Nguồn: Andriy Zagorodnyuk và Eliot A. Cohen, “‘A Theory of Victory for Ukraine”, Foreign Affairs, 21/05/2024
Biên dịch: Viên Đăng Huy | Hiệu đính: Nguyễn Thế Phương
Với viện trợ và lối tiếp cận đúng, Kyiv vẫn có thể giành chiến thắng
Chính phủ Mỹ đã quyết định viện trợ thêm cho Ukraine ngay trong thời điểm then chốt. Vào cuối tháng Tư, ngay trước khi gói viện trợ được thông qua, đất nước bị chiến tranh tàn phá này đã cạn kiệt lượng đạn dự trữ cuối cùng và phải phân phối hạn chế đạn pháo – hậu quả là các lực lượng Ukraine bắt đầu mất dần lãnh thổ. Gói viện trợ 60 tỷ USD hiện đang được đổ vào Ukraine sẽ giúp khắc phục những bất cập này, mang đến cho Kyiv cơ hội ngăn chặn cuộc tấn công của Nga. Gói viện trợ này cũng đóng vai trò như một cú hích tâm lý lớn, mang lại cho người Ukraine sự tự tin mới rằng họ sẽ không bị đối tác quan trọng nhất của mình bỏ rơi.
Tuy nhiên, chỉ gói viện trợ không thôi sẽ không thể trả lời cho câu hỏi trung tâm mà Ukraine đang phải đối mặt: làm thế nào để giành chiến thắng trong cuộc chiến. Ngay cả với sự đóng góp từ châu Âu và các khu vực khác, mặc dù cần thiết để giúp Kyiv tiếp tục chiến đấu khi cuộc xung đột kéo dài, cũng không thể giải quyết được câu hỏi này. Điều Ukraine cần không chỉ là thêm viện trợ mà còn là một chiến lược giành chiến thắng – điều mà một số đối tác của họ đã cố tình tránh thảo luận. Mỹ chưa bao giờ lên kế hoạch hỗ trợ Kyiv cho một khoảng thời gian dài hơn vài tháng, ngay cả khi Quốc hội yêu cầu cung cấp một chiến lược dài hạn nhằm hỗ trợ Ukraine như một phần của dự luật viện trợ. Mỹ đã tập trung vào các chiến thuật ngắn hạn, chẳng hạn như cuộc phản công được mong đợi nhiều vào năm 2023, thay vì các chiến lược hoặc mục tiêu dài hạn khả thi – bao gồm cả một chiến thắng tiềm năng trước Nga. Cho đến cuối năm ngoái, các quan chức Mỹ thậm chí còn tránh sử dụng từ “chiến thắng” trước công chúng. Tương tự, Mỹ thường tránh liên kết mục tiêu của mình ở Ukraine với sự thất bại của Nga. Tuyên bố dài hạn thực sự duy nhất của Washington – rằng họ sẽ hỗ trợ Ukraine “cho đến khi cần thiết” – bản thân nó là vô nghĩa.
Cho đến thời điểm này, Ukraine đã nêu rõ các mục tiêu của mình. Chúng bao gồm giải phóng toàn bộ lãnh thổ trong phạm vi biên giới được quốc tế công nhận; trao trả tù nhân chiến tranh, công dân bị trục xuất và trẻ em bị bắt cóc; thực thi công lý thông qua truy tố tội phạm chiến tranh và yêu cầu bồi thường; và thiết lập các thỏa thuận an ninh lâu dài. Nhưng Kyiv và các đối tác của họ vẫn chưa thống nhất về cách thức đạt được những mục tiêu này. Có vẻ như không ai có thể đưa ra được một lý thuyết về cách Kyiv có thể giành chiến thắng.
Đã đến lúc phải thay đổi. Phương Tây cần tuyên bố rõ ràng rằng mục tiêu của họ là một chiến thắng quyết định của Ukraine và sự thất bại của Nga, và họ phải cam kết cung cấp viện trợ quân sự trực tiếp cho Kyiv và hỗ trợ ngành công nghiệp quốc phòng đang phát triển của đất nước này. Trong khi đó, các lực lượng Ukraine cần phải nỗ lực tiến công cho đến khi họ có thể đẩy lùi lực lượng Nga khỏi tất cả các lãnh thổ bị chiếm đóng, bao gồm cả Crimea. Khi Ukraine đạt được tiến bộ hướng tới mục tiêu này, cuối cùng người dân Nga sẽ nhận ra rằng họ sẽ tiếp tục mất mát không chỉ lãnh thổ ở Ukraine mà còn cả nguồn nhân lực và kinh tế khổng lồ – và triển vọng tương lai về thịnh vượng và ổn định của họ. Vào thời điểm đó, chế độ của Tổng thống Nga Vladimir Putin có thể sẽ phải chịu áp lực đáng kể, từ cả bên trong và bên ngoài, để chấm dứt chiến tranh theo các điều khoản có lợi cho Ukraine.
