Taliban sẽ là lực lượng cứu châu Âu khỏi nạn khủng bố?

Nguồn: “Afghanistan: Taliban sollen die Welt vor islamistischem Terrorismus bewahren?”, WELT, 21/12/2021.

Biên dịch: Nguyễn Xuân Hoài

Những lời đe dọa từ phương Tây không còn lại bao nhiêu. Bên cạnh nước Đức, Hoa Kỳ cũng đang từng bước thiết lập quan hệ với nhà cầm quyền mới ở Kabul. Chính họ sẽ là những người có nhiệm vụ kiểm soát các phần tử Hồi giáo khác. Cái giá phải trả là khá cao.

Trong những tuần qua, các đại diện từ khắp nơi trên thế giới đã đến Doha, chi nhánh duy nhất của Taliban bên ngoài Afghanistan để tiến hành các cuộc đàm phán. Những người khác lại bay thẳng đến Kabul. Ví dụ, đại sứ Đức đi cùng người đồng cấp Hà Lan cũng như một số quan chức khác.

Về mặt chính thức, Taliban vẫn bị coi là một tổ chức khủng bố và các nhà lãnh đạo chóp bu vẫn bị treo giải với giá hàng triệu đôla tiền thưởng. Nhưng chỉ vài tháng sau khi lên nắm quyền hồi tháng 8, các phần tử Hồi giáo cực đoan đã được chấp nhận trên chính trường ngoại giao quốc tế. Chủ yếu vì “tình hình nhân đạo đang trở nên tồi tệ hơn bao giờ hết ở Afghanistan trong bối cảnh mùa đông đang đến gần”, đây là lý do biện minh cho các cuộc đàm phán. Điều này cũng đã được giải thích bởi một phái đoàn EU, những người đã gặp gỡ và đối thoại kéo dài hai ngày với Taliban ở Doha vào cuối tháng 11. Ngoài việc cung cấp viện trợ nhân đạo, châu Âu sẵn sàng cung cấp các nguồn tài chính đáng kể cho người dân Afghanistan.

Đổi lại, Taliban hứa sẽ đảm bảo pháp quyền, quyền tự do ngôn luận và quyền tự do tiếp cận giáo dục. Họ đã hứa điều đó trong nhiều tháng. Tuy nhiên, thực tế ở Afghanistan lại khác. Cho đến nay vẫn không có chính phủ đại diện. Từ lớp 12 trở đi, nữ sinh không được đi học, đi làm nữa, và gần đây có lệnh cấm phụ nữ lái xe. Thay vì một lệnh ân xá, Taliban đã hành quyết hàng trăm binh lính của chính phủ cũ.

Rõ ràng là tình hình nhân đạo ở Afghanistan là cực kỳ tồi tệ. Hơn một nửa trong số 40 triệu dân đang bị nạn đói đe dọa. Hàng ngàn trẻ em đã và đang bị suy dinh dưỡng. Nền kinh tế đang trên đà sụp đổ và chưa có dấu hiệu của sự cải thiện. Afghanistan chỉ có thể tạm thời vượt qua được mùa đông này nếu có sự hỗ trợ của ngước ngoài. Nhưng đây không phải là lý do vì sao người ta không có hành động khi Taliban không làm gì để xây dựng một nhà nước đại diện.

Không chỉ là đế chế của Taliban

Người ta nói sẽ đảm bảo tôn trọng quyền con người ở Afghanistan, nhưng điều này cho đến nay hầu như không được thực hiện. Thay vào đó, sau khi rút lực lượng khỏi Afghanistan, người ta có cảm giác, Taliban chỉ lo củng cố sự thống trị của mình. Chính nỗi sợ hãi về sự khủng bố của chủ nghĩa Hồi giáo đang khiến cho ngay cả những đối thủ lớn – Mỹ, Nga, Trung Quốc và châu Âu – hướng tới một chính sách xoa dịu. Bởi vì Afghanistan không chỉ là đế chế của Taliban.

Một nhánh của Nhà nước Hồi giáo (IS) và một số tổ chức cực đoan khác cũng đang hoạt động ở bên rặng núi Hindu Kush. Người ta sợ rằng chúng có thể xuất khẩu thánh chiến ra toàn bộ khu vực và tất nhiên sang cả châu Âu. Công thức rất đơn giản: Taliban cần kiểm soát các nhóm nhỏ này, đổi lại chúng phải chấp nhận quyền cai trị của Taliban.

“Nguy hiểm nhất là nhóm IS”, theo nhận định của Guido Steinberg thuộc Viện Khoa học và Chính sách (SWP) ở Berlin. “Tổ chức này phải chịu trách nhiệm về vụ tấn công khủng bố kinh hoàng hồi tháng Tám nhắm vào việc tổ chức cho người dân di tản ở sân bay Kabul và hàng loạt vụ ám sát sau đó ở Afghanistan.”

Đối với IS thì Taliban chưa thực sự triệt để. Taliban bị coi là những kẻ phản bội Hồi giáo vì đã ký Hiệp định Doha với Hoa Kỳ. Hiệp ước hồi tháng 2 năm 2020 bao gồm việc rút quân Mỹ một cách hòa bình, nhưng Afghanistan sẽ không được trở thành xuất phát điểm cho các cuộc tấn công khủng bố nhắm vào các nước khác. Lý do cho cuộc xâm lược của Mỹ vào Afghanistan năm 2001 là do cuộc tấn công khủng bố ngày 11/9 do Osama bin Laden và al-Qaida lên kế hoạch ở Hindu Kush.

