Tác giả: Tiền Giang (Trung Quốc) | Biên dịch: Nguyễn Hải Hoành.
Hồ Chí Minh, lãnh tụ được nhân dân Việt Nam yêu mến
Khi La Quý Ba đang khẩn trương làm việc tại Việt Nam thì Hồ Chí Minh kết thúc chuyến thăm Trung Quốc, ngày 4/4/1950 trở lại căn cứ địa Việt Bắc. Vừa về tới nơi, ông liền cho người nhắn La Quý Ba: “Ngày mai gặp nhau”.
Sáng ngày 5/4, Vụ trưởng Vụ Lễ tân Chính phủ Việt Nam Vũ Đình Huỳnh đưa La Quý Ba đến “Chủ tịch phủ” của Chính phủ Việt Nam. Đó là một ngôi nhà sàn tranh tre nứa lá dựng trên vuông đất bằng phẳng nằm giữa cánh rừng đại ngàn, bên cạnh dòng suối nhỏ nước chảy róc rách. Chủ tịch Hồ Chí Minh ra tận cổng khu nhà để đón khách, ôm lấy La Quý Ba. Đây là lần đầu tiên La Quý Ba được gặp vị lãnh tụ thần kỳ của cách mạng Việt Nam.
Hồ Chí Minh cho biết tại Moskva ông đã gặp Stalin cùng Mao Trạch Đông, Chu Ân Lai, tại Bắc Kinh ông đã gặp Lưu Thiếu Kỳ, Chu Đức. Trên vấn đề viện trợ Việt Nam, hai bên Trung Quốc, Liên Xô đã thương thảo thống nhất xác định phương châm cơ bản là Trung Quốc sẽ trực tiếp viện trợ Việt Nam, cung cấp cho Việt Nam trang bị vũ khí, và viện trợ toàn diện về mặt huấn luyện quân đội. Hồ Chí Minh tỏ ý cảm ơn về quyết định nói trên, đồng thời mời La Quý Ba tham dự cuộc họp của Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng Sản Đông Dương, bắt đầu vào hôm sau.
Cuộc họp diễn ra trong hai tuần, thảo luận chi tiết việc đột phá mở ra cục diện mới trên tuyến biên giới Việt – Trung nhằm tạo điều kiện tiếp nhận viện trợ từ Trung Quốc. Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng Sản Đông Dương quyết định: để thực hiện tổng phản công, tốt nhất trước hết đưa bộ đội chủ lực Việt Nam sang Vân Nam và Quảng Tây tiến hành chỉnh huấn; tổng số binh lực tham dự chỉnh huấn vào khoảng 12,5 nghìn người.
Ngày 12/4/1950, Hồ Chí Minh đích thân gửi điện cho Trung ương Đảng Cộng Sản Trung Quốc, mong muốn Trung Quốc viện trợ 3000 tấn lương thực để đáp ứng nhu cầu 7 tháng của bộ đội Việt Nam, và tổ chức huấn luyện bộ đội chủ lực Việt Nam tại Vân Nam và Quảng Tây.
Lưu Thiếu Kỳ nói La Quý Ba sẽ làm Đại sứ tại nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà
Tại Bắc Kinh, Lưu Thiếu Kỳ rất quan tâm tới công việc của La Quý Ba ở Việt Nam, đọc kỹ các bức điện La Quý Ba gửi đi từ vùng rừng núi Việt Bắc. Ngày 23/3/1950, Lưu Thiếu Kỳ chỉ thị Bộ trưởng Bộ Đường sắt Đằng Đại Viễn xem xét vấn đề sửa chữa khôi phục tuyến đường sắt Việt Điền. Lưu Thiếu Kỳ cũng đồng ý để phía Trung Quốc tổ chức chỉnh huấn bộ đội chủ lực Việt Nam bên trong hai tỉnh Vân Nam, Quảng Tây.
Ngày 8/5/1950, Trung ương Đảng Cộng Sản Trung Quốc gửi tới La Quý Ba bản chỉ thị do Lưu Thiếu Kỳ soạn thảo, yêu cầu La Quý Ba chuẩn bị làm việc lâu dài tại Việt Nam:
Gửi đồng chí La Quý Ba và chuyển tới Trần (Canh), Tống (Nhiệm Cùng), Trương Vân Dật, Cục Tây Nam, Cục Trung Nam:
Đã nhận được điện ngày 29/4 của đồng chí.
