Tác giả: Vũ Đức Liêm
Có nhiều cách thức khác nhau để đánh giá vai trò của Nguyễn Công Trứ trong lịch sử Việt Nam. Dù là cách nào đi nữa thì dấu ấn và đóng góp của ông cho diễn trình lịch sử sơ kỳ hiện đại là không thể phủ nhận. Bài này gợi ra một góc nhìn khác về vai trò của ông trong cuộc chơi quyền lực và định hình chính trị ở Việt Nam đầu thế kỷ XIX: Nguyễn Công Trứ trên bàn cờ quyền lực của Minh Mệnh.
Đây là câu chuyện về quyền lực và thực hành chính trị ở Việt Nam đầu thế kỷ XIX. Câu chuyện phản ánh cách thức sự thay đổi vương triều dẫn đến việc tái cấu trúc quyền lực ở tầng bậc cao nhất của nhà nước, làm thay máu hệ thống quan liêu trung ương và thay đổi cách thức điều hành nền hành chính. Nhà vua Minh Mệnh lên ngôi năm 1820 với tham vọng tập trung hóa quyền lực, ổn định xã hội, thống nhất lãnh thổ và hệ thống cai trị vùng miền. Nỗ lực này thách thức giới quan liêu địa phương và các tướng lĩnh quân sự đầy quyền lực từng phụng sự Gia Long, vì thế Minh Mệnh cần những gương mặt mới cho trật tự quyền lực mà ông đang xác lập. Trong khung cảnh đó, ông tìm thấy Nguyễn Công Trứ.
Nguyễn Công Trứ và trật tự quyền lực của Minh Mệnh
Nguyễn Công Trứ gia nhập vào thế giới chính trị trong khung cảnh đặc biệt của cá nhân, thời đại và triều đại. 41 tuổi ông mới tham gia quan trường. “Hài lòng” với việc đứng hạng nhất ở trường thi Hương Nghệ An (1819), ông tuyên bố trong chính bài thi rằng mình “may mắn sinh vào thời của thánh nhân, nguyện làm nhà Nho quân tử” (Bài Văn sách của ông tại trường thi Hương Nghệ An). Dù đến “muộn” trong thời đại của Gia Long, Nguyễn Công Trứ xuất hiện một cách hoàn hảo trong thế giới của Minh Mệnh.
Sự thay đổi triều đại từ Gia Long đến Minh Mệnh chính là bước ngoặt quan trọng làm nên vận mệnh chính trị của Nguyễn Công Trứ, biến ông thành một mắt xích quan trọng trên bàn cờ quyền lực đầu thế kỷ XIX giữa một bên là Minh Mệnh và những trí thức thân tín mới được đào tạo với một bên là thể chế vùng miền cùng các tướng lĩnh quân sự và khai quốc công thần quyền uy. Thành công của ông là khả năng can dự vào trật tự của Minh Mệnh, đặc biệt là trong thập kỷ cầm quyền đầu tiên của nhà vua (1820-1831). Ông thể hiện mình là một trong những quan chức năng nổ nhất của thập kỷ này. Tuy nhiên Công Trứ nhanh chóng mất đi ảnh hưởng ở thập kỷ sau đó khi mà chính trường ở Huế trở nên chật chội, khi mà lớp tiến sĩ mới do chính tay Minh Mệnh chọn lựa và đào tạo bắt đầu kiểm soát hệ thống quan liêu thì một người với những ý tưởng táo bạo như Nguyễn Công Trứ đã không thể thâm nhập sâu hơn vào hệ thống ngày càng quan liêu hóa (dù phẩm hàm của ông lên đến nhị phẩm).
