Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy
Thẩm phán vụ tiền bịt miệng của Donald Trump đã nghe những lập luận rằng cựu tổng thống, khi đưa ra các bình luận nhục mạ các nhân chứng tiềm năng, đã vi phạm lệnh không tiết lộ về phiên toà ra ngoài. “Nó phải dừng lại,” công tố lập luận. Trong lập luận phản bác, các luật sư của cựu tổng thống muốn thuyết phục toà rằng những bình luận của Trump chỉ là phát biểu chính trị. Song thẩm phán dường như không đồng tình với bên bào chữa và đã nói với họ, “các anh đang mất hết uy tín trước tòa.” Nếu thẩm phán đứng về phía công tố, hậu quả đối với ông Trump có thể là khiển trách hoặc phạt tiền (hoặc ngồi tù ngắn hạn, dù rất khó xảy ra). Phiên tòa dự kiến sẽ diễn ra trong khoảng sáu tuần.
Theo Reuters, Mỹ đang chuẩn bị gói viện trợ trị giá 1 tỷ USD cho Ukraine. Nó bao gồm đạn pháo, đạn chống tăng và các loại vũ khí khác có thể được triển khai ngay lập tức và sẽ được rút từ quỹ 61 tỷ USD sắp trở thành luật. Vào chiều thứ Ba theo giờ địa phương, Thượng viện Mỹ đã thông qua bốn dự luật được Hạ viện thông qua hôm thứ Bảy; cuộc bỏ phiếu cuối dự kiến sẽ diễn ra vào ngày mai.
Cơ quan chống độc quyền của Mỹ đã bỏ phiếu cấm hầu như mọi điều khoản không cạnh tranh – những thỏa thuận ngăn cản người lao động gia nhập các công ty đối thủ. Ủy ban Thương mại Liên bang lập luận rằng điều khoản không cạnh tranh, vốn làm ảnh hưởng đến khoảng 1/5 số nhân công ở tất cả các ngành nghề, là phản cạnh tranh và làm giảm tiền lương. Nhưng quyết định này có thể gặp phải thách thức pháp lý từ các hiệp hội kinh doanh.
Spotify ghi nhận lợi nhuận cao nhất từ trước đến nay trong quý đầu. Năm qua, CEO Daniel Ek đã thực hiện một loạt biện pháp để tăng lợi nhuận, bao gồm tăng giá thuê bao và sa thải gần 1/5 lực lượng lao động. Hơn nữa, công ty đã tránh được tình trạng sụt giảm số lượng thuê bao như từng xảy ra với các công ty phát video trực tuyến: số thuê bao trả phí tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái. Cổ phiếu Spotify tăng khoảng 12% sau thông tin này.
Theo một cuộc đánh giá độc lập do Liên Hợp Quốc ủy quyền, Israel đã không thể chứng minh được tuyên bố của họ rằng một “số lượng đáng kể” nhân viên của Cơ quan Cứu trợ và Việc làm LHQ (UNRWA) là thành viên của các tổ chức khủng bố. Các cáo buộc đã khiến 16 quốc gia tạm dừng khoản tài trợ trị giá 450 triệu USD cho UNRWA. Hầu hết các nước đã tiếp tục đóng góp, nhưng Mỹ, Anh, và Đức vẫn chưa quay lại.
Thư ký Hội đồng An ninh Nga và người đứng đầu an ninh Trung Quốc đã gặp nhau để thảo luận về việc tăng cường quan hệ hợp tác giữa cơ quan an ninh hai nước. Nikolai Patrushev đã tiếp đón Trần Văn Thanh tại St Petersburg và trao đổi về chủ đề củng cố các cơ quan thực thi pháp luật của hai nước. Ali Akbar Ahmadian, người đứng đầu Hội đồng An ninh Quốc gia Iran, cũng đã đến Nga và chuẩn bị hội đàm với ông Patrushev.
Một nhân viên của đảng cực hữu Sự Lựa chọn Thay thế cho nước Đức (AfD) đã bị bắt vì tội làm gián điệp cho Trung Quốc. Jian Guo, trợ lý của nghị sĩ AfD Maximilian Krah, đã bị cáo buộc làm việc cho Bộ An ninh Nhà nước Trung Quốc. Một số người bị cáo buộc là gián điệp Trung Quốc đã được tiết lộ là đang làm việc tại các nghị viện trên khắp châu Âu.
Con số trong ngày: 13 tỷ USD, là giá trị xuất khẩu văn hóa của Hàn Quốc trong năm 2022, tăng từ mức dưới 5 tỷ USD của năm 2013.
TIÊU ĐIỂM
Ngoại trưởng Mỹ thăm Trung Quốc
Khi Antony Blinken đến thăm Bắc Kinh lần cuối hồi tháng 6 năm ngoái, Mỹ và Trung Quốc hầu như còn không nói chuyện với nhau. Song ngoại trưởng Mỹ có thể mong đợi sự chào đón nồng nhiệt hơn vào thứ Tư, khi ông bắt đầu chuyến thăm mới nhất tới Trung Quốc. Joe Biden và Tập Cận Bình hiện đang nói chuyện nhiều hơn; và vào tháng 11, họ đã đồng ý nối lại liên lạc quân sự cấp cao sau 16 tháng gián đoạn. Trong chuyến thăm ba ngày, ông Blinken sẽ gặp một số quan chức bao gồm Vương Nghị, ngoại trưởng Trung Quốc, và có thể cả ông Tập.