Nói chung các đồng chí Việt Nam còn chưa hiểu rõ về Đảng Trung Quốc và về cán bộ của Đảng ta. Cũng vậy, chúng ta chưa hiểu cụ thể về họ. Trong tình hình chưa hiểu nhau lắm, rất dễ xảy ra một số sai sót không nên có và sự cảnh giác quá đáng. Mong đồng chí chú ý vấn đề này. Nhưng cả hai Đảng và cán bộ trung kiên của hai Đảng đều từng trải qua rèn luyện trong đấu tranh cách mạng lâu dài, về cơ bản là hoàn toàn có thể tin tưởng lẫn nhau, hiện nay cũng tin tưởng lẫn nhau. Đồng chí cần chú ý điểm này.
Một số đồng chí Việt Nam nào đó có thể có những khuyết điểm, ví dụ sợ nói ra sai lầm khuyết điểm của mình, chưa coi trọng kinh nghiệm của Trung Quốc, ỷ lại nhiều vào viện trợ, mở miệng là đòi viện trợ. Nhưng các khuyết điểm đó không phải một lúc là có thể sửa được. Trong nhiều đồng chí Trung Quốc cũng có những khuyết điểm ấy và trong thời gian ngắn cũng không thể sửa được. Chỉ có sau khi mọi người hiểu nhau, tin tưởng lẫn nhau, và nhiều lần được chứng minh trong kinh nghiệm thực tiễn thì mới có thể dần dần sửa được.
Hiện nay đồng chí căn bản chớ nên để tâm quá nhiều tới những khuyết điểm ấy của các đồng chí Việt Nam, lại càng chớ nên phê bình các khuyết điểm ấy của họ. Hiện nay đồng chí chỉ nên thành khẩn và nhiệt tình công khai nêu ra những ý kiến mình cho là đúng, và giới thiệu cho họ biết các kinh nghiệm của phía Trung Quốc, rồi chờ đợi họ tiếp thu. Họ có thể tiếp thu bao nhiêu, thậm chí không tiếp thu, điều đó đồng chí cũng không nên kiên trì yêu cầu, chỉ cần thành tâm thành ý giúp đỡ họ là được. Những chuyện họ không muốn đồng chí điều tra thì chớ nên điều tra. Kiên trì thực hiện như vậy một thời gian, sau đó đồng chí sẽ có thể dần dần giành được sự tín nhiệm của họ. Lúc ấy đồng chí có thể hiểu họ nhiều hơn (song chớ có điều tra và hỏi tất cả mọi chuyện). Sau đấy sẽ có thể từ từ nói ra những điều chưa dám công khai nói. Đó hoàn toàn là việc không thể vội vã.
Đồng chí cần kiên trì công tác tại Việt Nam. Trung ương đang chuẩn bị cử đồng chí làm Đại sứ ở Việt Nam. Khi thời cơ thích đáng, Trung ương chuẩn bị nêu việc này ra trưng cầu ý kiến của phía Việt Nam. Nếu họ đồng ý, thì đồng chí sẽ thường trú lâu dài tại Việt Nam với tư cách Đại sứ.
Ngoài ra không lâu nữa, Vi Quốc Thanh sẽ dẫn đầu Đoàn Cố vấn quân sự Trung Quốc sang Việt Nam, phụ trách việc giúp họ về quân sự. Trần Canh và Tống Nhiệm Cùng không thể ở Việt Nam lâu, chỉ có thể khi cần thiết thì sang Việt Nam một chuyến. Họ có nhiệm vụ giúp Việt Nam từ hậu phương, không thể làm thay đồng chí. Vi Quốc Thanh vì phải tập trung làm công tác về mặt quân sự cho nên cũng không thể thay đồng chí. Trên thực tế, nhiệm vụ hiện nay của đồng chí là, sau này cũng là Đại sứ ở Việt Nam, và kiêm đại biểu của Đảng Cộng sản Trung Quốc tại Việt Nam. Đồng chí cần chuẩn bị công tác tại Việt Nam một thời gian tương đối lâu dài, có như vậy mới lập được thành tích nên có.
Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã dẫn La Quý Ba đi thị sát quân đội nhân dân Việt Nam. La Quý Ba rất ngạc nhiên về tình trạng của bộ đội chủ lực Việt Nam. Mấy chục năm sau, ông còn nhớ rõ: “Tôi chưa từng nghĩ tới tình hình quân đội Việt Nam lại như vậy, họ đều thiếu lương thực, dầu mỡ lại càng không có mà ăn, sức khoẻ của các chiến sĩ đều suy nhược, quần áo phần đông cũ rách, đa số đi chân trần không giày dép. Trang bị vũ khí lại càng kém, súng ống kiểu nào cũng có, làm cho việc cung cấp đạn rất khó khăn. Điều đặc biệt là họ chưa từng đánh các chiến dịch lớn, thiếu kinh nghiệm đánh công kiên. Kỷ luật cũng lỏng lẻo. Tình trạng quân đội như thế này thì làm sao có thể tiến hành một chiến dịch lớn ở vùng biên giới Việt – Trung được chứ?”
