Tác giả: Ngân An
Sinh năm 1620, tại xã Như Thiết, huyện Yên Dũng, phủ Lạng Giang, xứ Kinh Bắc (nay là xã Hồng Thái, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang), Hán Quận công Thân Công Tài được nhân dân hai bên biên giới Việt – Trung suy tôn là “Lưỡng quốc khách nhân”, là vị phúc thần có công gây dựng nên hoạt động giao thương buôn bán trên biên giới xứ Lạng. Một đời mẫn tiệp, giữ mình thanh liêm và hết lòng vì việc dân, vận nước, tư tưởng giao thương quốc tế và tư tưởng đô thị hóa từ rất sớm của ông vẫn còn nguyên giá trị đến ngày nay.
Tiên phong thực hiện đô thị hóa
Cuộc đời và sự nghiệp của Thân Công Tài gắn liền với 5 đời vua Lê. Vào thời kỳ đất nước loạn lạc, vua Lê, chúa Trịnh tranh giành quyền lực, không chú ý đến giang sơn đất nước, giặc cướp nổi lên khắp nơi, dân tình vô cùng đói khổ. Với tài trí hơn người, vị quan họ Thân được triều đình giao cầm quân dẹp loạn xứ Kinh Bắc. Năm Đinh Mùi (1667), sau nhiều lần dẹp loạn thành công, ông được nhà vua phong chức cai quản, kiêm Tri thị nội, tước Hán Quận công. Năm 1672, cụ được thăng làm Đô đốc đạo Kinh Bắc quản lý vùng đất rộng lớn phía Đông Bắc Tổ quốc, gồm 3 xứ Kinh Bắc, Thái Nguyên, Lạng Sơn, đồng thời là người đặc trách giữ chức Trấn thủ Lạng Sơn. Sau khi ông mất, triều đình gia xét công trạng và gia tặng ông là Đô đốc Đồng trị.
Với tài thao lược và giỏi ngoại giao của Hán Quận công, đồng bào các dân tộc ở biên giới Lạng Sơn khi đó đã một lòng đoàn kết theo vị quan họ Thân giữ yên bờ cõi, mở mang buôn bán trên khu vực biên giới. Hán Quận công cho xây dựng 7 con đường nằm giáp bên sông Kỳ Cùng, lập 7 phường hội, đồng thời lập ra chợ Kỳ Lừa khuyến khích thương nhân hai nước Việt – Trung đến giao thương buôn bán. Mô hình “đô thị hóa” của ông thành công nhanh chóng. Chỉ một vài năm sau, vùng biên viễn xứ Lạng trở thành trung tâm thương mại trao đổi, buôn bán hàng hóa sầm uất nhất nhì miền Bắc lúc bấy giờ. Khu phố chợ Kỳ Lừa bỗng chốc trở thành điểm quần cư phồn thịnh với nhiều sắc màu dân tộc và là nơi trung chuyển hàng hóa thông thương hai bên biên giới. Để đáp ứng nhu cầu giao thương với khu phố chợ Kỳ Lừa, người dân bên kia biên giới đối diện Lạng Sơn từ đó cũng hình thành lên các phường buôn và thời kỳ này đã có 13 phường buôn với nhiều ngành nghề khác nhau của người Trung Quốc được lập ra.
Công lao của Hán Quận công Thân Công Tài là rất to lớn trong tiến trình lịch sử phát triển của Lạng Sơn cũng như các xứ Kinh Bắc, Thái Nguyên. Ngày nay, thành phố Lạng Sơn đã trở thành đầu mối, trung tâm thương mại lớn giữa hai nước Việt – Trung, người dân Lạng Sơn mãi ghi nhớ và kính trọng tài năng, công lao và lòng nhân ái của Hán Quận công Thân Công Tài dành cho vùng đất này.
Sau khi Hán Quận công qua đời, người dân phố chợ Kỳ Lừa đã góp tiền của, công sức xây dựng đền Tả Phủ để thờ ông, 13 phường buôn người Trung Quốc theo đó cũng lập đền, miếu thờ tự ông và coi Tả Phủ Hán Quận công là ông tổ nghề, là phúc thần của họ. Trải dọc từ Hà Nội đến Lạng Sơn có gần 70 đền, miếu thờ Thân Công Tài, song phần mộ của ông ở đâu thì cho tới những năm 80 của thế kỷ XX vẫn còn là câu hỏi chưa có lời đáp.
Những ngôi đền phụng kính
Trong số 70 đền, miếu thờ Hán Quận công, thì đền Tả Phủ (tên chữ là Tả Phủ linh từ, nghĩa là Phủ của quan Tả đô đốc) được coi là đền chính. Nơi đây có tấm bia đá mang tên Tôn sư phụ bi, có nghĩa đây là bia tôn ngài làm sư phụ, dựng năm Chính Hòa thứ tư (1683). Trên văn bia có đoạn: “Quan cũng như dân khắp vùng đều sợ oai nghiêm ngài. Thương khách mọi phương đều muốn xin tới họp chợ và cùng có tờ khải xin tôn ngài làm sư phụ… Sau này, các bậc hiểu cao xa hãy cảm thấu tấm lòng hiền nhân, nhớ công đức của ngài họ Thân… Để vẻ sáng của ngài, hương thơm của ngài được lưu truyền lâu xa… nêu cao phong tục tốt đẹp tới trăm nghìn năm vậy”. Ngoài ra, trong đền còn có đôi câu đối: “Lịch sử lưu danh truyền hậu thế/ Thương trường khai thị Hán Quận công”.