Điều này được lí giải vì Nguyễn Công Trứ là một quan chức cấp chiến thuật chứ không phải chiến lược. Dù phẩm hàm cao, ông chưa bao giờ tham dự Nội các hay Cơ Mật Viện, và được Minh Mệnh sử dụng chủ yếu trong các nhiệm vụ chiến thuật và thử nghiệm chính trị, quân sự. Vì điều này, trong nhiều năm, Minh Mệnh tìm cách giữ Nguyễn Công Trứ ở bên ngoài triều đình, phái ông vào các sứ mệnh hành chính và quân sự địa phương, đồng thời sử dụng công cụ thăng, giáng liên tục để “kiềm chế” cái “ngông” của ông và gắn ông với những điểm nóng và sự vụ đương thời.
Người điều phối các quân cờ này: Nguyễn Phúc Đảm sinh năm 1791, là hoàng tử thứ 4 của Gia Long, là con thứ phi tuy nhiên đến năm 1802, ông là người con trai lớn tuổi nhất còn sống. Đây là diễn biến không ngờ của trật tự kế vị (ĐNLT, 2: 17b-19b; ĐNTL, I, 48: 6a). Từ vị thế số 4 (thậm chí là số 5, sau con trai của hoàng tử Cảnh), Minh Mệnh trở thành một trong hai lựa chọn hàng đầu cho ngai vàng. Cuộc chiến năm 1816 cho ngôi vị thái tử phủ bóng đen lên triều đình Huế với cái chết của Nguyễn Văn Thành và sự tan rã của phe trí thức Bắc Hà. Tuy nhiên, với vị vua này, cuộc chiến mới chỉ bắt đầu.
Khi bước vào điện Thái Hòa ngày 14/2/1802, Minh Mệnh ở tuổi 30 và là một trong những ông vua được chuẩn bị kỹ lưỡng nhất của vương triều này, được những trí thức lớn như Đặng Đức Siêu, Ngô Đình Giới đào tạo, và am hiểu lịch sử chính trị, hành chính Trung Hoa. Tuy nhiên, đối thủ và thử thách đang chờ đón ông cũng không tầm thường. Lịch sử đã không diễn ra một cách dễ dàng như Minh Mệnh hình dung. Sẽ phải mất 16 năm (tức ¾ toàn bộ thời kỳ trị vì) để ông thực hiện dự án nhà nước và dự án đế chế của mình nhằm xác lập tập trung quyền lực, thống nhất lãnh thổ, hành chính.
Nhà vua với những ý tưởng chính trị lớn, vì thế bị cô lập trên chính vương quốc của mình và buộc phải đào tạo một thế hệ nho sĩ mới, những người trung thành với ông và hiểu được những ý tưởng chính trị lớn mà ông sắp triển khai. Ông cũng cần “gài người” vào các trung tâm quyền lực ở vùng châu thổ sông Hồng và sông Mekong để từng bước kiểm soát hai hệ thống hành chính tự trị này. Nhà vua tìm thấy Nguyễn Công Trứ một ứng viên sáng giá cho việc cử tới Bắc Hà. Lịch sử gia đình, tuổi thơ, sự nghiệp học hành, các mối quan hệ cá nhân của Trứ là một lí lịch hoàn hảo cho sứ mệnh này.
Tại sao là Nguyễn Công Trứ?
Ông có liên hệ mật thiết với hai nhóm trí thức ở Quỳnh Côi và Nghi Xuân. Cha ông, Nguyễn Công Tuấn (1716–1800) từng làm tri huyện Quỳnh Côi (Thái Bình) và tri phủ Tiên Hưng (Thái Bình) (Lê Xuân Giáo, 1973: 3–4). Nguyễn Công Tuấn và Nguyễn Nghiễm (1708–1775) đều từ Nghi Xuân, giữa hai gia đình vì thế có thể tồn tại các mối liên hệ khi cùng làm quan ở châu thổ sông Hồng. Tuy vậy, khoảng năm 1790, Nguyễn Công Tuấn đưa Nguyễn Công Trứ về Nghệ An và bắt đầu một cuộc sống nghèo khó. Những năm tháng này giúp Công Trứ có được góc nhìn, tầm vóc tri thức, và kinh nghiệm xã hội từ giới tinh hoa cũng như cuộc sống gắn chặt với các làng quê của người nông dân, đặc biệt là gắn liền với những biến động của vùng đất Nghệ An thời Tây Sơn và Gia Long.
