Thế giới hôm nay: 24/11/2021

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Bộ trưởng Y tế Đức nâng cấp cảnh báo về đợt tăng ca nhiễm covid-19 “rất mạnh” của nước này. Jens Spahn kêu gọi các biện pháp mới để ngăn chặn đại dịch, bao gồm chỉ cho phép những người đã tiêm ngừa hoặc đã khỏi bệnh được tiếp cận các không gian công cộng. Trong khi đó, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ ra khuyến cáo không nên đến Đức và nước láng giềng Đan Mạch, đồng thời nâng cảnh báo lên mức cao nhất.

Mỹ sẽ rút 50 triệu thùng dầu từ kho dự trữ quốc gia trong những tháng tới, cho thấy nỗ lực kiểm soát giá năng lượng và lạm phát. Ngoài ra Anh cũng rút 1,5 triệu thùng và Ấn Độ 5 triệu thùng; dự kiến ​​tiếp theo sẽ đến lượt Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Một động thái toàn cầu tương tự được tiến hành lần cuối vào năm 2011 để bù đắp cho sản lượng giảm do nội chiến Libya.

Một bồi thẩm đoàn liên bang ở Ohio phán quyết ba chuỗi nhà thuốc — CVS, WalgreensWalmart — phải chịu trách nhiệm khi đã làm đại dịch opioid ở hai hạt của bang này càng thêm nghiêm trọng. Bên nguyên đơn cáo buộc việc làm của các hiệu thuốc đã “gây hại cho xã hội.” Tiếp theo sẽ đợi thẩm phán quyết định số tiền phạt. CVS phủ nhận các cáo buộc và cho biết sẽ kháng án.

Một cựu lãnh đạo sinh viên của phong trào ủng hộ dân chủ Hồng Kông bị kết án tổng cộng 43 tháng tù. Tony Chung, 20 tuổi, bị buộc tội kích động ly khai khỏi Trung Quốc theo luật an ninh quốc gia mới, cũng như tội rửa tiền. Chung từng là lãnh đạo của Studentlocalism, một tổ chức đã giải tán trước khi luật được thông qua vào tháng 6 năm 2020.

Hôm thứ Ba, đồng lira Thổ Nhĩ Kỳ giảm 15% so với đồng đô la trước khi phục hồi nhẹ vì Tổng thống Recep Tayyip Erdogan kiên quyết giảm lãi suất và tuyên bố sẽ thắng trong “cuộc chiến giành độc lập kinh tế.” Ông Erdogan có quan điểm lạ lùng là lãi suất cao gây lạm phát. Đến nay ngân hàng trung ương đã cắt giảm lãi suất 4 điểm phần trăm kể từ tháng 9 dù lạm phát năm tăng gần 20%.

Hoạt động kinh doanh ở khu vực đồng euro bất ngờ tăng tốc trong tháng này. Chỉ số nhà quản lý mua hàng của IHS Markit tăng từ 54,2 trong tháng 10 lên 55,8 vào tháng 11 (trên 50 là tăng trưởng). Dự đoán trước đó đều cho rằng hoạt động sẽ chậm lại. Dù vậy tăng trưởng khả năng cao ​​sẽ giảm trong quý 4 vì làn sóng covid-19 cũng như các đợt đóng cửa mới, tắc nghẽn chuỗi cung ứng và giá năng lượng cao

Ít nhất 45 người, trong đó có 12 trẻ em, thiệt mạng sau khi một chiếc xe buýt gặp nạn và bốc cháy ở miền tây Bulgaria. Hầu hết những người trên xe là du khách Bắc Macedonia trở về từ Thổ Nhĩ Kỳ. Vẫn chưa xác định được nguyên nhân vụ tai nạn, xảy ra trên đường cao tốc phía tây nam Sofia, thủ đô Bulgaria, vào đầu giờ sáng thứ Ba.

Con số trong ngày: 1,6 triệu, là số học sinh tại các trường Công giáo ở Mỹ. Số học sinh học trường Công giáo đã giảm dần từ những năm 1960 nhưng gần đây có tăng lên trong đại dịch.

TIÊU ĐIỂM

Giới tỷ phú Việt Nam nhìn từ câu chuyện Thao College

Trường Linacre của Đại học Oxford vừa nhận một khoản “quyên góp mang tính đột phá” trị giá hơn 200 triệu đô la từ một công ty Việt Nam trong tháng này và sẽ đổi tên thành Thao College, theo tên của nữ chủ tịch Nguyễn Thị Phương Thảo.

Bà Thảo không phải là nhà tài phiệt mới nổi duy nhất của Việt Nam gây chú ý. Còn nhớ hồi năm 2012, Việt Nam chưa có tỷ phú đô la nào. Giờ đây, nước này có sáu tỷ phú, với giá trị tài sản ròng gần 20 tỷ USD, bao gồm bà Thảo, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của hãng hàng không giá rẻ VietJet Air. Ở nhiều nước, các tỷ phú luôn bị chính phủ soi sét về cả chính trị lẫn kinh tế. Nhưng giới chức Việt Nam quan tâm hơn đến việc tạo ra các tập đoàn toàn cầu, tìm cách tạo ra những Samsung và Toyota mang đặc sắc Việt Nam.

