Thế giới hôm nay: 23/11/2022

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Tổ chức Y tế Thế giới nói Ukraine đứng trước một “cuộc khủng hoảng năng lượng tàn khốc” trong mùa đông, đặt ra thử thách nghiêm trọng cho hệ thống y tế của một đất nước vốn đã thiếu nhiên liệu, điện và nước. Khoảng 10 triệu người, tức một phần tư dân số, bị mất điện vì các đợt không kích của Nga đã lấy đi một nửa công suất phát điện của Ukraine. Tổng thống Volodymyr Zelensky đã yêu cầu người Ukraine tiết kiệm năng lượng, và dự kiến cắt điện ​​​​cho đến tháng 3. Khi nhiệt độ mùa đông ở Ukraine xuống dưới -20°C (-4°F), chính quyền địa phương nói với người dân ở Kherson, một thành phố mới được giải phóng, rằng họ có thể sẽ được sơ tán đến các khu vực khác.

Ủy ban châu Âu đề xuất áp giá trần đối với khí đốt tự nhiên được bán ở EU. Ở mức 275 euro (283 đô la) mỗi megawatt giờ cho các hợp đồng trước một tháng trên sàn giao dịch tiêu chuẩn, sẽ giúp ngăn giá tăng cao. Các bộ trưởng năng lượng EU sẽ thảo luận về đề xuất này vào thứ Năm.

Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa đang dẫn đầu trong cuộc đua tìm lãnh đạo đảng trong cuộc bầu cử 2024 của đảng Đại hội Dân tộc Phi. Ông Ramaphosa, người đang đứng đầu đảng, nhận hơn 2.000 đề cử, trong khi đối thủ thứ hai, cựu bộ trưởng y tế Zweli Mkhize, có khoảng 900. Quyết định cuối cùng sẽ được đưa ra tại một hội nghị của đảng vào tháng 12.

Chính phủ cánh hữu của Ý đạt đồng thuận về gói ngân sách cho năm tới, trong đó bao gồm thuế thặng dư 35% lên lợi nhuận của các công ty năng lượng cho đến giữa năm 2023. Gói này có các điều khoản cắt giảm thuế và tăng chi tiêu trị giá 35 tỷ euro (36 tỷ đô la), trong đó bao gồm ngân sách để đối phó giá năng lượng cao, chủ yếu được tài trợ thông qua vay mượn. Song mục tiêu thâm hụt ngân sách 4,5% GDP đã xoa dịu quan ngại rằng mức nợ cao của đất nước sẽ gây mâu thuẫn với EU.

Cuộc khủng hoảng tiền điện tử vẫn tiếp tục. Genesis, một công ty cho vay tiền điện tử, đã cố gắng trấn an các chủ nợ của mình rằng họ “trước mắt không có kế hoạch nộp đơn xin phá sản” — sau khi công ty buộc phải tạm dừng các khoản mua lại vì FTX sụp đổ. Ngoài ra các công tố viên Mỹ đã truy tố hai người Estonia vì chủ mưu một vụ lừa đảo tiền điện tử trị giá 575 triệu đô la. Bitcoin trong khi đó giảm xuống còn 15.800 đô la – một phần tư mức giá của ba năm trước.

Quốc vương Malaysia bắt đầu tiến trình lựa chọn thủ tướng tiếp theo của đất nước. Người ta hy vọng các cuộc bầu cử hôm thứ Bảy sẽ giúp tìm ra lãnh đạo tiếp theo của đất nước. Nhưng thay vào đó là một quốc hội không có đa số, và liên minh đương nhiệm hoàn toàn có thể liên kết với bất kỳ ai trong hai đối thủ của mình. Nhưng vào thứ Ba họ đã từ chối, qua đó đưa sứ mệnh này về tay nhà vua.

Theo một số báo cáo, Bob Chapek, người đã bị sa thải khỏi vị trí giám đốc điều hành của Disney vào Chủ nhật, đã bị nội bộ soán ngôi. Một chiến dịch lật đổ ông đã được tiến hành từ mùa hè, và được dẫn đầu bởi các giám đốc cấp cao không hài lòng với sự lãnh đạo của ông. Trong nhiệm kỳ của ông, Disney phải gánh các khoản lỗ phát trực tuyến lớn trong khi giá cổ phiếu giảm mạnh. Người thay thế Chapek là CEO lâu năm trước đây Bob Iger.

Con số trong ngày: 1,5 tỷ đô la, là khoản lỗ của mảng phát trực tuyến của Disney trong quý vừa qua.

