Tác giả: Vũ Đức Liêm
Dù năm 1805, địa vị kinh đô của Thăng Long bị hạ cấp, nhưng đó chỉ là sự khởi đầu của một cuộc hành trình gian nan thời hiện đại giữa Huế-Hà Nội- Sài Gòn để tìm kiếm bản sắc của một Việt Nam hiện đại. Giữa những biến loạn đó, dù kinh đô có đi đâu chăng nữa thì rồng vẫn ở lại với người Việt, ở trên cõi Việt.
Mùa đông năm 1802, bốn tháng sau khi nước Việt Nam được thống nhất và lần đầu tiên lãnh thổ xuất hiện với hình dạng chữ S, nhà vua mới Gia Long phái một sứ đoàn đi Bắc Kinh để cầu phong.
Giống như thách thức đè nặng phái đoàn của Phùng Khắc Khoan hơn 200 năm trước để lấy lại quyền triều cống cho vua Lê, các sứ thần này có sứ mệnh làm rõ họ Nguyễn từ đâu tới và tại sao họ chính danh để cai trị Việt Nam. Nguyễn Phúc Ánh có lẽ không ngờ tới một trong các thử thách cam go với sứ đoàn tới từ chính niên hiệu của ông. Trong chữ “Gia Long” 嘉隆, “Gia” trùng với niên hiệu hoàng đế Gia Khánh 嘉慶 nhà Thanh, còn Long trùng với niên hiệu của phụ thân Gia Khánh: Càn Long 乾隆.
Khỏi nói, sứ đoàn chắc đã toát mồ hôi. Nhưng vị phó sứ Nguyễn Gia Cát, tiến sĩ nhà Lê người Bắc Ninh đã lên tiếng. Ông lí giải rằng niên hiệu đó xuất phát từ chỗ Nguyễn Phúc Ánh thống nhất lãnh thổ mới từ Gia Định 嘉定 tới Thăng Long 昇龍 . Câu chuyện tương truyền này chỉ được chép lại trong các tập địa chí chứ không có trong chính sử vì thế chúng ta vẫn chưa có thêm sự kiểm chứng nào (Bắc Ninh toàn tỉnh địa dư chí). Nhưng nếu điều đó xảy ra, Nguyễn Gia Cát rõ ràng đã có một ‘pha cứu thua’ ngoạn mục cho triều đại mới. Dù tới năm 1805, Gia Long mới đổi từ Thăng Long 昇龍 thành Thăng Long昇隆 (Từ “Long” [rồng] sang “Long” [thịnh vượng], nhưng Bắc Kinh đã không chất vấn thêm một lần nào nữa.1 Sau sự kiện này, Gia Long được tấn phong Việt Nam Quốc Vương, và “Việt Nam” cũng “chính thức” bắt đầu.
Như thế, năm 1805, Thăng Long đã mất “rồng” và chỉ còn ‘hưng thịnh’.
Gia Long không giải thích tại sao đổi từ “rồng” sang “hưng thịnh”. Chúng ta chỉ biết rằng rồng đã không còn ở chỗ cũ và địa vị kinh đô của Thăng Long bị hạ cấp. Sách Thực lục chép ngắn gọn: Đổi thành Thăng Long 昇龍 làm thành Thăng Long 昇隆, phủ Phụng Thiên làm phủ Hoài Đức, huyện Quảng Đức làm huyện Vĩnh Thuận (Đệ nhất kỷ, 27: 7b).
Đế đô cũ sẽ trở thành trung tâm của hệ thống hành chính cấp vùng mới gọi là Bắc Thành được lập năm 1802 và do một viên tổng trấn cai quản. Tới năm 1831, hệ thống hành chính này bị Minh Mệnh xóa bỏ và Bắc Thành được chia làm 11 tỉnh. Thăng Long giờ trở thành một phần của tỉnh Hà Nội mà phạm vi hành chính bao gồm cả một phần Hà Tây (cũ), Hà Nam và Nam Định. Về mặt tổ chức hành chính, trung tâm của Thăng Long (Lê-Trịnh) chủ yếu tập trung ở hai huyện Vĩnh Thuận và Thọ Xương (thuộc phủ Hoài Đức), mà quyền quản lí hành chính thuộc về viên tri huyện Thọ Xương.
