Thế giới hôm nay: 01/06/2021

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc đưa ra một loạt các biện pháp nhằm xử lý tình trạng già hóa dân số nhanh chóng, bao gồm cho phép sinh con thứ ba. Ban lãnh đạo đảng cũng quyết định tăng tuổi nghỉ hưu của đất nước để ngăn suy giảm lực lượng lao động của Trung Quốc, đồng thời cải thiện lương hưu và chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi.

OECD đã tăng dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm nay từ 4,2% lên 5,8%. Nếu năm sau thế giới tăng trưởng tiếp 4,4% thì GDP của hầu hết các nước sẽ khôi phục được mức tiền đại dịch vào cuối năm 2022. Tổ chức này cũng khuyên các chính phủ chuyển các chương trình kích thích khẩn cấp thành các chương trình đầu tư dài hạn.

Một số nhà lãnh đạo châu Âu, bao gồm thủ tướng Đức Angela Merkel và tổng thống Pháp Emmanuel Macron, đã cùng yêu cầu giải thích các tuyên bố cho thấy Đan Mạch đã giúp Mỹ theo dõi các chính trị gia hàng đầu ở Pháp, Đức, Na Uy và Thụy Điển từ năm 2012 đến 2014. Các cáo buộc này được công bố lần đầu bởi DR, một đài truyền hình nhà nước của Đan Mạch.

Lạm phát theo năm ở Đức đạt 2,4% trong tháng 5, từ mức 1,9% của tháng trước và cao hơn nhiều so với dự báo của các nhà kinh tế. Ngân hàng trung ương cũng dự đoán lạm phát “có thể tạm thời đạt 4%” vào cuối năm, mức cao nhất ​​kể từ khi nước này áp dụng đồng euro vào năm 2002.

Ít nhất 50 người thiệt mạng trong hai vụ tấn công ở tỉnh Ituri miền đông Cộng hòa Dân chủ Congo. Các quan chức địa phương nói thủ phạm là ADF, một nhóm khủng bố Hồi giáo người Uganda trong khu vực có liên hệ với ISIS. Trong nỗ lực khôi phục hòa bình, hồi đầu tháng 5 Tổng thống Felix Tshisekedi đã áp dụng thiết quân luật cho Ituri và tỉnh Bắc Kivu lân cận.

Đồng nhân dân tệ giảm so với các loại tiền tệ khác sau khi ngân hàng trung ương Trung Quốc buộc các ngân hàng phải tăng dự trữ ngoại hối. Họ nâng mức dự trữ từ 5% lên 7%, làm giảm nguồn cung đô la và các loại tiền tệ khác trong nước. Động thái này nhằm ngăn đồng nhân dân tệ tăng giá, vốn đang chịu áp lực khi kinh tế phục hồi mạnh sau phong tỏa.

Cảnh sát Cộng hòa Séc nói Andrej Babis, thủ tướng và người giàu thứ tư của đất nước, nên bị buộc tội lừa đảo. Khuyến nghị này được đưa ra sau khi họ hoàn tất cuộc điều tra về cáo buộc ông sử dụng sai mục đích tiền tài trợ từ EU. Ông Babis, người đã nhấn mạnh chống tham nhũng trong cuộc bầu cử gần đây nhất, nói với hãng tin CTK rằng ông không làm gì “bất hợp pháp”.

TIÊU ĐIỂM

Trung Quốc cho phép sinh ba con

Trung Quốc duy trì chính sách “một con là đủ” suốt 35 năm. Đến năm 2016, họ nới lên thành hai. Và chẳng bao lâu nữa sẽ là ba. Hôm qua, một cuộc họp Bộ Chính trị do Chủ tịch Tập Cận Bình lãnh đạo đã đồng ý nới lỏng hơn nữa các chính sách kiểm soát sinh đẻ hạn chế của nước này. Người ta vẫn còn nhớ rõ cuộc điều tra dân số mười năm một lần vừa công bố vào tháng trước, theo đó cho thấy dân số đang già đi nhanh chóng. Năm ngoái chỉ có 12 triệu trẻ được sinh ra ở Trung Quốc, giảm gần 20% so với năm 2019. Theo ước tính, Trung Quốc cũng chỉ đạt trung bình 1,3 trẻ em mỗi phụ nữ, ít hơn mức thay thế là 2,1.

Liệu các cặp đôi có tận dụng cơ hội này? Khi sinh nở được nới lỏng vào năm 2016, chính phủ đã kỳ vọng một cuộc bùng nổ trẻ em. Thế nhưng sau khi tăng ban đầu, số ca sinh tiếp tục giảm. Có lẽ lịch sử sẽ lặp lại. Trong một cuộc thăm dò do hãng thông tấn nhà nước Tân Hoa xã thực hiện, chỉ 6% trong số 31.000 người được hỏi cho biết sẽ cân nhắc sinh con thứ ba.

