Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy
Vào tối Chủ nhật, cảnh sát Thượng Hải đã đụng độ với những người biểu tình phản đối các biện pháp chống dịch covid hà khắc của Trung Quốc. Biểu tình lẻ tẻ đã lan rộng khắp đất nước, bao gồm ở Bắc Kinh và Vũ Hán, để yêu cầu chấm dứt phong tỏa khắc nghiệt; một số người thậm chí hô khẩu hiệu đả đảo chủ tịch Tập Cận Bình. Vụ hỏa hoạn khiến mười người thiệt mạng ở Urumqi, thủ phủ tỉnh Tân Cương, càng làm gia tăng sự tức giận của người dân. Người biểu tình ở đó nói các hạn chế covid đã làm chậm chân các lực lượng phản ứng nhanh.
Thủ đô Kyiv của Ukraine đối mặt tuyết rơi và nhiệt độ đóng băng trong bối cảnh hàng triệu người bị thiếu điện, nước và nhiệt. Hiện tên lửa Nga đã phá hủy phần lớn cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine. Trong khi đó, người đứng đầu công ty năng lượng hạt nhân của nhà nước Ukraine nói có dấu hiệu cho thấy quân Nga đang chuẩn bị rời khỏi nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia mà họ chiếm giữ từ tháng 3.
Ngoại trưởng Canada Mélanie Joly công bố chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mới trị giá 2,3 tỷ đô la Canada (1,7 tỷ đô la) vào Chủ nhật. Kế hoạch này sẽ mở rộng hiện diện quân sự của Canada trong khu vực để chống lại ảnh hưởng “gây rối” của Trung Quốc, đồng thời góp phần đa dạng hóa thương mại. Canada cũng sẽ thắt chặt quy định đầu tư nước ngoài để ngăn Trung Quốc mua các mỏ khoáng sản của họ.
Hàng chục nghìn người xuống đường ở Mexico City để bày tỏ ủng hộ tổng thống Andrés Manuel López Obrador. Được biết cuộc tuần hành này do chính ông López Obrador tổ chức để kỉ niệm bốn năm nắm quyền. Nhưng nó cũng có thể là một nỗ lực để phô trương sự ủng hộ dành cho ông — người đang có tỷ lệ ủng hộ gần 60% — sau khi kế hoạch cải cách hệ thống bầu cử của ông gây ra biểu tình.
Người ủng hộ cựu tổng thống Imran Khan của Pakistan đã tuần hành về ngoại ô thủ đô Islamabad. Đây là lần trở lại của ông Khan sau vụ ám sát hụt hồi đầu tháng. Ông đã hủy bỏ kế hoạch tuần hành vào Islamabad vì sợ gây ra hỗn loạn trong thành phố.
Tổng thống Uganda Yoweri Museveni mở rộng cách ly hai quận ở miền Trung nước này để ngăn dịch Ebola lây lan. Mubende và Kassanda tâm chấn của đợt dịch hiện nay, vốn được tuyên bố chính thức vào ngày 20 tháng 9; cả hai tiếp tục bị phong tỏa cho đến ngày 17 tháng 12. Chủng Ebola đang lưu hành ở Uganda là hiếm và chưa có vắc-xin phòng ngừa.
Con số trong ngày: 800%, là tỉ lệ tăng giá của cổ phiếu Moderna kể từ ngày 1 tháng 1 năm 2020. Đây cũng là mã tốt thứ hai trong chỉ số S&P 500.
TIÊU ĐIỂM
Bùng phát biểu tình chống phong tỏa ở Trung Quốc
Người dân Trung Quốc sẽ quay lại làm việc vào thứ Hai sau một ngày cuối tuần biểu tình lan rộng phản đối chiến lược zero-covid hà khắc. Bất mãn chất chứa sau nhiều tháng phong tỏa đã bùng lên sau vụ hỏa hoạn khiến 10 người chết hôm thứ Năm ở Urumqi, Tân Cương. Nhiều người cho rằng các hạn chế chống dịch covid đã cản trở lính cứu hỏa và các nạn nhân.