Trong vòng 11 năm (1821-1832), Nguyễn Công Trứ được thăng từ Hàn lâm viện Biên tu (7A) lên Tham Tri (2B) và Thự Tổng đốc Hải Yên (2A, 54 tuổi) (MMCB, 3: 122). Chánh nhị phẩm (2A) cũng là phẩm cấp cao nhất trong sự nghiệp của ông. Quá trình này không hề thua kém những “ngôi sao” chính trị hàng đầu thời Minh Mệnh. Hà Tông Quyền đỗ Tiến sĩ 1822 (24 tuổi). Được cử đi làm Tri phủ Tân Bình, Tham hiệp Quảng Trị trước khi rút về làm việc tại các bộ và sau đó là Nội các. Sau sáu năm, đến 1828, Hà Quyền lên Hữu Thị lang Lễ bộ kiêm lĩnh Thái thường tự; năm 32 tuổi làm thự Hữu tham tri Công bộ (hàm 2B). Phan Bá Đạt đỗ Tiến sĩ năm 1822 (29 tuổi), lên hàm 2B (tòng nhị phẩm) với chức Tham tri Hình bộ (38 tuổi) và Tả phó đô ngự sử (39 tuổi).
Thành công của Nguyễn Công Trứ là dù “xuất phát chậm” nhưng có khả năng tiếp cận nhanh vào hệ thống quyền lực ở Huế, đặc biệt là quá trình thăng tiến nhanh và suôn sẻ trong thập kỷ đầu tiên phục vụ Minh Mệnh. Đó là khi vị Hoàng đế đang cần một nhóm văn thần mạnh làm chỗ dựa cho cuộc cải cách chính trị, thay thế dần quyền lực của giới quân sự. Sự chuyển giao thế hệ này là một cơ hội cho Nguyễn Công Trứ bởi Minh Mệnh ưa thích những văn quan sẵn sàng xả thân. Chính trong nỗ lực tìm kiếm các văn quan “dấn thân” này, Nguyễn Công Trứ xuất hiện. Minh Mệnh gọi ông là “nho tướng” (儒將), tên gọi cho thấy kỳ vọng của Minh Mệnh vào Trứ và vị trí mà nhà vua dành cho ông trên bàn cờ chiến lược, hành chính của mình (ĐNTL, II, 219: 21b).
Nguyễn Công Trứ như một cánh tay nối dài của Minh Mệnh
Trên ngai vàng, chính sử mô tả vị hoàng đế là một ông vua tự tin, quyết đoán. Tuy nhiên, trong hơn một nửa thời gian cầm quyền đầu tiên, nhà vua cho thấy một gương mặt khác: bất an, thận trọng, thường xuyên bị ám ảnh bởi các thách thức an ninh và quản trị quốc gia (ĐNTL, II, 104: 31a). Xuất thân của ông, cuộc chiến ngai vàng, và cai trị giữa một thế giới các quyền thần để lại dấu ấn lên sự lo lắng của nhà vua, đặc biệt là nỗ lực của ông nhằm tái cấu trúc hệ thống hành chính, tập trung hóa nhà nước, lãnh thổ. Những gì diễn ra sau đó là ngày tháng “mất ăn mất ngủ”, như chính nhà vua tuyên bố vào mùa đông 1833 với bạo loạn, xâm lược của Siam và bùng bổ xung đột xã hội.
Nhà vua cần các quan chức có thể chia sẻ những ý tưởng này, không chỉ ở hoàng cung, mà còn nơi chiến trường, những viên chức có thể đưa vào thử nghiệm các dự án chính trị táo bạo, đặc biệt là những người có thể tạo ra sự thay đổi ở các địa phương.