Dĩ nhiên, việc đe dọa quyền kiểm soát Crimea của Nga – và gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho nền kinh tế và xã hội của họ – sẽ rất khó khăn. Nhưng đây là chiến lược thực tế hơn so với phương án thay thế được đề xuất: một thỏa thuận dàn xếp hòa bình trong khi Putin còn tại vị. Putin chưa bao giờ đồng ý tôn trọng chủ quyền của Ukraine – và sẽ không bao giờ đồng ý. Ngoài ra, lập trường của Nga về cuộc chiến tranh đang ngày càng mang tính chất hủy diệt hơn, viện dẫn Giáo hội Chính thống giáo Nga và gợi ý rằng cuộc xung đột này giống như một cuộc thánh chiến, với những hậu quả mang tính sống còn. Bất kỳ cuộc đàm phán nào trong tình huống hiện tại có thể dẫn tới kịch bản ít tồi tệ nhất là Ukraine bị tàn phá, chia cắt và hoàn toàn dễ bị tổn thương trước một cuộc xâm lược thứ hai khả dĩ của Nga. Trong tình huống tồi tệ nhất, nó sẽ xóa sổ hoàn toàn đất nước. Không một nền hòa bình bền vững, lâu dài nào có thể nảy sinh từ các cuộc đàm phán với một kẻ xâm lược có ý định diệt chủng. Ukraine và phương Tây phải thắng hoặc phải đối mặt với những hậu quả tàn khốc.
Khi người Mỹ và châu Âu suy ngẫm về việc có nên giúp Kyiv tránh khỏi số phận khủng khiếp này, các quan chức Mỹ nên nhớ rằng nếu phương Tây thất bại, điều đó sẽ khuyến khích các cuộc xâm lược tiếp theo của Nga. Các quan chức quân sự cấp cao và quan chức tình báo ở các nước châu Âu đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về viễn cảnh này. Nga đã đe dọa các nước láng giềng khác của mình, bao gồm cả các quốc gia thuộc NATO, và Moscow có thể sẽ hành động nếu họ có thể khuất phục Ukraine trước. Một chiến thắng của Nga cũng sẽ thúc đẩy tham vọng lãnh thổ của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, vì nó sẽ cho thấy giới hạn trong cam kết của phương Tây đối với việc bảo vệ chủ quyền của các đối tác. Cuộc xung đột Nga-Ukraine không diễn ra một cách độc lập. Một kết quả tiêu cực sẽ khiến cả thế giới phải gánh chịu.
Kết thúc cuộc chiến là trên hết
Việc Ukraine và các đối tác của họ vẫn thiếu một chiến lược chiến thắng sau ba năm chiến tranh là một vấn đề nghiêm trọng. Không có mục tiêu cuối cùng, các nhà lãnh đạo ở Kyiv, Washington và Brussels đang đưa ra những quyết định then chốt trên cơ sở tịnh tiến và không thống nhất. Ukraine có thể đạt được những thành công cục bộ, nhưng không thể đánh bại hoàn toàn kẻ thù; về phía mình, các đối tác phương Tây của Kyiv có xu hướng chỉ nghĩ đến gói viện trợ tiếp theo. Và nếu không có bức tranh chiến lược, sẽ rất khó để duy trì tinh thần và ý chí chiến đấu ở Ukraine và xa hơn.