UAE cho phép người nước ngoài mở doanh nghiệp

Đầu tư vào UAE sắp trở nên đơn giản hơn rất nhiều. Trước đây, người nước ngoài cần phải có một chủ sở hữu địa phương nắm ít nhất 51% cổ phần trong công ty của họ. Kể từ hôm nay, các nhà đầu tư hoàn toàn có thể tự mình thành lập doanh nghiệp trong nhiều ngành.

Điều chỉnh này được công bố vào cuối năm 2020, trong bối cảnh kinh tế đất nước gặp khó khăn vì giá dầu, du lịch và thương mại đều giảm mạnh trong đại dịch. Nền kinh tế của họ đã giảm 6,1% trong năm ngoái. Dubai, thành phố lớn nhất, bị ảnh hưởng nặng nề.

Giá dầu tăng đã cải thiện triển vọng kinh tế của UAE trong năm nay, phần nào làm giảm các áp lực vốn dẫn tới việc điều chỉnh quy tắc nói trên. Nhưng dòng vốn đầu tư nước ngoài sẽ giúp ích cho một trong những mục tiêu dài hạn của UAE: đa dạng hóa nền kinh tế ra khỏi sản xuất dầu mỏ, một quá trình chuyển đổi cần thiết khi thế giới chiến đấu với biến đổi khí hậu.

Giới đào bitcoin tìm cách hạn chế phát thải

Tiền kỹ thuật số có thể là ảo. Nhưng lượng khí thải carbon của chúng thì không. Để tạo ra các đồng tiền mới, các máy tính ngốn năng lượng phải “đào” chúng bằng các phép tính phức tạp. Việc khai thác bitcoin toàn cầu hiện thải ra một lượng khí nhà kính tương đương với toàn bộ số phát thải của lãnh thổ Hồng Kông.

Hôm nay Greenidge sẽ trở thành công ty khai thác bitcoin phi carbon đầu tiên trên thế giới. Dù máy tính của họ chạy bằng điện từ khí đốt tự nhiên, họ vẫn sẽ bắt đầu đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo để bù đắp cho lượng khí thải. Một số ít các công ty khác có thể sẽ làm theo. Hồi tháng 4, một số công ty khai thác và các nhóm vận động đã phát động một “Hiệp ước Khí hậu Tiền kỹ thuật số” tự nguyện, kêu gọi ngành công nghiệp đạt mức phát thải carbon ròng bằng 0 vào năm 2040.

Các động thái siết chặt của Trung Quốc có thể đẩy nhanh quá trình này. Là một trung tâm toàn cầu về đào bitcoin, Trung Quốc đang nỗ lực hạn chế đồng tiền này và dùng đồng nhân dân tệ kỹ thuật số của riêng họ. Thậm chí họ còn lập một đường dây nóng ở Nội Mông để hàng xóm có thể chỉ điểm những kẻ khai thác bitcoin bất hợp pháp.

EU thành lập cơ quan chống gian lận tiền tài trợ

Một cơ quan mới được giao nhiệm vụ điều tra và truy tố gian lận liên quan đến tiền tài trợ EU sẽ bắt đầu hoạt động từ hôm nay. Văn phòng Công tố viên Châu Âu EPPO, được ủy quyền từ năm 2017, sẽ do cựu lãnh đạo Cục Chống tham nhũng Quốc gia của Romania, bà Laura Codruta Kovesi, lãnh đạo. Bà Kovesi là biểu tượng của cuộc đấu tranh chống tham nhũng ở Romania trước khi bị lật đổ vì động cơ chính trị vào năm 2018. Công việc của bà sẽ không dễ dàng. Ngân sách EU trị giá hơn 150 tỷ euro (183 tỷ USD) một năm. Chỉ riêng quỹ phục hồi đại dịch đã lên tới 750 tỷ euro. Vì vậy có rất nhiều cơ hội gian lận.

Nhưng liệu văn phòng công tố siêu quốc gia đầu tiên của EU có đủ quyền lực thực thi? Năm nước thành viên – Đan Mạch, Hungary, Ireland, Ba Lan và Thụy Điển – cho đến nay đã từ chối tham gia, do đó các cuộc điều tra liên quan đến những nước này chỉ có thể được tiến hành nếu chúng liên quan đến tội phạm xuyên biên giới. Và thậm chí hợp tác giữa các nước thành viên cũng sẽ rất khó nếu EPPO nhắm vào các nhóm lợi ích.