Phong trào phản đối Chiến tranh Việt Nam của các cựu binh Mỹ

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Jan Barry, “When Veterans Protested the Vietnam War”, The New York Times, 18/04/2017.

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Một quảng cáo đăng trên tờ Thời báo New York ngày 09/04/1967 đã khiến tôi chú ý, và sau đó, đã thay đổi cuộc đời tôi. “Chúng tôi kêu gọi Bắc Việt, nếu họ thực sự muốn hòa bình, hãy ngừng ném bom Hoa Kỳ – hoặc nếu không, hãy cuốn xéo khỏi Việt Nam!” – đó là lời tuyên bố của một nhóm có tên Cựu Chiến binh vì Hòa bình ở Việt Nam. Bản thân cũng là một cựu binh Việt Nam, tôi hiểu đó là gu hài hước của lính G.I., một nhận xét châm biếm về thực tế ai mới là kẻ đang ném bom quê nhà của người khác. Nó cũng thuyết phục tôi tin rằng mình có một vai trò, với tư cách là một cựu binh, trong việc vạch trần những gì chính phủ Mỹ đang làm ở Đông Dương.

Được cử đến Việt Nam trong vị trí chuyên gia phát thanh của Quân đội, tôi đã mừng sinh nhật lần thứ 20 của mình ngay tại Sài Gòn vào tháng 01/1963, một tên lính say khướt trong Bộ chỉ huy Viện trợ Quân sự Hoa Kỳ. Một năm rưỡi trước khi xảy ra “sự cố” Vịnh Bắc Bộ, chúng tôi đã tiến hành chiến tranh – ngoài “những giờ phút vui vẻ” ở các quán bar từ Đồng bằng Sông Cửu Long đến tận Đà Nẵng – dưới những khẩu hiệu chống nổi dậy hào nhoáng kiểu như “giành lấy trái tim và lý trí” hoặc những khẩu hiệu riêng của từng đơn vị như “chỉ có bạn mới có thể chặn đượcmột khu rừng” (khẩu hiệu của các nhóm Không quân chuyên phun thuốc diệt cỏ dùng trong chiến tranh hóa học tạikhắp các vùng nông thôn Việt Nam). Phải thừa nhận – nhiều nhiệm vụ trong số đó khá ly kỳ. Tôi từng thấy nhiều chiếc C-123 bay sượt qua những ngọn cây, hay những chiếc máy bay nhỏ đưa Đội Đặc nhiệm đến và đi khỏi những nơi bí mật, với máy bay ném bom B-26, T-28, cùng nhiều loại máy bay và trực thăng khác bay xung quanh, tất cả là một phần của chiến lược “bình định” vùng nông thôn và rừng rậm nơi có khả năng đang che dấu du kích Việt Cộng thoắt ẩn thoắt hiện – được thực hiện dưới vỏ bọc “cố vấn quân sự” cho một chính phủ do người Mỹ dựng nên.

Nhiệm vụ của chúng tôi là theo dõi lực lượng Cộng sản. Chúng tôi chiếm các căn cứ cũ của Binh đoàn Lê dương Pháp, khinh miệt người Pháp vì bị Việt Nam đánh bại, nhưng chính chúng tôi cũng chẳng mấy khi kiểm soát được nhiều hơn ngoài căn cứ của mình. Những điều tôi học được ở Đông Nam Á không hẳn là sự ngay thẳng như được nêu trong các tuyên bố chính thức. Chẳng màng sự nghiệp quân sự, tôi đã xin rút khỏi Học viện Quân sự Hoa Kỳ, nơi tôi theo học sau khi phục vụ tại Việt Nam, dự định viết một bài vạch trần cuộc chiến nhỏ bí mật, kỳ quái của chúng tôi ở Đông Nam Á. Dự án đó đã bị tạm ngưng bởi một loạt những tiết lộ mới khi chiến tranh leo thang trong giai đoạn 1965-1966 thành một cuộc tấn công với quy mô như các chiến dịch trong Thế chiến II.

