Thế giới hôm nay: 03/03/2022

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Giao tranh gia tăng trên khắp Ukraine hôm thứ Tư khi quân đội Nga tiếp tục bắn phá các thành phố lớn nhất đất nước. Có tin cho thấy sẽ có vòng đàm phán thứ hai ​​ giữa các phái đoàn Ukraine và Nga. Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố lực lượng của họ đã giành quyền kiểm soát thành phố cảng Kherson bên bờ Biển Đen. Song thị trưởng thành phố bác bỏ, nói rằng nó vẫn nằm dưới sự kiểm soát của Ukraine. Trước đó, các quan chức Ukraine xác nhận lính dù Nga đã đổ bộ vào Kharkiv và giết chết ít nhất 21 dân thường. Một hàng dài xe tăng và khí tài Nga vẫn đang tiếp tục di chuyển chậm rãi về hướng thủ đô Kyiv.

Nga cho biết gần 500 binh sĩ Nga đã thiệt mạng kể từ khi nước này bắt đầu “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine. Con số này nhỏ hơn nhiều mức 6.000 lính Nga mà tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố đã tiêu diệt. Cho đến nay có hơn 2.000 thường dân được cho là đã thiệt mạng. Trong khi đó Liên Hợp Quốc tính toán gần 875.000 người đã rời khỏi Ukraine.

Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc bỏ phiếu lên án cuộc xâm lược của Nga đối với Ukraine và yêu cầu nước này rút quân, với 141 trên 193 thành viên ủng hộ nghị quyết. Belarus, Eritrea, Triều Tiên, Syria và Nga bỏ phiếu chống. Trong số các nước bỏ phiếu trắng có Trung Quốc và Ấn Độ.

Chính quyền Biden tuyên bố kiểm soát xuất khẩu sang Nga đối với một số công nghệ lọc dầu. Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết phương Tây vẫn chưa cấm nhập khẩu năng lượng từ Nga vì có thể làm gián đoạn nguồn cung, mặc dù “mọi phương án đều được tính tới.” Dù sao thì nhiều doanh nghiệp cũng đã ngừng kinh doanh dầu của Nga. Hiện giá dầu thô Brent lên tới 110 USD/thùng.

Tỷ phú Nga Roman Abramovich, người sở hữu câu lạc bộ bóng đá Chelsea ở Anh, tuyên bố bán câu lạc bộ. Tất cả lợi nhuận sẽ được quyên cho “các nạn nhân trong cuộc chiến Ukraine,” ông nói. Hôm thứ Bảy, Abramovich thông báo sẽ chuyển giao quyền quản lý câu lạc bộ cho một quỹ từ thiện; song kể từ đó, áp lực kêu gọi trừng phạt ông vì ông có quan hệ thân thiết với Moscow ngày càng gia tăng.

Ủy ban Paralympic quốc tế thông báo các vận động viên Nga và Belarus sẽ được phép tham gia thi đấu tại Paralympic mùa Đông ở Bắc Kinh với tư cách “trung lập” nhưng không được phép giành huy chương. Sự kiện này khai mạc vào ngày 4 tháng 3. Hồi đầu tuần, Ủy ban Olympic Quốc tế đã thúc giục các tổ chức thể thao cấm vận động viên Nga tham gia các sự kiện quốc tế, nhưng cho biết các vận động viên này vẫn có thể chọn lựa chọn trung lập.

Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Jerome Powell phát đi tín hiệu mạnh mẽ là Fed có thể tăng lãi suất trong hai tuần tới vì lạm phát cao và thị trường lao động phát triển nóng. Đây sẽ là lần đầu tiên Fed tăng lãi suất kể từ 2018. Hiện lạm phát cơ bản đang ở mức 6%, cao nhất trong 40 năm qua. Ông Powell kỳ vọng lạm phát sẽ qua đi một khi gián đoạn chuỗi cung ứng được khắc phục.

Con số trong ngày: 1,4 nghìn tỷ rúp, là tổng số tiền mà các ngân hàng Nga rút khỏi ngân hàng trung ương trong ngày đầu tiên của cuộc chiến, như một động thái đối phó với nhu cầu tiền mặt tăng.

TIÊU ĐIỂM

Không thể đặt vùng cấm bay ở Ukraine

Đã hơn một lần tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky yêu cầu phương Tây áp đặt vùng cấm bay trên đất nước ông. Nhiều người xem đây là một cách hiển nhiên để làm chậm quân Nga.

Vùng cấm bay ngăn cản việc sử dụng máy bay chiến đấu để tấn công mục tiêu quân sự hoặc dân sự trên mặt đất. Nhưng chỉ tuyên bố thôi là không đủ: bên tuyên bố phải tuần tra khu vực và sẵn sàng bắn vào các máy bay vi phạm. Do đó, áp đặt vùng cấm bay chẳng khác nào tuyên bố chiến tranh.

