Việt Nam Mật Chiến (Phần 3)

Tác giả: Tiền Giang | Biên dịch: Nguyễn Hải Hoành

Quân ủy Trung ương bố trí cho La Quý Ba một bộ điện đài, với một Trưởng đài và một nhân viên Báo vụ, một nhân viên Cơ yếu và một Cảnh vệ. La Quý Ba chọn Lý Vân Trường làm trợ thủ chính cho mình trong chuyến đi Việt Nam này.

Lý Vân Trường sinh năm 1912, người Đài Sơn, Quảng Đông, thời trẻ từng du học Nhật, năm 1936 vào Đảng Cộng sản Trung Quốc tại Nhật. Thời Kháng chiến chống Nhật dạy học ở trường Đại học Kháng Nhật Diên An. Năm 1939 đi Tân Cương công tác cùng Mao Trạch Dân và một số đảng viên. Năm 1939, quân phiệt Tân Cương là Thịnh Thế Tài theo đuôi Tưởng Giới Thạch phát động phong trào chống Cộng sản, bắt giam Đại biểu Đảng Cộng sản Trung Quốc công tác tại Tân Cương, Lý Vân Trường cũng bị bắt, tháng 6/1946 mới được ra tù. Lý Vân Trường về Diên An làm thư ký cho Vương Chấn Lữ, đoàn trưởng Lữ đoàn 359, rồi đến quân khu Lã Lương công tác cùng La Quý Ba. Trước tháng 10/1949, Lý Vân Trường về Bắc Kinh làm việc tại Ban Tổ chức Trung ương Đảng. Sau đó làm Phó Hiệu trưởng trường Trung học Hoa Bắc một thời gian.

Ngày 16/1/1950, Đoàn Cố vấn Trung Quốc đi Việt Nam có Lý Ban và Nguyễn Đức Thụy đi cùng lên tàu rời Bắc Kinh. Trước khi lên đường, có thêm một người Việt Nam đồng hành là Lưu Đức Phúc, Thư ký Trung ương Tổng Công đoàn Việt Nam, đến Bắc Kinh dự Hội nghị Công đoàn châu Á và châu Phi.

Hôm sau Lưu Thiếu Kỳ gửi điện chính thức báo cho phía Việt Nam biết họ tên La Quý Ba và cho biết đoàn La Quý Ba sẽ “đi qua Hán Khẩu, Quảng Châu, Nam Ninh, Long Châu, sau đó vào Việt Nam, đại để đi mất một tháng mới đến nơi.”

Trước đó Lưu Thiếu Kỳ đã yêu cầu Cục Trung Nam [Hồi đó cơ quan Trung ương Đảng CSTQ chia làm 6 Cục Trung ương: Đông Bắc, Hoa Bắc, Hoa Đông, Trung Nam, Tây Bắc, Trung Nguyên] và Tỉnh ủy các tỉnh dọc đường đi của La Quý Ba giúp đỡ đoàn. Ngày 11/1, Lưu Thiếu Kỳ điện cho Lâm Bưu, Bí thư thứ nhất kiêm Tư lệnh Cục Trung Nam:

Trung ương quyết định cử La Quý Ba đi Việt Nam, trong vài ngày tới sẽ lên đường từ Bắc Kinh, cùng đi còn có các đại biểu Việt Nam về nước. Khi đi qua Vũ Hán và Quảng Tây, họ sẽ liên lạc điện đài với các đồng chí, nhằm tạo thuận lợi để sau khi đến Việt Nam phía ta sẽ liên hệ với phía Việt Nam và thực hiện sự giúp đỡ Việt Nam. Trước mắt các đồng chí có thể ra lệnh cho Tiền phương giúp họ một số thứ, số lượng bao nhiêu sẽ do Tiền phương bàn với phía Việt Nam quyết định.”

