Thế giới hôm nay: 27/05/2024

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Hamas đã phóng 8 quả tên lửa từ Rafah, một thành phố ở miền nam Gaza, về phía Tel Aviv, thành phố lớn nhất của Israel. Đây là đòn tấn công đầu tiên như vậy trong bốn tháng qua. Một số tên lửa đã bị đánh chặn; và không có thương tích nào được báo cáo. Trong khi đó, Israel tiếp tục tấn công Rafah bất chấp lệnh hôm thứ Sáu của Tòa án Công lý Quốc tế (thuộc Liên Hợp Quốc) yêu cầu ngừng chiến dịch.

Michael McCaul, chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Hạ viện Mỹ, đã đến Đài Loan cùng một nhóm các nhà lập pháp Mỹ hai ngày sau khi Trung Quốc tiến hành các cuộc tập trận quân sự quanh hòn đảo này. Vào thứ Hai, họ sẽ gặp William Lại Thanh Đức, tổng thống mới của Đài Loan, để thảo luận về ổn định và thương mại trong khu vực. Bộ ngoại giao Mỹ hôm thứ Bảy đã tố cáo các cuộc tập trận của Trung Quốc là “khiêu khích quân sự.”

Theo các quan chức Ukraine, máy bay Nga đã ném bom một cửa hàng đồ gia dụng ở Kharkiv, một thành phố ở phía đông bắc Ukraine, khiến 16 người thiệt mạng. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết có thể có tới 200 người ở bên trong. Ông gọi cuộc tấn công là “một biểu hiện khác của sự điên rồ của Nga.” Nga đã cố gắng chiếm khu vực Kharkiv kể từ khi phát động cuộc tấn công bất ngờ vào ngày 10/5.

Thủ tướng Anh Rishi Sunak hứa sẽ khôi phục lại nghĩa vụ quân sự nếu Đảng Bảo thủ thắng cử vào ngày 4 tháng 7. Ông nói việc phục vụ một năm trong lực lượng vũ trang hoặc hoạt động tình nguyện một ngày cuối tuần trong tháng sẽ mang lại cho những người trẻ tuổi “một nhận thức về mục đích chung.” Người phát ngôn của Công Đảng gọi động thái này là “tuyệt vọng.” Dự báo bầu cử của The Economist cho thấy Đảng Bảo thủ có lý do để cảm thấy tuyệt vọng.

Người đứng đầu cơ quan chống khủng bố của Pakistan cho biết nhà chức trách đã bắt giữ 11 người bị tình nghi liên quan đến vụ đánh bom tự sát khiến 5 kỹ sư Trung Quốc và một người Pakistan thiệt mạng hồi tháng 3. Những người bị giam giữ là thành viên của Tehreek-e-Taliban Pakistan, một nhóm Hồi giáo liên kết với Taliban đang tìm cách lật đổ chính phủ Pakistan. TTP đã nhiều lần phủ nhận có liên quan.

Houthi, một nhóm chiến binh được Iran hậu thuẫn, đã thả 113 tù nhân mà họ bắt giữ trong cuộc chiến kéo dài nhiều thập niên với chính phủ Yemen. Phiến quân cho rằng những người được thả là binh lính bị bắt; trong khi chính phủ Yemen nói họ là thường dân bị bắt cóc. Hồi tháng 12, hai bên đã đồng ý tham gia vào quá trình hòa giải do Liên Hợp Quốc hậu thuẫn, nhưng tiến trình bị đình trệ sau khi Houthi tăng cường tấn công các tàu qua Biển Đỏ.

Con số trong ngày: 52%, là tỷ lệ tài sản ròng của Mỹ thuộc sở hữu của những người thuộc thế hệ boomer (sinh từ 1946 đến 1964), những người chỉ chiếm 20% dân số.

TIÊU ĐIỂM

Các đảo quốc nhỏ họp thượng đỉnh về biến đổi khí hậu

Bắt đầu từ thứ Hai, giữa những tòa nhà sáng sủa và những bãi biển đầy cát của Antigua và Barbuda, đại diện của các Quốc gia Đảo Nhỏ đang Phát triển (SIDS) sẽ dành ba ngày để suy ngẫm về những vấn đề ít yên bình hơn — chủ yếu là các mối đe dọa từ biến đổi khí hậu. Đây là lần họp mặt thứ tư của câu lạc bộ gồm 39 thành viên kể từ năm 1994.

Mặc dù chỉ tạo ra 0,2% lượng khí thải carbon của thế giới, các nước SIDS bị ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng khi mực nước biển dâng và thời tiết khắc nghiệt, và do đó bị tác động bởi biến đổi khí hậu sớm hơn và nghiêm trọng hơn các quốc gia khác. Và nền kinh tế của họ thường dựa vào các lĩnh vực có nguy cơ cao như du lịch và đánh cá. Quản lý những rủi ro ấy trong khi tiếp tục phát triển kinh tế là chủ đề chính của thượng đỉnh năm nay.

