Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hoan nghênh gói viện trợ 61 tỷ USD vừa được Hạ viện Mỹ thông qua. Ông kêu gọi các nhà lập pháp thông qua dự luật càng nhanh càng tốt, cho rằng điều đó sẽ ngăn Ukraine trở thành “Afghanistan thứ hai.” Các nhà lập pháp đảng Dân chủ ủng hộ kế hoạch trị giá tổng cộng 95 tỷ USD do Mike Johnson, chủ tịch Cộng hoà của Hạ viện, đưa ra, bất chấp phản đối gay gắt của phe Cộng hòa. Việc ông Johnson thách thức một số người trong đảng của mình đã gây nguy hiểm cho vị trí của chính ông, nhưng ông khẳng định mình đã làm những gì mà ông tin là “điều đúng đắn.”
Nhà chức trách ở Ấn Độ đã thông báo tiến hành bỏ phiếu lại cho cuộc tổng tuyển cử tại 11 điểm bỏ phiếu ở bang Manipur đông bắc vào hôm thứ Hai. Trước đó xuất hiện báo cáo về đụng độ giữa các nhóm vũ trang, máy bỏ phiếu hỏng, và nỗ lực chiếm các điểm bỏ phiếu. Đảng Quốc đại đối lập cáo buộc bỏ phiếu có gian lận. Giai đoạn bỏ phiếu đầu tiên có sự tham gia của gần 1 tỷ người đã bắt đầu vào thứ Sáu, và sẽ kéo dài đến tháng 6.
Các quan chức hải quân từ 30 quốc gia đã đến Thanh Đảo, một thành phố cảng ở Trung Quốc, để dự cuộc họp hai năm một lần. Họ dự kiến sẽ thảo luận về những thách thức an ninh hàng hải, giữa lúc căng thẳng Trung Quốc-Philippines ở Biển Đông đang gia tăng. Sự kiện này trùng thời điểm với cuộc tập trận quân sự chung giữa Philippines và Mỹ, sẽ bắt đầu vào thứ Hai.
Người dân Ecuador bắt đầu bỏ phiếu trưng cầu dân ý nhằm trao thêm quyền cho chính phủ trong cuộc chiến chống lại các băng đảng ma túy và tội phạm bạo lực. Tỷ lệ giết người ở nước này đã tăng từ 7 trên 100.000 vào năm 2019 lên có lẽ là 45 hiện nay. Trong các đề xuất được đưa ra bỏ phiếu, có năm sẽ thay đổi hiến pháp; một trong số đó cho phép quân đội thường xuyên tham gia tuần tra với cảnh sát, thay vì chỉ khi có sắc lệnh khẩn cấp.
Bầu cử đã diễn ra ở Maldives, nơi Đảng Đại hội Nhân dân của tổng thống Mohamed Muizzu đang hy vọng giành quyền kiểm soát quốc hội từ tay Đảng Dân chủ Maldives đối lập. Ông Muizzu, được bầu vào tháng 9 năm ngoái, đã tăng cường quan hệ chiến lược và kinh tế với Trung Quốc, trong khi hạ nhiệt với Ấn Độ, dù bị quốc hội cản trở trong một số chính sách.
Hàn Quốc bày tỏ “thất vọng sâu sắc” sau khi các bộ trưởng Nhật Bản gửi lễ vật đến đền Yasukuni ở Tokyo, nơi thờ 14 nhà lãnh đạo thời chiến bị kết án về tội ác chiến tranh. Cả Hàn Quốc và Trung Quốc đều coi ngôi đền và các lễ vật như vậy là biểu tượng của chủ nghĩa quân phiệt và xâm lược trong lịch sử Nhật Bản. Hàn Quốc kêu gọi Nhật Bản thể hiện “sự ăn năn.” Gần đây, hai nước đã thắt chặt quan hệ để đối phó với mối đe dọa chung từ Trung Quốc.
TIÊU ĐIỂM
Trung Quốc và thế khó với tình trạng giảm phát
Trong bộ công cụ của các ngân hàng trung ương, lãi suất là những cái búa – thẳng thừng, thô thiển, và quen thuộc. Nhưng ngân hàng trung ương Trung Quốc không sử dụng công cụ này thường xuyên. Lãi suất cho vay cơ bản 5 năm, vốn được dùng làm tham chiếu cho các khoản thế chấp, có thể sẽ duy trì ổn định sau thông báo vào thứ Hai. Nó chỉ bị cắt giảm hai lần trong năm qua bất chấp mối nguy giảm phát và tỉ lệ tăng trưởng trên đà tăng.
