Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tuyên bố chiến thắng trong cuộc bầu cử ở nước này. Với hơn một nửa số phiếu đã được kiểm, Đảng Bharatiya Janata cầm quyền có vẻ sẽ mất thế đa số trong quốc hội, và ông Modi sẽ phải dựa vào các đảng khác để thành lập chính phủ. Giá cổ phiếu của các công ty Ấn Độ, đặc biệt là những công ty có liên quan tới các đồng minh của ông Modi, đã lao dốc.
Tổng thống Joe Biden đã ký một sắc lệnh hành pháp cắt quyền nộp đơn xin tị nạn của những người vượt biên giới phía nam để vào Mỹ bất hợp pháp. Quy tắc này sẽ có hiệu lực khi số vụ chạm trán trung bình hàng ngày ở biên giới vượt quá 2.500 trong khoảng thời gian 7 ngày. Hiện tình hình ở biên giới được cho là đã đạt ngưỡng này, có nghĩa là biên giới có thể sớm bị đóng cửa tạm thời.
Một quan chức cấp cao của Hamas chỉ trích Mỹ vì cho rằng Hamas là trở ngại cho việc chấp nhận đề xuất ngừng bắn của ông Biden. Sami Abu Zuhri tuyên bố chính Israel mới là bên từ chối tạo dựng hòa bình. Mỹ cho biết Israel ủng hộ đề xuất này. Trong khi đó, tạp chí Time của Mỹ đã đăng một bài phỏng vấn từ tháng 5, trong đó ông Biden cho rằng Binyamin Netanyahu, thủ tướng Israel, có thể kéo dài chiến tranh vì động cơ chính trị.
Chính phủ Gruzia đề xuất luật hạn chế quyền của các cặp đồng tính nam. Luật nếu được thông qua sẽ ngăn cản các cặp đồng giới đăng ký kết hôn và ngăn họ nhận con nuôi; đồng thời cũng cấm các trường học sử dụng tài liệu giảng dạy “thúc đẩy” quan hệ đồng tính nam. Động thái này được công bố sau khi quốc hội thông qua một đạo luật hà khắc nhắm vào các tổ chức phi chính phủ và các nhóm xã hội dân sự do phương Tây tài trợ.
Tỷ lệ thất nghiệp ở Đức vẫn ở mức điều chỉnh theo mùa là 5,9% trong tháng 5, mặc dù số người đăng ký thất nghiệp tăng lên. Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp tăng 25.000 vào tháng trước; dù hầu hết các nhà kinh tế đã dự báo mức tăng nhỏ hơn, khoảng 10.000. Người đứng đầu cơ quan lao động Đức cho biết các số liệu cho thấy “đà phục hồi mùa xuân vẫn chưa thực sự cất cánh.”
Maersk, một hãng vận tải biển khổng lồ, cho biết gián đoạn thương mại biển do các cuộc tấn công của Houthi ở Biển Đỏ là nghiêm trọng hơn dự kiến. Giao thông qua tuyến đường này đã giảm 80% kể từ khi nhóm phiến quân bắt đầu tấn công tàu thuyền vào năm ngoái. Sự gián đoạn kéo dài có thể mang lại lợi ích bất ngờ cho Maersk: hãng đã nâng dự báo lợi nhuận vì gián đoạn làm giảm công suất dự phòng và cho phép các hãng vận tải tính phí cao hơn.
Quân đội Úc cho biết họ sẽ bắt đầu tuyển dụng một số công dân nước ngoài để tăng lính. Người New Zealand, người Mỹ, người Anh, và người Canada đều sẽ đủ điều kiện nhập ngũ trong những tháng tới. Úc đang cố gắng tăng cường sức mạnh quân sự để chống lại Trung Quốc, nhưng lại gặp khó khăn trong việc tăng quy mô quân đội do tỷ lệ thất nghiệp thấp.
Con số trong ngày: 272, là số ghế cần thiết để đảm bảo đa số trong quốc hội Ấn Độ.
TIÊU ĐIỂM
Cả Israel và Hamas đều không hào hứng với lộ trình hoà bình của Biden
Hôm thứ Sáu, tổng thống Joe Biden đã công bố đề xuất của Israel về các bước tiến tới một lệnh ngừng bắn tiềm năng. Đề xuất bao gồm việc tạm dừng giao tranh ban đầu, thả các con tin Israel do Hamas bắt giữ, sau đó là việc quân Israel rút lui.