Xây dựng một học thuyết chiến thắng sẽ khó khăn hơn nhiều so với năm 2022, khi Nga phát động cuộc xâm lược toàn diện. Kể từ đó, Nga đã quân sự hóa nền kinh tế, chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh dài hơi, quản lý để chiêu mộ một đội quân hùng hậu và sản xuất kho dự trữ thiết bị khổng lồ. Nhưng bất chấp những thành công này, học thuyết chiến tranh trên bộ của Moscow vẫn chưa tinh vi. Nó tập trung vào việc sử dụng các nhóm bộ binh nhỏ với sự hỗ trợ của một vài xe bọc thép để tấn công các vị trí khác nhau trên một tiền tuyến trải dài hơn 1.600 km. Chiến thuật này đã cho phép Moscow giành được một lượng lãnh thổ hạn chế – nhưng chỉ sau khi thiệt hại một lượng lớn quân đội và vũ khí. Thiệt hại của Nga, bao gồm cả thương vong lên đến hàng nghìn người mỗi ngày, gần như tương ứng với lượng quân mới được tuyển mộ, vốn có chất lượng thấp hơn nhiều so với những binh sĩ của năm 2022. Bất chấp những khoản đầu tư khổng lồ, năng lực của Moscow không phải là vô hạn. Chẳng hạn, mỗi tháng, Nga mất số xe tăng tương đương với số xe được sản xuất, và họ đang “đốt cháy” kho dự trữ xe bọc thép cũ kỹ của mình với tốc độ không bền vững. Và quan trọng hơn, Nga đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động và tài nguyên, một phần nhờ vào sự kết hợp của các lệnh trừng phạt của phương Tây, các biện pháp kiểm soát xuất khẩu và chiến dịch ném bom của Ukraine đang hạn chế khả năng lọc dầu và bán dầu của Nga.
Mặc dù Nga có vẻ bề ngoài hùng mạnh, nhưng thực chất không phải là kẻ thù bất khả chiến bại. Những lợi ích nhỏ của Nga chỉ có thể đạt được nhờ lợi thế áp đảo về hỏa lực – điều này chỉ xảy ra do sự gián đoạn viện trợ từ phương Tây. Hệ thống pháo binh của họ dựa trên các mẫu cũ, thiếu độ chính xác và khả năng tấn công tầm xa, và các hệ thống rocket phóng loạt, xe tăng và thiết bị hàng không của họ không thể so sánh được với các mẫu cùng loại của phương Tây. Nếu Ukraine có thể gia tăng các cuộc tấn công chính xác bằng pháo tầm xa, họ có thể đảo ngược tình thế của cuộc chiến và áp đặt một tỷ lệ tiêu hao không thể chấp nhận được lên Moscow. Cuối cùng, Nga sẽ không thể thay thế nhân lực và vật chất đủ nhanh. Nền kinh tế của nước này đơn giản là không thể duy trì cuộc chiến tranh trước những tổn thất liên tục.
Nếu Ukraine có đủ nguồn cung cấp vũ khí, họ sẽ có thể kiềm chế sức mạnh pháo binh của Nga. Hệ thống phòng không được cải tiến, bao gồm cả máy bay tiêm kích F-16 được trang bị tên lửa không đối không tầm xa, sẽ giảm thiểu các cuộc tấn công của Nga vào các cơ sở hạ tầng quan trọng bên trong Ukraine cũng như các đơn vị đóng quân gần tiền tuyến. Với việc các lực lượng của Nga ngày càng bị tê liệt, Ukraine sẽ sớm có thể sử dụng các hệ thống tầm xa của phương Tây – chẳng hạn như Hệ thống Tên lửa Chiến thuật Lục quân (được biết đến nhiều hơn với tên ATACMS) – để hạ gục các trung tâm chỉ huy và kiểm soát của Nga cũng như các loại khí tài phòng không.
Để hoàn thành tất cả các nhiệm vụ này, Kyiv cũng cần sử dụng drone với số lượng lớn hơn nhiều. Ukraine đã chứng minh rằng họ có thể sử dụng các phương tiện không người lái với hiệu quả tàn khốc; ví dụ, nhờ các cuộc tấn công bằng drone, Hạm đội Biển Đen của Nga đã bị vô hiệu hóa. Drone cũng giúp ngăn chặn các cuộc huy động quy mô lớn của Nga trên bộ. Và chúng đang giúp Ukraine có thể tấn công sâu vào Nga, đánh vào các cơ sở dầu mỏ, căn cứ quân sự và nhà máy vũ khí của Nga. Để chống lại mối đe dọa đó, Moscow có thể cần phải đặt hầu hết các hệ thống phòng không của mình ở quê nhà. Nga đơn giản là quá rộng lớn để hệ thống phòng thủ của họ có thể đồng thời che chắn cho cả hậu phương và chiến trường. Nó sẽ càng dễ bị tổn thương hơn nếu Mỹ cho phép Ukraine tấn công các mục tiêu hợp pháp bên trong lãnh thổ Nga bằng vũ khí do Mỹ cung cấp.