Sau khi đoàn La Quý Ba đến Vũ Hán, Lâm Bưu đã rất coi trọng tiếp đón và mở tiệc chiêu đãi đoàn tại Hán Khẩu.

Hồ Chí Minh có Trần Đăng Ninh đi cùng, dẫn 6 trợ thủ bí mật băng rừng rời căn cứ địa Việt Bắc đi về phía Trung Quốc. Họ lên đường vào tháng 1/1950, khi Hoàng Minh Giám và Chu Ân Lai đang trao đổi công hàm với nhau.

Ngày 16/1/1950, đoàn Hồ Chí Minh, Trần Đăng Ninh đi vào huyện Tĩnh Tây thuộc tỉnh Quảng Tây, đúng vào ngày La Quý Ba rời Bắc Kinh đi Việt Nam.

Lãnh đạo Quân khu Quảng Tây dẫn một trung đội Giải phóng quân đến đón đoàn. Tối hôm ấy Đoàn nghỉ tại Bộ Tư lệnh Phân quân khu Long Châu. Sau đó Quân khu Quảng Tây bố trí xe đưa đoàn đến Nam Ninh ngày 25/1, nghỉ tại khách sạn Kim Sơn, đường Dân Sinh. Tối hôm đó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Tây Trương Vân Dật cùng Trần Canh, Tư lệnh Binh đoàn 4 thuộc Dã Chiến Quân số 2 đang có mặt ở Nam Ninh, mở tiệc chiêu đãi Hồ Chí Minh và những người cùng đi. Cũng hôm ấy, Lưu Thiếu Kỳ ở Bắc Kinh chủ trì công tác Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc [Mao Trạch Đông đang ở Liên Xô] nhận được điện từ Quảng Tây, cho biết Hồ Chí Minh đã bí mật đến Nam Ninh.

Trước đó khoảng nửa năm, từ tháng 7/1949, Lưu Thiếu Kỳ từng thay mặt Đảng Cộng sản Trung Quốc đi Liên Xô hội đàm với Stalin về vấn đề thành lập nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. Khi đó Stalin đã tỏ ý xin lỗi vì trong quá khứ, Đảng Cộng sản Liên Xô từng can thiệp sai lầm vào cách mạng Trung Quốc trong một thời gian khá dài. Ông nói: “Chúng tôi đã can nhiễu, gây trở ngại cho các đồng chí, tôi cảm thấy ân hận về chuyện này.” Trong tình hình Liên Xô tồn tại nạn sùng bái cá nhân nghiêm trọng như thế mà Stalin có thể nói như vậy thật không dễ dàng.

Tiếp đó Stalin thay mặt Đảng Cộng sản Liên Xô đề nghị Trung Quốc thành lập nước vào trước năm 1950. Ông nói, Trung Quốc là một nước lớn, cách mạng Trung Quốc thành công sẽ ảnh hưởng tới thế giới, trung tâm cách mạng thế giới có thể chuyển sang phía Đông, Trung Quốc sẽ trở thành trung tâm cách mạng châu Á. Trong tình hình như vậy, những nước như Việt Nam sẽ có thể đề nghị các đồng chí viện trợ. Nếu thế thì để các đồng chí viện trợ họ sẽ là hợp lý hơn. Chúng tôi không làm được việc ấy, vì chúng tôi cách họ quá xa và cũng không hiểu họ bằng các đồng chí.

Những lời nói ấy của Stalin đã xác định tình hình tổng thể về mối quan hệ giữa ba nước Liên Xô, Trung Quốc và Việt Nam thập niên 1950.

Trong bối cảnh đó, ngày 26/1, Lưu Thiếu Kỳ gửi điện cho Cục Trung Nam:

Đồng chí Hồ đã đến Vũ Hán, tạm thời không công khai hoan nghênh mà hoan nghênh bí mật nội bộ Đảng. Nhưng sau khi Hồ Chí Minh đến Vũ Hán, các đồng chí nên bàn với Hồ xem phải chăng có thể công khai hoan nghênh tại Bắc Kinh được không, xem ý kiến của Hồ thế nào, sau đó hãy quyết định. Các đồng chí nhớ nhiệt tình đón tiếp và hộ tống đồng chí Hồ đến Bắc Kinh.

