Tác giả: Kỳ Thành p/v ĐS Phạm Quang Vinh
Xung đột Nga – Ukraine trong năm 2022 gây ra sự phân hóa trong quan điểm, đòi hỏi các nước phải đưa ra lập trường của mình. Tuy nhiên, theo Đại sứ Phạm Quang Vinh, bài học “dĩ bất biến, ứng vạn biến” từ Hiệp định Paris cách đây 50 năm vẫn còn nguyên giá trị cho công tác đối ngoại, để Việt Nam dám chơi với tất cả các bên, qua đó tạo dựng môi trường chung, tạo thuận lợi cho sự phát triển của quốc gia.
Chỉ còn ít ngày nữa, Việt Nam sẽ kỷ niệm dấu mốc 50 năm ký kết Hiệp định Paris (27/1/1973 – 27/1/2023). Đại sứ nhìn nhận thế nào về cột mốc lịch sử này?
Hiệp định Paris năm 1973 là hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình tại Việt Nam. Sau 50 năm nhìn lại, có rất nhiều bài học ý nghĩa về sự kiện này.
Đầu tiên, Hiệp định Paris là bài học của “đánh và đàm” và kết quả của sự kết hợp nhuần nhuyễn 3 cuộc đấu tranh, bao gồm đấu tranh quân sự, đấu tranh chính trị và đấu tranh ngoại giao. Điều này tạo nên sức mạnh tổng hợp của Việt Nam.
Thứ hai là, vận dụng giữa nguyên tắc, sách lược và chiến lược. Mục tiêu cao nhất của Hiệp định Paris là chấm dứt chiến tranh, nhưng đồng thời phải bảo đảm được độc lập, toàn vẹn lãnh thổ để thống nhất đất nước. Chúng ta đã giữ nguyên được sức mạnh của mình để từ đó phát huy, mang về thắng lợi Mùa Xuân năm 1975.
Về đối ngoại, đây là mặt trận cực kỳ quan trọng. Tại thời điểm đó, chúng ta kết hợp được sức mạnh của dân tộc với sức mạnh của thời đại, bao gồm cả lực lượng, phong trào phản đối chiến tranh rất lớn của thế giới và ngay cả trong lòng nước Mỹ, yêu cầu Mỹ phải rút khỏi cuộc chiến tranh Việt Nam, ủng hộ hòa bình cho Việt Nam.
Đó là tiền đề cho chiến thắng mùa xuân 1975. Điều cốt lõi là chúng ta có một đất nước hòa bình, độc lập và thống nhất, từ đó có điều kiện để tập trung và thúc đẩy tái thiết, xây dựng đất nước và phát triển đối ngoại.
Nhìn lại gần 40 năm Đổi mới cho đến nay, chúng ta thấy hình ảnh một Việt Nam rất mới, một Việt Nam vừa hòa bình, vừa ổn định phát triển, đồng thời tích cực đóng góp vào các hoạt động quốc tế.
Việt Nam tham gia ASEAN, Liên hợp quốc, đóng góp vào Lực lượng Gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Từ nền kinh tế tập trung, chúng ta từng bước xây dựng nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập kinh tế trong khu vực và hội nhập kinh tế ở tầm toàn cầu.
Bây giờ, Việt Nam đã có “mạng lưới” các thỏa thuận thương mại tự do (FTA) cả song phương và đa phương, như EVFTA, CPTPP, RCEP…, tạo ra không gian hòa bình, ổn định xung quanh, đồng thời là không gian hội nhập, hợp tác kinh tế quốc tế với khu vực và thế giới. Việc tham gia các FTA mang lại thuận lợi cho đất nước, nâng tầm uy tín, vị thế của Việt Nam.
Bài học của Hiệp định Paris rất nhiều mà chúng ta không thể kể hết được. Nhưng liên quan đến đối ngoại, sự vận dụng một cách linh hoạt để đạt được mục tiêu nguyên tắc là rất quan trọng.
