Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy
Thống đốc ngân hàng trung ương Đức Bundesbank Jens Weidmann sẽ từ chức sớm vào cuối năm nay sau hơn mười năm tại vị, vì lý do cá nhân. Weidmann là một trong những nhà hoạch định chính sách diều hâu nhất tại ECB (Ngân hàng Trung ương châu Âu), và là người thường xuyên chỉ trích chính sách tiền tệ nới lỏng sau trong đại dịch của ECB, vì lo ngại hậu quả lạm phát.
Amherst College, một trường đại học khai phóng tư nhân ở Massachusetts, đã quyết định chấm dứt chế độ tuyển sinh kế thừa (legacy admission), trong đó ưu tiên con cái của các cựu sinh viên. Giám đốc tuyển sinh cho biết đây là “một sự mở rộng tự nhiên” nhằm đa dạng hóa ngôi trường. Với động thái đó, Amhers trở thành một trong số ít các trường đại học tư ở Mỹ bãi bỏ chính sách vốn mang nhiều điều tiếng này.
Nhân viên Netflix đã tổ chức đình công online để phản đối cách công ty này xử lý một chương trình mới của diễn viên hài Dave Chappelle, vì ông này phân biệt người chuyển giới. Các nhân viên đã yêu cầu Netflix hỗ trợ những người sáng tạo nội dung là người chuyển giới để bù đắp cho vụ việc. Đồng giám đốc điều hành Reed Hastings nói rằng “chúng tôi đúng, nhưng chỉ có thời gian mới trả lời được.”
Hãng cho thuê văn phòng WeWork cuối cùng cũng sẽ lên Sàn Giao dịch Chứng khoán New York vào thứ Năm, sau khi các cổ đông của BowX Acquisitions, một công ty mua lại có mục đích đặc biệt (SPAC), đồng ý thương vụ sáp nhập trị giá 9 tỷ đô la. Dù là một công ty khởi nghiệp được đánh giá cao, với mức định giá tới 47 tỷ đô la hồi hai năm trước, WeWork lại đang chật vật kiếm tiền.
Liên Hợp Quốc cho biết kế hoạch khai thác nhiên liệu hóa thạch của các nước là “nguy hiểm” khi đi ngược lại mục tiêu giảm khai thác cần thiết để ngăn chặn tình trạng nóng lên toàn cầu nghiêm trọng trong thập niên tới. Tốc độ sản xuất than, khí đốt và dầu đang cao hơn gấp đôi mức có thể giữ nhiệt độ toàn cầu tăng dưới mức 1,5°C. Báo cáo được đưa ra vài tuần trước thềm hội nghị biến đổi khí hậu COP26 của Liên Hợp Quốc ở Glasgow.
Một quả bom đã xé nát một chiếc xe buýt quân sự ở Damascus, khiến ít nhất 13 người thiệt mạng. Dù nội chiến Syria vẫn đang tiếp diễn ở những vùng xa xôi của đất nước, nhưng thủ đô đã trở nên khá yên bình. Do đó, đây là vụ việc tồi tệ nhất kể từ năm 2017, thời điểm IS thực hiện một vụ đánh bom liều chết. Cuộc chiến này đã khiến một nửa dân số Syria phải đi tị nạn kể từ năm 2011.
Hơn 100 người chết sau nhiều ngày lũ lụt và lở đất ở Ấn Độ và Nepal. Dù mưa gió mùa vẫn thường xuyên gây ra lở đất trên dãy Himalaya, nhưng giới chuyên gia cho biết hoạt động phá rừng đã làm trầm trọng thêm vấn đề. Số người chết thậm chí có thể còn tăng cao hơn nữa, vì dự báo cho thấy sẽ còn mưa to trong những ngày tới.
Con số trong ngày: 33,8%, là tỷ lệ các bà mẹ tương lai trong độ tuổi 18 đến 49 ở Mỹ được tiêm chủng covid-19 đầy đủ. Mức này bằng khoảng một nửa tỷ lệ tiêm chủng ở tất cả người Mỹ trên 12 tuổi.
TIÊU ĐIỂM
Hàn Quốc sắp phóng tên lửa tự chế đầu tiên
Nếu thời tiết cho phép, thứ Năm này Hàn Quốc sẽ phóng tên lửa hoàn toàn tự chế đầu tiên của họ lên không gian, mang tên Nuri. Nó sẽ đưa một vệ tinh giả vào quỹ đạo, bước thử nghiệm đầu tiên cho một hệ thống sẽ thực hiện những nhiệm vụ chính thức, chẳng hạn như phóng vệ tinh do thám và vệ tinh liên lạc cho mạng điện thoại di động.
