Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy
Moscow đe dọa trừng phạt Litva bằng các biện pháp có “tác động nghiêm trọng,” sau khi quốc gia Baltic này cản trở vận chuyển hàng hóa đến và đi từ vùng lãnh thổ Kaliningrad thuộc Nga qua lãnh thổ Litva. Litva cho biết chỉ đang thực thi các lệnh trừng phạt của EU, vốn có hiệu lực từ ngày 17 tháng 6. Nga gọi đây là động thái “thù địch công khai.” Đại sứ EU tại Nga đã đến Moscow để thảo luận về tình hình, ngay sau khi bị nước chủ nhà triệu tập.
Các quan chức bầu cử của đảng Cộng hòa đã kể với ủy ban 6 tháng 1 của Hạ viện Mỹ về cách Donald Trump và nhóm của ông thúc giục họ lật ngược kết quả bầu cử năm 2020. Rusty Bowers, Chủ tịch Hạ viện Arizona, cho biết ông đã bị ép bởi Trump, các luật sư của tổng thống, và Virginia Thomas – vợ của thẩm phán Tòa Tối cao Clarence Thomas. Một số quan chức còn cho biết họ bị những người ủng hộ ông Trump dọa giết.
Nhà sản xuất thực phẩm Kellogg’s thông báo sẽ tách thành ba công ty, tập trung vào ngũ cốc, đồ ăn nhẹ và thực phẩm có nguồn gốc thực vật. Giám đốc Steve Cahillane nói động thái này cho phép mỗi doanh nghiệp thành công một cách độc lập. Chúng có quy mô khác nhau đáng kể: đồ ăn nhẹ chiếm 11,4 tỷ đô la doanh thu năm ngoái, so với chỉ 340 triệu đô la của sản phẩm làm từ thực vật. Cổ phiếu của công ty tăng vọt sau tin này.
Tòa án Tối cao Hoa Kỳ đã phán quyết Maine không thể loại trừ các trường tôn giáo khỏi chương trình trả học phí trường tư cho học sinh ở các khu vực không có trường công. Tỉ lệ phiếu là 6-3, với cả ba thẩm phán khuynh hướng tự do phản đối. Quyết định này lặp lại các phán quyết trước đó của tòa rằng các cơ sở tôn giáo ở Missouri và Montana đủ điều kiện nhận trợ cấp của chính phủ.
Elon Musk xác nhận kế hoạch sa thải 10% lực lượng lao động thường xuyên của Tesla, vì suy thoái kinh tế ở Mỹ dường như “nhiều khả năng sẽ xảy ra.” Ông Musk cũng nói công ty sản xuất ô tô điện của ông sẽ tăng tỷ lệ người lao động được trả lương theo giờ so với nhân viên thường xuyên.
Nhà báo Nga Dmitry Muratov đã bán đấu giá huy chương Nobel hòa bình của ông với giá 103,5 triệu USD. Ông là người đồng nhận giải thưởng năm 2021 vì những thành tựu trong bảo vệ quyền tự do ngôn luận; được biết tờ báo độc lập của ông, Novaya Gazeta, đã bị đình bản ngay sau khi Nga xâm lược Ukraine. Ông Muratov nói toàn bộ số tiền quyên góp sẽ được dùng giúp đỡ người tị nạn sau chiến tranh.
Evergrande cho biết có kế hoạch để không còn bị Sở giao dịch chứng khoán Hồng Kông hủy niêm yết. Công ty bất động sản Trung Quốc này, với những rắc rối đã trở thành biểu tượng cho các vấn đề kinh tế của Trung Quốc, có thời gian đến ngày 20 tháng 9 năm 2023 để đáp ứng các điều kiện của sàn giao dịch và tránh bị hủy niêm yết vĩnh viễn. Chúng bao gồm minh bạch hơn, và chứng minh có khả năng tiếp tục hoạt động.
600 triệu USD: là kim ngạch nhập khẩu chè hàng năm của Pakistan, điều đang gây áp lực lên nguồn dự trữ ngoại tệ eo hẹp của đất nước.
TIÊU ĐIỂM
Pháo hạng nặng của Đức đến Ukraine
Lô viện trợ vũ khí hạng nặng đầu tiên của Đức cho Ukraine đã cập bến. Hệ thống pháo Panzerhaubitze 2000, hay Pzh 2000, có thể bắn một quả đạn nặng bằng hai vali nhồi đi xa khoảng 40 km. Và với khả năng bắn ba phát trong vòng mười giây ở chế độ đặc biệt, chiếc xe bọc thép nặng 55 tấn này mang đến hỏa lực đáng sợ.
