Tác động của việc Trung Quốc ký hiệp ước an ninh với Quần đảo Solomon

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn:China: Diese Inselgruppe könnte die Machtverhältnisse im Pazifik neu ordnen”, WELT, 29/03/2022.

Biên dịch: Nguyễn Xuân Hoài

Trung Quốc từ lâu đã nỗ lực mở rộng ảnh hưởng của mình ở Thái Bình Dương. Một thỏa thuận an ninh đã được lên kế hoạch với Quần đảo Solomon hiện đang đặt các cường quốc xung quanh là Australia và New Zealand trong tình trạng báo động. Đơn giản vì khu vực này cũng có tầm quan trọng lớn đối với phương Tây.

Trong những ngày qua một số tài liệu đã được công khai khiến hai nước New Zealand và Australia không khỏi lo lắng. Theo tài liệu này thì Quần đảo Solomon, một nhóm các đảo ở Thái Bình Dương gần hai nước nói trên, đang thực hiện một thỏa thuận an ninh với Trung Quốc.

Dự án này gây lo ngại vì nó sẽ cho phép Trung Quốc đồn trú các tàu chiến của hải quân Trung Quốc ở Thái Bình Dương, cách bờ biển Australia chưa đầy 2.000 km. Cả Australia và New Zealand đều bày tỏ “quan ngại”. Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern cho biết bà coi động thái này là một hành động “quân sự hóa khu vực tiềm tàng”.

Bộ trưởng Ngoại giao Australia Marise Payne cũng bày tỏ “quan ngại trước bất kỳ hành động nào làm suy yếu sự ổn định và an ninh của khu vực chúng ta”, đặc biệt nếu hành động đó liên quan đến việc thiết lập sự hiện diện thường trực của một căn cứ quân sự.

Chính phủ ở Honiara đã xích lại gần Trung Quốc trong một thời gian: Quần đảo Solomon thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với Trung Quốc từ năm 2019 và cắt đứt quan hệ với Đài Loan. Mức độ quan ngại của Australia trước diễn tiến này được thể hiện qua việc Thủ tướng Scott Morrison đã tổ chức các cuộc đàm phán khủng hoảng với các đại diện của Fiji và Papua New Guinea vào đầu tuần này nhằm ngăn chặn thỏa thuận giữa Trung Quốc và Quần đảo Solomon.

Tuy nhiên, cho đến nay vẫn có rất ít nhượng bộ từ phía Quần đảo Solomon: Hôm thứ ba, Thủ tướng Manasseh Sogavare mô tả phản ứng đối với các cuộc đàm phán an ninh của nước ông với Trung Quốc là “rất xúc phạm”. Trước quốc hội, Sogavare từ chối thông báo chi tiết về nội dung của dự thảo thỏa thuận. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng văn kiện đã được “hoàn thiện” và “sẵn sàng để ký”.

Vị thủ tướng cho hay vì nhu cầu về an ninh, Quần đảo Solomon phải đa dạng hóa các đối tác: “Tôi muốn nói rõ rằng Hiệp định An ninh của Quần đảo Solomon với Australia vẫn còn hiệu lực và nguyên vẹn”, ông nói. Quốc gia Thái Bình Dương này sẽ không “chọn phe”.

Australia là đối tác quan trọng của quần đảo này, cung cấp viện trợ tài chính hào phóng cũng như hỗ trợ quân đội và cảnh sát. Sau tình trạng bất ổn do cuộc tranh giành quyền lực nội bộ ở quần đảo Solomon vào năm ngoái, Australia đã triển khai quân đội tới quần đảo này và tái thiết lập sự hiện diện lâu dài của lực lượng cảnh sát như trước đây.

Trong khi đó Trung Quốc đề nghị giúp đào tạo lực lượng cảnh sát cho đảo quốc này. Việc Hoa Kỳ lên kế hoạch xây dựng đại sứ quán tại Quần đảo Solomon cho thấy phương Tây coi quần đảo này, vốn cách Australia khoảng 2.000 km về phía bắc, có tầm quan trọng chiến lược đến thế nào.

Derek Futaiasi, một nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Quốc gia Australia và là người gốc Quần đảo Solomon, đã viết trong một bài bình luận cho Viện Lowy rằng “sự độc quyền hiện tại của Australia như một lực lượng kiểm soát ở Thái Bình Dương” chắc chắn đang bị đe dọa. Thách thức đối với Canberra hiện nay là thuyết phục khu vực Thái Bình Dương rằng cách tiếp cận của Australia đối với việc đáp ứng các nhu cầu về an ninh của khu vực này là rất “mạnh mẽ”.