Ông Biden gọi kế hoạch này là “lộ trình hướng tới lệnh ngừng bắn lâu dài và thả tất cả con tin,” đồng thời kêu gọi cả hai bên chấp nhận. Nhưng không ai nhiệt tình như ông. Hamas vẫn chưa có phản hồi chính thức, trong khi các bộ phận của chính phủ Israel phản đối mạnh mẽ đề xuất. Hai bộ trưởng cực hữu của Israel đe dọa từ chức nếu kế hoạch được thông qua, điều gây nguy hiểm cho liên minh cầm quyền. Một quan chức Israel tuyên bố phiên bản đề xuất ban đầu của ông Biden đã bỏ sót những chi tiết quan trọng. Trong mọi trường hợp, việc hướng tới một kế hoạch khả thi cho tương lai của Gaza sẽ mất hàng tuần, nếu không phải hàng tháng, đàm phán vất vả. Trong khi đó chiến tranh và chết chóc vẫn tiếp diễn.
Bức tranh việc làm ở Mỹ
Thế giới sẽ theo dõi chặt chẽ dữ liệu thị trường lao động sắp công bố để tìm dấu hiệu về sức khỏe của nền kinh tế Mỹ. Số liệu đầu tiên được công bố vào thứ Tư sẽ là dữ liệu việc làm tư nhân trong tháng 5 từ ADP, một nhà cung cấp dịch vụ nhân sự. Những con số này dự kiến sẽ thấp hơn một chút so với tháng 4. Số đơn xin bảo hiểm thất nghiệp hàng tuần sẽ được công bố vào thứ Năm, với báo cáo việc làm chính thức hàng tháng theo ngay sau vào thứ Sáu.
Số việc làm mới đã chậm lại đáng kể trong tháng 4, và các nhà phân tích tin rằng số liệu chính thức của tháng 5 sẽ tương tự. Niềm hy vọng của các nhà đầu tư cũng như các quan chức là thị trường việc làm yếu hơn sẽ giúp giảm bớt áp lực lạm phát mà không gây tổn hại cho nền kinh tế. Cho đến nay các dấu hiệu nói chung là tốt. Tăng trưởng tiền lương đã giảm tốc, mặc dù thất nghiệp vẫn ở mức dưới 4%. Nếu tiếp tục, xu hướng này cho thấy nền kinh tế đang yếu đi nhưng không đến mức rạn nứt.
Các mục tiêu khí hậu ngày càng trở nên xa vời
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc đã hứa sẽ có một bài phát biểu “mạnh mẽ” về mối nguy của nóng lên toàn cầu ở New York vào thứ Tư. António Guterres được cho là một lần nữa sẽ yêu cầu các chính phủ hành động nhanh hơn để cắt giảm khí thải.
Năm ngoái, Cơ quan Năng lượng Quốc tế đã dự đoán rằng do đà lan toả nhanh chóng của các nguồn năng lượng tái tạo, việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch sẽ đạt đỉnh vào năm 2025. Nhưng những tiên đoán gần đây đã trở nên u ám hơn. Hồi tháng 5, Wood Mackenzie dự đoán lượng khí thải sẽ đạt đỉnh vào năm 2032. BloombergNEF hiện dự đoán chi phí toàn cầu để đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 sẽ cao hơn 34 nghìn tỷ USD so với dự đoán trước đây. Cả hai công ty tư vấn năng lượng đều cho rằng lãi suất cao và các vấn đề về chuỗi cung ứng sẽ khiến việc mở rộng năng lực tái tạo trở nên tốn kém và khó khăn hơn nhiều.
Các công ty và các nước có lẽ sẽ chấp nhận tương lai nghiệt ngã hơn là lắng nghe ông Guterres. Các công ty dầu mỏ lớn gần đây đã giảm các mục tiêu về môi trường của họ. Tháng 4 vừa qua, chính phủ Scotland cũng đã hủy bỏ mục tiêu cắt giảm 75% lượng khí thải vào năm 2030 vì cho rằng mục tiêu này không thực tế.
Lạm phát quay đầu tăng ở Úc
Dữ liệu công bố vào thứ Tư sẽ cho thấy nền kinh tế Úc hầu như không tăng trưởng trong quý đầu năm. Các nhà kinh tế tin rằng chi tiêu tiêu dùng yếu đã kéo tốc độ tăng trưởng năm xuống chỉ còn trên 1%.
Đây là một vấn đề cho ngân hàng trung ương Úc. Họ đã tăng lãi suất lên 4,35% vào năm ngoái nhằm giảm lạm phát. Các nhà phân tích đã kỳ vọng nước này sẽ sớm bắt đầu nới lỏng chính sách tiền tệ. Nhưng gần đây lạm phát tăng trở lại, đạt tỷ lệ theo năm 3,6% trong tháng 4, từ mức 3,4% của tháng 2. Các chi phí dịch vụ như giá thuê nhà và bảo hiểm đang tỏ ra đặc biệt khó kiểm soát.
Do đó, ngân hàng trung ương khó có thể cắt giảm lãi suất trước năm tới. Họ vẫn có thể đưa lạm phát về mục tiêu dưới 3% mà không gây ra suy thoái, nhưng quá trình đó sẽ không êm đẹp như dự kiến.