Vậy rồng đi về đâu?
Một năm sau khi rồng biến mất ở Thăng Long, nó xuất hiện ở Huế: trong lễ lên ngôi hoàng đế của Gia Long. Nhà vua mất 4 năm chuẩn bị trước khi quyết định chính thức xóa bỏ nhà Lê và xác lập triều đại của dòng họ mình như là người cai trị của nước Việt Nam mới.
Một trong những cách thức để làm dân chúng quên đi vua cũ chính là hạ cấp vùng đất mà họ Lê cai trị, làm cho nó bớt ‘linh thiêng’, mất đi tính chất ‘thiên mệnh’ của đế đô cũ. Thậm chí triều Nguyễn còn tháo dỡ nhà cửa, thành quách cũ, thu hẹp lại quy mô để biến nó trở thành một trấn thành ‘thông thường’.
Gia Long tiến hành “rà soát”, “quy hoạch” lại hệ thống thần linh trong cả nước (đặc biệt nhắm vào vùng châu thổ phía Bắc), xây dựng quy trình “bổ nhiệm” bách thần mới. Tất cả các đền thờ vua Lê chẳng hạn, bây giờ dồn lại một nơi duy nhất, được dựng ở Kiều Đại, cách thành phố Thanh Hóa 2 km về phía Nam.
Thăng Long bị hạ cấp
Chúng ta sẽ xem sự hạ cấp đó ảnh hưởng thế nào tới số phận một đô thị. Sự phân tích sẽ cho thấy tính chất dễ bị tổn thương của các đô thị ở Việt Nam vốn gắn liền với một trung tâm chính trị. Sự hưng vong của trung tâm chính trị đó thường là yếu tố quyết định tới sinh mệnh đô thị. Điều này giúp bóc tách phần ‘đô’ và phần ‘thị’ trong một cấu trúc thành thị Việt Nam và khuynh hướng phát triển của nó khi hạ cấp của yếu tố ‘đô’. Liệu phần ‘thị’ có thể tiếp tục sống và sống khỏe?
Đầu tiên triều Nguyễn đã tái cấu trúc lại khu vực hành chính và thành quách. Năm 1804, hoàng thành cũ bị phá và năm sau đó một thành chu vi nhỏ hơn (5 km), tường bị hạ thấp, theo kiến trúc Vauban, với 5 cửa: Đông Nam, cửa Tây Nam, cửa Đông, cửa Tây và cửa Bắc), mỗi cửa đều dựng bia để ghi. So với thành Huế có tường bao dài khoảng 10.950 m và 10 cửa.
Thăng Long cất đi vai trò là trung tâm giáo dục hàng đầu khi Văn miếu và Quốc tử giám mới được xây dựng ở Huế. Trung tâm giáo dục quan trọng của vùng bây giờ là học đường phủ Hoài Đức và Tràng Thi được xây dựng trên khu vực nay là Thư viện Quốc gia.
Không dừng lại ở đó, nhà vua thứ hai triều Nguyễn là Minh Mệnh, nhân chuyến ra Bắc nhận thụ phong, tuyên bố cấm con cháu không được rời đô ra Thăng Long vào năm 1821:
“Nếu nghìn trăm năm sau, sự thế có khác đi thì làm thế nào? Bắc Thành không phải nơi hiểm đủ trông cậy được, quyết không thể dời đô đến được. Trẫm muốn dựng kế lâu dài cho con cháu, đêm ngày nghĩ ngợi, chưa từng chốc lát lãng quên” (Thực lục).
Bản đồ các làng có dân lưu tán ở vùng châu thổ năm 1807 (Yumio Sakurai 1997).
Lúc này, vai trò chính trị quan trọng nhất của Thăng Long là trung tâm của đơn vị hành chính cấp thành, nơi tất cả văn thư liên lạc và các quyết định từ các trấn phải được Tổng trấn Bắc thành quyết định trước khi trình lên Huế. Thứ hai, là nơi vua nhà Nguyễn nhận thụ phong từ hoàng đế Trung Hoa lúc mới lên ngôi. Tuy nhiên từ thời Tự Đức, sứ nhà Thanh sẽ vào Huế để tấn phong cho vua Việt Nam thay vì vua Nguyễn ra Hà Nội.
