Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy
Hamas cho biết đã gửi “nhận xét” để đáp lại đề xuất ngừng bắn với Israel, cho thấy họ gần chấp nhận kế hoạch do Mỹ đề xuất. Các nhà hòa giải của Qatar và Ai Cập cũng xác nhận đã nhận được phản hồi của Hamas. Trước đó, ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói rằng thông tin cho thấy Hamas ủng hộ thỏa thuận là “một tín hiệu đầy hy vọng.” Ông Blinken đang có chuyến đi thứ tám tới Trung Đông kể từ ngày 7/10. Israel khó có thể chấp nhận bất kỳ thỏa thuận nào để Hamas kiểm soát dải Gaza.
Hunter Biden, con trai của tổng thống Joe Biden, bị kết án ba tội hình sự là khai man trên các tờ khai liên bang để mua súng. Vào năm 2018, Hunter, người thừa nhận phải vật lộn với chứng nghiện, đã khai man rằng ông không gặp vấn đề về ma túy. Các cáo buộc có mức án tối đa 25 năm tù; nhưng vì là người phạm tội lần đầu, ông có thể sẽ không phải ngồi tù.
Đảng Bảo thủ Anh đã đưa ra tuyên ngôn bầu cử, hứa cắt giảm thuế 17,2 tỷ bảng Anh (21,9 tỷ USD) mỗi năm cho tới năm 2030. Thủ tướng Rishi Sunak cho biết ông sẽ bỏ mức đóng góp bảo hiểm quốc gia chính đối với những người tự kinh doanh và cắt giảm 2 xu cho nhân viên thông thường. Dự báo bầu cử của The Economist cho thấy Công Đảng đối lập có rất nhiều khả năng đánh bại Đảng Bảo thủ.
Lãnh đạo đảng trung hữu của Pháp kêu gọi liên minh với Mặt trận Quốc gia, một đảng cực hữu do Marine Le Pen lãnh đạo, trước cuộc bầu cử lập pháp vào cuối tháng. Các thành viên khác của Les Républicains bác bỏ bình luận của Éric Ciotti, và kêu gọi ông từ chức. Bà Le Pen nói rằng ông đã có một “sự lựa chọn dũng cảm.” Trước đó, các đảng cánh tả ở Pháp đã đồng ý thành lập liên minh.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi công bố nội các mới. Ông tái bổ nhiệm các bộ trưởng hàng đầu từ nhiệm kỳ trước, bao gồm bộ trưởng bộ tài chính, nội vụ, và quốc phòng. Đảng Bharatiya Janata của ông Modi đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử gần đây ở Ấn Độ nhưng không giữ được đa số trong quốc hội, khiến họ phải lập liên minh. Tuy vậy, cơ cấu nội các cho thấy ông Modi vẫn nắm giữ quyền lực rất vững chắc.
Bộ an ninh nội địa Hoa Kỳ đã bổ sung ba công ty vào danh sách ngày càng dài các công ty Trung Quốc bị cấm bán hàng ở Mỹ vì có liên quan đến lao động cưỡng bức. Các quan chức cáo buộc các công ty này – sản xuất nhôm, hải sản, và giày dép – đã tham gia vào các chương trình cưỡng bức lao động người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số khác đến từ Tân Cương do chính phủ tài trợ. Tổng cộng có 68 công ty đã bị cấm cho đến nay.
Singapore Airlines đã đề nghị bồi thường 25.000 USD cho những hành khách bị thương nặng trên chuyến bay từ London gặp sự cố nhiễu động vào tháng trước. Những người bị thương nhẹ được trả 10.000 USD. Chuyến bay đã giảm độ cao 54 mét trong vòng chưa đầy 5 giây khi bay qua Myanmar. Một người đàn ông Anh thiệt mạng trong vụ việc và hàng chục người bị chấn thương sọ não và cột sống nghiêm trọng.
Con số trong ngày: 5, là số lượng công ty Trung Quốc lên sàn giao dịch nội địa vào tháng 4 vừa qua, giảm từ con số 35 của tháng 4 năm 2023.
TIÊU ĐIỂM
Giảm phát ở Trung Quốc vẫn chưa cải thiện
Lạm phát ở Trung Quốc, giống như ở Mỹ, được các nhà đầu tư theo dõi chặt chẽ. Nhưng lý do thì ngược lại hoàn toàn: vì lạm phát hiện là quá thấp, chứ không phải quá cao. Số liệu công bố hôm thứ Tư có thể sẽ cho thấy giá sản xuất tại “cổng nhà máy” giảm trong tháng 5 so với cùng kỳ, đánh dấu lần giảm thứ 20 liên tiếp. Giá tiêu dùng có lẽ chỉ tăng khoảng nửa phần trăm.