Đó là mùa thu năm 1825, vị hoàng đế đang tức giận với các viên chức phủ Thừa Thiên, những người để trộm cắp lan tràn ngay tại kinh thành. Nguyễn Công Trứ được chuyển từ Hình bộ về làm Phủ Thừa (hàm 4A) (ĐNTL, II, 34: 11a-b). Chúng ta không biết gì nhiều về điều gì đã diễn ra, tuy nhiên, ba tháng sau, có vẻ như ông đã tạo ra sự khác biệt, và làm hài lòng vị hoàng đế, vì thế được chuyển làm Tham hiệp Thanh Hóa – một điểm nóng an ninh khác với sự nổi dậy của những người ủng hộ nhà Lê và các nhóm dân miền núi dọc theo Thanh Hóa-Ninh Bình. Sau khi Nguyễn Công Trứ nghỉ tang mẹ và quay lại nhậm chức, chính nhà vua tuyên bố: “Trước kia hai trấn Thanh Nghệ trộm cướp nổi nhiều, vì trấn thần vỗ về chống giữ có phương pháp, dân nhiều người ra sức, bắt được 8, 9 phần 10 kẻ phạm, như thế thì dân ta có phụ gì triều đình đâu. Nay ngươi đến bảo rõ đức ý của triều đình, chiêu tập những dân xiêu tán, tiễu trừ những đảng giặc sót để cho biên phương yên lặng lâu dài, ấy là điều trẫm mong đợi” (ĐNTL, II, 41: 17b).
Đảm nhận hai chức vụ trong vòng 9 tháng, Ngyễn Công Trứ đã chứng minh là một quan chức có năng lực dẹp loạn, bình định an ninh. Ông cho thấy năng lực giải quyết được vấn đề ám ảnh hàng đầu của Minh Mệnh, và là lí do của quá trình thăng tiến nhanh chóng. Mùa đông năm 1826, khi biết tin ông bị ốm ở Quảng Trị, trên đường đi công cán, Minh Mệnh đã cử thái y đến chữa bệnh (MMCB, 20: 112). Ông cũng được tặng bạc vào hai lần khác (1826, 1832) mà không có lí do cụ thể (ĐNLT, 20: 8b-9a).
Tuy nhiên, điểm đến tiếp theo của ông là không hề dễ dàng: Bắc Thành.
Lập lại trật tự ở Bắc Thành
Sau cái chết của Lê Chất (1826), vùng đất này đang chìm trong bạo lực. Sau nhiều lần vỡ đê từ năm 1824, các cuộc bạo loạn quy mô xuất hiện, đặc biệt là nổi dậy của Phan Bá Vành. Trong sứ mệnh này, Nguyễn Công Trứ được phái ra Bắc, phụ trách Hình tào, tâm điểm của nền hành chính tha hóa. Gần một thập kỷ sau đó, Nguyễn Công Trứ sẽ phục vụ như một cánh tay nối dài của Minh Mệnh trong một dự án chính trị, quân sự lớn làm thay đổi toàn bộ cấu trúc hành chính vùng châu thổ.
Những năm 1826 đến 1831 là cuộc chiến của Minh Mệnh ở Bắc Thành, nơi mà tính khốc liệt không hề thua kém những gì ông đã trải qua ở Gia Định. Cướp biển ở miền duyên hải, các nhóm dân tộc thiểu số ở phía Bắc và Tây, trong khi các nhóm ủng hộ nhà Lê chiếm giữ dải đất miền núi và trung du từ Thanh Hóa ra Ninh Bình, âm mưu thâm nhập vào vùng châu thổ. Hệ thống quản trị hành chính yếu kém của chính quyền cấp thành ở Hà Nội làm cho tình hình trở nên tồi tệ với thiên tai, nạn cường hào và lũng đoạn thuế khóa. Điều này đẩy hàng vạn dân đói, mất đất và nạn nhân của các trận lụt ở “rốn lũ” Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình chạy xuống duyên hải phía nam (Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình), gây ra những sức ép kinh tế lớn và gia tăng bạo lực xã hội.