Chương 3: Mao Trạch Đông và quyết sách giúp Việt Nam chống Pháp

Ngày 27/1/1950, Hồ Chí Minh và những người đi cùng đến Vũ Hán.

Trong các nhà lãnh đạo Trung ương Đảng CSTQ, Chu Ân Lai là người mà Hồ Chí Minh quen biết hơn cả. Lúc bấy giờ vì đường sắt Hoành Dương-Quế Lâm mới chỉ thông đến Đông Bắc Quảng Tây [tức chưa thông tới Nam Ninh], cho nên đoàn Hồ Chí Minh phải đi ô tô từ Nam Ninh lên Quế Lâm. Họ được Bí thư Khu ủy Quế Bắc là Hà Vỹ đón tiếp rồi bố trí đáp xe lửa đi Bắc Kinh. Hồ Chí Minh và Hà Vỹ quen nhau từ thời Kháng chiến chống Nhật. Thấy bộ đồ Hồ Chí Minh mặc quá mỏng manh, Hà Vỹ bèn lấy chiếc áo bông dài quân phục của mình khoác lên người ông bạn. Hồ Chí Minh vui vẻ nhận áo và còn kín đáo đề nghị Hà Vỹ cho mình ít tiền lẻ để chi dùng. Hà Vỹ thắc mắc: “Đồng chí cần chỗ tiền lẻ ấy làm gì thế?”

Hồ Chí Minh mỉm cười, dùng giọng Quảng Đông trả lời: “Mua chút quà cho Đặng Dĩnh Siêu ấy mà.”

Nhiều năm sau, trong thời gian [1955-1962] làm Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam, Hà Vỹ có lần trò chuyện với Hồ Chí Minh và nghe ông kể là trên đường đi Bắc Kinh lần ấy, khi qua Thiên Tân, Hồ Chí Minh có mua một gói hạt dẻ bọc đường làm quà cho Đặng Dĩnh Siêu.

Ngày 30/1, Hồ Chí Minh, Trần Đăng Ninh cùng cả đoàn đến Bắc Kinh. Dương Thượng Côn, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng CSTQ, ra ga đón rồi đưa Hồ Chí Minh vào ở Trung Nam Hải, như chỉ thị của Lưu Thiếu Kỳ, đăng ký dưới cái tên “Đinh”. Hồ Chí Minh yêu cầu giữ bí mật toàn bộ chuyến đi này.

Bà Vương Quang Mỹ, phu nhân của Lưu Thiếu Kỳ, về cuối đời kể lại:

Đấy là lần đầu tiên tôi gặp đồng chí Hồ Chí Minh. Thiếu Kỳ thu xếp cho Hồ Chí Minh ở trong Trung Nam Hải. Hồi ấy gia đình tôi ở nhà Vạn Tự Lang trong Trung Nam Hải. Một hôm đồng chí Hồ Chí Minh rất thoải mái đến nhà tôi. Lúc đó tôi đang có nhà, ngẩng đầu lên nhìn thấy một người cổ quấn chiếc khăn quàng to. Tôi thoạt nhìn đã đoán đây là Hồ Chí Minh, vì hôm qua Thiếu Kỳ khi về nhà có nói Hồ Chí Minh đến Trung Quốc. Tôi vội mời đồng chí ấy vào phòng khách ngồi rồi chạy đi gọi Thiếu Kỳ. Hai người trò chuyện với nhau trong phòng khách. Vì là bạn cũ nên họ trò chuyện rất thoải mái. Đồng chí Hồ Chí Minh thích trẻ con, bảo tôi gọi các cháu nhà tôi ra gặp đồng chí. Tôi còn hỏi: “Đồng chí để râu làm gì thế ạ? Lại còn lấy khăn quàng che kín bộ râu, lôi thôi quá, cạo quách đi cho xong.” Hồ Chí Minh cười nói: “Không được đâu. Nhân dân Việt Nam nhận ra bộ râu này của tôi.”