Vụ phóng là một bước tiến quan trọng của Hàn Quốc. Cho đến nay, nước này phụ thuộc chủ yếu vào Mỹ để thu thập thông tin tình báo không gian. Ở bên kia biên giới, Triều Tiên có thể sẽ coi vụ phóng là một hành động khiêu khích. Hiện Hàn Quốc đã công bố kế hoạch về một mạng lưới “không chớp mắt” để theo dõi vị láng giềng phía bắc của mình. Và mặc dù Hàn Quốc sử dụng công nghệ khác cho tên lửa của mình, bất kỳ bước phát triển nào có liên quan đến tên lửa cũng là đáng lo ngại khi chạy đua vũ trang leo thang trên bán đảo. Sau một loạt các vụ thử vào tháng 9, Triều Tiên đã thử một tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm vào hôm thứ Ba, ngay sau khi Hàn Quốc thử một tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm vào tháng trước. Vì thế dù tên lửa mới nhất của Hàn Quốc có cất cánh thành công hay không thì bán đảo vẫn sẽ căng thẳng.
Navalny thắng giải Sakharov của châu Âu
Alexei Navalny, nhà lãnh đạo đối lập Nga đang bị bỏ tủ, đã thắng Giải thưởng Sakharov của Nghị viện Châu Âu về Tự do Tư tưởng vào hôm thứ Tư. Hồi năm 1975, nhà khoa học hạt nhân và nhân văn người Nga Andrei Sakharov giành giải Nobel Hòa bình vì đã xây dựng và bảo vệ một trong những nguyên tắc chính của an ninh sau chiến tranh ở châu Âu: một quốc gia vi phạm nhân quyền sẽ luôn là mối đe dọa cho thế giới bên ngoài. Đáp lại, người đứng đầu KGB đã gọi Sakharov là “kẻ thù trong nước số một.”
Ông Navalny thừa hưởng phần nào lòng dũng cảm của Sakharov —cũng như vị thế kẻ thù số một của ông. Ông đã rút ra mối liên hệ giữa tham nhũng, an ninh và nhân quyền, với lập luận từ nhà tù rằng “tham nhũng phát triển mạnh khi nhân quyền không được coi trọng” và “bất kỳ hành động nào … không thực sự cải thiện” nhân quyền “đều là vô ích”. Sakharov có thể đồng ý.
Phụ nữ ngày càng đóng vai trò quan trọng trong gìn giữ hòa bình LHQ
Liên Hợp Quốc, thường bị chia rẽ, hoạt động khá trơn tru trong các vấn đề gìn giữ hòa bình. Họ đang tiến hành 12 nhiệm vụ với khoảng 95.000 lính gìn giữ hòa bình. Thứ Năm này Hội đồng Bảo an sẽ tiến hành đánh giá hàng năm về đóng góp của phụ nữ trong nhũng nỗ lực ấy.
Vào năm 1993, chỉ có 1% quân nhân được triển khai của Liên Hợp Quốc là phụ nữ. Đến năm 2020, con số này ở lực lượng quân đội tăng lên 5% và cảnh sát là 11%. Và sẽ còn cần nhiều nỗ lực để đạt được các mục tiêu tương ứng 15% và 20% vào năm 2028, vốn do cơ quan điều hành của LHQ đặt ra.
Nó không chỉ là một cuộc đua chỉ tiêu. Vào tháng 5, giải thưởng thường niên của Liên Hợp Quốc dành cho nữ trong nhiệm vụ gìn giữ hòa bình đã thuộc về Thiếu tá Steplyne Nyaboga của Kenya. Trong khi phục vụ sứ mệnh ở Darfur, Sudan, cô đã tổ chức các cuộc tuần tra để giúp phụ nữ có thể làm ruộng mà không phải sợ hãi, tập huấn về bạo lực tình dục và giới tính, cũng như tăng cường liên kết với các cộng đồng địa phương. Lực lượng gìn giữ hòa bình cần thêm nhiều người nữa như cô.
Thổ Nhĩ Kỳ vẫn loay hoay với lạm phát
Tuần trước, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã sa thải ba thành viên ủy ban chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương, với lý do họ không thể kiểm soát lạm phát. Do đó đừng ngạc nhiên nếu ủy ban giảm lãi suất chuẩn thêm một điểm phần trăm nữa trong cuộc họp vào thứ Năm, xuống 17%, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ lạm phát 19,6%. Ông Erdogan luôn khẳng định quan điểm của ông rằng hạ lãi suất sẽ giúp giải quyết lạm phát, dù không nhà kinh tế nào đồng ý với ông. Các báo cáo cho thấy ông Erdogan đã phê bình thống đốc ngân hàng trung ương Sahap Kavcioglu vì không làm như vậy. Cho đến hiện tại thì thống đốc vẫn chưa bị sờ gáy.
Tất cả những tin này đều không tốt cho đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ. Sau khi mất giá khoảng 20% so với đồng đô la trong năm nay, đồng tiền này tiếp tục trượt dài ngay trước thềm cuộc họp.