Đó chính là lý do tôi muốn bắt đầu cuộc trò chuyện bằng câu hỏi trên. Bởi lẽ, một trong những bài học được rút ra sau sự kiện trên là Việt Nam đã giữ vững được nguyên tắc, mục tiêu trên tinh thần “dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Bài học “dĩ bất biến, ứng vạn biến” của 50 năm trước và chiến lược triển khai đối ngoại của Đại hội Đảng lần thứ XIII và Hội nghị Đối ngoại toàn quốc đã được cụ thể hóa như thế nào trong bối cảnh hiện nay, thưa Đại sứ?
“Dĩ bất biến, ứng vạn biến” vừa là câu chuyện của 50 năm trước để đạt được Hiệp định Paris, nhưng cũng là câu chuyện rất thời sự của ngày hôm nay về đối ngoại.
Đồng thời, phải nhắc lại rằng, đây cũng chính là bài học được đúc kết và kế thừa cả một chiều dài lịch sử của dân tộc Việt Nam, trong đó luôn có nguyên tắc kiên định về độc lập, tự chủ, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Hợp tác với tất cả các nước đi đôi với giữ vững được độc lập chủ quyền là cực kỳ quan trọng, là nguyên tắc của chính sách đối ngoại và quan hệ quốc tế.
Vậy giá trị bài học đó trong giai đoạn hiện nay như thế nào, thưa ông?
Vẫn nguyên giá trị và hết sức quan trọng. Kể từ Hiệp định Paris và nhất là qua gần 4 thập kỷ Đổi mới, chúng ta đã có một vị thế mới. Điều này bao gồm vị thế mới của đất nước về các mặt, từ ổn định và phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người dân, tới đổi mới và xây dựng nhà nước pháp quyền, đến mở rộng quan hệ quốc tế, hội nhập sâu rộng và đóng góp chung vào các vấn đề quốc tế và khu vực. Tại Đại hội Đảng lần thứ XIII đã xác định, chúng ta đang hướng tới chặng đường phát triển mới cho đất nước Việt Nam, về phát triển đất nước và nâng tầm vị thế quốc tế của Việt Nam, đó là khát vọng 2030 – 2045.
Bối cảnh quốc tế mới và nhiệm vụ mới thì cái gốc vẫn là quốc gia dân tộc, là độc lập, tự chủ, là toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích của người dân. Với vị thế mới, năng lực mới, đối ngoại của chúng ta có thể và chắc chắn sẽ đóng góp được nhiều hơn nữa, nhất là góp phần đắc lực thúc môi trường thuận lợi cho hòa bình, ổn định và phát triển đất nước.
Quay trở lại câu chuyện “dĩ bất biến, ứng vạn biến” trong thời điểm hiện tại. Trước hết, rõ ràng thế giới đã và đang tiếp tục có nhiều phức tạp, trong đó có việc cạnh tranh giữa các nước lớn ngày càng gay gắt hơn, nổi trội hơn, phức tạp hơn. Nhưng đó lại đều là các đối tác quan trọng của khu vực và của chúng ta. Khi họ cạnh tranh nhau, thì đương nhiên lúc này hay lúc khác, cũng sẽ có sức ép chọn bên.
Mặt khác, cũng cần thấy rằng, các thách thức phức tạp lại cũng ẩn chứa các cơ hội. Đơn cử, ngày nay các nước lớn cạnh tranh nhưng vẫn phải tùy thuộc, khác với thời Chiến tranh lạnh phân thành hai cực đối đầu và biệt lập. Thế thì, cạnh tranh, hợp tác, tùy thuộc sẽ luôn đan xen, giữa các nước lớn với nhau và với các nước khác. Ứng xử đối ngoại, vì vậy, cũng phải thích ứng với cục diện mới, vừa nắm chắc nguyên tắc, nhưng cũng phải vận dụng linh hoạt, để bảo đảm tối ưu cho đất nước.
