Nguồn: “As Chinese citizens head overseas, the party does likewise”, The Economist, 23/6/2021.
Biên dịch: Nguyễn Thanh Hải
Khi Trung Quốc vươn tầm ảnh hưởng ra khắp nơi trên thế giới thì tại những nơi nó đi qua đều để lại dấu ấn của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Tuy vậy, điều này không phải lúc nào cũng được thể hiện một cách công khai.
“Sự mở rộng của Đảng là không có biên giới”. Với tuyên bố đó, các công ty Trung Quốc được khuyến khích thành lập chi bộ ở nước ngoài. Một khẩu hiệu khác là “Dự án được triển khai ở quốc gia nào thì nơi đó sẽ có tổ chức của Đảng”. Việc Trung Quốc trỗi dậy đã giúp ảnh hưởng của Đảng Cộng sản vượt ra khỏi biên giới nước này. Khi công dân Trung Quốc đi nước ngoài để học tập và làm việc thì các chi bộ cũng theo đó mà lan rộng.
Nhiệm vụ của các cơ quan Đảng ở Bắc Kinh là buộc phương Tây phải dành sự tôn trọng cho Trung Quốc. Bộ Ngoại giao chỉ là cơ quan thực thi những chính sách do Ban Đối ngoại Trung ương Đảng, đứng đầu bởi ông Tập, vạch ra. Cơ quan phụ trách tuyên truyền – Ban Tuyên truyền Trung ương – làm nhiệm vụ của mình thông qua các phương tiện truyền thông nhà nước như Mạng lưới Truyền hình Toàn cầu Trung Quốc (CGTN) hay hãng thông tấn Tân Hoa Xã. Ban Công tác Mặt trận Thống nhất Trung ương được giao quản lý những tổ chức có hoạt động nhằm tăng cường ảnh hưởng của Đảng ở ngoại quốc, đặc biệt là đối với cộng đồng người gốc Hoa. Theo Viện Chính sách Chiến lược Australia, Hệ thống các Viện Khổng Tử, những trung tâm văn hóa do nhà nước Trung Quốc tài trợ đặt trong khuôn viên các trường đại học ở nước ngoài, cũng nằm dưới sự quản lý của ban này.
Giới chức biết rõ ở phương Tây, người ta không mấy hào hứng trước cái tên Đảng Cộng sản Trung Quốc. Do vậy, khi hoạt động ở nước ngoài, các cơ quan Đảng thường sẽ che dấu thân phận của mình. Ở quê nhà, ông Tập nói rằng phương tiện truyền thông nhà nước “phải lấy họ của Đảng”, phục vụ lợi ích của Đảng. Tuy vậy, các chương trình phát sóng của CGTN không hề đề cập đến mối liên hệ với Đảng Cộng sản Trung Quốc. Đài truyền hình này có những lúc sử dụng phóng viên không phải là người Trung Quốc và đã từng làm việc cho các hãng truyền thông phương Tây như BBC hoặc CNN. (Hoa Kỳ đã liệt CGTN và Tân Hoa Xã vào danh sách “đại diện nước ngoài”; còn Anh Quốc cấm các chương trình phát sóng của CGTN).
Đại sứ Trung Quốc ở nước ngoài cũng đồng thời giữ chức Bí thư Đảng, mặc dù điều đó hiếm khi được đề cập. Với chức vụ này, họ có quyền chỉ đạo người đứng đầu chi bộ Đảng trong các công ty quốc doanh Trung Quốc đang hoạt động ở nước sở tại. Khi gặp gỡ người dân địa phương họ là Đại sứ, nhưng khi nói chuyện với những nhân sự người Trung Quốc ra nước ngoài làm việc, họ là Bí thư. Trần Dụng Lâm (Chen Yonglin), nhà ngoại giao đào tẩu năm 2005, cho biết các công ty Trung Quốc thường tổ chức họp chi bộ tại cơ quan đại diện ngoại giao của nước này. Và Đảng đang muốn phát triển thêm các cơ sở ở nước ngoài. Mục đích dường như là để giám sát các Đảng viên, đảm bảo họ không bị tư tưởng chính trị phương Tây quyến rũ. Đảng không cho phép có sự lệch lạc về tư tưởng, vì vậy khi các Đảng viên về nước, bằng chứng về lòng trung thành sẽ quyết định liệu họ có được trọng dụng nữa hay không.
Trước đại dịch, số người Trung Quốc ra nước ngoài với mục đích học tập là 1,6 triệu và để làm việc cho các công ty đa quốc gia của Trung Quốc là 1,5 triệu. Sinh viên chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ trong số Đảng viên: nhiều người đi du học ngay từ thời phổ thông, ở độ tuổi mà ít ai được kết nạp Đảng. Tuy nhiên, đối với sinh viên diện trao đổi hoặc hoàn thành xong bậc đại học thì nhiều người đã gia nhập Đảng trước khi rời Trung Quốc. Trong các công ty quốc doanh thì Đảng viên chiếm tỷ lệ cao: lên đến hơn 40% nhân viên trong những doanh nghiệp do trung ương quản lý. Vì vậy, số lượng Đảng viên ở nước ngoài có thể tới hàng chục ngàn.
