Thế giới hôm nay: 17/04/2020

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Số liệu mới cho thấy có thêm 5,2 triệu người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp vào tuần trước, giữa lúc hậu quả của đại dịch tác động khắp cả nước. Điều này đưa tổng số việc làm bị mất trong bốn tuần lên khoảng 22 triệu. Trước đại dịch, tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp nhất 5 thập niên là 3,5%. Tỉ lệ này có thể lên tới 15% trong tháng này, hoặc thậm chí cao hơn.

Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo mở rộng tình trạng khẩn cấp ra tất cả 47 đơn vị hành chính của đất nước. Chính quyền khu vực sẽ kêu gọi mọi người ở nhà để làm chậm sự lây lan của virus, nhưng họ không có quyền phạt những người bỏ qua hướng dẫn. Các biện pháp sẽ kéo dài đến ít nhất ngày 6 tháng 5.

Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Mark Esper cáo buộc Trung Quốc “lừa dối” về vụ bùng phát dịch coronavirus. Bình luận của ông theo sau những chỉ trích tương tự của Tổng thống Donald Trump và Ngoại trưởng Mike Pompeo, cả hai đều nghi ngờ về nguồn gốc virus. Trong một diễn biến khác, một báo cáo sắp ra của Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố Trung Quốc có thể đã tiến hành các vụ thử hạt nhân bất chấp lệnh cấm quốc tế. Trung Quốc phủ nhận mọi cáo buộc.

New York và sáu bang láng giềng gia hạn việc ngừng tất cả các dịch vụ không thiết yếu cho đến ít nhất 15 tháng 5. Thống đốc New York Andrew Cuomo kêu gọi mọi người chuẩn bị cho một “tình trạng bình thường mới”. Các quan chức y tế công cho biết Mỹ đang không tiến hành đủ các xét nghiệm trong khi đây là điều kiện cần để mọi người có thể làm việc và đi học trở lại an toàn.

Đảng Minjoo (Dân chủ) trung tả của Tổng thống Moon Jae-in giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử Hàn Quốc, với việc liên minh cầm quyền của ông giành 180 trong tổng số 300 ghế ở Quốc hội. Các cử tri đã bỏ qua cho chính phủ của ông về các bê bối tham nhũng, và tưởng thưởng cho ông Moon vì cách xử lý coronavirus khéo léo. Bất chấp đại dịch và biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt tại các điểm bỏ phiếu, tỷ lệ bỏ phiếu vẫn ở mức cao nhất kể từ năm 1992.

Một sáng kiến sẽ khởi động vào tuần tới nhằm tăng xét nghiệm coronavirus ở Châu Phi. Người đứng đầu Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh của Liên minh châu Phi cho biết hơn 1 triệu xét nghiệm sẽ được triển khai. Và nhiều triệu xét nghiệm nữa có thể sẽ cần thiết trong vài tháng tới khi virus dự kiến tấn công mạnh. Châu Phi hiện có khoảng 17.000 ca nhiễm chính thức.

Một dự luật hạn chế phá thai gây tranh cãi ở Ba Lan đã bị chặn đứng sau khi các nhà lập pháp quyết định trả nó về hai ủy ban để thảo luận thêm. Điều này có thể sẽ khiến luật này, được hậu thuẫn bởi giáo hội Công giáo và sẽ cấm phá thai ngay cả đối với trường hợp phát hiện thai nhi có khuyết tật nghiêm trọng, bị đình trệ trong nhiều năm. Ba Lan vốn dĩ đã có các hạn chế khắt khe nhất đối với phá thai ở châu Âu.

TIÊU ĐIỂM

Số liệu mới về sức khỏe kinh tế Trung Quốc

Mọi người đều biết rằng thiệt hại kinh tế do đại dịch coronavirus sẽ rất lớn, vấn đề là lớn tới đâu? Và khi nào các nước có thể hồi phục? Trung Quốc sẽ cung cấp một câu trả lời sơ bộ bằng các dữ liệu công bố hôm nay. Trọng tâm là các số liệu GDP quý đầu tiên, với tăng trưởng so với cùng kỳ năm ngoái được dự đoán là âm, và có thể giảm tới 10%. Năm cuối cùng nền kinh tế Trung Quốc suy thoái là 1976, năm Cách mạng Văn hóa kết thúc.

Song ai cũng biết là tăng trưởng sẽ khó khăn sau khi phong tỏa được áp đặt trên toàn quốc từ cuối tháng 1. Do đó, đáng chú ý hơn sẽ là việc liệu các chỉ số tháng 3, bao gồm doanh số bán lẻ và đầu tư, có cho thấy phục hồi hay không. Đường phố đã đông đúc hơn sau khi Trung Quốc giảm đáng kể các ca nhiễm mới. Cửa hàng, văn phòng và nhà máy đã mở cửa trở lại. Tuy nhiên mọi người vẫn lo lắng và di chuyển vẫn hạn chế. Trong môi trường khắc nghiệt ấy, vốn đã trở nên quen thuộc trên toàn thế giới, phục hồi có lẽ không quá khả quan.