Vậy thì, bài học “dĩ bất biến, ứng vạn biến” càng rõ nét, quan trọng. Nguyên tắc chung là bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia, nhưng cũng phải dựa trên các nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, dựa vào hợp tác, bình đẳng và cùng có lợi. Điều này đã được nói rất rõ trong các chính sách mà chúng ta đã đề cập tại Đại hội Đảng lần thứ XIII, rồi Hội nghị Đối ngoại toàn quốc cách đây 1 năm. Phải dựa vào đó để vận dụng, nhưng điều này cũng không hề dễ, do vậy càng cần phải nắm sát tình hình, phải cụ thể hóa hơn nhiều để có thể vận dụng sáng tạo, hiệu quả trong các tình huống cụ thể.
Chẳng hạn, ta vẫn hay nói “không chọn bên”. Cái này đúng, nhưng vẫn cần hơn thế. Không chọn bên nhưng phải đi cùng với việc dám chơi với các bên và các nước khác, vẫn phải có tiếng nói về cái đúng, cái sai. Mình vừa có thể chơi được với tất cả cả các nước, bao gồm cả các đối tác lớn, vừa không để họ hiểu sai hay cho rằng mình đi với bên này để chống bên kia. Do vậy, bài toán đặt ra là tránh bị kẹt bẫy cạnh tranh nước lớn, nhưng cũng không phải vì thế mà quá ngại bên này, bên kia, cẩn trọng nhưng cũng vẫn cần tranh thủ được các nước, nhất là các sáng kiến có lợi cho quốc gia và khu vực.
Thêm nữa, khi các nước lớn càng cạnh tranh, thì chúng ta lại càng phải đa dạng hoá, đa phương hoá các quan hệ. Khi đó, không gian chiến lược sẽ được mở rộng cả về địa chính trị và kinh tế, tạo vị thế lớn hơn cho đất nước. Bài học gần đây bao gồm cả việc đa dạng hóa thị trường, nguồn cung và các chuỗi cung ứng, để phòng tránh rủi ro, đứt gãy chuỗi, một khi có khủng hoảng như dịch bệnh, thiên tai hay xung đột. Chúng ta đã làm tốt thì càng phải làm tốt hơn nữa trong giai đoạn hiện nay, để tránh thế kẹt do cạnh tranh giữa hai hay ba bên.
Cuối cùng, đó là việc làm sâu sắc hơn các khuôn khổ hợp tác cả về song phương và đa phương, tạo được thế đan xen lợi ích với các nước, trước hết là láng giềng, khu vực, các nước lớn và các đối tác chủ chốt. Song hành với điều này, là đóng góp tích cực và trách nhiệm vào các công việc chung của thế giới và khu vực, trước hết là về thúc đẩy hòa bình, hợp tác, phát triển, đề cao luật pháp quốc tế, chủ nghĩa đa phương, từ đó tạo môi trường thuận lợi cho an ninh và phát triển của đất nước và phát huy vai trò, vị thế của Việt Nam.
Tựu chung lại, chúng ta vừa phải dựa vào sức mạnh nội tại, vừa tranh thủ hợp tác quốc tế, phải dựa vào nguyên tắc, như Đại hội Đảng lần thứ XIII đã chỉ rõ, mà cốt lõi là độc lập tự chủ, hội nhập, đa phương hoá, đa dạng hoá, lợi ích quốc gia và luật pháp quốc tế.
Trong bối cảnh mới, đối ngoại càng cần phát huy vai trò và đóng góp của mình với đất nước. Trước hết là giữ vững môi trường thuận lợi cho hòa bình, ổn định và phát triển của đất nước. Thứ hai là tập trung phục vụ mục tiêu phát triển, khi đất nước bước vào thời kỳ phát triển mới với các mục tiêu và chất lượng cao hơn, bao gồm cả về tranh thủ các thành tựu mới của nhân loại, như công nghệ, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. Cuối cùng là nâng cao vai trò và vị thế của đất nước trên trường quốc tế và khu vực.