Đảng khá kín tiếng về vấn đề này. Năm 2017, một tờ báo tiết lộ rằng các công ty Trung Quốc ở nước ngoài cần tuân theo một nguyên tắc gọi là “năm điều không hé lộ”: giữ im lặng về sự tồn tại của tổ chức Đảng bên trong công ty cùng những hoạt động của nó, không tiết lộ chức vụ mà các nhân viên nắm giữ trong Đảng, hay thậm chí là mối liên hệ giữa họ với tổ chức Đảng, và không công khai bất kỳ tài liệu nào của Đảng ra bên nào. Tuy vậy, dưới thời ông Tập, những công ty quốc doanh ở nước ngoài được yêu cầu phải thành lập các chi bộ Đảng, và họ dường như đang tuân thủ điều đó. Truyền thông nhà nước tuyên bố: “Lá cờ Đảng sẽ tung bay dọc theo vành đai và con đường”, ý muốn nói về sáng kiến xây dựng cơ sở hạ tầng toàn cầu của Trung Quốc.
Liên hiệp hội Công Thương nghiệp toàn Trung Hoa cũng đã kêu gọi thành lập tổ chức Đảng trong những cơ sở hoạt động ở nước ngoài của các công ty tư nhân. Hiện đang có hàng nghìn Đảng viên đang làm việc cho gã khổng lồ công nghệ Huawei, doanh nghiệp từng khiến phương Tây lo ngại vì sợ rằng thiết bị mạng của họ có thể bị Trung Quốc khai thác phục vụ mục đích gián điệp. Theo chính sách của công ty, việc thành lập tổ chức Đảng trong các cơ sở ở nước ngoài sẽ “tùy thuộc vào tình hình địa phương”.
Tại các cơ sở giáo dục ở nước ngoài, nhận thức được mức độ nhạy cảm của Phương Tây, Đảng dường như không cố thành lập các chi bộ công khai trong cộng đồng sinh viên và học giả người Trung Quốc. Tuy vậy, sinh viên nước này thường mong muốn duy trì mối liên hệ với Đảng trong thời gian ở nước ngoài để có thể dễ dàng khôi phục lại các mối liên hệ đó khi họ về nước. Một cách để thể hiện sự cam kết chính trị là tổ chức các buổi họp nghiên cứu những bài phát biểu của ông Tập. Một số sinh viên ở nước ngoài lập nên các tiểu tổ để thực hiện mục đích trên. Website của các đại học và mạng xã hội ở Trung Quốc cho biết có những tiểu tổ đã xuất hiện tại Đại học Nottingham ở Anh, Đại học Kyung Hee ở Hàn Quốc, và Đại học Bang Missouri ở Hoa Kỳ. Năm 2017, các học giả Trung Quốc đã thành lập một chi bộ tại Viện Đại học California ở thành phố Davis, nhưng sớm giải thể vì luật pháp Mỹ yêu cầu những người hoạt động cho một đảng chính trị nước ngoài phải đăng ký với chính quyền.
Nếu các Đảng viên thành lập những tổ chức Đảng công khai trong khuôn viên các cơ sở giáo dục, họ có thể thấy quyền tự do của bản thân bị hạn chế bởi phải báo cáo về hoạt động của nhau. Nhưng Trung Quốc có thể giám sát hành vi ở nước ngoài của những người cả trong và ngoài Đảng mà không cần đến sự hiện diện của các tổ chức Đảng. Với sự hậu thuẫn của nhà nước, Hội Sinh viên và Học giả Trung Quốc (CSSA) được thành lập ở hầu hết những cơ sở giáo dục có nhiều sinh viên Trung Quốc theo học, các hiệp hội này không có mối liên hệ trực tiếp với Đảng, nhưng người đứng đầu các hội này vẫn báo cáo tình hình cho cơ quan ngoại giao Trung Quốc.
Cánh tay đáng sợ nhất của Đảng ở hải ngoại là bộ máy an ninh Trung Quốc. Không giống như lượng lượng quân đội, cảnh sát và tình báo dân sự, nó không nằm trong cơ cấu tổ chức chính thức của Đảng nhưng luôn trong tư thế sẵn sàng. Gián điệp Trung Quốc ra nước ngoài để theo dõi những nhân vật bất đồng chính kiến chuyên gây rối. Dù ở bất cứ đâu, họ cũng có thể đọc trộm tin nhắn của công dân trên mạng xã hội. Người Trung Quốc ở nước ngoài phát ngôn chống Đảng sẽ đối mặt với nguy cơ: người thân của họ ở Trung Quốc có thể phải gánh chịu hậu quả. Không cần phải có sự hiện diện của tổ chức Đảng để răn đe những ai chống đối. Các phương thức đã được sử dụng và kiểm chứng bởi các nhà độc tài trên toàn thế giới là đã đủ cho Đảng thực hiện tốt mục tiêu này rồi.