TIÊU ĐIỂM

Thổ Nhĩ Kỳ có thể lại điều quân vào Syria

Recep Tayyip Erdogan tuyên bố hôm thứ Ba: “Chúng ta đã hạ gục những kẻ khủng bố trong mấy ngày qua bằng máy bay, đại bác và súng.” Ngoài ra ông còn cho biết là sẽ điều thêm xe tăng và binh lính. Ông Erdogan đã đe dọa trong nhiều tháng về một chiến dịch quân sự ở miền bắc Syria. Năm ngoái, quốc hội đã gia hạn thêm hai năm một mệnh lệnh cho phép chính phủ đưa quân vào Iraq và Syria. Nhưng ông Erdogan ngày càng mạnh miệng về một cuộc tấn công kể từ ngày 13 tháng 11, khi một vụ đánh bom ở Istanbul khai mào cho một cuộc ăn miếng trả miếng giữa hai bên.

Thổ Nhĩ Kỳ đổ lỗi vụ đánh bom cho Đảng Công nhân người Kurd, một nhóm nổi dậy đấu tranh cho quyền tự trị của người Kurd ở nước này. Nhóm đã bác bỏ tuyên bố đó. Hôm Chủ nhật, Thổ Nhĩ Kỳ bắn tên lửa vào các chiến binh người Kurd ở Iraq và Syria; cuộc tấn công trả đũa một ngày sau đó giết chết hai công dân Thổ Nhĩ Kỳ ở Gaziantep, một tỉnh giáp với Syria. Mặc dù căng thẳng gia tăng, phương Tây vẫn không lên tiếng, có thể là vì ông Erdogan đã trở thành trung gian hữu ích trong cuộc xung đột Nga-Ukraine.

Toà Tối cao Anh xem xét yêu cầu tổ chức trưng cầu dân ý của Scotland

Phán quyết của tòa tối cao Anh vào thứ Tư có thể sẽ quyết định tương lai của Vương quốc Anh. Các thẩm phán sẽ quyết định liệu nghị viện Scotland ở Edinburgh có thể thông qua luật kêu gọi trưng cầu dân ý về độc lập mà không cần được chính phủ Anh chấp thuận hay không.

Trong cuộc bỏ phiếu năm 2014, vốn được tổ chức với sự chấp thuận của chính phủ David Cameron, người Scotland từ chối độc lập với tỉ lệ 55%-45%. Nhưng Brexit, mà người Scotland đã bỏ phiếu chống, cùng với niềm tin giảm sút đối với chính phủ Anh, có thể đã khiến họ muốn tuyên bố độc lập.

Nếu tòa án cho phép, thủ hiến Nicola Sturgeon sẽ đề xuất trưng cầu dân ý vào ngày 19 tháng 10 năm 2023. Nhưng hầu hết các học giả pháp lý không cho rằng toà sẽ phán quyết có lợi cho Đảng Quốc gia Scotland của bà. Thay vào đó, các thẩm phán có thể phán quyết định rằng cuộc trưng cầu dân ý cần được chính phủ Anh chấp thuận, hoặc tuyên bố rằng vấn đề này vẫn chỉ là giả thuyết cho đến khi luật trưng cầu dân ý được đề xuất, qua đó kéo dài tình trạng lấp lửng hiến pháp của Scotland.

Giai đoạn ảm đạm của Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể

Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO), một liên minh quân sự giữa Nga và năm nước Liên Xô cũ—Armenia, Belarus, Kazakhstan, Kyrgyzstan và Tajikistan—bắt đầu năm nay bằng một màn phô trương sức mạnh. Hồi tháng 1, tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev đã viện dẫn điều khoản an ninh tập thể của tổ chức để đối phó với các cuộc biểu tình chống chính phủ. Chỉ trong vòng vài giờ quân đội Nga đã đến trợ giúp ông. Nhưng khi các nhà lãnh đạo CSTO họp tại Armenia vào thứ Tư tuần này, tinh thần chung của họ sẽ không còn như trước.

Nga, quốc gia đang duy trì quân đội ở các nước CSTO như một phần của hiệp ước an ninh, đang bị căng sức vì cuộc chiến ở Ukraine. Ngoài ra là các căng thẳng nội bộ. Chỉ mới tháng trước cuộc tập trận quân sự chung mang tên “Tình anh em không thể phá hủy-2022” đã bị hủy bỏ, trong bối cảnh xung đột biên giới giữa Tajikistan và Kyrgyzstan. Trước đó nữa vào tháng 9, Armenia đã yêu cầu tổ chức cung cấp vũ khí để chống lại cuộc tấn công từ Azerbaijan, nhưng CSTO chỉ có thể gửi đến một đội điều tra thực tế. Đó có lẽ là tất cả những gì nhóm có thể làm.