Như vậy, từ 1802 đến 1848, Hà Nội đã mất đi các chức năng hành chính quan trọng nhất của nó với tư cách là một trung tâm chính trị. Điều này sẽ tác động tới kinh thế và tổ chức đô thị ra sao?
Khi Lê Hữu Trác ra Bắc năm 1782, vị thầy thuốc thấy “quán rượu, hàng cơm liên tiếp nối nhau”. Một thế kỷ trước, cũng tại nơi đó, thương nhân Samuel Baron (1683) mô tả:
“Vào các phiên chợ chính ngày mồng một và ngày rằm âm lịch hàng tháng, người dân cùng với hàng hóa đổ về đây nhiều không xuể. Những con phố ngày thường vốn rộng rãi, quang đãng, giờ đây trở nên chặt chội đến nỗi chỉ nhích được 100 bước trong nửa tiếng đồng hồ cũng là tốt lắm rồi” (Nguyễn Thừa Hỷ, Văn hóa Việt Nam truyền thống, 124).
Tuy nhiên một người Pháp trong đạo quân viễn chinh cuối thế kỷ XIX đã nhìn thấy một Hà Nội khác. Đây là mô tả của ông trong những năm 1882-1893: “Đường phố của thành phố ở trong tình trạng tồi tệ, những phố phường rất hẹp … dọc theo hai bên đường, thực sự là những vũng nước đọng hôi thối, không có lối thoát… thậm chí khách bộ hành có lúc phải lội bì bõm trong lớp bùn sâu có chỗ tới 1 bộ” (Nguyễn Thừa Hỷ, Thăng Long-Hà Nội dưới thời Nguyễn, 1999).
Thực tế cấu trúc địa-kinh tế của Hà Nội đã chuyển dịch mạnh mẽ chỉ trong vòng 3-4 thập kỷ, nơi mà các yếu tố ăn theo chính trị nhanh chóng lụi tàn, nhường chỗ cho các khuynh hướng đô thị mở rộng theo dòng thương mại.
Khu vực cư ngụ của vua Lê chúa Trịnh cũ chịu thiệt hại đầu tiên. Sự suy sụp của khu vực xung quanh Hồ Gươm là ví dụ cho thấy sự biến mất của thành đã làm sụp đổ thị như thế nào. Khu vực này vốn được bao bọc bởi các cung điện và dinh thự của vua Lê, chúa Trịnh, gắn liền với nơi đồn trú và tập dượt của hạm đội thủy quân Bắc Hà. Sự thịnh vượng của nó vốn được thúc đẩy nhờ vào cung vua, phủ chúa, quan lại, cấm binh… nay chứng kiến quá trình nông thôn hóa trở lại. Sang thế kỷ XIX, hồ đã bị thu hẹp đáng kể, biến thành nơi chứa rác, và nơi các gia đình xung quanh ra rửa bát (Charles Hocquard, Une campagne au Tonkin, 1892; Paul Bourde, De Paris au Tonkin, 1885).
Đúng là:
Tạo hóa gây chi cuộc hý trường
Đến nay thấm thoắt mấy tinh sương.
Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo,
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương.
(Bà huyện Thanh Quan)
Sử gia Nguyễn Thừa Hỷ (1999) cũng chỉ ra quá trình nông thôn hóa tại hai khu vực từng là trung tâm chính của Hà Nội. Một số phường thôn thời Lê có khả năng ở khu phía Tây trong hoàng thành bị nông thôn hóa trở lại, trở thành các trại, thôn của Tổng Nội. Tuy nhiên các khu vực phía Nam của Thăng Long cũ chịu ảnh hưởng nặng nề hơn so với việc mất mát dân cư quy mô lớn, nơi mà Thực lục nói rằng có những thôn chỉ còn ba bốn suất đinh. Một nhà thơ đương thời là Cao Bá Quát thì mô tả tình trạng dân lưu tán ở phường Phúc Lâm (quận
Hai Bà Trưng ngày nay): “…Mười phần chỉ còn một hai/ Nào lính, nào phu, nỗi khổ chưa qua/ Con bé, cháu nghèo đều bỏ đi hết”.
