Di sản Afghanistan cay đắng của ông Obama

Print Friendly, PDF & Email

afghanistanwar

Nguồn: Brahma Chelleney, “Obama’s Bitter Afghan Legacy”, Project Syndicate, 14/06/2016

Biên dịch: Trần Văn Thắng | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Gần 15 năm kể từ ngày phát động, cuộc chiến tranh của Mỹ ở Afghanistan vẫn đang diễn ra ác liệt, khiến nó trở thành cuộc chiến dài nhất trong lịch sử nước Mỹ. Ngày nay, cuộc chiến này hầu như ít được thế giới chú ý tới. Chỉ những diễn tiến kịch tính, như vụ ám sát thủ lĩnh Taliban là Akhtar Mohammad Mansour bằng máy bay không người lái gần đây của Mỹ, mới được truyền hình đưa tin. Tuy nhiên, người dân Afghanistan tiếp tục mất mát bạn bè, hàng xóm, và con cái vì cuộc xung đột, như những gì đã xảy ra với họ kể từ cuộc xâm lược của Liên Xô năm 1979, gây ra các cuộc di cư của người tị nạn vốn đưa cha mẹ của Omar Mateen, kẻ giết 49 người trong một hộp đêm ở Orlando, đến nước Mỹ.

Cuộc xâm lược của Mỹ, do cựu Tổng thống George W. Bush phát động ngay sau các cuộc tấn công khủng bố ngày 11 tháng 9 năm 2001, nhằm mục tiêu triệt phá Al Qaeda và loại bỏ chính quyền Taliban, qua đó đảm bảo rằng Afghanistan sẽ không còn đóng vai trò như một cơ sở an toàn cho các chiến dịch của những kẻ cực đoan nữa. Với những mục tiêu có vẻ như đã được hoàn thành, người kế nhiệm ông Bush, Barack Obama, đã giảm số lượng quân ở quốc gia này, thậm chí tuyên bố một năm rưỡi trước đây rằng cuộc chiến đã “đi đến hồi kết đúng đắn”.

Tuy nhiên, với một Taliban hồi sinh đang đẩy mạnh các cuộc tấn công, cuộc chiến tranh này vẫn tiếp diễn, gây nên những tổn thất lớn về người và của. Một lý do quan trọng là Pakistan, nước đã dung dưỡng bộ máy chỉ huy và kiểm soát của lực lượng Taliban Afghanistan, trong khi giả vờ là một đồng minh của Mỹ.

Nếu có bất kỳ nghi ngờ nào về sự dối trá của Pakistan, chúng đáng lẽ nên được xóa bỏ vào năm 2011, khi Osama Bin Laden đã bị giết trong một thị trấn có các trại lính quân đội gần thủ đô của nước này. Tuy nhiên, năm năm sau, Pakistan vẫn chưa tiết lộ danh tính kẻ đã giúp Bin Laden lẩn trốn trong suốt những năm đó. Trong khi đó, chính quyền Obama đã tiếp tục đổ hàng tỷ đô la viện trợ vào quốc gia này.

Vụ ám sát Mansour trên lãnh thổ Pakistan, gần biên giới với Iran và Afghanistan, đã một lần nữa vạch trần sự dối trá của các quan chức Pakistan, những người đã khăng khăng phủ nhận việc che chở cho các thủ lĩnh Taliban. Giống như các cuộc tấn công của đặc nhiệm Hải quân Mỹ trong vụ ám sát Bin Laden, vụ ám sát Mansour buộc Mỹ phải vi phạm chủ quyền của một quốc gia, một trong những nước nhận viện trợ lớn nhất của Mỹ, nước mà đáng ra nên hỗ trợ nỗ lực này. Câu hỏi đặt ra là liệu Hoa Kỳ có ghi nhận bài học rõ ràng lần này và thay đổi chính sách hay không.

Dù vụ tiêu diệt Mansour có thể, như Obama nói, là “một cột mốc quan trọng” trong nỗ lực để mang lại hòa bình cho Afghanistan, nhưng nó cũng phơi bày những thất bại trong chính sách của Mỹ dưới thời chính quyền Obama, bắt nguồn từ mong muốn không phải đối đầu quá mạnh mẽ với Pakistan hoặc thậm chí Taliban. Mục tiêu của ông Obama là nhằm giữ khả năng đạt được một “thỏa thuận với quỷ”[1] với Taliban – một thỏa thuận chia sẻ quyền lực làm nền tảng cho một hiệp định hòa bình do quân đội Pakistan giúp thúc đẩy. Đó là lý do tại sao Hoa Kỳ đã không quy cho lực lượng Taliban của Afghanistan là một tổ chức khủng bố, và càng không làm như vậy với cơ quan tình báo nhiều tai tiếng của Pakistan là Inter-Services Intelligence (ISI). Thay vào đó, Mỹ đã dùng những biện pháp can dự mềm dẻo với tổ chức này.

Cách tiếp cận này không chỉ dừng lại ở luận điệu. Nước Mỹ phải mất gần 15 năm mới dám tiến hành cuộc tấn công máy bay không người lái đầu tiên của mình ở tỉnh Balochistan rộng lớn của Pakistan, mặc dù nhóm thủ lĩnh Taliban Afghanistan đã thành lập bộ máy chỉ huy và kiểm soát ở đó gần như ngay sau khi sự can thiệp quân sự của Mỹ đã đánh bật nó ra khỏi Afghanistan. Thay vào đó, Mỹ tập trung các cuộc tấn công không người lái của mình vào khu vực Waziristan của Pakistan, cho phép các thủ lĩnh của Taliban vẫn ẩn náu an toàn.