Trước đây đã từng có vùng cấm bay ở Iraq và Libya. Nhưng không bên nào lại muốn chiến tranh với Nga, đặc biệt khi nước này có vũ khí hạt nhân. Dù sao thì một vùng cấm bay trên lãnh thổ Ukraine cũng không thể ngăn được Nga sử dụng kho vũ khí khổng lồ của mình. Các nước NATO đã cung cấp tên lửa đất đối không Stinger, nhưng chúng chỉ có thể tấn công các mục tiêu ở độ cao 12.000 feet (khoảng 3.600 mét). Nhưng cho đến nay họ tỏ ra sẽ không đặt vùng cấm bay. Nga muốn bầu trời Ukraine rộng mở – và phương Tây không có khả năng ngăn chặn điều đó.

Tội ác chiến tranh ở Ukraine

Các cáo buộc tội ác chiến tranh ngày càng xuất hiện nhiều khi quân Nga tấn công các thành phố Ukraine. Tổng thống Ukraine đã cho biết cuộc tấn công của Nga vào Kharkiv hôm thứ Ba chính là tội ác chiến tranh. Công tố viên của Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) tuyên bố ông đang mở một cuộc điều tra về tội ác chiến tranh và tội ác chống lại loài người ở Ukraine, tùy thuộc vào ủy quyền của tòa án hoặc một chính phủ có ký quy chế thành lập ICC.

ICC có hiệu lực từ năm 2002. Quy chế của nó xác định xâm lược, chiếm đóng quân sự và không kích là tội ác xâm lược và quy định “một cuộc tấn công trên diện rộng hoặc mang tính hệ thống nhắm vào dân thường” là tội ác chống lại loài người.

Một số vụ việc tại Ukraine có thể đáp ứng các tiêu chí này, đặc biệt khi chúng còn được ghi lại bởi điện thoại cầm tay. Các nhà phân tích đang nắm giữ các video về bom chùm ở trung tâm thành phố Kharkiv cũng như vụ bắn phá khủng khiếp vào một trường mẫu giáo ở Okhtyrka. Nga bác bỏ thẩm quyền của ICC. Nhưng rõ ràng Nga đã vi phạm luật pháp quốc tế.

Ba Lan mở rộng vòng tay với người Ukraine

Gần 875.000 người tị nạn đã chạy khỏi Ukraine kể từ khi Nga xâm lược vào thứ Năm tuần trước, theo Cao ủy LHQ về người tị nạn. Nhiều người hiện đang ở Ba Lan, quốc gia láng giềng lớn nhất của Ukraine ở EU.

Vốn hạn chế nhận người đến từ Trung Đông và châu Phi, đảng Công lý và Pháp luật cầm quyền của Ba Lan giờ đây lại chào đón người tị nạn Ukraine, cho phép họ nhập cảnh mà không cần thủ tục giấy tờ. Khoảng 2 triệu người Ukraine vốn ở Ba Lan từ trước cũng được cho phép ở lại. Ba Lan cho mở các điểm tiếp nhận người ở biên giới trong khi các cộng đồng trên khắp đất nước tích cực thu nhận người tị nạn. Nhiều người Ba Lan đã cho họ đi xe miễn phí từ biên giới đến Warsaw cũng như các thành phố khác, hoặc cung cấp chỗ ở và giúp tìm việc làm.

Hôm Chủ nhật, EU phê duyệt ngân sách 450 triệu euro (498 triệu USD) vũ khí và thiết bị cho Ukraine: Ba Lan sẽ đóng vai trò trung tâm hậu cần cho các nỗ lực này. Khi chiến sự tiếp tục, vị trí địa lý ngay giữa đông và tây của Ba Lan khiến nước này trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.

Nhiều cựu quan chức cấp cao của Mỹ đến thăm Đài Loan

Mỹ đang ngày càng táo bạo hơn trong vấn đề Đài Loan. Để tránh mắc vào tranh cãi với Trung Quốc, Mỹ tiếp tục tránh gặp gỡ các lãnh đạo Đài Loan ở cấp cao nhất. Vì vậy họ cử các cựu quan chức đến thăm hòn đảo này.

Vào ngày 1 tháng 3 đã có một phái đoàn cấp cao do Tổng thống Joe Biden cử đến Đài Loan, bao gồm Đô đốc Mike Mullen, cựu chủ tịch hội đồng tham mưu trưởng liên quân Hoa Kỳ. Các vị khách đã gặp tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn, người cho biết chuyến đi của họ phản ánh “mối quan hệ vững chắc” của Đài Loan với Mỹ. Đáp lại, Trung Quốc gọi việc cử bất kỳ ai đến Đài Loan là “vô ích”, trong việc thể hiện “cái gọi là sự ủng hộ” [đối với Đài Loan]. Mike Pompeo, ngoại trưởng dưới thời Donald Trump, và là mục tiêu của các lệnh trừng phạt do Trung Quốc đặt ra, cũng tiến hành chuyến thăm của riêng ông vào ngày 2/3 để gặp bà Thái.

Trung Quốc bác bỏ mọi so sánh giữa quan điểm của Nga về Ukraine và quan điểm của họ về Đài Loan – vì hòn đảo này luôn là lãnh thổ Trung Quốc, theo Bắc Kinh. Song giữa bối cảnh các máy bay chiến đấu Trung Quốc liên tục xuất hiện gần hòn đảo, không ai có thể yên tâm.