Hằng năm, vào cuối tháng Giêng, hội đền Tả Phủ mở rất đông vui náo nhiệt và độc đáo với hàng trăm ông lợn quay ngự trên kiệu được nhân dân Lạng Sơn và các tỉnh lân cận rước về dâng đức Hán Quận công. Những đoàn người trang phục chỉnh tề, cờ hoa rực rỡ, võng lọng từ đền Quan lớn Tuần Tranh đổ về chợ Kỳ Lừa. Những trò chơi dân gian như: Đấu cờ người, múa lân sư, múa rồng, thi hát shi, lượn… được tổ chức với sự tham gia nhiệt tình của đông đảo nhân dân địa phương và người dự hội. Năm 2016, lễ hội Kỳ Cùng – Tả Phủ được công nhận di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Không chỉ lo nghiệp nước, mà đối với quê nhà, Hán Quận công cũng một lòng vun đắp cho quê hương. Ông từng công đức 700 quan tiền sử, hàng trăm mẫu ruộng để làm đường, dựng cầu cho các xã Liên Hồ, Khánh Ninh, Văn Ninh, Mật Ninh… huyện Yên Dũng, phủ Lạng Giang và được nhân dân Yên Dũng suy tôn là hậu thần. Đặc biệt, dòng họ Thân và người dân xã Hồng Thái, huyện Việt Yên, Bắc Giang hàng mấy trăm năm nay vẫn một lòng tôn kính thờ phụng, hương khói cho ông trong ngôi đền Như Thiết thuộc xóm Như Thiết. Cụ Nguyễn Thị Chắt, 94 tuổi kể rằng, bố của cụ người họ Thân, trước đây là ông từ coi sóc hương khói cho ngôi đền và bố cụ cũng chỉ biết rằng, đây là ngôi đền thờ dòng họ Thân của xã. Ngôi đền khi đó to lắm, nhiều cột lim phải hai người ôm mới hết. Ở trong đền có một cây hương bằng đá hình lục lăng cao ngang đầu người, khắc nhiều văn tự Hán Nôm. Bố của cụ Chắt dặn rằng, đền có thể bị giặc phá, nhưng cây hương bằng đá này phải cố mà giữ.
Vào khoảng năm 1953, giặc Pháp dồn đuổi nhân dân trong xã vào một khu tập trung và từ đó, ngôi đền bị phá hủy gần như toàn bộ. Cụ Chắt khi đó cùng một vài người trong dòng họ Thân lấy tre nứa dựng thành cái am để che chắn cây hương đá. Hằng ngày, mỗi khi đi làm ruộng về, mọi người lại tạt vào coi sóc hương hoa. Năm 1967, bom giặc Mỹ thả dày đặc trên đất Hồng Thái, khu vực đất của đền cũng hứng trọn 3 quả bom. Một quả bom nổ cách cây hương chưa đầy chục mét, cây hương đá bị đổ nghiêng một góc, miệng hố bom làm phát lộ ra một phần mộ cổ. Bọn đạo chích nghĩ rằng, phần mộ này sẽ có nhiều của cải nên chúng đã đục quách để tạo ra một lỗ hổng rộng bằng miệng cái thúng. Rất may mắn là người dân phát hiện kịp thời và cho lấp đất vào. Tuy nhiên, vào năm 1982, bọn trộm lại một lần nữa đào bới ngôi mộ cổ. Trước sự kiện đó, chính quyền xã Hồng Thái đã báo cáo lên huyện, lên tỉnh và các cơ quan chức năng khi đó quyết định tiến hành cất bốc và chôn cất vào đúng vị trí ban đầu của ngôi mộ. Sau này, Viện Hán Nôm có về sao chép văn bia trên cây hương đá để dịch thuật. Nội dung trên cây hương đá được xác định là văn bia tạc ghi công trạng của Thân Công Tài đối với quê hương Hồng Thái và được dựng trên phần mộ của cụ để thờ phụng.
Vậy là câu hỏi của giới nghiên cứu lịch sử và khảo cổ học về phần mộ của bậc hiền tài họ Thân đã có lời giải sau mấy trăm năm. Và cũng chừng ấy thời gian, lễ hội đền Như Thiết vẫn được duy trì tổ chức hằng năm vào ngày 11 tháng 8 âm lịch. Đây cũng là ngày người dân Hồng Thái coi là chính giỗ của Hán Quận công Thân Công Tài. Với những đóng góp lớn lao trong lịch sử của Hán Quận công Thân Công Tài và giá trị lịch sử văn hóa của đền Như Thiết, ngày 18-11-2015, Bộ Văn hóa – Thể Thao và Du lịch đã chính thức cấp Bằng Di tích quốc gia đối với mộ và đền thờ Thân Công Tài.
Trấn thủ vững vàng, giữ no ấm một vùng Bắc đạo, từ bờ Bắc sông Hồng lên tới miền biên thùy Lạng Sơn, sự nhạy bén, sáng suốt của một trí tuệ hơn người, một tấm lòng vì nước, thương dân của Hán Quận công đã mở ra một cửa khẩu, giữ được an ninh, lại năng động về kinh tế thương mại quốc tế – tư tưởng đô thị hóa của một võ tướng ở cuối thế kỷ XVII đến ngày nay vẫn còn nguyên giá trị.
Hình tư liệu: Chợ Kỳ Lừa
Nguồn: Biên Phòng