Theo Steinberg, tác giả của nghiên cứu do Quỹ Konrad Adenauer (KAS) công bố hôm thứ hai về chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo ở châu Âu và thánh chiến ở Đức: “IS đang tuyển mộ các thành viên từ cánh hữu của Taliban và có thể ngày càng mạnh hơn.” Ông lưu ý Taliban không phải là một nhóm thống nhất.

Có những kẻ bất bình muốn đưa cuộc thánh chiến vượt ra khỏi biên giới quốc gia và khẩn trương thành lập các tiểu vương quốc Hồi giáo. Sau khi lên nắm quyền, Taliban không đột ngột ban hành luật Sharia mà tiến hành vấn đề này một cách từ từ. Taliban muốn truyền đi một hình ảnh ôn hòa, điều này cũng gây bất bình cho phe cứng rắn.

Steinberg cho rằng: “Taliban càng ôn hòa, IS càng có thể nhận được nhiều sự hỗ trợ, và chúng ta biết điều đó có ý nghĩa là gì khi tổ chức này lớn mạnh”. Khi ở đỉnh cao quyền lực, tổ chức IS ở Syria và Iraq đã tiến hành các cuộc tấn công đẫm máu ở Paris năm 2015 và ở Brussel năm 2016. Ông nói: “Câu hỏi đặt ra là trong bối cảnh này nên chọn một Taliban ôn hòa hay một tiểu vương quốc ổn định”.

Những người đòi phải có một chính phủ vững mạnh và trao quyền cho phụ nữ ở Afghanistan đang ở trong tình thế tiến thoái lưỡng nan. Nếu Taliban thực sự đồng ý nhượng bộ trong vấn đề này, điều đó sẽ càng làm cho phe đối lập cực đoan mạnh mẽ hơn. Steinberg nói: “Điều đó có thể gây ra những hậu quả trực tiếp cho chúng ta ở châu Âu. Các cường quốc hàng đầu thế giới dường như từ lâu đã có quyết định. Họ dựa trên chủ nghĩa thực dụng về chính trị. Ở Hoa Kỳ, với việc rút quân, điều này từ lâu đã trở nên rõ ràng. Chỉ cần ra khỏi Afghanistan, Afghanistan sẽ rơi vào tay một tổ chức khủng bố nào, điều này họ không quan tâm. Với Washington, nhà cầm quyền mới ở Afghanistan hiện là đối tác trong cuộc chiến chống IS.

Theo các nguồn tin trên các phương tiện truyền thông Mỹ, các cơ quan an ninh Mỹ cũng đang hợp tác với Taliban. An ninh Mỹ cung cấp cho lực lượng Hồi giáo thông tin tình báo quân sự để họ có thể hành động hiệu quả chống lại IS. Đồng thời, Nhà Trắng đã cam kết viện trợ nhân đạo cho người dân Afghanistan. Tuy nhiên, cho đến nay, Mỹ không muốn giải tỏa các khoản tiền bị đóng băng của Ngân hàng Quốc gia Afghanistan.

Có thể nói, Nga đang theo đuổi chính sách cây gậy và củ cà rốt. Chính phủ Nga đã tiếp một số phái đoàn Taliban tại Điện Kremlin. Tuy nhiên, cùng lúc đó, nước này đã tổ chức các cuộc diễn tập quân sự quy mô lớn ở biên giới các quốc gia láng giềng của Afghanistan là Uzbekistan và Tajikistan. Đại sứ quán Nga không dấu diếm ý định sẽ không gây bất kỳ trở ngại nào cản đường Taliban, nhưng để làm được điều này, Taliban phải kiểm soát được lực lượng Uzbekistan và Tajik trong tổ chức IS. Vấn đề ở đây xoay quanh khoảng 2.000 phần tử, chúng có thể xâm nhập vào các nước Trung Á dưới dạng dân tị nạn, theo tổng thống Nga Vladimir Putin.

Trung Quốc cũng có quan hệ tốt với lực lượng Taliban ở Afghanistan. Bắc Kinh hy vọng Taliban sẽ kiểm soát các phần tử Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ. Mặc dù nhóm chiến binh nhỏ này thực sự không phải là mối đe dọa nghiêm trọng đối với bộ máy nhà nước đầy quyền lực của Trung Quốc, theo Steinberg.

Tiếp theo là Pakistan. Theo báo cáo hồi tháng 6 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, có 6.000 chiến binh Tehrik-i-Taliban Pakistan (TTP) ở Afghanistan. Tổ chức này chiến đấu chống nhà nước Pakistan trong hơn mười năm qua, Hindu Kush là nơi ẩn náu của họ. Chỉ vài ngày trước, lực lượng này đã chấm dứt lệnh ngừng bắn hiện có với Islamabad. Pakistan đã hỗ trợ Taliban ở Afghanistan trong hơn hai thập kỷ và có thể yêu cầu lực Taliban có sự đoàn kết đặc biệt.

Nghe có vẻ kỳ cục, nhưng việc Mỹ và các đối tác NATO của Mỹ rút quân đã biến điều này thành hiện thực: Taliban, kẻ đã giết hại hàng nghìn dân thường hiện lại có nhiệm vụ là cứu thế giới khỏi chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo. “Taliban đang đóng một vai trò quan trọng và họ đang tìm cách chơi tròn vai với vai trò này.” Guido Steinberg nói. “Chúng ta sẽ chứng kiến Taliban thực hiện điều này khéo léo như thế nào. Chắc chắn đó là một nhiệm vụ không hề dễ dàng”.