Song món quà của Đức có thể đã đến quá muộn để ngăn đà tiến chậm rãi của Nga ở đông Ukraine. Các đội pháo binh Nga đang bắn số lượng đạn nhiều gấp 10 lần Ukraine, theo Tư lệnh quân đội Ukraine Valery Zaluzhny. Các nhà lãnh đạo Ukraine cũng nói quân đội của họ cần nhiều các loại pháo tối tân của phương Tây hơn nữa. Nhưng Đức chỉ gửi bảy chiếc Pzh 2000, còn Hà Lan bội ước lời hứa gửi thêm năm chiếc. Khi nguồn dự trữ pháo và đạn dược của phương Tây bắt đầu cạn kiệt, viện trợ sẽ ít đi.
Những ngày khó khăn của tiền điện tử
Vào thứ Tư, Iran sẽ cắt điện đối với 118 công ty khai thác tiền điện tử có cấp phép của họ, trong nỗ lực giải tỏa căng thẳng lưới điện. Đây là một động thái đúng thời điểm, khi thế giới tiền điện tử trở nên u ám. Giá bitcoin đã giảm gần 15% chỉ riêng trong ngày thứ Bảy, dẫn đến 1 tỷ USD bị thanh lý vì các nhà đầu tư dùng đòn bẩy không thể trình đủ tài sản thế chấp. Các đồng tiền điện tử khác cũng giảm, mặc dù hầu hết đã phục hồi và thị trường dường như ổn định. Nhưng bitcoin vẫn thấp hơn gần 70% so với mức đỉnh hồi tháng 11, tạo nên hoảng loạn trong toàn ngành.
Các bên cho vay đã tạm ngừng cho rút tiền, các quỹ đầu cơ không đáp ứng được lệnh gọi ký quỹ, và một sàn đã cho tạm dừng giao dịch hoàn toàn vì sợ bị rút hết tiền. Ngay cả những công ty khổng lồ cũng bị ảnh hưởng. Nhiều trong số đó – đặc biệt là Coinbase – đã thông báo sa thải tới 20% lực lượng lao động. Mùa hè thất vọng này báo hiệu tương lai bất định của tiền điện tử.
Ả Rập Saudi gia tăng ảnh hưởng
Vào thứ Tư tuần này, thái tử và nhà lãnh đạo trên thực tế của Ả Rập Saudi, Muhammad bin Salman, sẽ đến thăm Thổ Nhĩ Kỳ. Đây là chuyến thăm đầu tiên của ông kể từ vụ giết nhà báo Jamal Khashoggi bên trong lãnh sự quán tại Istanbul của vương quốc này vào năm 2018. Kể từ đó tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã dành nhiều năm làm khó vị thái tử về vụ việc này. Nhưng khi nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ gặp khó khăn ông bỗng đổi ý: ông muốn có đầu tư từ Ả Rập Saudi.
Ông Erdogan không phải là nhà lãnh đạo duy nhất bất ngờ làm lành với Thái tử Muhammad. Với tư cách là ứng viên tổng thống, Joe Biden đã từng thề sẽ cô lập thái tử về vụ giết ông Khashoggi, cũng như sự tham gia của Ả Rập Saudi trong cuộc chiến ở Yemen. Nhưng giờ đây ông Biden lại muốn đến Jeddah thăm thái tử vào tháng tới. Với giá xăng dầu tăng cao – 5 đô la một gallon trong tháng này ở Mỹ – ông Biden muốn thuyết phục thái tử Muhammad đồng ý xuất khẩu thêm dầu. Khủng hoảng kinh tế toàn cầu cho thấy vị thế ngoại giao không thể xem thường của Ả Rập Saudi.
Nỗ lực tiêu chuẩn hóa metaverse
Vào những năm 1990, các công ty đã cùng nhau xây dựng web mở — một nỗ lực giúp cho Internet bùng nổ. Bằng cách cho phép các trang web và trình duyệt giao tiếp với nhau, một nền kinh tế mở đã bùng nổ. Nhiều người đang đặt kỳ vọng khi ngành công nghệ hướng tới phiên bản tiếp theo của internet, “metaverse,” hay vũ trụ ảo.
Vào thứ Ba, Diễn đàn Tiêu chuẩn Metaverse chính thức ra mắt với mục tiêu thúc đẩy thảo luận về các tiêu chuẩn cho khả năng tương tác (interoperability). Các tên tuổi lớn bao gồm Meta, vốn đổi tên từ Facebook như một phần của kế hoạch dài hạn cho metaverse, và Epic Games, công ty có tựa game proto-metaverse phổ biến “Fortnite.”
Nhưng cũng có những ông lớn không tham gia, đặc biệt là Apple, và các nhà phát triển game khác, mà trên thực tế chính là bên sản xuất phần lớn nội dung của metaverse. Triển vọng là khá ảm đạm nếu những công ty như vậy không tham gia hệ thống tiêu chuẩn của diễn đàn. Bất kỳ tiêu chuẩn mới nào cũng sẽ phải cạnh tranh với các hướng dẫn hiện tại, từ đó làm tăng tính không tương thích của ngành. Song nếu cơ chế mới này có thể xây dựng được đồng thuận, metaverse sẽ đứng trước cơ hội đi vào thực tế.