Năm 2022, xung đột Nga – Ukraine là tâm điểm chú ý của cả thế giới. Qua những thông điệp, hành động của Việt Nam, Đại sứ đánh giá Việt Nam đã “dĩ bất biến, ứng vạn biến” thế nào trong mối quan hệ với không chỉ hai quốc gia này, mà còn cả với Hoa Kỳ và EU trong năm qua?
Đúng, đó có lẽ là câu chuyện phức tạp nhất của năm 2022. Cuộc khủng hoảng đã tác động nhiều chiều, cả về chính trị, an ninh, kinh tế, cũng đã tác động không chỉ đến châu Âu mà còn trên cả bình diện thế giới. Ở đây, có chuyện cạnh tranh nước lớn, quan hệ đông-tây, nước lớn nước nhỏ, hòa bình an ninh, chủ quyền, lãnh thổ. Rồi đến phản ứng qua lại, giữa các bên, làm đứt gãy các chuỗi cung ứng, như về năng lượng hay lương thực, càng làm sâu sắc sự phân cực địa chính trị trên thế giới.
Các nước trên thế giới, vì vậy, cũng khác biệt nhau rất nhiều về quan điểm. Trong đó, Việt Nam cũng phải cân nhắc thận trọng và nhiều chiều, liên quan đến lợi ích quốc gia, đến các nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế, đến quan hệ của Việt Nam với các đối tác.
Chỉ đơn cử, khi nhìn nhận thái độ ứng xử của Việt Nam, thì chắc chắn phải nhìn tổng thể, tất cả các chiều. Trước tiên là lá phiếu tại Liên hợp quốc, nhưng chỉ như vậy thì hoàn toàn không đủ, lá phiếu cũng chỉ là một phần thể hiện thái độ của Việt Nam. Thứ hai, đó là các phát biểu, tuyên bố chính sách của Việt Nam tại Liên hợp quốc cũng như các diễn đàn khác, bao quát các nguyên tắc, chủ trương, các cân nhắc của Việt Nam. Thứ ba, đó là việc ứng xử trên thực tế, khi mà các bên phân cực sâu sắc, các nước thái độ rất khác nhau. Vì vậy, khi thấy ta bỏ phiếu trắng, thì cũng cần đặt trong các quan điểm nguyên tắc, các phát biểu chính sách của Việt Nam.
Như vậy, vừa phải bảo đảm các nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, vừa phải tính đến bối cảnh, lịch sử phức tạp của khủng hoảng, vừa phải tính đến quan tâm chính đáng của các bên, cũng như như lợi ích, quan hệ của ta với các đối tác. Vận dụng của Việt Nam, chỉ xin điểm sơ bộ như vậy, vì trên thực tế, chắc chắn còn nhiều điều và còn khó hơn.
Vì vậy, “dĩ bất biến ứng vạn biến” dù vẫn nguyên giá trị, nhưng trong bối cảnh quốc tế hiện nay, đó là câu chuyện rất khó và phức tạp. Đó là sự nhất quán về chính sách đối ngoại, không chỉ đối với cuộc khủng hoảng Nga – Ukraina hiện nay, mà với chung các cuộc khủng hoảng, như việc ứng xử trước đây, khi chúng ta tham gia Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, liên quan đến các khủng hoảng ở như Trung Đông, Châu Phi, hay các khu vực khác.
Trong những năm gần đây và đặc biệt là trong năm 2022, khi xung đột Nga – Ukraine nổ ra, giới nghiên cứu đề cập khái niệm “tự chủ chiến lược” trong quan hệ quốc tế, thậm chí xác định đây là phương châm chủ đạo, lâu dài trong việc hoạch định chính sách đối ngoại. Thưa Đại sứ, cần hiểu thế nào cho đúng về “tự chủ chiến lược”? Việt Nam đã cần nhắc đến vấn đề này trong bối cảnh hiện nay hay chưa?
