Trận Mậu Thân có thực sự là một bất ngờ?

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Tom Glenn, “Was the Tet Offensive Really a Surprise?”, The New York Times, 03/11/2017.

Người dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng 

Tôi đã học được bài học cay đắng trong Chiến tranh Việt Nam, rằng khi tình báo bị bỏ qua, sẽ có người phải thiệt mạng. Tôi dành phần lớn thời gian cuộc chiến trong hàng ngũ Cục An ninh Quốc gia (NSA), thường là bí mật. Hết lần này đến lần khác, tôi và các đồng nghiệp của mình cảm thấy chúng tôi chính là Cassandra, công chúa thành Troy có năng lực tiên tri nhưng lại bị nguyền rủa để không một ai tin lời nàng. Một ví dụ là Trận Đắk Tô. 

Đến thời điểm năm 1967, phần lớn giao tranh ở miền Nam Việt Nam đều tập trung ở Tây Nguyên, khu vực miền núi dọc biên giới Lào – Campuchia bao gồm các tỉnh Kon Tum, Pleiku và Đắk Lắk. Lực lượng quân sự Mỹ đã bị lôi kéo đến khu vực này vì hai lý do.

Thứ nhất, nó là nơi mà kẻ thù ẩn náu: Bắc Việt đã sử dụng vùng đất này làm nơi cố thủ. Địa hình gồ ghề và cằn cỗi với dân cư thưa thớt, hầu hết là các bộ lạc người Thượng sinh sống từ nhiều thế kỷ trước, bởi người Kinh đã chiếm các vùng đất thấp hơn. Thứ hai, nó là nơi chứa một phần quan trọng của mạng lưới xâm nhập bí mật được Bắc Việt sử dụng để đưa hàng ngàn quân vào miền Nam, mà người Mỹ gọi là Đường mòn Hồ Chí Minh.

Mùa hè và mùa thu năm đó tôi cũng lên Tây Nguyên, cộng tác bí mật với lính tác chiến Mỹ. Tôi là một chuyên gia về thông tin liên lạc của Bắc Việt, sử dụng thành thạo tiếng Việt, tiếng Trung và tiếng Pháp, ba loại ngôn ngữ phổ biến tại Việt Nam. Không giống như nhiều chuyên gia tình báo tín hiệu (signals-intelligence) khác của NSA, tôi sẵn sàng tham chiến cùng các đơn vị mà mình cộng tác.

Tôi được chỉ định huấn luyện và hỗ trợ đội  tình báo tín hiệu của Sư đoàn Bộ binh 4 và Lữ đoàn Không vận 173, có trụ sở đặt tại Pleiku. Điểm đánh chặn tín hiệu của chúng tôi là một nơi được gọi là Đồi Kỹ sư (Engineer Hill), đủ cao để có thể phát hiện các tín hiệu truyền tin từ xa của kẻ thù; chúng tôi cũng xử lý thông tin được chặn bởi các đội tình báo khác, làm việc cùng các đơn vị Lực lượng Đặc nhiệm hoạt động sâu trong cao nguyên.

Suốt tháng 9 và tháng 10 năm 1967, tôi và các đồng sự đã theo dõi chặt chẽ mọi thông tin liên lạc của Mặt trận B3, trụ sở cấp cao của Bắc Việt ở Tây Nguyên, cũng như Phân khu 1 trực thuộc; và hai trung đoàn độc lập, số 24 và số 33. Trong những tháng đó, chúng tôi theo sát Mặt trận B3 khi họ thành lập một bộ chỉ huy tiền phương thiết lập liên lạc với Hà Nội – luôn là dấu hiệu của một trận chiến sắp xảy ra. Chẳng mấy chốc, họ đã trao đổi một lượng lớn thông điệp với Bắc Việt, chủ yếu được gửi đi vào ban đêm khi các máy phát tín hiệu của Cộng sản thường ngưng hoạt động. Bộ chỉ huy của lực lượng Bắc Việt và Trung đoàn 24 nhanh chóng di chuyển đến tỉnh Kontum. Trung đoàn 33, đóng tại hai tỉnh ở phía nam Đắk Lắk, đã bắt đầu liên lạc chiến đấu. Một đơn vị mới, chưa được xác định, xuất hiện ở tỉnh Pleiku, gần vị trí của chúng tôi.

Nói cách khác, có vẻ như kẻ thù đang chuẩn bị một cuộc tấn công trên toàn vùng cao nguyên.