Từ bỏ công việc nhà báo ở New Jersey, tôi chuyển đến New York vào đầu năm 1967, tìm cách tham gia cuộc tranh luận công khai mới nổi về cuộc chiến. Khi đang làm chân thư ký tại Thư viện Công cộng New York, song song với việc nghiên cứu cho một dự án sách, tôi đọc được tin tức về vụ đánh bom một ngôi làng Việt Nam khác. Tôi đã nổi giận khi thấy một bản tin trích lời phát ngôn viên của quân đội, nói rằng đây là một sai lầm, nhưng lại lấp liếm sự thật rằng ném bom các làng xã là chiến lược của Mỹ tại Việt Nam. Vì vậy, tôi liền viết ngay một lá thư phản đối gửi cho biên tập viên của tờ báo; đồng thời cũng gửi một lá thư phản đối chiến dịch ném bom đến Thượng Nghị sĩ Robert Kennedy; và thêm một lá thư khác cho Bộ trưởng Quốc phòng Robert McNamara chỉ trích việc ném bom dân thường, gửi kèm các huy chương chiến đấu tôi từng nhận được để nhấn mạnh sự ghê tởm của mình.

Đi ngược lại xuất thân từ nông thôn, yêu nước, ủng hộ tư tưởng Cộng hòa trong chuỗi ngày lớn lên ở ngoại ô New York, tôi đã tham gia một cuộc biểu tình ủng hộ hòa bình. Ngày 15/04/1967, cuộc diễu hành chống chiến tranh đến quảng trường Liên Hiệp Quốc đã thu hút hơn 100.000 người, trong đó phần lớn là người cao tuổi, chủ yếu là các cựu binh Thế chiến II và Chiến tranh Triều Tiên trên đầu đội mũ Cựu Chiến binh vì Hòa bình. Còn tôi thì tham gia một nhóm nhỏ các thanh niên trên tay cầm biểu ngữ “Cựu Chiến binh Việt Nam chống Chiến tranh!”

Đó là khởi đầu của một phong trào cựu quân nhân quyết tâm lên tiếng, chia sẻ trải nghiệm cá nhân về các chiến thuật, chiến lược và chính sách quốc gia đang thúc đẩy cuộc chiến ở Việt Nam, Lào và Campuchia. Tháng 11/1967, tổ chức mới của chúng tôi, Cựu Chiến binh Việt Nam chống Chiến tranh, đã đặt một quảng cáo trên tờ Thời báo New York, có tiêu đề “Cựu binh Việt Nam lên tiếng.” Với chữ ký của 65 cựu binh Lục quân, Không quân, Hải quân và Thủy quân Lục chiến, bản tuyên bố gồm một phần như sau: “Chúng tôi biết, bởi vì chính chúng tôi đã ở đó, rằng công chúng Mỹ đã không được nghe sự thật về cuộc chiến hoặc về Việt Nam… Chúng tôi tin rằng sựhỗ trợ thực sự dành cho đồng đội của chúng tôi – những người vẫn đang còn ở Việt Nam, là yêu cầu đưa họ trở về nhà (bằng bất kỳ biện pháp đàm phán cần thiết nào) trước khi có ai đó chết trong một cuộc chiến mà người Mỹ không bỏ phiếu ủng hộ, cũng không mong muốn.”

McNamara đã nói chuyện riêng với Tổng thống Johnson về những sự phản đối của chúng tôi; điều này sau này đã được tiết lộ. Tuy nhiên, các nhiệm vụ chiến đấu và con số thương vong vẫn tiếp tục leo thang. Phải mất thêm một năm nữa trước khi dư luận chuyển sang nghi ngờ về cuộc chiến. Được bầu làm tổng thống nhờ hứa hẹn về kế hoạch hòa bình, thế nhưng Richard Nixon đã ra lệnh ném bom nhiều hơn và còn tiến hành xâm nhập Campuchia.

Các cựu binh đóng một vai trò quan trọng trong hoạt động chống chiến tranh. Khi biểu tình bùng nổ ở các trường đại học, các sinh viên là cựu binh đã phẫn nộ lên tiếng trên toàn quốc, kinh hoàng khi bốn sinh viên bị Vệ binh Quốc gia Ohio giết chết tại Đại học Kent State. Những người lính vừa trở về nhà đã cùng với các cựu binh tiếnhành các cuộc biểu tình của riêng họ, giận dữ trước những thương vong khủng khiếp trên chiến trường, sự tàn bạo và điều kiện tồi tệ tại các bệnh viện thuộc Cơ quan Đặc trách Cựu Chiến binh (V.A). Họ cũng cố gắng tìm kiếm câu trả lời cho căn bệnh quái ác bí ẩn, sau này được đặt tên là rối loạn căng thẳng hậu tổn thương, gây sức ép để yêu cầu các chương trình chăm sóc sức khỏe tốt hơn tại V.A., và bày tỏ quan ngại về các mối đe dọa sức khỏe khi tiếp xúc với chất độc màu da cam. Những câu chuyện chiến tranh cay đắng bùng nổ trong thơ ca, truyện ngắn, tiểu thuyết, hồi ký và các lời chứng trước Quốc hội.