Sau đó Lưu Thiếu Kỳ bảo gửi điện báo gọi La Quý Ba quay trở lại Bắc Kinh gặp Hồ Chí Minh – lúc ấy La Quý Ba đã lên đường đi Việt Nam. Cũng ngày 30/1, Lưu Thiếu Kỳ gửi điện báo cáo Mao Trạch Đông đang ở Moskva:

Hồ Chí Minh rời chỗ ở đã một tháng, đi bộ 17 ngày mới đến đất Trung Quốc. Hồ đã 60 tuổi, người gày gò nhưng còn khỏe mạnh. Khi Hồ Chí Minh rời Việt Nam, chỉ có hai người biết việc đồng chí ấy sẽ đi Trung Quốc, cho nên chỉ có thể lưu lại Bắc Kinh vài ngày.”

Lưu Thiếu Kỳ còn quyết định sẽ lập một nhóm nhỏ gồm bản thân ông cùng Chu Đức, Nhiếp Vình Trăn, Lý Duy Hán, Liêu Thừa Chí, để hội đàm với Hồ Chí Minh, giải quyết các vấn đề do Hồ Chí Minh nêu ra, sau đó sẽ báo cáo Mao Trạch Đông.

Tối hôm Hồ Chí Minh đến Bắc Kinh, Lưu Thiếu Kỳ lấy danh nghĩa Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc mở tiệc chiêu đãi. Tới dự, phía Trung Quốc có Chu Đức, Đổng Tất Vũ, Lâm Bá Cừ, Nhiếp Vình Trăn, Lý Duy Hán. Phía Việt Nam có Trần Đăng Ninh và Hoàng Văn Hoan.

Trong bữa tiệc, Lưu Thiếu Kỳ cho Hồ Chí Minh biết Trung Quốc đã thừa nhận nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và còn bàn với Liên Xô đề nghị họ thừa nhận Việt Nam, nhằm để Việt Nam có địa vị quốc tế. Việc Trung Quốc thừa nhận Việt Nam có thể làm cho nước Pháp đang định thừa nhận Trung Quốc sẽ hoãn việc đó lại, nhưng chúng tôi không sợ. Vấn đề chính hiện nay là tích cực viện trợ cuộc chiến tranh chống Pháp của nhân dân Việt Nam, làm cho nhân dân Việt Nam sớm giành thắng lợi.

Lưu Thiếu Kỳ nhắc lại chuyện năm xưa quen biết Hồ Chí Minh tại Quảng Châu, chuyện Hồ Chí Minh mở “Lớp huấn luyện cán bộ thanh niên Việt Nam” những năm 1925-1926 và hỏi về các học viên năm ấy. Hồ Chí Minh nói với mọi người: “Hồi mở lớp huấn luyện tại Quảng Châu, các đồng chí Chu Ân Lai, Trương Thái Lôi, Bành Bái, Trần Diên Niên, Lý Phú Xuân, Huy Đại Anh, và một số đồng chí lãnh đạo cuộc đại bãi công ở Quảng Đông và Hồng Kông đến giảng bài cho chúng tôi. Thiếu Kỳ là một trong các thầy giáo dạy lớp huấn luyện. Chúng tôi vô cùng cảm ơn sự quan tâm và giúp đỡ của các đồng chí Trung Quốc đối với cách mạng Việt Nam.”