Theo lãnh đạo phe đối lập của Úc Anthony Albanese, ý đồ của Quần đảo Solomon cho thấy Úc đã mất ảnh hưởng ở Thái Bình Dương. Theo Albanese, điều này chủ yếu là do Australia thiếu cam kết trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và việc cắt giảm viện trợ nước ngoài. Hỗ trợ phát triển chính thức của Australia cho Quần đảo Solomon đã giảm 12,6% từ 179 triệu đô la Úc năm 2014/2015 xuống còn 156 triệu đô la Úc năm 2021/2022.

Jonathan Pryke, chuyên gia an ninh tại Viện Lowy, gọi sự hiện diện quân sự tiềm tàng của Trung Quốc ở Nam Thái Bình Dương là “lằn ranh đỏ” đối với Australia trong một cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình Channel 9. Nếu chính quyền Honiara cho phép Bắc Kinh tập kết tàu chiến Trung Quốc trong khu vực này, điều đó có nghĩa là cán cân quyền lực sẽ có sự thay đổi lớn.

Pryke cũng cho biết thỏa thuận này đã tiết lộ tham vọng thực sự của Bắc Kinh. “Đây có thể được coi là một món quà dành cho Canberra vì nó vạch rõ các mục tiêu của Trung Quốc.” Từ lâu Australia đã lo ngại về tham vọng của Trung Quốc đối với khu vực này.

Để chống lại ảnh hưởng của Trung quốc, năm 2018 Australia đã giới thiệu chương trình “Pacific Step Up”, trong đó nhấn mạnh đến nội dung quan tâm nhiều hơn đến “gia đình Thái Bình Dương”. Một quỹ cơ sở hạ tầng trị giá hàng tỷ đô la cũng đã được thành lập. Nhiều người coi điều này là một biện pháp đối phó với số tiền mà Trung Quốc đang hào phóng phân phối trong khu vực, dưới dạng tín dụng cho vay hoặc viện trợ.

Trung Quốc tăng cường ảnh hưởng ở Thái Bình Dương

Bên cạnh Quần đảo Solomon, Trung Quốc còn tăng cường can dự với  Papua New Guinea. Cuối năm 2020 đầu năm 2021, có thông tin cho thấy đảo Daru, một hòn đảo ở eo biển Torres nằm giữa Australia và Papua New Guinea, sẽ được phát triển thông qua đầu tư của Trung Quốc. Ví dụ, tại đây sẽ xây dựng một “khu công nghiệp đa chức năng quy mô lớn về thủy sản”.

Vụ việc này đã báo động các nhà chức trách Australia vì không có đội tàu đánh cá thương mại nào được phép hoạt động trong khu vực này. Nghị sĩ Australia Warren Entsch, đại diện khu vực bầu cử bao gồm cả eo biển Torres, đã tự hỏi mình trong một cuộc phỏng vấn rằng tại sao Trung Quốc lại muốn thiết lập một cơ sở ngư nghiệp lớn như vậy ở một nơi “thực sự không có nhiều cá”.

Nếu nhìn rộng ra cũng sẽ thấy Trung Quốc hoàn toàn không chỉ quan tâm đến các khu vực ở phía bắc Australia. Thế giới đang theo dõi với sự lo ngại việc Trung Quốc tăng cường vũ trang hóa các đảo nhân tạo đang tranh chấp ở Biển Đông. Đồng thời, trong nhiều năm qua, Trung Quốc đã đầu tư một khoản tiền lớn vào khu vực Thái Bình Dương.

Với sự trợ giúp từ tiền mặt và các khoản đầu tư, các đảo quốc nghèo khó như Quần đảo Solomon hay Kiribati đang bị biến thành đồng minh của Trung Quốc. Có tin đồn rằng hồi năm 2018, Trung Quốc đã tiếp cận Vanuatu để xây dựng một căn cứ quân sự tại đây.

Jim Fanell, cựu giám đốc tình báo Hạm đội Thái Bình Dương Hải quân Hoa Kỳ, đã từng nói trong một cuộc phỏng vấn rằng từ lâu giới chuyên gia đã lo ngại Trung Quốc đang ve vãn các đảo quốc ở khu vực này, không phải vì lòng tốt mà vì đây là “con đường huyết mạch nối giữa Mỹ với Australia và New Zealand”.