Ngân hàng trung ương không thể làm gì hơn để giải quyết giảm phát dai dẳng trong nước, một phần vì lạm phát dai dẳng ở nước ngoài. Giá tiêu dùng ở Mỹ tăng nhanh hơn dự kiến vào tháng trước. Do đó, Cục Dự trữ Liên bang có thể không cắt giảm lãi suất nhiều như kỳ vọng trong năm nay. Điều này khiến Trung Quốc khó nới lỏng chính sách tiền tệ hơn mà không gây áp lực giảm giá đối với đồng nhân dân tệ, vốn đã mất gần 2% giá trị so với đồng đô la trong năm nay. Ngân hàng trung ương Trung Quốc khẳng định họ có sẵn các công cụ khác. Nhưng nếu không có búa, việc đóng đinh vào chiếc hòm giảm phát sẽ rất khó khăn.
Mỹ và Philippines tập trận chung ở Biển Đông
Lực lượng vũ trang Philippines và Mỹ bắt đầu cuộc tập trận chung thường niên vào thứ Hai. Lần đầu tiên, hải quân đồng minh sẽ huấn luyện bên ngoài lãnh hải Philippines, treo cờ ở vùng trung tâm Biển Đông, nơi Trung Quốc tuyên bố chủ quyền. Luật pháp quốc tế cho phép Philippines tự do khai thác (và bảo vệ) tài nguyên thiên nhiên ở phần lớn vùng biển mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền. Luật cũng cho phép hải quân nước ngoài, bao gồm cả Mỹ, được tự do đi lại trong vùng biển tranh chấp.
Những cuộc tập trận hải quân này nhằm khẳng định các quyền tự do đó. Nhưng chúng cũng có tác dụng răn đe. Trung Quốc gọi những hành động như vậy là khiêu khích. Nhưng cho đến nay Bắc Kinh vẫn kiềm chế sử dụng vũ lực để khẳng định yêu sách, và chỉ giới hạn ở những cử chỉ khiêu khích, tiêu biểu là quấy rối không vũ khí đối với các tàu Philippines. Cho đến nay tất cả các bên rõ ràng là thích trao đổi những cử chỉ chính trị hơn là tiến hành một cuộc chiến thực sự.
Hội nghị các ngoại trưởng EU
Bộ trưởng ngoại giao của 27 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu sẽ gặp nhau tại Brussels vào thứ Hai để thảo luận về xung đột trên lục địa già và các chủ đề khác. Tâm trạng có thể sẽ nhẹ nhàng hơn đáng kể so với khi các nhà lãnh đạo quốc gia của khối gặp nhau vào tuần trước, nhờ việc Quốc hội Mỹ thông qua gói viện trợ nước ngoài trị giá 95 tỷ USD, với khoảng 2/3 được dành cho Ukraine. Động lực mới từ Washington có thể thúc đẩy những nỗ lực của chính châu Âu nhằm hỗ trợ Ukraine, chẳng hạn như bằng cách gửi các hệ thống phòng không rất cần thiết để chống lại tên lửa Nga.
EU cũng hứa mở rộng trừng phạt đối với Iran, sau cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái của nước này vào Israel hôm 13/4. Châu Âu lo ngại một cuộc xung đột rộng hơn ở Trung Đông có thể dẫn đến dòng di cư lớn – như đã xảy ra sau cuộc chiến ở Syria một thập niên trước – chỉ vài tuần trước khi lục địa này bước vào cuộc bầu cử quốc hội châu Âu từ ngày 6-9/6.
Mỹ khởi công tàu cao tốc nối Los Angeles với Las Vegas
Vào thứ Hai, bộ trưởng giao thông vận tải Mỹ, Pete Buttigieg, sẽ có mặt tại Las Vegas để khởi công một tuyến tàu điện cao tốc nối thành phố này với ngoại ô Los Angeles ở mức tốc độ 200 dặm/giờ. Chủ đầu tư là công ty tư nhân Brightline, nhưng chính phủ liên bang Mỹ đang hỗ trợ 3 tỷ USD. Khi Brightline triển khai các tuyến tàu (chậm hơn) ở Florida vào năm 2018, đó là tuyến đường sắt chở khách do tư nhân đầu tư đầu tiên được xây dựng trong suốt một thế kỷ qua.
Việc Brightline đưa đường sắt đến miền nam California, vốn nổi tiếng là vùng đất xe hơi, thực sự là một tin chấn động. Nhưng sự gia tăng dân số nhanh chóng của Las Vegas trong hai thập niên qua và đà phát triển của cái gọi là “Đế chế nội địa” ở miền nam California như một trung tâm hậu cần đã khiến giao thông trở nên hỗn loạn. Nếu mọi thứ diễn ra theo đúng kế hoạch (một chữ “nếu” lớn đối với bất kỳ dự án cơ sở hạ tầng khổng lồ nào ở Mỹ), tuyến đường dài 350 km xuyên qua sa mạc Mojave sẽ được hoàn thành vào năm 2028, đúng thời điểm diễn ra Thế vận hội Los Angeles.