Thế giới hôm nay: 08/06/2023

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Các quan chức Ukraine nói có 29 ngôi làng bị ngập sau vụ vỡ đập Kakhovka ở vùng do Nga kiểm soát. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết hàng trăm ngàn người Ukraine không còn nước sạch vì sự cố. Liên Hợp Quốc đã triệu tập một phiên họp khẩn của Hội đồng Bảo an để thảo luận về vấn đề, khi Nga và Ukraine đều đổ lỗi cho nhau. Tổng thống Vladimir Putin gọi vụ phá đập là “hành động man rợ.”

Trong khi đó, thứ trưởng quốc phòng Ukraine Hanna Maliar cho biết quân đội nước bà đã tiến qua nhiều khu vực khác nhau gần tiền tuyến Bakhmut, một thị trấn miền đông bị Nga chiếm hồi tháng 5. Bà nói Bakhmut “vẫn là tâm điểm giao tranh.” Trong những ngày gần đây, quân đội Ukraine đã tung nhiều đòn thử nghiệm vào hệ thống phòng thủ trên khắp mặt trận dài 1.000 km của Nga.

Khu vực quanh thành phố New York, Mỹ, ghi nhận chất lượng không khí tệ nhất từ ​​trước đến nay vì khói từ đám cháy rừng ở miền trung Canada. Được biết chỉ số chất lượng không khí có lúc lên hơn 324 vào thứ Tư, vượt ngưỡng 300 để có thể bị coi là “nguy hiểm.” Trong khi đó, chất lượng không khí ở Toronto cũng bị xếp loại “rủi ro cao.” Các chuyến bay đến các sân bay ở khu vực New York đang tạm thời bị đình chỉ do tầm nhìn hạn chế. Mật độ khói được dự báo sẽ còn tăng.

CNN thông báo Chris Licht sẽ từ chức giám đốc điều hành của hãng chỉ sau một năm tại nhiệm. Ông Licht lên thay khi cựu CEO Jeff Zucker buộc phải từ chức vì một mối tình công sở không được tiết lộ. Lượt xem của CNN đã giảm trong nhiệm kỳ của ông, và bản thân ông bị chỉ trích rộng rãi vì tổ chức một sự kiện đối thoại với Donald Trump hôm 10 tháng 5.

OECD dự báo kinh tế thế giới sẽ chỉ tăng trưởng 2,7% trong năm tới vì lãi suất cao. Đây là con số thấp thứ hai kể từ 2008; năm thấp nhất là 2020, năm đầu tiên của đại dịch. OECD dự đoán tốc độ tăng trưởng sẽ tăng nhẹ lên 2,9% trong năm 2024.

Ủy ban châu Âu bắt đầu các hành động pháp lý đối với Ba Lan về luật chống lại “ảnh hưởng của Nga” ở nước này. Được thông qua từ tuần trước, đạo luật thành lập một ủy ban nhà nước có quyền cấm các cá nhân giữ chức vụ công. Song các điều khoản của nó rất mơ hồ, và những người phản đối nói nó chỉ là một nỗ lực khác của chính phủ Ba Lan nhằm phá hoại nhà nước pháp quyền.

Con số trong ngày: 44%, là tỷ lệ các công việc pháp lý có thể được thực hiện bởi AI, theo ngân hàng Goldman Sachs.

TIÊU ĐIỂM

Đà hồi phục kinh tế đáng chú ý của Nhật Bản

Kinh tế Nhật Bản dường như đã qua khỏi khó khăn sau covid-19. Giới phân tích sẽ có cái nhìn rõ hơn về đà phục hồi vào thứ Năm, khi nước này công bố dữ liệu GDP cho quý đầu năm 2023. Dữ liệu ban đầu khá lạc quan, cho thấy tăng trưởng 1,6% so với cùng kỳ năm ngoái, mà sau đó được điều chỉnh lên 1,9%. Năng suất được thúc đẩy khi các công ty mua máy móc để đối phó tình trạng thiếu lao động sau đại dịch, với chi tiêu đầu tư thiết bị trong quý đầu tăng 11%, cao nhất kể từ năm 2015. Bùng nổ tiêu dùng và du lịch cũng là các điểm sáng.

Nhưng kinh tế thế giới trì trệ tiếp tục gây hại cho Nhật Bản vì nhu cầu hàng hóa yếu đi. Đặc biệt, tăng trưởng chậm ở Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của Nhật Bản, đang kìm hãm xuất khẩu. Lạm phát cũng lên mức cao nhất 4 thập niên qua, đặc biệt do Nhật Bản giữ lãi suất thấp hơn nhiều so với các nơi khác. Không rõ liệu họ có lội ngược dòng thành công hay không.