Một đêm không trăng hồi cuối tháng 10, chúng tôi tìm thấy một đơn vị Bắc Việt mới, cách nơi chúng tôi đang ngồi khoảng 20 km. Và như thể để nhấn mạnh rằng kẻ thù đang ở rất gần, trong khi đang báo cáo về sự xuất hiện của đơn vị mới, chúng tôi đã bất ngờ trúng đạn súng cối. Thương vong duy nhất là một căn nhà di động. Dù vậy, chúng tôi thực sự lo sợ.

Trước khi kết thúc tháng 10, Sư đoàn 1 Bắc Việt và ba trung đoàn trực thuộc đã chuyển đến Đăk Tô thuộc tỉnh Kon Tum – một vùng có đồi dốc và thung lũng rừng rậm sâu hun hút. Lực lượng Đặc nhiệm có một căn cứ đóng tại Đăk Tô, xem chừng là một mục tiêu hấp dẫn, nhưng rõ ràng không phải là mục tiêu duy nhất. Thông tin liên lạc trinh sát cấp thấp xuất hiện, một dấu hiệu chắc chắn rằng đối đầu sắp xảy ra. Sau đó, chỉ huy sư đoàn phái một bộ chỉ huy tiền phương đến kiểm soát các trung đoàn. Họ đã sẵn sàng.

Chúng tôi đã thông báo cho Sư đoàn Bộ binh 4 và Lữ đoàn Không vận 173 rằng một cuộc tấn công vào khu vực Đăk Tô rất có thể sẽ bắt đầu trong khoảng từ ngày 30/10 đến ngày 04/11, thời gian mà chúng tôi thu được từ các điện tín của đơn vị trinh sát. Nhưng chúng tôi cũng cảnh báo rằng các đơn vị Bắc Việt trên khắp Tây Nguyên đang chuẩn bị chiến đấu. Và đó sẽ là một trận đánh rất lớn.

Ở thời điểm đó, chúng tôi gặp một trở ngại bất ngờ: sự tín nhiệm. Một vài trong số chúng tôi đã đến báo cáo trực tiếp cho chỉ huy của Sư đoàn 4, Thiếu tướng William Peers. Tôi cảnh báo ông: một cuộc tấn công gồm nhiều sư đoàn của Bắc Việt nhắm vào Đăk Tô sẽ diễn ra bất cứ lúc nào, cùng lúc với các cuộc tấn công trên khắp Tây Nguyên. Ông lắc đầu và chỉ vào trại của chúng tôi trên Đồi Kỹ sư. “Thế nên tôi phải tin vào cái thứ ma thuật khiến một lũ G.I. vớ vẩn sử dụng mớ ăng ten và mấy mẩu chuyện hài để bịa ra kế hoạch chiến đấu của kẻ thù à?” Ông xua tay đuổi chúng tôi đi. Buổi họp cũng theo đó kết thúc.

Nhưng chúng tôi đã đúng. Vào ngày 01/11, một chiếc B-57 đã thả bom xuống đâu đó gần Đăk Tô. Nó đánh trúng một bãi tiếp tế của Bắc Việt gây ra vụ nổ dây chuyền, bằng chứng rõ ràng rằng một số lượng đáng kể quân Bắc Việt đang ở ngoài đó. Tướng Peers đã phái một đơn vị từ Lữ đoàn Không vận 1 đi điều tra và liên lạc với Lực lượng Đặc nhiệm tại Đăk Tô. Hai ngày sau, một trong những tiểu đoàn thuộc Lữ đoàn 1 đã đổ bộ bằng trực thăng lên Đồi 979, gần Đăk Tô, hy vọng sẽ không gặp phải kháng cự. Thay vào đó, họ đối đầu hàng ngàn lính Bắc Việt trong các chiến hào và tất thảy sẵn sàng. Tiểu đoàn đã bị tàn sát. Cùng ngày hôm ấy, một tiểu đoàn Mỹ khác cũng rơi vào tình thế tương tự trên Đồi 882 gần đó. Tướng Peers và các tướng lĩnh khác đã sớm nhận ra mức độ nghiêm trọng từ những cảnh bảo của chúng tôi: rằng Bắc Việt đã đến tận khu vực này và sẵn sàng chiến đấu.

