Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy
Nhà Trắng lên án những người biểu tình chiếm một tòa nhà tại Đại học Columbia, nói rằng họ đang có “cách tiếp cận sai lầm.” Nhóm này đã rào chắn lối vào tòa nhà và treo cờ Palestine. Trước đó, Columbia đã bắt đầu đình chỉ những sinh viên biểu tình ủng hộ Palestine phớt lờ lệnh của ban quản lý yêu cầu dỡ bỏ khoảng 80 lều trại của họ khỏi khuôn viên trường. Biểu tình tiếp tục diễn ra tại các trường đại học trên khắp đất nước; và một số sinh viên đã bị bắt tại Đại học Bắc Carolina.
Thẩm phán chủ toạ phiên tòa vụ chi tiền bịt miệng của Donald Trump đã phạt cựu tổng thống 9.000 USD vì liên tục vi phạm quy định của toà. Juan Mercan cảnh báo Trump rằng ông có thể đối mặt án tù nếu tiếp tục đăng tải những lời lăng mạ về các nhân chứng tiềm năng và bồi thẩm đoàn. Việc lấy lời khai sẽ tiếp tục vào thứ Ba tại phiên tòa ở New York, và dự kiến kéo dài ít nhất một tháng nữa.
Thủ tướng Israel Binyamin Netanyahu nói các lực lượng Israel vẫn sẽ xâm chiếm Rafah, một thành phố Gaza có 1,5 triệu người Palestine đang trú ẩn, sau khi kết thúc bất kỳ lệnh ngừng bắn tạm thời nào theo thỏa thuận với Hamas. Trước đó, Israel đưa ra đề xuất đình chiến 40 ngày. Hamas trả lời rằng họ đang xem xét thỏa thuận và nhấn mạnh Israel cũng đang phớt lờ lời kêu gọi ngừng bắn hoàn toàn của họ.
Giá tiêu dùng trên toàn khu vực đồng euro tăng 2,4% so với cùng kỳ trong tháng 4, không thay đổi so với tháng 3. Trong khi đó, lạm phát cơ bản – không bao gồm lương thực và năng lượng – đã giảm từ 2,9% xuống 2,7%. Lạm phát dịch vụ giảm lần đầu tiên kể từ tháng 11. Ngoài ra khối cũng tăng trưởng trở lại trong quý đầu: GDP tăng 0,3% theo quý.
Tám tờ báo Mỹ thuộc sở hữu của Alden Global Capital — bao gồm Chicago Tribune và New York Daily News — đã kiện OpenAI và Microsoft, cáo buộc công ty này sử dụng trái phép các bài báo có bản quyền để huấn luyện các mô hình AI. Tờ New York Times đã kiện cả hai công ty công nghệ với lý do tương tự hồi tháng 12. Trong khi đó, một số toà soạn đã đạt được thỏa thuận với OpenAI: Financial Times đang cho phép công ty đào tạo các mô hình bằng kho bài của họ.
Nga cho biết đã bắn hạ 6 tên lửa tầm xa do lực lượng Ukraine bắn về phía các căn cứ không quân ở Crimea. Được biết, Mỹ đã cung cấp tên lửa có tầm bắn khoảng 300 km (190 dặm) khoảng hai tuần trước. Một nhà lập pháp Nga cảnh báo các cuộc tấn công của Ukraine vào Crimea có thể gia tăng trước lễ nhậm chức của tổng thống Vladimir Putin vào ngày 7/5.
Cơ quan chống ma túy của Mỹ được cho là sẽ khuyến nghị chính quyền Biden phân loại lại cần sa vào cái gọi là chất Bảng III. Động thái này vẫn sẽ áp đặt các quy định đối với cần sa, nhưng thừa nhận —không như các loại thuốc thuộc Bảng I khác như heroin—nó có công dụng y tế. Dùng cần sa là hợp pháp ở nhiều bang của Mỹ nhưng vẫn là tội hình sự ở liên bang.
Con số trong ngày: 6 triệu tấn, là lượng thép mà Anh sản xuất hàng năm, giảm từ 30 triệu tấn của năm 1970.
TIÊU ĐIỂM
Ngoại trưởng Mỹ thăm Israel
Vào thứ Tư, ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken sẽ gặp các quan chức Israel. Trước mặt ông là những vấn đề quen thuộc: làm thế nào để kết thúc chiến sự ở Gaza và điều gì sẽ xảy ra sau đó. Mỹ vẫn muốn có lệnh ngừng bắn tạm thời, điều sẽ trì hoãn cuộc tấn công của Israel vào Rafah ở miền nam Gaza. Đề xuất ngừng bắn mới nhất do Ai Cập đề xuất sẽ đưa tới việc Hamas thả 33 con tin Israel. Một số quan chức Israel tỏ ra cởi mở với đề xuất này, dù nó giải phóng ít con tin hơn so với mong đợi. Nhưng Yahya Sinwar, lãnh đạo Hamas ở Gaza, có thể vẫn bác bỏ đề xuất.