SIDS đóng vai trò to lớn trong việc thiết lập chương trình nghị sự của các cuộc đàm phán khí hậu quốc tế. Những thảo luận và quyết định của họ – đặc biệt là yêu cầu các nước giàu bơm thêm tiền – sẽ gây tiếng vang tại COP29, hội nghị về khí hậu của Liên hợp quốc, ở Azerbaijan vào tháng 11.

Liệu các doanh nghiệp Đức đã phục hồi?

Vào thứ Hai, Viện Ifo của Đức sẽ công bố chỉ số môi trường kinh doanh, thước đo hàng tháng về tâm trạng doanh nghiệp. Các công ty Đức đang ở trong tình trạng khó khăn. Tăng trưởng của Đức đã tụt hậu so với phần còn lại của châu Âu trong vài năm nay. Và sự phụ thuộc nặng nề vào khí đốt Nga khiến Đức gặp nguy khi nguồn cung khí đốt bị cắt đứt sau cuộc xâm lược Ukraine. Trong khi đó ngành sản xuất, vốn nổi tiếng với ô tô chất lượng cao, phải đối mặt với cạnh tranh từ xe điện Trung Quốc. Ngoài ra các nhà sản xuất ô tô Đức cũng lo ngại có thể bị loại khỏi thị trường Trung Quốc béo bở khi châu Âu tìm cách “tách rời” khỏi đất nước tỷ dân này.

Nhưng tâm lý lạc quan đang trở lại. Giá năng lượng đã giảm và nền kinh tế đang phục hồi. Các nhà kinh tế dự báo chỉ số môi trường kinh doanh sẽ tăng lên 90,3 trong tháng 5, từ mức 89,4 của tháng 4 (100 là mức trung bình của năm 2015). Đó sẽ là mức cao nhất kể từ thời điểm này năm ngoái, khi ngành công nghiệp đang phát triển tốt đẹp, giải quyết các đơn đặt hàng tồn đọng do đại dịch.

Gruzia quyết thông qua luật đặc vụ nước ngoài

Vào thứ Hai, những người biểu tình đã tràn ngập đường phố Tbilisi, thủ đô Gruzia, trong nhiều tuần qua sẽ lại có lý do mới để xuống đường. Chính phủ sẽ lật ngược quyền phủ quyết của tổng thống đối với một dự luật, ban đầu được thông qua vào ngày 14 tháng 5, để buộc nhiều tổ chức có nhận tài trợ của nước ngoài phải đăng ký là “đại diện cho lợi ích của một thế lực nước ngoài.” Những người phản đối lo ngại luật này sẽ được dùng để bịt miệng những tiếng nói chỉ trích và làm suy yếu nỗ lực gia nhập EU của Gruzia. Mỹ đang tiến tới áp đặt lệnh cấm đi lại đối với những người ủng hộ dự luật. EU cũng có thể sẽ làm theo.

Nếu những người theo chủ nghĩa tự do ở Gruzia trở lại nắm quyền sau cuộc bầu cử quốc hội vào tháng 10, họ có thể sẽ bãi bỏ luật này. Nhưng đảng đối lập chính, đảng Phong trào Quốc gia Thống nhất, không được các đảng tự do khác tin tưởng vì một số vụ bê bối rất khó chịu trong lần cuối đảng này nắm quyền, từ năm 2004 đến năm 2012. Tổng thống Salome Zourabichvili đã kêu gọi những người theo chủ nghĩa tự do ở Gruzia đoàn kết. Họ sẽ hưởng ứng lời kêu gọi của bà.

Ngân hàng Phát triển châu Phi họp thường niên

Khi các cổ đông của Ngân hàng Phát triển châu Phi gặp nhau ở Nairobi, Kenya vào thứ Hai, họ sẽ không có nhiều thời gian để tán gẫu. Tổ chức phát triển quan trọng nhất của châu Phi, năm nay tròn 60 tuổi, chủ yếu đầu tư vào đường sá, bến cảng, và cơ sở hạ tầng khác với mục đích giảm nghèo ở khu vực có 70% người dân nghèo cùng cực trên thế giới. Ngân hàng ước tính cần khoảng 130 đến 170 tỷ USD mỗi năm để phát triển cơ sở hạ tầng trên lục địa này.

Năm nay các nước châu Phi đang bị thiếu tài trợ trầm trọng. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế, dòng vốn đang ở mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-09. AfDB hy vọng dùng các cuộc họp này để thuyết phục các tổ chức phát triển khác, như Ngân hàng Thế giới và IMF, hướng nhiều nguồn lực hơn đến châu Phi và hỗ trợ các dự án lớn trong thời gian dài hơn. Họ có thể sẽ không được toại nguyện.