Quá trình làm suy yếu các vị trí của Nga và làm giảm quyết tâm của Nga có khả năng sẽ mất khoảng một năm, sau đó Ukraine nên giành lại quyền chủ động. Kyiv nên một lần nữa phát động các cuộc phản công hạn chế, cho phép họ giành lại các địa hình quan trọng. Nếu cuộc phản công này thành công, chế độ của Putin có thể phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng do những tổn thất nặng nề và thất bại trên chiến trường. Rốt cuộc, hệ thống chính trị của Nga đã bắt đầu xuất hiện những vết nứt. Cuộc nổi dậy bất thành năm 2023 của lãnh đạo lính đánh thuê Yevgeny Prigozhin, việc giáng chức hoặc bắt giữ các quan chức quân sự cấp cao, bao gồm cả Tướng Sergei Surovikin, và thành công đáng kinh ngạc của những kẻ khủng bố Nhà nước Hồi giáo Iraq và Syria (ISIS) khi tấn công Moscow vào tháng 3 đều phản ánh tính dễ bị tổn thương ngày càng tăng của chế độ. Nếu Ukraine có thể đạt tới điểm mà Nga không thể giữ được lợi thế, Putin sẽ gặp rắc rối lớn. Hành động chiếm đóng Crimea vào năm 2014 có tác động quan trọng củng cố uy tín trong nước của Putin; vì thể để mất kiểm soát bán đảo Crimea sẽ là một thất bại mang tính biểu tượng lớn.
Thành công của Ukraine trên bộ, trên không và trên biển phải song hành với áp lực rộng lớn trên các mặt trận kinh tế và thông tin. Mỹ và châu Âu nên đưa ra các chiến dịch trừng phạt quyết liệt hơn, bao gồm cả các lệnh trừng phạt thứ cấp đối với bất kỳ công ty nào hoạt động ở Nga. Người Nga phải chứng kiến nguồn tài sản quốc gia của họ tan rã, và nền kinh tế của họ hướng tới tình trạng đình trệ vĩnh viễn, để hậu quả của cuộc xâm lược của Putin có thể ảnh hưởng đến họ. Phương Tây cũng phải tiến hành một chiến dịch thông tin hung hăng và mạnh mẽ hơn – tương đương với chiến dịch chống lại Đức Quốc xã trong Chiến tranh Thế giới thứ II hoặc Liên Xô trong thời kỳ đỉnh cao của Chiến tranh Lạnh – để gia tăng những chia rẽ về nhận thức đối với cuộc chiến tranh bên trong và bên ngoài nước Nga. Người dân Nga đã chấp nhận chiến tranh một cách thụ động: họ cần được nhắc nhở, thông qua một loạt các kỹ thuật bao gồm cả tuyên truyền công khai và bí mật, về những chi phí con người và xã hội không thể chấp nhận được của cuộc chiến. Putin có quá nhiều điều để mất nếu tự mình chấm dứt chiến tranh, nhưng điều đó không đúng với những người xung quanh ông ta, những người không mong muốn thấy nước Nga bị thụt lùi vĩnh viễn; cạn kiệt nguồn lực vật chất, nhân lực và tài năng; và bị chi phối bởi Trung Quốc. Putin và ban lãnh đạo của ông ta là trọng tâm của nỗ lực chiến tranh của Nga; bất kỳ nỗ lực nào để chấm dứt chiến tranh đều phải bắt đầu bằng việc làm suy yếu chế độ của ông ta, cùng với hình ảnh thành công và không thể sai lầm của nó.
Chiến lược quân sự của Ukraine phải được tích hợp với chương trình nghị sự chính trị của họ. Lịch sử Nga cho thấy những cuộc chiến tranh thảm khốc của nước này thường dẫn đến thay đổi chính trị. Thất bại của Nga trước quân đội Ottoman và châu Âu trong Chiến tranh Crimea 1853-1856 đã khiến Nga không thể triển khai hải quân ở Biển Đen và giới hạn các mục tiêu bành trướng trong nhiều năm. Thất bại đẫm máu trong cuộc chiến tranh Nga-Nhật 1904-1905 đã dẫn đến sự tan rã đáng kể chế độ chuyên chế độc tài của Sa hoàng. Một sự ô nhục về mặt quân sự ở hiện tại có thể thúc đẩy các biến động chính trị tương tự. Chế độ Putin có thể không yếu kém nếu nhìn từ bề ngoài, nhưng sự ổn định của nó chỉ là một ảo ảnh do đàn áp tạo ra.