Tôi không rõ câu chuyện này bắt nguồn từ đâu, nhưng đã được đề cập từ khá lâu rồi. Gần đây, vấn đề này lại nổi lên, nhất là sau khủng hoảng Ukraina, khi nhiều nhà nghiên cứu, học giả, chiến lược gia đề cập nhiều hơn đến khái niệm này. Một số nước, nhóm nước cũng nêu, như EU hay Ấn độ, Indonesia.
Dù còn nhiều ý kiến khác nhau về khái niệm này, nhưng khái quát chung lại, có thể rút ra một số ý mang tính cốt lõi: “Tự chủ chiến lược” là có thể tự chủ quyết định mà không quá phụ thuộc vào bên ngoài về những vấn đề, những lợi ích mang tính chiến lược, lâu dài của đất nước. Chia ra, có thể thấy ba thành tố căn bản: tự chủ quyết định; không quá phụ thuộc bên ngoài; các lợi ích chiến lược. Cân đo đong đếm thế nào, ở từng thời kỳ, với từng vấn đề, có thể còn có nhiều cách hiểu, vận dụng khác nhau.
Mặt khác, có khi được hiểu hẹp hơn, đơn cử như châu Âu, khi đề cập đến “tự chủ chiến lược”, trước hết là phần nào tách và độc lập với Hoa Kỳ, không quá phụ thuốc vào “cái ô” an ninh của Hoa Kỳ, để có thể tự chủ hơn về chính sách khu vực, đối ngoại, kinh tế hay tự chủ hơn ngay trong việc giải quyết các vấn đề của Châu Âu. Năm 2016, khái niệm “tự chủ chiến lược” đã chính thức được đưa vào và là một trụ cột quan trọng trong chiến lược chung của Châu Âu.
Như vậy, điểm chính của “tự chủ chiến lược” ở đây và vào lúc này là tự chủ và làm sao tự chủ được, trong một thế giới tùy thuộc, đan xen lợi ích và cạnh tranh nước lớn gia tăng. Cũng trong bối cảnh trên, còn một ý nữa khi nhắc đến “tự chủ chiến lược”, đó là làm sao tránh để bị kẹt, bị rơi vào bẫy “phụ thuộc chiến lược”. Điều này bao hàm cả về chính trị, an ninh, kinh tế và đối ngoại. “Tự chủ chiến lược” không chỉ là mong muốn, mà còn phải bao gồm có được chính sách phù hợp và có đủ năng lực để thực hiện mong muốn này. Chúng ta nên theo dõi thêm các cuộc bàn luận về vấn đề này, cả trên góc độ lý luận, học thuật và thực tiễn chính sách.
Đối với Việt Nam, tôi vẫn rất ấn tượng với cái cách mà chúng ta đã và đang làm, đó là “độc lập, tự chủ” – điều đã trở thành truyền thống lâu đời của dân tộc mà chúng ta kế thừa trong xây dựng và bảo vệ tổ quốc, cũng như trong triển khai đối ngoại, quan hệ quốc tế.
Ngày nay, quan điểm về độc lập, tự chủ đó càng được thấm nhuần và làm sâu sắc hơn, đó là “độc lập, tự chủ” luôn đi cùng với “hội nhập và đa dạng hóa” – 3 thành tố quan trọng trong chính sách đối ngoại của Việt Nam.
Nhất quán về độc lập tự chủ đòi hỏi chúng ta phải mạnh bên trong, giữ vững độc lập và tự chủ quyết định vận mệnh, con đường phát triển của đất nước. Nhưng để thực hiện được điều đó, chúng ta cần tạo được môi trường, khu vực và quốc tế, thuận lợi cho hòa bình, an ninh và phát triển của đất nước, phải tạo ra lợi thế và cơ hội để tranh thủ cho lợi ích quốc gia, nâng cao vị thế và tranh thủ nguồn lực cho xây dựng đất nước. Mặt khác, chúng ta cũng luôn nhấn mạnh quan hệ hợp tác trên cơ sở các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, tôn trọng, bình đẳng và cùng có lợi.