La Quý Ba đề nghị với phía Việt Nam: “Muốn đánh thông biên giới Việt – Trung thì phải tổ chức bộ đội thành hai quả đấm. Hiện nay bộ đội Việt Nam chủ yếu dùng tiểu đoàn, trung đoàn làm đơn vị hoạt động độc lập, lực lượng quá phân tán. Trung ương Đảng Việt Nam nên sớm hạ quyết tâm tổ chức một hoặc hai sư đoàn tác chiến.”
Trung ương Đảng Cộng Sản Đông Dương đã nhận thức rõ vấn đề này. Tháng 1/1950, trước khi La Quý Ba sang Việt Nam, họ đã họp Đại hội đại biểu Đảng lần thứ ba. Khi bàn về vấn đề quân sự, Đại hội vạch rõ: “Chúng ta có cơ sở chính trị lớn mạnh, hậu phương vững chắc, quân đội và nhân dân có tinh thần cao. Nhưng chúng ta còn thiếu quân đội chính quy, thiếu các binh chủng cùng các loại vũ khí nặng để đánh công kiên, thiếu các phương tiện thông tin nhanh, thiếu các cán bộ thực sự nắm vững khoa học quân sự chỉ huy đánh vận động chiến.”
Sau khi La Quý Ba thị sát xong tình hình bộ đội Việt Nam, Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương và Bộ Tổng Tư lệnh quân đội Việt Nam chính thức đề xuất với La Quý Ba: Phía Việt Nam đã quyết tâm chỉnh đốn biên chế bộ đội chính quy, đề nghị Trung Quốc cung cấp địa điểm tại hai tỉnh Vân Nam, Quảng Tây để phía Việt Nam đưa lực lượng bộ đội chủ lực cần được chỉnh đốn biên chế sang đất Trung Quốc tiến hành chỉnh huấn; đề nghị Trung Quốc trang bị toàn bộ súng đạn, y dược phẩm và phương tiện thông tin liên lạc cho bộ phận quân đội này. Đồng thời, để tạo thuận lợi cho việc tiến hành chiến dịch biên giới đang bàn, đề nghị Trung Quốc cử một đoàn cán bộ chỉ huy quân sự cấp quân đoàn, sư đoàn sang Việt Nam làm cố vấn chiến dịch giúp bộ đội Việt Nam, cử các sĩ quan cấp trung đoàn, tiểu đoàn sang Việt Nam làm cố vấn trung đoàn, tiểu đoàn trong quân đội Việt Nam. Phía Việt Nam còn đề xuất họ mong muốn trong năm 1950 có thể tổ chức được 6 sư đoàn với khoảng 100 nghìn chiến sĩ và đề nghị Trung Quốc cung cấp vũ khí, trang bị cho số quân này.
Và như vậy, vào mùa xuân năm 1950, sư đoàn chỉnh biên chính quy đầu tiên của quân đội Việt Nam, sư đoàn 308 (phía Việt Nam hồi ấy gọi là “Đại đoàn”), tập kết vào một nơi và được chính thức tổ chức, do Vương Thừa Vũ làm Sư đoàn trưởng, Cao Văn Khánh làm Phó sư trưởng, Song Hào làm Chính uỷ.
Phía Trung Quốc nhanh chóng trả lời: Sẽ căn cứ vào tình hình đã chín muồi hay chưa mà từng bước giúp Việt Nam tổ chức các sư đoàn quân chính quy, và đồng ý chỉnh đốn biên chế quân đội Việt Nam tại địa điểm bên trong lãnh thổ Trung Quốc. Bộ đội Việt Nam sẽ chia làm hai nhánh tiến vào đất Trung Quốc: Sư đoàn 308 vào vùng Văn Sơn thuộc tỉnh Vân Nam, do Quân đoàn 13 Giải phóng quân nhân dân Trung Quốc phụ trách chỉnh huấn; một nhánh bộ đội chủ lực Việt Nam là trung đoàn 174 và trung đoàn 209 vào vùng Long Châu thuộc tỉnh Quảng Tây, do Quân khu Quảng Tây phụ trách chỉnh huấn.
Trên thực tế, phía Trung Quốc hồi ấy có một quyết sách quan trọng hơn, đó là nhanh chóng tổ chức Đoàn Cố vấn quân sự Trung Quốc sang giúp quân đội Việt Nam chiến đấu lâu dài.
(còn nữa)