Lúc đó Hoàng Văn Hoan nâng cốc chúc rượu Lưu Thiếu Kỳ và nói mình chính là học viên khóa 3 của Lớp Huấn luyện năm đó: “Hồi ấy các nhà cách mạng hai Đảng Trung Quốc và Việt Nam cùng chung ý chí, thân nhau như anh em. Lớp huấn luyện chưa có nhà ăn tập thể, hôm nào chúng tôi cũng sang ăn tại nhà ăn Sở Giảng tập Phong trào nông dân Trung Quốc.”

Lưu Thiếu Kỳ tỏ ý mong Hồ Chí Minh ở lại Trung Quốc vài ngày, chờ Mao Trạch Đông, Chu Ân Lai từ Liên Xô trở về để bàn cụ thể về việc Trung Quốc viện trợ Việt Nam.

Hồ Chí Minh rất vui mừng nhưng nói không định ở lại Bắc Kinh lâu hơn mà muốn lập tức đi Liên Xô, muốn gặp Stalin. Vì Mao Trạch Đông và Chu Ân Lai đều đang ở Moskva, vì thế đi Liên Xô vừa may có thể cùng nhau thương thảo.

Sau đó Lưu Thiếu Kỳ đã báo cáo Mao Trạch Đông biết yêu cầu của Hồ Chí Minh.

Tại Moskva, Mao Trạch Đông và Chu Ân Lai đã thảo luận về việc Lưu Thiếu Kỳ báo cáo Hồ Chí Minh sau khi thăm Trung Quốc muốn đến Moskva. Uông Đông Hưng hồi ấy đang ở Moskva phụ trách công tác bảo vệ Mao Trạch Đông có viết trong nhật ký như sau:

Ngày 1/2/1950.  Tôi đến phòng Chủ tịch Mao. Chủ tịch đang bàn công việc với Thủ tướng Chu. Thấy tôi vào, Chủ tịch quay lại hỏi: “Chủ tịch kiêm Thủ tướng nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Hồ Chí Minh đang ở thăm Bắc Kinh. Đồng chí Hồ Chí Minh rất am hiểu về Trung Quốc, đặc biệt quen thuộc vùng Quảng Đông, Quảng Tây. Đồng chí ấy là nhà lãnh đạo và nhà tổ chức kiệt xuất của nhân dân Việt Nam. Tôi và đồng chí Ân Lai định gửi điện về nước, đề nghị đồng chí Thiếu Kỳ nhiệt tình tiếp đón và thay mặt chúng tôi hỏi thăm Chủ tịch Hồ Chí Minh.” Thủ tướng Chu nói: “Hai nước Trung Quốc và Việt Nam đã lập quan hệ ngoại giao. Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Trung Quốc xong sẽ có thể đi thăm Liên Xô.”

Các nhà lãnh đạo Liên Xô và Trung Quốc đều đồng ý để Hồ Chí Minh đến Moskva. Ngày 2/2/1950, Mao Trạch Đông và Chu Ân Lai đang ở Liên Xô gửi điện cho Lưu Thiếu Kỳ, đề nghị chuyển lời thăm hỏi tới Hồ Chí Minh. Mao Trạch Đông còn cử Chu Ân Lai đáp máy bay đến vùng Viễn Đông Liên Xô gặp Hồ Chí Minh, sau đó cùng Hồ Chí Minh bay về Moskva.

Và thế là ngày 3 tháng Hai, Hồ Chí Minh đáp xe lửa rời Bắc Kinh. Ngày 6 đến Chita ở vùng Viễn Đông Liên Xô. Tại đây, Hồ Chí Minh gặp Chu Ân Lai từ Moskva đến đón mình, sau đó hai người cùng nhau đáp máy bay về Moskva.

Nguyễn Hải Hoành lược dịch từ nguồn tiếng Trung “Cuộc chiến tranh bí mật ở Việt Nam: Ghi chép thực về việc Trung Quốc giúp đỡ cuộc chiến tranh 1950-1954 của Việt Nam”. Tác giả: Tiền Giang (Trung Quốc).