Thủ tướng Anh thăm Mỹ

Thủ tướng Anh Rishi Sunak sẽ gặp Joe Biden, tổng thống Mỹ, tại Washington, DC, vào thứ Năm. Triển vọng về một thỏa thuận thương mại Anh-Mỹ – từng được quảng cáo như một lợi ích của Brexit – là rất mong manh. Thay vào đó, ông Sunak sẽ tìm cách giải quyết những rủi ro đối với chuỗi cung ứng của Anh từ gói trợ cấp xanh 369 tỷ đô la trong Đạo luật Giảm lạm phát của ông Biden. (Ông Sunak đã nói rằng “chạy đua trợ cấp” không phải là cách để đạt được các mục tiêu khí hậu.)

Ông Sunak cũng muốn Anh có vai trò lớn hơn trong quản lý trí tuệ nhân tạo. Ông muốn có các chính sách nhẹ nhàng hơn so với ý tưởng của EU, với mục đích thu hút đầu tư. Hai nhà lãnh đạo cũng sẽ thảo luận về Ukraine.

“Mối quan hệ đặc biệt” xuyên Đại Tây Dương xấu đi dưới thời cựu thủ tướng Boris Johnson, nhưng ông Sunak đã phần nào hồi sinh nó — phần lớn là do ông đã đồng ý với thỏa thuận mới giữa Bắc Ireland và EU, một vấn đề rất được Biden quan tâm.

Châu Âu thảo luận vấn đề người tị nạn

Cuộc khủng hoảng người di cư ở châu Âu vào năm 2015 và 2016 cho thấy khối này cần một hệ thống tập thể để giải quyết vấn đề người tị nạn. Nhưng tất cả những nỗ lực chung cho đến nay đều thất bại. Vào thứ Năm, các bộ trưởng tư pháp và nội vụ của các nước EU sẽ gặp nhau để cố gắng thống nhất hai trong số những nội dung của một hệ thống như vậy: các quy tắc tiêu chuẩn để xử lý đơn xin tị nạn và một cơ chế để đảm bảo đơn xin được chia sẻ đồng đều hơn giữa các nước thành viên.

Cả hai đều là câu hỏi khó. Các nước ở rìa phía nam của EU, chẳng hạn như Hy Lạp và Ý, nhận nhiều người tị nạn hơn những nước khác. Và các nước khác hiện chỉ đồng ý với một “cơ chế đoàn kết” yếu ớt, trong đó không có mấy thiện chí hỗ trợ các nước nằm dọc biên giới EU. Họ sau đó thường áp dụng các biện pháp khắc nghiệt (bao gồm cả bất hợp pháp) để đẩy lùi hoặc trục xuất người di cư, đồng thời phản đối các quy định hạn chế quyền làm như vậy của chính mình. Ngay cả khi các bộ trưởng có thể đồng ý về một giải pháp, bất kỳ cải cách nào cũng cần được Nghị viện châu Âu thông qua.

Luật chống phá thai của Ba Lan bị kiện

Khi một nguyên đơn nộp đơn vào năm 2021, cô 27 tuổi và đang mang thai 10 tuần. Cô sợ không nhận được chăm sóc y tế cần thiết ở Ba Lan nếu có biến chứng. Một nguyên đơn khác nói rằng nếu bào thai của cô bị khiếm khuyết — vốn không còn là lý do hợp pháp để phá thai ở Ba Lan kể từ năm 2021 — thì việc mang thai đến kỳ sinh nở chẳng khác nào “tra tấn.”

Những trường hợp này và sáu trường hợp khác sẽ được Tòa án Nhân quyền châu Âu tại Strasbourg quyết định vào thứ Năm. Tất cả đều được đệ trình bởi những phụ nữ cáo buộc Ba Lan vi phạm quyền của họ khi thắt chặt luật phá thai. Kể từ tháng 1 năm 2021, phá thai chỉ được phép ở Ba Lan trong các trường hợp bị hãm hiếp hoặc loạn luân, hoặc nếu sức khỏe của người mẹ gặp nguy hiểm. Đây là những quy tắc nghiêm ngặt nhất ở các nước giàu.

Kể từ đó, các bác sĩ đã trì hoãn ngay cả các thủ tục hợp pháp, làm tăng tỷ lệ tử vong của phụ nữ. Mạng lưới phá thai ngầm mở rộng, trong khi nhiều người Ba Lan tìm cách phá thai ở nước ngoài hoặc buôn lậu thuốc phá thai. Phán quyết của toà, mặc dù không mang tính ràng buộc, có thể cho thấy Ba Lan đã đi xa khỏi các chuẩn mực châu Âu đến đâu.