Như vậy, độc lập, tự chủ đi đôi với việc chúng ta có ổn định, phát triển, có vị thế, hội nhập, đa dạng hóa, làm bạn với các nước, thành viên trách nhiệm và tham gia tích cực vào các công việc chung của quốc tế. Đó là lợi ích quốc gia và tôi nghĩ rằng đó cũng chính là những cái mà tôi thấy gần gũi, ấn tượng và yêu hơn rất nhiều.
Năm 2023 còn một sự kiện cũng rất đặc biệt, đó là kỷ niệm 10 năm quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam – Hoa Kỳ. Dưới góc độ vừa là một chiến lược gia, đồng thời là Chủ tịch Hội Việt – Mỹ, theo Đại sứ, Hoa Kỳ sẽ đứng ở đâu trong chính sách đối ngoại của Việt Nam?
Quan hệ với Hoa Kỳ là một bộ phận quan trọng trong chính sách đối ngoại chung của Việt Nam là độc lập tự chủ, đa dạng hoá, đa phương hoá.
Tôi chỉ xin nêu thêm một vài điểm đáng chú ý. Trong làm bạn, làm đối tác với các nước, Việt Nam rất coi trọng quan hệ với láng giềng, khu vực, các nước lớn và Hoa Kỳ nằm trong ưu tiên này.
Hoa Kỳ là cường quốc có vị thế về an ninh, kinh tế, công nghệ và là đối tác quan trọng của thế giới, ASEAN và Việt Nam. Đặc biệt, khi chúng ta có quan hệ tốt và ổn định lâu dài với các nước lớn, bao gồm cả Hoa Kỳ, thì điều này sẽ góp vào nâng cao vị thế và giá trị địa chiến lược của Việt Nam, tạo thêm không gian để chúng ta tranh thủ hợp tác về các mặt, cả về song phương, đa phương và với các nước khác.
Trên thực tế, Hoa Kỳ hiện đã trở thành một trong những đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam. Quan hệ hai nước kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao, nhất là từ khi thiết lập quan hệ đối tác toàn diện, đã không ngừng phát triển trên các lĩnh vực. Khép lại quá khứ, hướng tới tương lai, hai nước đã nỗ lực phấn đấu, xây dựng lòng tin, xử lý những vấn đề khác biệt trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, trong đó có tôn trọng thể chế chính trị của nhau, cũng như cùng nhau hợp tác khắc phục hậu quả của chiến tranh.
Đơn cử về quan hệ kinh tế, thương mại hai chiều trong 28 năm qua, đến nay đã tăng hơn 200 lần, từ chưa đầy nửa tỷ USD vào giai đoạn 1994 – 1995, thì nay đã đạt khoảng 112-115 tỷ USD. Năm 2022, Hoa Kỳ trở thành thị trưởng xuất khẩu đầu tiên và duy nhất của Việt Nam đạt mốc 100 tỷ USD.
Vậy thì 10 năm tới của quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ, chúng ta có thể kỳ vọng điều gì, thưa Đại sứ?
Quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam – Hoa kỳ được thiết lập năm 2013 và có ý nghĩa quan trọng, khi lần đầu tiên tiên kể từ sau chiến tranh, hai nước đã có được một khuôn khổ quan hệ ổn định, bao gồm các nguyên tắc chỉ đạo và các trụ cột hợp tác trên tất cả các lĩnh vực. Sau 10 năm, điều có thể nhận thấy rõ ràng là quan hệ hai nước đã có những phát triển vượt bậc, cả về song phương và đa phương, cũng như trên các lĩnh vực, từ chính trị, đối ngoại, kinh tế, đến an ninh quốc phòng, đến giáo dục, khoa học công nghệ, du lịch, giao lưu nhân dân và khắc phục hậu quả chiến tranh. Hoa Kỳ đã một trong những đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam, về song phương, cũng như ở khu vực và trên thế giới. Hoa Kỳ không chỉ là một đối tác cực kỳ quan trọng với Việt Nam về kinh tế, thương mại, mà còn sở hữu sức mạnh về công nghệ, quản lý, nguồn lực mà ta có thể tranh thủ.