Vào tối thứ Bảy, người biểu tình ở Thượng Hải thậm chí hô khẩu hiệu kêu gọi chủ tịch Tập Cận Bình từ chức – một hành động thách thức cực kỳ hiếm thấy. Đến tối Chủ nhật tại Bắc Kinh, người biểu tình đã hát bài “Quốc tế ca” và tưởng niệm những người thiệt mạng ở Tân Cương. Sinh viên tại một số trường đại học thì giơ giấy trắng để ngụ ý việc Trung Quốc thiếu tự do ngôn luận.
Các lãnh đạo Trung Quốc ghét bất ổn. Nhưng họ ở trong một thế khó. Đất nước đang đối mặt đợt bùng dịch covid lớn nhất từ trước đến nay, trong đó người cao tuổi dễ bị tổn thương hơn do tỷ lệ tiêm chủng thấp. Nhiều người Trung Quốc rõ ràng không hài lòng với các quy định y tế công hiện tại. Do đó việc áp dụng lại các hạn chế sẽ chỉ gây ra thêm bất ổn.
Thế đa số cho phép đảng Dân chủ tự do bổ nhiệm các thẩm phán liên bang
Thứ Hai này Thượng viện Hoa Kỳ sẽ họp trở lại sau Lễ Tạ ơn để tranh luận về Đạo luật Tôn trọng Hôn nhân, một dự luật nhằm chính thức ghi quyền hôn nhân đồng giới vào luật. Họ cũng sẽ xem xét khoảng hơn hai chục ứng viên thẩm phán tại các tòa liên bang, và có thể tổ chức bỏ phiếu về hai ứng viên tòa án quận.
Cả hai đều là phụ nữ: Camille Vélez-Rivé ở Puerto Rico và Anne Nardacci ở New York. Điều này phù hợp với chiến lược của tổng thống Joe Biden: trong số 85 thẩm phán mà ông đã bổ nhiệm cho đến nay, bao gồm cả Ketanji Brown Jackson tại Tòa Tối cao, chỉ có 21 người là nam. Gần một phần tư là người Mỹ gốc Phi và hai phần ba không phải người da trắng.
Thế đa số mỏng manh của đảng Dân chủ tại Thượng viện đã cho phép ông Biden nhanh chóng bổ nhiệm thẩm phán. Nếu Raphael Warnock đánh bại Herschel Walker của đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử vòng hai của Georgia vào ngày 6 tháng 12, phe Dân chủ sẽ có 51 ghế so với 49 của đảng Cộng hòa (tức là không còn cần đến phó tổng thống Kamala Harris để phá vỡ thế 50-50 nữa). Tiến độ ở Thượng viện do đó có thể sẽ nhanh chóng hơn — và khuyến khích ông Biden mạnh dạn giới thiệu các ứng viên tiến bộ.
Chicago sắp bầu thị trưởng
Thứ Hai là hạn chót cho các ứng viên nộp đơn tranh cử vị trí thị trưởng Chicago — được người dân địa phương mệnh danh là “cuộc bầu cử thật” sau bầu cử giữa kỳ. Thị trưởng đương nhiệm Lori Lightfoot được cho là sẽ đợi đến phút cuối mới nộp đơn. Để tham gia, các ứng viên phải có ít nhất 12.500 chữ ký từ các cử tri đã đăng ký. Từ trước đến nay những người chiến thắng luôn có nhiều chữ ký hơn mức đó. Vào những năm 1960, Richard J Daley, thường được gọi là thị trưởng quyền lực nhất nước Mỹ, có tới 500.000 người ký tên.
Bà Lightfoot tự nhận là người kế vị Harold Washington, thị trưởng da đen đầu tiên của thành phố. Nhưng chiến dịch tái tranh cử sắp tới hứa hẹn khó khăn, nhất là sau khi bà bị chỉ trích về các chính sách về tội phạm và cảnh sát, cũng như việc bà bỏ bê khu trung tâm thành phố. Cạnh tranh với bà là ít nhất sáu ứng viên khác, bao gồm cả Jesús “Chuy” Garcia, một nghị sĩ người Mỹ gốc Mexico hiếu chiến. Chicago từng nổi tiếng với “chính trị cỗ máy,” nhưng các chính trị gia lâu đời không còn có thể tự động thu hút được nhiều lô phiếu bầu như trước nữa. Bầu cử hiện đại là vô cùng khó đoán.