhất châu Âu, huy động được thêm 1 tỷ đô la tiền mặt mới từ các nhà đầu tư, nâng định giá của hãng lên 31 tỷ đô la. Công ty đang tìm cách thách thức các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán trực tuyến khác, cũng như thẻ tín dụng truyền thống, cho phép khách hàng tiếp cận bốn gói thanh toán mua hàng không tính lãi. Một số cơ quan quản lý lo ngại công ty đang khuyến khích người tiêu dùng chi tiêu quá mức và gây nợ nần chồng chất.

TIÊU ĐIỂM

Tình hình ở Myanmar ngày càng căng thẳng

Đó là ngày đẫm máu nhất kể từ cuộc đảo chính. Hôm Chủ nhật, binh sĩ Myanmar đã nã đạn vào đám đông biểu tình trên khắp đất nước, khiến 18 người thiệt mạng và nhiều người bị thương. Hàng chục nghìn người đã xuống đường biểu tình suốt kể từ ngày 1 tháng 2, thời điểm quân đội lật đổ chính quyền dân sự và bắt giữ bà Aung San Suu Kyi, nhà lãnh đạo trên thực tế của đất nước. Chính quyền quân sự, với cáo buộc cuộc bầu cử mà đảng của bà [Suu Kyi] chiến thắng có gian lận, đã hủy bỏ kết quả và buộc tội bà Suu Kyi bốn tội danh, trong đó có sai phạm trong nhập khẩu máy bộ đàm.

Vốn nổi tiếng đàn áp tàn bạo các cuộc biểu tình đòi dân chủ trong quá khứ, lần này quân đội phản ứng trước các cuộc biểu tình với sự kiềm chế tương đối, khi chỉ dùng vòi rồng và đạn cao su. Nhưng khi hàng nghìn công nhân đình công, khiến nền kinh tế đi vào bế tắc, chính quyền đang ngày càng mất kiên nhẫn. Lực lượng an ninh đang cố gắng tránh dùng vũ lực gây chết người. Tuy nhiên, dù có đổ máu, người biểu tình vẫn không hề có dấu hiệu lùi bước.

Tòa Tối cao Mỹ xem xét vụ kiện về quy trình bầu cử ở Arizona

Hôm nay, Tòa án Tối cao Mỹ sẽ xem xét các quy tắc có thể khiến một số người dân Arizona khó bỏ phiếu hơn. Trọng tâm là điều 2 của Đạo luật Quyền Bầu cử (VRA), theo đó cấm các hoạt động bỏ phiếu dẫn đến “sự từ chối hoặc thu hẹp quyền của bất kỳ công dân nào… được bỏ phiếu, vì lý do chủng tộc hay màu da”. Các đảng viên Dân chủ nói các quy tắc cấm thu thập phiếu bầu và không tính các lá phiếu được nộp sai ở đơn vị bầu cử ở Arizona là “[các] công cụ mang tính phân biệt chủng tộc nhằm đàn áp các phiếu bầu thiểu số”.

Đảng Cộng hòa phủ nhận. Họ cho rằng điều 2 không cho phép các vụ kiện chỉ dựa trên lý do phân biệt đối xử. Các quy tắc bỏ phiếu được đề cập có thể không quá nghiêm trọng như những người phản đối nói. Ngay cả chính quyền Biden cũng không có vấn đề gì với các quy tắc này. Nhưng nếu vụ kiện Brnovich v Ủy ban Quốc gia Dân chủ làm suy yếu điều 2 — tám năm sau khi tòa án loại bỏ một công cụ chính sách phân biệt đối xử khác trong VRA — thì điều đó có thể mở đường cho một loạt các hạn chế bỏ phiếu nghiêm trọng đang gấp rút được các bang thông qua sau cuộc bầu cử năm 2020.