Hồi đầu tuần, ông Blinken đã dừng chân ở Riyadh, nơi ông cho biết Mỹ và Ả Rập Saudi đã gần đạt được một hiệp ước phòng thủ chung. Một thỏa thuận như vậy sẽ quy định chính quyền Saudi công nhận nhà nước Israel. Nhưng viễn cảnh này vẫn khó xảy ra nếu Israel không có cam kết nào đó nhằm thành lập một nhà nước Palestine. Ông Blinken có thể sẽ về nhà mà không đạt được nhiều tiến bộ cụ thể.
Lính gìn giữ hoà bình LHQ bắt đầu rút quân khỏi Congo
Tuần này, lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc đã ngừng hoạt động ở Nam Kivu, một tỉnh ở miền đông Congo, hoàn thành giai đoạn đầu tiên rút quân khỏi quốc gia châu Phi này. Quân nhân Liên Hợp Quốc đến đây lần đầu tiên vào năm 1999 trong cuộc chiến tranh Congo lần thứ hai. Họ vẫn ở lại vùng phía đông của đất nước sau khi chiến tranh kết thúc vào năm 2003. Nhưng phái đoàn gìn giữ hòa bình, được gọi là MONUSCO, đã thất bại trong việc tiêu diệt các nhóm vũ trang và làm mất lòng tin của người dân địa phương.
Sự tức giận đối với Liên Hợp Quốc ngày càng tăng khi phiến quân được Rwanda hậu thuẫn bắt đầu chiếm giữ các khu vực rộng lớn ở tỉnh Bắc Kivu vào năm 2022. Năm đó, hơn 30 người, trong đó có 4 lính gìn giữ hòa bình, đã thiệt mạng trong các cuộc biểu tình chống Liên Hợp Quốc. Dưới áp lực, Hội đồng Bảo an đã quyết định rút quân theo từng giai đoạn, bao gồm khỏi các tỉnh Bắc Kivu và Ituri cũng như Nam Kivu.
Chính phủ Congo muốn MONUSCO ra đi vào cuối năm nay. Nhưng bạo lực vẫn bao trùm cả Bắc Kivu và Ituri (không như Nam Kivu, nơi có vẻ yên bình). Liên Hợp Quốc cảnh báo rằng lực lượng an ninh Congo – vốn nổi tiếng là yếu kém và tham nhũng – phải làm nhiều hơn để ngăn chặn đổ máu một khi họ rút quân.
Fed nhiều khả năng sẽ chưa giảm lãi suất
Khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ họp lần cuối hồi một tháng trước, nhiều quan chức của cơ quan này bắt đầu có xu hướng ủng hộ cắt giảm lãi suất sớm – miễn là lạm phát tiếp tục giảm. Nhưng kể từ đó áp lực giá cả vẫn cao. Vì vậy, khi chủ tịch Fed Jerome Powell phát biểu vào thứ Tư khi kết thúc cuộc họp, ông có thể đưa ra một lưu ý cứng rắn hơn, cho thấy rằng việc cắt giảm lãi suất sẽ không sớm diễn ra.
Các nhà đầu tư đã tính đến điều đó. Hồi đầu năm, thị trường tỏ ra sẵn sàng cho việc Fed cắt giảm lãi suất sáu lần trong năm 2024. Nhưng hiện nay giá cả trên thị trường chỉ hàm ý một lần cắt giảm. Tuy vậy, bài học trong vài tháng qua là bất kỳ dự báo nào như vậy cũng nên được xem xét cẩn thận. Vì quan điểm của Fed phụ thuộc rất nhiều vào dữ liệu, nên sẽ chỉ mất vài tháng lạm phát xuống thang là câu chuyện lại có thể thay đổi một lần nữa.
Canada có đường ống dẫn dầu mới
Kể từ năm 1953, Đường ống Trans Mountain của Canada đã vận chuyển dầu từ các mỏ cát dầu của Alberta đến bờ biển Thái Bình Dương. Nhưng sau khi ngành công nghiệp dầu mỏ của nước này bắt đầu bùng nổ vào những năm 2000, các nhà xuất khẩu bắt đầu khao khát một cách thức cung cấp mới có công suất lớn hơn để đáp ứng thị trường toàn cầu. Sau nhiều năm trì hoãn xây dựng và tranh cãi với các nhà hoạt động, một đường ống mới chạy dọc theo đường ống cũ sẽ được khánh thành vào thứ Tư. Nó sẽ tăng gần gấp ba công suất dầu tổng thể của hệ thống, lên khoảng 890.000 thùng mỗi ngày vào cuối tháng này.
Mặc dù Canada là nước xuất khẩu dầu lớn thứ ba thế giới, các công ty Canada vẫn phải vật lộn để kiếm được nhiều tiền nhất có thể. Mỹ đã lợi dụng vị thế là người mua dầu chính của Canada để ép giá dầu thấp. Hơn nữa, với việc các đường ống dẫn tới Mỹ hoạt động hết công suất, các nhà xuất khẩu bị buộc phải vận chuyển thêm nhiên liệu bằng đường sắt, làm kéo giảm lợi nhuận. Bằng cách tạo điều kiện thuận lợi cho việc bán nhiều dầu hơn cho nhiều người mua hơn, đường ống mới của Canada có thể sắp thay đổi tất cả điều đó.