Một loạt các cuộc giao tranh kéo dài hàng tuần sau đó, gọi chung là Trận Đăk Tô, là một trong những trận đánh lớn nhất và dữ dội nhất của cuộc chiến. Bắc Việt đã thiết lập các vị trí phòng thủ trên một số ngọn đồi, buộc lực lượng Mỹ và Việt Nam Cộng hòa phải tiến đánh lên đó, đỉnh điểm là cuộc giao chiến đẫm máu kinh hoàng trên Đồi 875, từ ngày 19/11 đến ngày 23/11. Đến cuối Trận Đăk Tô, chín tiểu đoàn Mỹ từ Sư đoàn 4 và Lữ đoàn 173 – khoảng 16.000 người – đã tham chiến. Máy bay ném bom của Mỹ phải bay hơn 2.000 lượt. Người Mỹ cuối cùng đã giành chiến thắng, nhưng cả hai bên đều phải trả cái giá vô cùng đắt: Hơn 2.100 lính Bắc Việt đã thiệt mạng, cùng với 376 lính Mỹ và 61 lính miền Nam.

Tôi rời Tây Nguyên vào tháng 12 khi cuộc tấn công đã kết thúc, chuyển về phía nam để hỗ trợ một đội tình báo khác tại Biên Hòa, ngay phía bắc Sài Gòn. Khi đến đây, tôi lại tìm thấy tất cả các loại tín hiệu liên lạc tương tự với những gì chúng tôi tìm được ở vùng cao Đăk Tô trước đó. Lần này, chúng tôi không chỉ có một mình; các đơn vị tình báo khác của Mỹ ở vùng cực bắc của miền Nam Việt Nam cũng đánh chặn được những tín hiệu tương tự. Chúng tôi sớm hiểu rằng một đợt tấn công sẽ xảy ra trên khắp đất nước bắt đầu từ cuối tháng 01.

NSA tập hợp tất cả các bằng chứng, và một lần nữa chúng tôi trình bày chúng cho lãnh đạo quân đội. Và một lần nữa, các vị tướng từ chối tin vào chúng tôi. Vào thời điểm đó, Thủy quân Lục chiến ở phía Bắc đang bị bao vây tại Khe Sanh, và các tướng lĩnh hàng đầu ở Sài Gòn đã bị thuyết phục rằng bất kỳ hoạt động nào khác của Bắc Việt cũng chỉ là một trò đánh lạc hướng, một nỗ lực để kéo lính Mỹ khỏi những gì họ và Washington tin là kế hoạch của Hà Nội nhằm tái hiện chiến thắng trước quân Pháp trong cuộc bao vây Điện Biên Phủ 13 năm trước đó. Bất chấp các bằng chứng chỉ ra điều ngược lại, họ đã không chuẩn bị cho một cuộc tấn công toàn diện, và vào cuối tháng 01, họ gục ngã trước trận Tết Mậu Thân.

Nói cách khác, không hoàn toàn chính xác khi nói rằng trận Mậu Thân khiến người Mỹ và Việt Nam Cộng hòa bị bất ngờ. Thông tin tình báo đã được thu thập, và kinh nghiệm ở Đắk Tô đáng lẽ phải đủ để thuyết phục Tướng William Westmoreland nghiêm túc cân nhắc tình hình. Thay vào đó, ông chọn không tin điều đó.

Vấn đề còn lớn hơn cả chuyện của Peers và Westmoreland; tám năm sau, sai lầm tương tự đã xảy ra với sự sụp đổ của Sài Gòn. Đến lúc đó, tôi đã là trưởng văn phòng tình báo trong thành phố. Tôi đã cảnh báo Graham Martin, Đại sứ Mỹ, về lượng bằng chứng áp đảo cho thấy Sài Gòn sắp bị tấn công. Ông ta chẳng buồn tin tôi, và cũng chẳng hề kêu gọi một cuộc di tản hàng ngàn thường dân Mỹ vẫn còn trong thành phố, cùng với các đồng minh Việt Nam Cộng hòa. Khi Bắc Việt tấn công vài ngày sau đó, cả thành phố rơi vào hoảng loạn. Tôi trốn thoát dưới làn đạn. Nhưng các đồng sự người miền Nam, những người tôi làm việc cùng, đã không may mắn như thế. Khoảng 2.700 người trong số họ đã bị giết chết, hoặc bị bắt giam và đưa đi “cải tạo.”

Nàng Cassandra được ban phước hay bị nguyền rủa? Những người trong số chúng tôi hoạt động  tình báo ở Việt Nam có lẽ đều biết câu trả lời.

Tom Glenn là cựu nhân viên Cục An ninh Quốc gia Hoa Kỳ (NSA) và tác giả cuốn tiểu thuyết “Last of the Annamese” (Người An Nam cuối cùng).