Hầu hết các tỷ phú Việt Nam kinh doanh ở ranh giới giữa nền kinh tế mới — phục vụ cho tầng lớp trung lưu đang phát triển — và các ngành công nghiệp cũ như bất động sản và ngân hàng vốn mang truyền thống “đầu sỏ”. Năm nay với việc giá cổ phiếu trong nước tăng vọt, Việt Nam có thể sẽ tiếp tục có thêm nhiều tỷ phú.

Erdogan tiếp tục giảm lãi suất để chống lạm phát

Đồng lira Thổ Nhĩ Kỳ giảm vào thứ Ba, có thời điểm giảm tới 15% so với đồng đô la, mức giảm sâu nhất trong nhiều năm qua. Mọi sự bắt nguồn từ phát biểu của tổng thống Recep Tayyip Erdogan, trong đó ông gợi ý đang theo đuổi một đồng tiền yếu hơn để thúc đẩy tăng trưởng. “Một tỷ giá hối đoái cạnh tranh sẽ giúp tăng đầu tư, sản xuất và việc làm,” ông nói vào hôm thứ Hai. Kể từ tháng 9, ngân hàng trung ương Thổ Nhĩ Kỳ đã giảm lãi suất 4 điểm phần trăm, gây ra một đợt bán tháo kỷ lục.

Sheikh Mohammed bin Zayed, nhà lãnh đạo trên thực tế của Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, thăm Thổ Nhĩ Kỳ vào thứ Tư này, và có thể sẽ được chào đón với vòng tay rộng mở. Thổ Nhĩ Kỳ và UAE đã nối lại quan hệ lại từ mùa hè, sau nhiều năm thù địch. UAE dường như đang để mắt đến các khoản đầu tư trị giá hàng tỷ đô la ở Thổ Nhĩ Kỳ. Dù vậy, chúng cũng không đủ để khắc phục thiệt hại mà ông Erdogan và các lý thuyết kinh tế khó hiểu của ông đang gây ra cho nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ.

Mỹ sắp công bố chỉ số chi tiêu cho tiêu dùng cá nhân (PCE) 

Cục Phân tích Kinh tế Hoa Kỳ sẽ công bố chỉ số chi tiêu cho tiêu dùng cá nhân (PCE) của tháng 10 vào thứ Tư này. PCE cốt lõi, không tính thực phẩm và năng lượng, dự kiến sẽ tăng khoảng 4% so với một năm trước. Đây là mức tăng cao nhất trong vòng ba mươi năm qua, xuất phát từ tắc nghẽn chuỗi cung ứng toàn cầu và nhu cầu hàng hóa tăng cao, từ đồ nội thất đến ô tô. Các chỉ số giá cả khác cũng cho thấy điều tương tự, nhưng Cục Dự trữ Liên bang theo dõi PCE chặt chẽ nhất.

Fed đang hướng tới chính sách tiền tệ thắt chặt hơn. Họ đã bắt đầu giảm lượng mua trái phiếu hàng tháng, vốn được tiến hành từ đỉnh điểm đại dịch để thúc đẩy tăng trưởng. Việc cắt giảm sẽ tạo tiền đề cho họ tăng lãi suất vào khoảng giữa năm sau. Câu hỏi đặt ra là liệu lạm phát tăng có khiến Fed tăng lãi suất sớm hơn lịch trình dự kiến hay không.

Quan hệ giữa Morocco và Israel được cải thiện

Hợp tác giữa Morocco và Israel đã tăng đáng kể từ khi hai bên đồng ý bình thường hóa quan hệ vào tháng 12 năm ngoái, nhờ tổng thống Mỹ khi ấy là Donald Trump thúc đẩy. Các hãng hàng không đang có các chuyến bay giữa hai nước trong khi thương mại tăng mạnh, dĩ nhiên từ mức thấp. Nhưng quân sự là chủ đề đáng chú ý nhất. Bộ trưởng Quốc phòng Israel Benny Gantz sẽ thăm chính thức Morocco lần đầu vào thứ Tư. Hy vọng của ông là bán được máy bay chiến đấu không người lái và lá chắn máy bay không người lái. (Các báo cáo chưa xác nhận cũng cho thấy hai nước có thể đồng ý thiết lập một căn cứ quân sự chung ở đâu đó trên bờ Địa Trung Hải).

Morocco muốn có thêm vũ khí và hậu thuẫn ngoại giao khi quan hệ với nước láng giềng Algeria xấu đi, đặc biệt là xoay quanh khu vực tranh chấp Tây Sahara. Morocco coi dải sa mạc trên Đại Tây Dương là cầu nối với Tây Phi và do đó tuyên bố chủ quyền. Algeria nói lãnh thổ này thuộc về quân du kích Sahrawi mà nước này hậu thuẫn, và đang tìm kiếm trợ giúp từ Nga. Người ta ngày càng lo sợ một cuộc chạy đua vũ trang và việc các nước đẩy mạnh can thiệp khiến xung đột leo thang.