Một phần của sự chuyển dịch và mất mát dân cư này có thể chịu ảnh hưởng bởi khung cảnh khu vực vùng châu thổ đầu thế kỷ XIX. Cuộc nổi loạn của Phan Bá Vành chẳng hạn, tạo ra một vành đai bạo lực xung quanh Thăng Long. Dịch bệnh và các vụ vỡ đê thường xuyên trong khoảng 1800-1860 cũng là xúc tác của sự dịch chuyển dân cư này.
Sau khi mất đi phần ‘thành’, thị trở thành động lực duy nhất gánh vác sức sống cho Hà Nội. Hoạt động kinh tế duy nhất được nhà nước bảo trợ chính là Cục Bảo Tuyền (nơi đúc tiền đồng và kẽm) cho triều đình đặt tại khu vực Tràng Tiền mà sau này người Pháp sẽ thúc đẩy vị thế thương mại của khu phố này.
Sức sống của Hà Nội đến từ kinh tế tư nhân thương mại và thủ công nghiệp tại khu vực được biết tới như là 36 phố phường. Dù suy giảm, khu vực này vẫn là đầu mối kinh tế của một vùng châu thổ đông đúc. Thứ hai là sự gia tăng thương mại của mạng lưới thương nhân người Hoa gắn kết với thị trường Trung Quốc. Hệ quả của nó là các khu phố này trở nên đông đúc, sông Tô Lịch đóng vai trò quan trọng trong mạng lưới giao thương giữa các khu vực, và sự mở rộng của cộng đồng người Hoa tại Hà Nội. Thay vì hướng liên kết cũ tới khu vực hồ Gươm đã bị thu hẹp và nông nghiệp hóa, khu 36 phố phường giờ đây mở ra bờ sông Hồng, thúc đẩy các mạng lưới giao lưu kinh tế với vùng châu thổ và với bên ngoài…. Những khuynh hướng đô thị hóa và chiều hướng phát triển này rất quan trọng vì chúng là đêm trước khi người Pháp áp dụng các quy hoạch phương Tây vào một cấu trúc thị Á châu. Nhiều vấn đề của tổ chức và quy hoạch đô thị Hà Nội có thể tìm thấy câu trả lời từ trong lịch sử, nhờ cách thức cha ông trong quá khứ vận hành thành thị.
Cầu Giấy (khoảng 1884). Nguồn: Docteur Hocquard, Une campagne au Tonkin, 1892.
Cuối cùng, sự ‘hạ cấp’ của Hà Nội là một ví dụ nhỏ sống động cho thấy chuyển dịch cấu trúc địa chính trị Việt Nam nửa đầu thế kỷ XIX, đã tác động thế nào tới trung tâm chính trị vùng châu thổ sông Hồng. Từ “Thăng Long” đến “Hà Nội” chính là sự khai mở của một kỷ nguyên mới từ không gian “Đại Việt” tới không gian “Việt Nam”. Tuy nhiên 1802 không phải là điểm kết thúc. Nó chỉ là sự khởi đầu của một cuộc hành trình gian nan thời hiện đại giữa Huế-Hà Nội- Sài Gòn để tìm kiếm bản sắc của một Việt Nam hiện đại. Giữa những biến loạn đó, dù kinh đô có đi đâu chăng nữa thì rồng vẫn ở lại với người Việt, ở trên cõi Việt. □
———-
Chú thích:
1 Thanh Sử Cảo, quyển 527 (Thuộc quốc II) chép rằng Nguyễn Phúc Ánh lấy được nước chủ yếu nhờ quân Gia Định, Vĩnh Long nên mới lấy niên hiệu Gia Long. Điều này có chút nhầm lẫn vì tới thời Minh Mệnh, trấn Vĩnh Thanh mới đổi thành Vĩnh Long. Mới thấy số phận của ‘rồng’ lao đao tới mức nào.
2 Changed in 1805, DNTL, I, 27: 7b.
Nguồn: Tạp chí Tia Sáng