Tuy vậy, đối thoại giữa hai bên vẫn căng thẳng. Ông Blinken được cho là sẽ gây sức ép với Trung Quốc về việc nước này khủng bố các tàu Philippines ở Biển Đông cũng như hành động gây hấn của nước này đối với Đài Loan. Ông sẽ yêu cầu Trung Quốc ngừng bán cho Nga các loại chip và công nghệ có liên quan đến vũ khí. Và ông dự kiến sẽ yêu cầu Bắc Kinh thúc đẩy Iran giảm bớt căng thẳng ở Trung Đông. Tuy nhiên, Trung Quốc đang tăng cường quan hệ với cả Iran và Nga. Điều đó có nghĩa là những lời nói của Mỹ có lẽ sẽ chỉ được đáp lại bằng một nụ cười lịch sự.
Toà Tối cao Mỹ xem xét luật cấm phá thai của Idaho
Moyle kiện Hoa Kỳ, một tranh chấp pháp lý khác trong cuộc chiến phá thai ở Mỹ, sẽ ra Tòa án Tối cao vào thứ Tư. Một tháng sau khi xét xử vụ kiện liên quan đến việc tiếp cận thuốc phá thai, các thẩm phán sẽ quyết định liệu Đạo luật Bảo vệ Sự sống của Idaho — cấm chấm dứt thai kỳ trừ trường hợp hãm hiếp hoặc loạn luân, hay khi “cần thiết để ngăn chặn cái chết của phụ nữ mang thai” — có tuân thủ luật liên bang hay không.
Theo Đạo luật Lao động và Điều trị Y tế Khẩn cấp được thông qua năm 1986, các bệnh viện nhận tài trợ công phải cung cấp “điều trị ổn định” cho bất kỳ ai đến khám. Vào năm 2022, chính quyền Biden đã làm rõ rằng điều này bao gồm cả phá thai nếu việc mang thai đe dọa sức khỏe của người mẹ. Trong khi đó, Idaho lập luận rằng tất cả các bang đều có quyền “quản lý việc hành nghề y, bao gồm cả vấn đề phá thai,” tùy theo lựa chọn của họ. Nhưng chính phủ liên bang cho rằng bằng cách hình sự hóa việc phá thai trừ khi một phụ nữ sắp chết, luật của Idaho sẽ khiến một số phụ nữ mang thai có nguy cơ bị biến chứng như “suy nội tạng hoặc mất khả năng sinh sản.”
Châu Âu thông qua luật về quy tắc nhân quyền và môi trường đối với doanh nghiệp lớn
Vào thứ Tư, Nghị viện châu Âu sẽ thông qua luật buộc các công ty lớn phải chịu trách nhiệm bảo vệ nhân quyền và môi trường trong chuỗi cung ứng của họ. Nếu được thông qua, Chỉ thị Thẩm định về Bền vững Doanh nghiệp sẽ có hiệu lực đầy đủ từ năm 2029. Khi ấy, các công ty có ít nhất 1.000 nhân viên và có doanh thu hàng năm từ 450 triệu euro (480 triệu USD) trở lên sẽ phải lập kế hoạch để ngăn ngừa những rủi ro như lao động cưỡng bức hoặc tiêu thụ nước quá mức, sau đó đảm bảo rằng họ (và các nhà cung cấp của họ) tuân thủ các nguyên tắc đó. Một mạng lưới các cơ quan tư vấn ở mỗi nước thành viên sẽ giám sát chương trình, và có thể đưa ra các khoản phạt nặng cho những hành vi sai trái.
Đạo luật này đã bị giảm bớt đáng kể sau khi một số nước phàn nàn gay gắt về “gánh nặng [hành chính] bổ sung” mà nó sẽ tạo ra. Hiện tại, nó chỉ áp dụng cho các doanh nghiệp lớn nhất, không bao gồm các tổ chức tài chính, và sẽ được triển khai đầy đủ muộn hơn vài năm so với kế hoạch ban đầu.
Vai trò ngày càng tăng của các tổng chưởng lý bang ở Mỹ
Các công tố viên quyền lực nhất ở Mỹ sẽ tề tựu về Chicago vào thứ Tư để dự hội nghị thường niên. Tổng chưởng lý các bang trên khắp đất nước dự định dành vài ngày để thảo luận về an ninh trong chiến dịch tranh cử, trí tuệ nhân tạo, mạng xã hội, và sức khỏe tâm thần của giới trẻ, cũng như các vụ việc hiện đang được Tòa án Tối cao xem xét.
Các tổng chưởng lý từng dành phần lớn thời gian để truy đuổi những kẻ gian lận, lừa đảo, và các doanh nghiệp hay đi bắt nạt. Ngày nay công việc của họ mang màu sắc chính trị nhiều hơn và vai trò của họ mang tính quốc gia hơn. Hãy lấy ví dụ là một tổng chưởng lý Cộng hòa và một tổng chưởng lý Dân chủ. Tại New York, Letitia James đi từ thách thức các chính sách môi trường của Donald Trump đến kiện cựu tổng thống khi ông đã rời nhiệm sở. Trong khi đó ở Texas, Ken Paxton đã tạo dựng tên tuổi bằng cách đặt ra các thách thức liên tiếp đối với chính sách nhập cư của Joe Biden. Các tiểu bang khác đang làm theo. Ảnh hưởng ngày càng tăng của các công tố viên trên chính trường liên bang được phản ánh qua số tiền đổ vào các chiến dịch tranh cử của họ: từ năm 2008 đến năm 2022, tổng chi phí hàng năm cho các cuộc tranh cử tổng chưởng lý bang đã tăng từ 17 triệu USD lên 222 triệu USD.