Để giành chiến thắng, hãy ngừng sợ chiến thắng
Ukraine đã sẵn sàng để đương đầu với thách thức. Kyiv đang tăng cường khả năng huy động lực lượng dự bị bằng cách hạ độ tuổi nhập ngũ và hủy bỏ các miễn trừ nghĩa vụ quân sự. Bước đi này tuy khó khăn nhưng cần thiết, gợi nhớ đến việc thực hiện nghĩa vụ quân sự được nhiều quốc gia phương Tây áp dụng trong cả hai cuộc chiến tranh thế giới. Phương Tây, dẫn đầu là Mỹ, đang tiếp tục cung cấp huấn luyện và cố vấn, đặc biệt là cho các sĩ quan chỉ huy. Phương Tây nên tiếp tục cung cấp một lượng lớn vật chất – đặc biệt là sau khi chứng kiến việc chậm trễ viện trợ có thể mang lại cho Nga lợi thế lớn như thế nào trên chiến trường. Sự hỗ trợ như vậy là cần thiết cho thành công của Kyiv.
Nhưng có một đóng góp quan trọng khác mà phương Tây có thể thực hiện: hợp tác trực tiếp với ngành công nghiệp quốc phòng của Ukraine. Ngành này đã phát triển vượt bậc trong hai năm qua; ví dụ, ngành công nghiệp drone đã phát triển từ việc chỉ sản xuất một số lượng nhỏ drone vào năm 2022 lên đến sản xuất hàng chục nghìn chiếc hiện nay. Các hệ thống do Ukraine sản xuất cũng trở nên tinh vi hơn, có thể tấn công các mục tiêu sâu bên trong nước Nga theo những cách không thể tưởng tượng vào năm 2022.
Thành công của Ukraine không phải là điều ngạc nhiên. Ukraine là trung tâm của ngành hàng không vũ trụ Liên Xô cũ, và ngày nay, họ có rất nhiều kỹ sư lành nghề và tinh thần khởi nghiệp. Nhưng họ cần công nghệ, linh kiện, thiết bị sản xuất, nguồn tài chính từ nhà cung cấp và quan hệ đối tác phương Tây để phát huy hết tiềm năng của mình. Nếu phương Tây có thể cung cấp những nguồn lực này, năng lực sản xuất của Ukraine sẽ tăng vọt, củng cố thành công trên chiến trường của đất nước. Với sự giúp đỡ của phương Tây, ví dụ, Kyiv có thể tăng sản lượng drone lên gấp mười lần và đưa chúng ra chiến trường nhanh hơn nữa. Một chiến lược công nghiệp chung giữa phương Tây và Ukraine cũng quan trọng như chiến lược quân sự.
Nếu phương Tây có thể giúp ngành công nghiệp quốc phòng của Ukraine hoạt động hết công suất, vị thế của Nga sẽ trở lung lay hơn bao giờ hết. Chiến lược của Nga dựa vào quy mô, khả năng phân bổ và tập trung lực lượng, và một số yếu tố tinh vi về kỹ thuật, chẳng hạn như chiến tranh điện tử. Nhưng Nga yếu kém về mặt chiến thuật, khiến họ dễ bị tổn thương trước một chiến dịch sử dụng drone quy mô lớn và kéo dài. Một cuộc tấn công trên không của Ukraine nhằm phá hủy hậu cần của Nga, gây thêm áp lực lên nền kinh tế và cơ sở hạ tầng quân sự của Nga, đồng thời phá hủy (chứ không phải vô hiệu hóa) Hạm đội Biển Đen của nước này sẽ tạo ra những cú sốc trong nước, có khả năng đe dọa đến chế độ của Putin.
Hiện tại, các nhân sự cấp dưới của Putin tin rằng Nga hoàn toàn có thể giành thắng lợi trong cuộc chiến. Chỉ bằng cách bẻ gãy niềm tin đó thông qua các thất bại của Nga, Ukraine và phương Tây mới có thể mở ra cánh cửa cho việc Putin rút quân hoặc cuối cùng bị lật đổ. Trong những điều kiện như vậy, Putin có khả năng sẽ chọn cách tự bảo vệ bản thân hơn là chiến thắng. Và nếu vì một lý do nào đó ông ta không làm vậy, những người khác có thể đưa ra lựa chọn đó thay cho ông ta. Trong mọi trường hợp, Ukraine nên tiếp tục chiến dịch giành lại lãnh thổ. Một kiểu tấn công trên bộ khác – kiểu tấn công diễn ra sau khi Kyiv đạt được ưu thế trên không với chiến dịch drone – có thể cô lập và giải phóng Crimea.