Đà quan hệ đó chắc chắn sẽ được tiếp tục và nâng lên trong thời gian tới, khi mà giữa hai nước ngày càng có nhiều điểm song trùng về lợi ích, về hợp tác và phát triển.
Tuy nhiên, khi quan hệ càng phát triển, càng hợp tác nhiều, sẽ xuất hiện những khác biệt. Chẳng hạn, khi thương mại hai chiều chỉ nửa tỷ USD, thì khác biệt thương mại còn ít. Nhưng bây giờ, riêng xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ đã đạt hơn 100 tỷ USD và kim ngạch thương mại sẽ còn hơn nữa trong tương lai, sẽ có những khác biệt mới nảy sinh, như câu chuyện về thâm hụt thương mại, xuất xứ hàng hóa, hay những yêu cầu về tiêu chuẩn, chất lượng cao hơn, không chỉ về chất lượng sản phẩm mà có cả những điều mang hàm lượng về lao động, môi trường, biến đổi khí hậu… Đó là chưa kể còn phải cạnh tranh với sản phẩm của các nước khác, ứng phó với các nhóm lợi ích xuất, nhập khẩu, buôn bán, tiêu dùng khác nhau trong nội bộ Hoa Kỳ. Chúng ta thường nói về “đối tác, đối tượng” trong quan hệ đối ngoại, thì những khác biệt nảy sinh như nêu trên chỉ là một phần của hợp tác, một phần của đối tác, tránh coi đó là mặt “đối tượng”.
Quay trở lại vấn đề chính sách đối ngoại, rõ ràng với thế và lực mới, Việt Nam có thể và càng cần đẩy mạnh quan hệ với các đối tác chủ chốt, mà trước hết là khi vực và các nước lớn, trong đó có Hoa Kỳ. Chúng ta hiện có 17 đối tác chiến lược trong số 30 đối tác chiến lược và toàn diện. Nếu tính các đối tác chủ chốt, bao gồm các nước lớn và các ủy viên thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, chúng ta chắc chắn cần tính cân đối các quan hệ, trong đó có quan hệ với Hoa Kỳ.
Quan hệ hai nước đã và sẽ tiếp tục dựa trên những nguyên tắc đã được xác định, trong đó có tôn trọng thể chế chính trị của nhau, hợp tác bình đẳng và cùng có lợi. Hoa Kỳ cũng thường xuyên khẳng định ủng hộ một Việt Nam mạnh, độc lập và thịnh vượng. Hai nước thường xuyên có các tiếp xúc, chuyến thăm cấp cao và các cấp, trong đó lãnh đạo hai bên đều nhấn mạnh mong muốn phát triển quan hệ lên một tầm mới, ngày càng sâu sắc, thực chất, hiệu quả hơn.
Vì vậy, nhân kỷ niệm 10 năm quan hệ đối tác toàn diện (2013-2023), cá nhân tôi rất trông đợi hai nước sẽ tiếp tục đưa quan hệ lên một tầm mới, mang cả tính toàn diện và chiến lược, phù hợp với lợi ích của Việt Nam và đà quan hệ giữa hai nước. Xét về tổng thể, cũng có một điểm quan trọng là định danh cho tương xứng không chỉ với đà quan hệ giữa hai nước, đã mang cả tầm toàn diện và tầm chiến lược, mà còn tương xứng với quan hệ đối ngoại chung của Việt Nam với các nước.
Nguồn: Báo Đầu tư