Tình hình covid-19 khả quan hơn ở Anh

Dịch covid-19 ở Anh dường như đang đạt đỉnh. Khoảng 13.729 người đã chết, song số ca tử vong trong ngày đang bắt đầu giảm xuống. Mặc dù Anh là một trong những nước bị ảnh hưởng nặng nhất ở châu Âu, Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS) đã hoàn thành tốt nhiệm vụ. Việc nhanh chóng điều chỉnh lại các dịch vụ ở các bệnh viện sẵn có, với dịch vụ phẫu thuật không cấp thiết bị hoãn, bệnh nhân không phải do covid được xuất viện và chỉ định lại các bác sĩ, hiệu quả đạt được khả quan đến mức các bệnh viện dã chiến mới được gấp rút xây dựng chỉ phải đón rất ít bệnh nhân.

Nightingale, một bệnh viện dã chiến ở London có đủ chỗ cho 2.900 bệnh nhân, chỉ tiếp nhận 19 ca vào cuối tuần lễ Phục sinh. Trọng tâm chú ý đang chuyển sang hệ quả của việc tập trung toàn bộ hệ thống y tế vào đúng một nhiệm vụ duy nhất. Các khoa tai nạn và cấp cứu trống rỗng chưa từng thấy, khi người dân tìm cách tránh xa bệnh viện ngay cả khi cần điều trị; số giấy giới thiệu cho các bệnh về tim và ung thư cũng giảm mạnh. NHS đã vượt qua làn sóng đầu tiên của virus. Nhưng với giá nào?

Mỹ trục xuất người nhập cư xin tị nạn

Covid-19 là một đòn đau cho Tổng thống Donald Trump, và phản ứng của ông bị chỉ trích rộng rãi. Nhưng cuộc khủng hoảng cho phép ông nắm bắt thời cơ ông đã mong đợi từ lâu: tạm dừng nhập cư tại biên giới của Mỹ. Tháng trước, chính quyền trích dẫn một đạo luật từ năm 1944 cho phép từ chối nhập cảnh đối với những người có thể mang bệnh truyền nhiễm. Lệnh cấm gần như chắc chắn sẽ được gia hạn thêm trước khi hết hạn vào Chủ nhật.

Lệnh này dẫn đến việc trục xuất ngay lập tức 10.000 người di cư, trong đó có ít nhất 299 trẻ em không người đi kèm bị đưa trở về Mexico hoặc Trung Mỹ. Hầu hết những người bị trục xuất là người di cư muốn xin tị nạn. Chỉ những người có thể thuyết phục các nhân viên khi bị bắt rằng họ có nguy cơ bị tra tấn nếu phải về quê mới có cơ hội ở lại. Lệnh này có lẽ sẽ gặp thách thức pháp lý: luật tị nạn cho phép những người trên đất Mỹ được tìm kiếm sự bảo vệ. Các thượng nghị sĩ Dân chủ đã gọi lệnh này là một hành vi thâu tóm quyền hành pháp “dưới vỏ bọc phản ứng trước đại dịch toàn cầu.”

Thổ Nhĩ Kỳ phong tỏa ngắt quãng

Tối thứ Sáu tuần trước, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố giới nghiêm cuối tuần nhằm chống dịch covid-19. Nhưng chỉ 2 tiếng trước khi lệnh được áp dụng, hỗn loạn đã bùng nổ. Có tới 300.000 người tràn vào các siêu thị và tiệm bánh để mua thực phẩm – khiến virus lan rộng hơn. Tổng thống Recep Tayyip Erdogan từ chối đơn xin từ chức của bộ trưởng nội vụ vì sự cố này, nhưng đã học được bài học của mình. Khi công bố lệnh giới nghiêm vào cuối tuần này, ông Erdogan thông báo trước vài ngày.

Phong tỏa sẽ bắt đầu tối nay và kéo dài đến cuối ngày Chủ nhật. Các chuyên gia lo ngại cách tiếp cận từng phần này có thể không đủ để kiểm soát đại dịch. Số ca nhiễm đã tăng vọt từ dưới 16.000 lên gần 70.000 trong hai tuần đầu tháng Tư, mặc dù tỷ lệ nhiễm bệnh dường như đã ổn định trong những ngày gần đây. Ông Erdogan phản đối phong tỏa hoàn toàn, cho rằng nền kinh tế cần phải tiếp tục hoạt động. Nếu ông sai, nước này sẽ lãnh hậu quả lớn.

Xung đột sắc tộc ở Myanmar vẫn tiếp diễn

Ít nhất 45 thường dân đã chết ở các bang Rakhine và Chin kể từ ngày 1 tháng 4, thương vong do xung đột đã nhấn chìm khu vực phía tây này trong hơn một năm. Phiến quân Quân đội Arakan (AA) đang chiến đấu để giải phóng người Rakhine, một trong nhiều các dân tộc thiểu số rải rác khắp đất nước đang đấu tranh để giành độc lập từ đa số người Miến. Không như các phe khác, họ có ưu thế.

AA được trang bị và tổ chức tốt hơn so với hầu hết các quân đội dân tộc thiểu số khác và giành được sự ủng hộ rộng lớn từ người Rakhine. Chiến thuật của họ – nhắm vào các khu vực đô thị và tiến hành hàng trăm vụ bắt cóc – đang làm mất mặt quân đội Myanmar, bên đã phải chịu tổn thất ước tính khoảng 2.000 người. Quân đội đáp trả bằng cách tăng cường tấn công, giết hại thường dân Rakhine (theo Tổ chức Ân xá Quốc tế) và từ chối yêu cầu ngừng bắn để tập trung giải quyết covid-19 của AA. Sẽ vẫn còn đổ máu.