Truyền hình quốc gia cho trình chiếu hình ảnh hàng trăm cựu chiến binh ném huy chương tại các bậc thang của Tòa nhà Quốc hội vào tháng 04/1971, trong một cuộc biểu tình cắm trại ở Washington do nhóm Cựu Chiến binh Việt Nam chống Chiến tranh thực hiện để phản đối việc tiếp tục cuộc chiến, mà tới thời điểm đó đã kéo dài hơn một thập niên. Những hành động đau đớn ấy nhằm mục đích “tìm kiếm và phá hủy di sản cuối cùng của cuộc chiến man rợ này,” như Trung úy Hải quân John Kerry, thay mặt cho các cựu chiến binh tham gia phản đối, đã nói trướcỦy ban Đối ngoại Thượng viện, để Việt Nam thực sự trở thành “nơi mà cuối cùng nước Mỹ cũng thay đổi và nơi mà những người lính như chúng tôi đã góp phần vào sự thay đổi đó.”

Mùa xuân năm sau, năm 1972, với sự hỗ trợ của nhiều đồng nghiệp thuộc nhóm Cựu Chiến binh Việt Nam chống Chiến tranh, Larry Rottmann, Basil T. Paquet và tôi đã xuất bản, dưới danh nghĩa là các biên tập viên của nhà xuất bản 1st Casualty Press, một tập thơ chia sẻ tiếng lòng của cựu lính G.I. – những người mà quan điểm của họ đã bị bác bỏ trên văn đàn cũng như trên chính trường. “Bốn mươi năm sau khi xuất bản, cuốn Winning Hearts and Minds: War Poems by Vietnam Veterans (Giành trái tim và lý trí: Thơ thời chiến của các cựu binh Việt Nam) vẫn là một trong những tác phẩm hấp dẫn, sâu sắc và cảm động nhất về cuộc chiến của người Mỹ ở Việt Nam,” nhà phê bình Adam Gilbert đã viết như vậy trên tạp chí văn học War, Literature and the Arts năm 2013. “Tác phẩm này cùngdòng thơ ca về Chiến tranh Việt Nam mà nó giúp thiết lập là lời phê phán đau đớn về cuộc chiến bởi chính những người đã trực tiếp chiến đấu, một lời phê phán vốn sẽ tiếp tục mang đến cơ hội quý giá để hiểu rõ và kiểm chứng các chính sách và thái độ của Mỹ đối với châu Á qua con mắt của những người đã trực tiếp thực hiện chính sách ấy.”

Trong trí tưởng tượng của công chúng, các cựu binh Việt Nam thường đối lập với những người biểu tình chống chiến tranh – trong hình ảnh tốt nhất, chúng tôi là những nạn nhân xấu xí của chính sách chính phủ; còn tệ nhất, là những kẻ sẵn sàng đồng loã với tội ác. Nhưng với tôi, khi được trải nghiệm trực tiếp, những định kiến đó đã bỏ qua vai trò quan trọng của hàng ngàn cựu binh tham gia phong trào phản chiến, đưa ra lời khai và trở thành nhân chứng có lương tri để chống lại một cuộc phiêu lưu quân sự thảm khốc.

Jan Barry, người sáng lập tổ chức Cựu chiến binh Việt Nam chống chiến tranh (Vietnam Veterans Against the War), là một nhà báo điều tra, tác giả của cuốn “A Citizen’s Guide to Grassroots Campaigns,” và đồng chủ biên tập thơ “Winning Hearts and Minds: War Poems by Vietnam Veterans.”

Hình: Tác giả tham gia một cuộc biểu tình chống Chiến tranh Việt Nam năm 1970. Nguồn: NYT.