Thổ Nhĩ Kỳ công bố kế hoạch nhân quyền

Những năm gần đây Thổ Nhĩ Kỳ không phải là một nước ủng hộ nhiệt tình cho nhân quyền. Kể từ năm 2016, sau cuộc đảo chính thất bại, hàng chục nghìn quan chức, giáo viên và nhà hoạt động người Kurd đã bị cảnh sát vây bắt, thường với những cáo buộc kỳ lạ. Với Joe Biden ở Nhà Trắng, Thổ Nhĩ Kỳ đang tìm cách cải thiện danh tiếng của mình. Hôm nay Tổng thống Recep Tayyip Erdogan sẽ công bố một “kế hoạch hành động nhân quyền” mới.

Chẳng ai mong đợi gì. Những lời hứa cải cách dân chủ đã đến và đi trong vài năm qua. Thổ Nhĩ Kỳ phớt lờ các phán quyết của Tòa án Nhân quyền châu Âu, bao gồm cả phán quyết yêu cầu trả tự do cho Osman Kavala, một doanh nhân kiêm nhà từ thiện, và Selahattin Demirtas, một chính trị gia cao cấp người Kurd. Chừng nào hai tù nhân chính trị nổi tiếng nhất của đất nước vẫn còn ngồi sau song sắt, kế hoạch nhân quyền của ông Erdogan sẽ chẳng có giá trị bằng tờ giấy nơi nó được viết lên.

Giám đốc FBI điều trần trước Quốc hội Mỹ

Christopher Wray, giám đốc FBI, hôm nay sẽ lần đầu tiên ra điều trần trước Quốc hội kể từ vụ bạo loạn ở Điện Capitol vào ngày 6 tháng 1. Các ủy ban Hạ viện và Thượng viện đã tổ chức các cuộc điều trần về thiếu sót an ninh xung quanh vụ tấn công; vào ngày 23 tháng 2, họ đã nghe điều trần từ các cựu quan chức an ninh hàng đầu của mỗi viện.

An ninh vẫn được thắt chặt xung quanh Điện Capitol, và tuần trước Yogananda Pittman, quyền Cảnh sát trưởng Điện Capitol, cảnh báo Quốc hội rằng mối đe dọa từ những kẻ khủng bố trong nước vẫn còn cao. Chính quyền Biden đã hứa tăng cường chú ý vào mối đe dọa từ chủ nghĩa cực đoan trong nước. Bộ Tư pháp cũng công bố các khoản tài trợ đáng kể nhằm giúp các chính quyền bang và địa phương chống lại chủ nghĩa cực đoan trong nước, mặc dù các nhà lập pháp vẫn còn chia rẽ về trọng tâm của vấn đề. Đảng Cộng hòa muốn chú ý nhiều hơn đến mối đe dọa từ Antifa, tức các nhà hoạt động chống phát xít, và những người khác mà họ coi là cánh tả cực đoan, trong khi Đảng Dân chủ muốn tập trung vào những kẻ đã tấn công Điện Capitol.

Tình hình lạm phát ở Đức và châu Âu

Mọi con mắt sẽ đổ dồn vào số liệu công bố hôm nay về lạm phát ở khu vực đồng euro. Các số liệu của tháng trước khiến những người Đức vốn không ưa lạm phát rất lo lắng. Vào tháng 1, lạm phát giá tiêu dùng trong khối đã đạt mức cao nhất trong 11 tháng là 0,9%, tăng so với mức -0,3% của tháng 12. Sự gia tăng này được thúc đẩy bởi sự kết hợp của các yếu tố xuất hiện một lần, chẳng hạn như chi phí năng lượng tăng 3,8%, thay vì phục hồi của nhu cầu cơ bản, vì nhiều cửa hàng, nhà hàng và địa điểm giải trí của khối vẫn đóng cửa vì covid-19.

Giá tiêu dùng tăng đặc biệt mạnh ở Đức, nền kinh tế lớn nhất khu vực, nơi mà một đợt giảm thuế bán hàng tạm thời đã được xóa bỏ vào ngày 31 tháng 12. Mức tăng hôm nay khả năng cao là khiêm tốn. Bài thử thực sự sẽ là khi nền kinh tế mở cửa trở lại trong bối cảnh giá cả trong các lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi giãn cách xã hội, chẳng hạn như khách sạn và các kỳ nghỉ trọn gói, có khả năng tăng cao vì nhu cầu dồn nén.