Một số nhà phân tích phương Tây, lo sợ leo thang hạt nhân, có thể e ngại trước một chiến thắng kiểu này của Ukraine. Putin chắc chắn đã cố gắng kích thích những lo ngại như vậy trong hai năm qua, gợi ý rằng ông ta có thể sử dụng vũ khí hạt nhân khi phương Tây cân nhắc cung cấp xe tăng, tên lửa và máy bay phản lực. Nhưng Putin chưa bao giờ hành động theo những lời lẽ hiếu chiến của mình, ngay cả khi phương Tây luôn vượt qua từng lằn ranh đỏ. Thay vào đó, Ukraine phải chịu những chi phí do sự do dự của Mỹ và châu Âu tạo ra; vào mùa hè năm 2022, trong khi các đối tác tranh luận về việc cung cấp hỗ trợ gì, Kyiv đã bỏ lỡ những cơ hội quan trọng để tận dụng các cuộc phản công thành công đầu tiên của mình bằng cách tiếp tục tiêu diệt lực lượng của Putin một cách nhanh chóng. Thực tế là một cuộc tấn công hạt nhân của Nga sẽ kích động một phản ứng khốc liệt từ phương Tây, đặc biệt là từ Mỹ, khiến Putin khó có khả năng mạo hiểm. Ông ta đặc biệt không thể sử dụng vũ khí hạt nhân vì những người bạn của Putin ở Bắc Kinh cũng kiên quyết chống lại các cuộc tấn công như vậy.
Nỗi lo sợ bất ổn nói chung của phương Tây là có cơ sở: một thất bại mang tính quyết định thực sự có thể đánh dấu sự kết thúc của chủ nghĩa Putin, khiến nước Nga rơi vào tình trạng bất ổn chính trị. Nhưng nhiệm vụ của phương Tây không phải là cứu một chế độ tội phạm khỏi sụp đổ. Nước Nga ngày nay là một quốc gia thường xuyên phạm tội giết người hàng loạt, tra tấn và hiếp dâm; nó tiến hành các hoạt động phá hoại và giết người trên lãnh thổ NATO; và nó thực hiện các chiến dịch thông tin sai lệch và can thiệp chính trị. Nga đã tiến hành các hoạt động thù địch không ngừng chống phương Tây không phải vì những gì phương Tây đã làm mà bởi vì bản chất của chế độ. Nói cách khác, chế độ của Putin từ lâu đã rời bỏ cộng đồng các quốc gia văn minh. Cơ hội duy nhất để Nga trở lại bình thường là thông qua thất bại, điều này sẽ nghiền nát tham vọng bành trướng của Putin và cho phép đất nước này tỉnh táo đánh giá lại con đường của mình và cuối cùng gia nhập lại xã hội của các quốc gia văn minh. Điều này không có nghĩa là chiến lược của phương Tây nên công khai nhắm vào việc thay đổi chế độ. Nhưng điều đó có nghĩa là Ukraine và các đối tác của họ không nên sợ sự tự hủy hoại của Putin và bộ máy kiểm soát của ông ta.
Trong cuộc chiến này, tài nguyên, tiền bạc và công nghệ đều nghiêng hẳn về phía phương Tây. Nếu chúng được cung cấp cho Ukraine với số lượng đủ, bao gồm cả ngành công nghiệp quốc phòng của đất nước, Kyiv có thể giành chiến thắng. Nga đơn giản là không đủ sức mạnh quân sự để đánh bại một nước Ukraine được phương Tây hậu thuẫn, vì vậy hy vọng duy nhất của họ là thao túng những lo ngại của phương Tây. Do đó, đã đến lúc các chính phủ NATO ngừng rơi vào bẫy của Putin. Để phương Tây giành chiến thắng, họ phải ngừng sợ hãi chiến thắng. Làm như vậy, phương Tây có thể đạt được an ninh cho bản thân và cho Ukraine – quốc gia đã hy sinh rất nhiều, cả cho chính nghĩa của mình và cho lý tưởng tự do rộng lớn hơn.
ANDRIY P. ZAGORODNYUK điều hành Trung tâm Chiến lược Quốc phòng. Từ năm 2019 đến 2020, ông là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ukraine. Ông là một thành viên Hội đồng Đại Tây Dương; ELIOT A. COHEN là Chủ tịch Arleigh Burke về Chiến lược tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), Hoa Kỳ.