Hoa Kỳ thậm chí đã có động thái ngoại giao trực tiếp với Taliban để thúc đẩy các cuộc đàm phán nhằm đảm bảo hòa bình thông qua một thỏa thuận chia sẻ quyền lực. Nước này đã cho phép Taliban thiết lập một phái đoàn ngoại giao trên thực tế tại Doha, Qatar vào năm 2013. Một năm sau, Hoa Kỳ đã đổi năm thủ lĩnh cấp cao của Taliban bị giam giữ tại Vịnh Guantanamo lấy một trung sĩ quân đội Mỹ bị bắt.

Điều nước Mỹ đã không biết là người sáng lập Taliban, Mullah Mohammed Omar, đã chết năm 2013 tại một bệnh viện ở thành phố Karachi của Pakistan. Cái chết của Omar đã được giữ bí mật trong hơn hai năm, trong suốt thời gian này, ISI tuyên bố đã giúp (Mỹ) tiến hành tiếp xúc với Taliban.

Cuối cùng, vào tháng Bảy năm ngoái, Mansour đã trở thành thủ lĩnh mới của Taliban – và hắn không quan tâm tới các cuộc đàm phán hòa bình. Chính sự không khoan nhượng của Mansour đã thúc đẩy Hoa Kỳ thay đổi chiến thuật. Thay vì sử dụng “củ cà rốt” để giành được sự ủng hộ của y cho một thỏa thuận hòa bình, chính quyền Obama hiện sử dụng một “cây gậy” rất lớn.

Tuy nhiên, ngay cả khi cách tiếp cận này giúp đưa Taliban tới bàn đàm phán, thì nó vẫn có thể chưa đủ để đảm bảo được một thỏa thuận hòa bình lâu dài. Nếu Hoa Kỳ muốn thành công trong việc kết thúc cuộc chiến ở Afghanistan, nước này phải làm nhiều hơn việc hơn nữa thay vì chỉ thay đổi chiến thuật; Mỹ phải suy nghĩ lại về chiến lược cơ bản của mình.

Thực tế là một Taliban kiểu trung cổ sẽ không thể bị đánh bại cũng sẽ không tìm kiếm hòa bình cho đến khi nơi ẩn náu ở Pakistan của chúng bị xóa bỏ. Không có chiến dịch chống khủng bố nào đã từng thành công tại một quốc gia khi các chiến binh có thể tìm được nơi trú ẩn ở một quốc gia khác. Dù ông Obama thừa nhận sự cần thiết phải xóa bỏ những nơi ẩn náu của khủng bố, ông đã thất bại trong việc làm những điều cần thiết.

Đơn giản là, việc mua chuộc quân đội Pakistan sẽ không có tác dụng. Trong 14 năm qua, Hoa Kỳ đã viện trợ cho Pakistan hơn 33 tỷ USD và trang bị cho nó những vũ khí tối tân, từ máy bay F-16 và máy bay tuần dương P-3C Orion cho đến các tên lửa chống hạm Harpoon và tên lửa chống thiết giáp TOW. Trong khi đó, Pakistan vẫn tiếp tục cung cấp cho lực lượng Taliban Afghanistan một nơi ẩn náu an toàn trong các vùng biên giới của nó.

Một cách tiếp cận tốt hơn là gắn giải ngân viện trợ với các hành động cụ thể của Pakistan nhằm chống các chiến binh, trong khi chính thức phân loại ISI như một thực thể khủng bố. Động thái này sẽ gửi một tín hiệu mạnh mẽ tới quân đội Pakistan, vốn xem Taliban và các nhóm chiến binh khác như những lực lượng ủy nhiệm hữu ích và giúp nâng cao sức mạnh của Pakistan đối với Afghanistan và Ấn Độ, để tổ chức này không còn có thể đi đêm với các nhóm này nữa.

Quyết định của ông Obama cuối tháng 10 năm ngoái nhằm kéo dài vô thời hạn sự can dự của Mỹ ở Afghanistan không chỉ có nghĩa rằng ông sẽ rời Nhà Trắng mà không thể thực hiện được lời hứa của mình là kết thúc sự can dự quân sự từ thời Bush này, mà còn có nghĩa rằng Mỹ sẽ tiếp tục chiến đấu nhầm bên dọc khu vực biên giới Afghanistan – Pakistan. Có lẽ người kế nhiệm ông cuối cùng sẽ nhận ra sự thật: Cái kết của cuộc chiến tranh ở Afghanistan nằm ở chính Pakistan.

Brahma Chellaney, Giáo sư về Nghiên cứu chiến lược tại Trung tâm Nghiên cứu Chính sách và Nghiên cứu viên tại Học viện Robert Bosch tại Berlin, là tác giả của 9 cuốn sách, gồm: Asian JuggernautWater: Asia’s New Battleground (Sự tàn phá châu Á, Nước: Chiến trường mới của châu Á) và “Water, Peace, and War: Confronting the Global Water Crisis (Nước, Hòa bình và Chiến tranh: Đương đầu với cuộc khủng hoảng nước toàn cầu).

———————

[1] Nguyên văn: “Faustian bargain”. Đây là từ chỉ thỏa thuận của Faust, một nhân vật trong truyền thuyết của Đức, người đã đổi linh hồn của mình cho quỷ để lấy những lợi ích vật chất. Theo đó, Faustian bargain cũng chỉ những thỏa thuận đánh đổi các lợi ích cốt lõi dài hạn (thường với đối thủ) để lấy những lợi ích ngắn hạn trước mắt (ND) – Xem thêm: https://nghiencuuquocte.org/2014/10/12/tu-ngu-thu-vi-51-60/

Copyright: Project Syndicate 2016 – Obama’s Bitter Afghan Legacy
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]