Đáp lại, Minh Mệnh tự mình xem xét hàng trăm vụ án ở Bắc Thành với số phạm nhân lên tới 800-900 người. Năm 1826 chẳng hạn, có 490 án, 930 người bị giam (ĐNTL, II, 40: 18b-19a). Tình trạng quan chức tha hóa là nỗi ám ảnh của nhà vua. Ông phàn nàn trong một đạo dụ rằng “Gần đây nghe nói viên ty và thư lại các tào bắt chước nhau, liên kết bè đảng, nhiều người ăn của lót mưu lợi riêng, công việc tự ý mình làm nặng mà nhẹ, mà Hình tào càng tệ hơn” (ĐNTL, II, 43: 3b).
Không như kỳ vọng của nhà vua, các viên chức ông cử tới gặp vấn đề lớn trong việc xâm nhập vào hệ thống hành chính địa phương, từ cấp tào cho đến dinh trấn, phủ huyện. Thất bại của các nỗ lực này ở Nam Định là một ví dụ rõ ràng (ĐNTL, II, 45: 2b). Ít nhất có ba lần năm 1827, nhà vua yêu cầu các quan chức Bắc Thành gửi báo cáo mật trực tiếp về hoàng cung về tình hình quân sự, quan lại, và dân chúng (ĐNTL, II, 43: 16b, 25a-b). Minh Mệnh đang cần những nhân vật có khả năng kiểm soát vấn nạn chính trị quan liêu này và xác lập lại trật tự tại địa phương. Nguyễn Công Trứ là một trong số ít có đủ khả năng chia sẻ được những ý tưởng của nhà vua, đặc biệt là giúp ông giải quyết các điểm nóng trên vùng châu thổ, như ông đã làm ở Thừa Thiên và Thanh Hóa.
Nhiệm vụ của Nguyễn Công Trứ tập trung vào việc xử lí tệ nạn ở Hình tào, dẹp loạn Phan Bá Vành, giải quyết dân lưu tán ở Thái Bình, Nam Định, tổ chức khai hoang, sắp đặt lại vùng ngập Hải Dương, và cuối cùng là quản lí hệ thống an ninh vùng duyên hải. Lời dụ của Minh Mệnh cho Nguyễn Công Trứ đầu năm 1827 viết, “sau này có việc gì khẩn yếu, cho được làm tờ nói thực, niêm phong tâu thẳng” (ĐNTL, II, 43: 24b).
Được nhà vua ‘bật đèn xanh’, Nguyễn Công Trứ đã thực hiện một cuộc thí điểm chính trị quan trọng ở vùng đông nam châu thổ sông Hồng, trong đó tập trung vào ba khía cạnh chính:
Thứ nhất, thúc đẩy một chính quyền mạnh tay với những kẻ nổi loạn, như chính ông đã thực hiện ở Thừa Thiên, Thanh Hóa, Nam Định, và Hải Dương.
Thứ hai, ông coi “lại dịch tham ô” là căn nguyên của nền hành chính yếu kém. Giải pháp của ông có thể làm những người làm chính sách ở Việt Nam hiện tại ngỡ ngàng: “thải bỏ những người hèn kém bớt đi một nửa, và cho thêm lương, để giữ thanh liêm” (ĐNTL, II, 51: 8a-b). Cùng với cường hào lũng đoạn làng xã, ông coi đây là nguyên nhân căn bản của bạo lực xã hội Bắc Kỳ.
Thứ ba là một dấu ấn lớn của Nguyễn Công Trứ trong lịch sử Việt Nam đầu thế kỷ XIX: khai hoang, xác lập làng cho dân lưu tán. Ông nhận thức lưu dân là vấn nạn lớn ở châu thổ trong nhiều thập kỷ, đặc biệt như ông chứng kiến ở Nam Định, Hải Dương, Thái Bình. Ông đã nhìn thấy tình trạng dân lưu tán là căn nguyên của nhiều vấn nạn xã hội và tìm cách xác lập họ trong những vùng mới khai hoang. Trong địa hạt này, ông đã tìm thấy tiếng nói chung với Minh Mệnh, nhờ đó hàng nghìn gia đình được xác lập dọc theo duyên hải đông nam châu thổ sông Hồng (ĐNTL, II, 51: 11a-b).
Trớ trêu là sự năng nổ và các ý tưởng táo bạo của Nguyễn Công Trứ đã tạo ra chướng ngại cho chính ông trong việc gia nhập vào trung tâm của hệ thống quan liêu ở Huế.
Minh Mệnh và các quan chức tán đồng với phân tích tình hình của Nguyễn Công Trứ, bao gồm vấn đề dẹp loạn, cường hào, khai hoang. Mặc dù vậy việc can thiệp sâu rộng vào các làng xã dường như quá mạo hiểm đối với Huế. Hệ thống quan liêu ở Huế rất cảnh giác với các làng xã Bắc Hà, nơi có những cư dân “không thân thiện” với triều đình. Theo họ, những vấn đề ông nêu chỉ là cá biệt, do người thực thi chứ không phải tại hệ thống, vì thế không cần thiết xác lập thêm các thiết chế mới.
Minh Mệnh tỏ ra tỉnh táo hơn. Ông chia sẻ với Nguyễn Công Trứ nỗi ám ảnh về tình hình an ninh, và vì thế bảo trợ cho vị quan này trong nhiều sáng kiến hành chính. Tuy nhiên nhà vua là một người cẩn trọng, không muốn có bất cứ sự xáo trộn lớn nào về mặt chính sách, vì thế đồng ý cho tiến hành những thử nghiệm quy mô nhỏ, mức độ vừa phải.
Cuối cùng, ý nghĩa lớn nhất của câu chuyện về Nguyễn Công Trứ không nằm ở chỗ vinh danh hay tán dương quá khứ mà là điều chúng ta có thể học được từ tiền nhân trong cách thức quản trị nhà nước và xã hội trong những năm tháng mà một lãnh thổ Việt Nam thống nhất mới được định hình. Trải nghiệm của Minh Mệnh, Nguyễn Công Trứ với tư cách là các chính trị gia và người làm chính sách chắc chắn đã không chỉ dừng lại ở thế kỷ XIX. Việc nhận diện thời cuộc, xây dựng dự án chính trị, quản trị lãnh thổ, nhà nước, tương tác trung ương với địa phương, và sự giám sát của chính quyền nhà nước đối với chính quyền vùng luôn là điều không dễ dàng trên mảnh đất hình chữ S. ¨
Tham khảo
[ĐNLT]. (n.d.). Đại Nam Liệt Truyện, chính biên. Tokyo: Keio Institute of Linguistic Studies, reprint, 1963, Bản Dịch (Huế: Thuận Hóa, 1995).
[ĐNTL]. (n.d.). Đại Nam Thực Lục. Tokyo: Institute of Cultural and Linguistic Studies, Keio University, 1961-1977, Bản dịch (Hà Nội: Giáo dục, 2004).
[MMCB]. (n.d.). Châu bản triều Nguyễn, triều Minh Mệnh, 1820-1841. Trung tâm lưu trữ Quốc gia I, Hà Nội.
Vũ Đức Liêm. Nguyễn Công Trứ và việc nhận thức các vấn đề thời đại. Hội thảo Nguyễn Công Trứ, Đại học Quốc gia Hà Nội, 24/12/2018.
Vũ Đức Liêm. ‘Chơi với vua như đùa với hổ’: Nguyễn Công Trứ trong trật tự quyền lực của Minh Mệnh, trong Nguyễn Công Trứ và Sự nghiệp lập thân kiến quốc, biên tập: Nguyễn Công Lý, Đoàn Lê Giang, Lê Quang Trường, Nguyễn Ái Học (Hà Nội: KHXH, 2018): 157-187.
Vũ Đức Liêm và Dương Duy Bằng, “Phe phái, lợi ích nhóm, và quyền lực ở Việt Nam Đầu Thế Kỷ XIX” Nghiên cứu Lịch sử, Số 9 (2018).
Nguồn: Tạp chí Tia Sáng