Lạm phát thấp hoặc âm là dấu hiệu đáng lo ngại cho thấy nhu cầu yếu, vốn làm giảm vay mượn và đầu tư. Ngân hàng trung ương Trung Quốc đã thận trọng trong phản ứng trước nguy cơ giảm phát. Họ có thể không muốn cắt giảm lãi suất một cách dứt khoát cho đến khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ thực hiện, bởi vì khoảng cách lãi suất rộng hơn với Mỹ có thể gây bất ổn cho đồng tiền của Trung Quốc. Nhưng Fed lại không vội vàng. Kết quả của hai trò chơi chờ đợi này là lạm phát của Trung Quốc có thể sẽ không tăng trở lại cho đến khi lạm phát của Mỹ giảm xuống.
Fed chưa vội giảm lãi suất
Cuộc đợi chờ vẫn tiếp tục. Đã gần một năm kể từ lần cuối Cục Dự trữ Liên bang tăng lãi suất. Và trước khi bước vào năm 2024, nhiều nhà kinh tế đã dự đoán Fed sẽ bắt đầu cắt giảm từ tháng này. Thay vào đó, tại cuộc họp mới nhất kết thúc vào thứ Tư, Fed gần như chắc chắn sẽ giữ lãi suất trong phạm vi hiện tại, từ 5,25% đến 5,5%. Chính sách tiền tệ do đó đang ở pha thắt chặt, gây hạn chế chi tiêu tiêu dùng và đầu tư kinh doanh.
Nhận định của ngân hàng trung ương là họ có đủ khả năng để trì hoãn: lạm phát chưa trở lại mục tiêu 2% và tăng trưởng kinh tế tiếp tục mạnh mẽ. Dữ liệu vào thứ Tư dự kiến sẽ cho thấy giá tiêu dùng đã tăng 3,4% so với một năm trước đó, vẫn quá cao. Trong khi đó, mặc dù tỷ lệ thất nghiệp đã tăng lên gần đây, nó vẫn thấp so với tiêu chuẩn lịch sử. Hầu hết các nhà đầu tư hiện nay đều cho rằng Fed sẽ chỉ cắt giảm lãi suất từ tháng 11.
Đức xem xét áp dụng lại chế độ tòng quân
Khi Đức đình chỉ nghĩa vụ quân sự vào năm 2011, đây được coi là một biện pháp hiện đại hóa để biến quân đội Đức thành một lực lượng chiến đấu tinh gọn hơn, phù hợp với các nhiệm vụ viễn chinh xa xôi. Ít ai cho rằng nghĩa vụ quân sự có thể quay trở lại. Nhưng đó là trước khi Vladimir Putin phát động cuộc chiến tranh lớn nhất ở châu Âu kể từ năm 1945.
Vào thứ Tư, bộ trưởng quốc phòng Đức Boris Pistorius sẽ trình bày với quốc hội các đề xuất của ông nhằm bù đắp tình trạng thiếu nhân lực của quân đội (các lực lượng vũ trang cần tìm thêm hơn 20.000 tân binh trong những năm tới). Ông Pistorius, người nói rằng Đức phải “sẵn sàng cho chiến tranh vào năm 2029,” ủng hộ mô hình tòng quân của Thụy Điển, theo đó tất cả thanh niên 18 tuổi phải điền vào bảng câu hỏi đánh giá thể lực và năng lực quân sự của họ, và vài nghìn người trong số đó sẽ được triệu tập đi lính. Nhưng thủ tướng Đức Olaf Scholz lại cho rằng lính tình nguyện là đủ để giải quyết việc thiếu lính. Để tránh làm sếp khó chịu, Pistorius có thể sẽ đưa ra những đề xuất không như ý mình – ít nhất là vào thời điểm hiện tại.
Chiến dịch tranh cử yếu ớt của Rishi Sunak
Kể từ khi Rishi Sunak làm mọi người ngạc nhiên, kể cả Đảng Bảo thủ của ông, với quyết định kêu gọi một cuộc tổng tuyển cử vào ngày 4 tháng 7, kế hoạch của thủ tướng Anh không có nhiều tiến triển. Ông bị chỉ trích nặng nề vì sớm rời lễ kỷ niệm D-Day hôm 6 tháng 6 ở Normandy. Dù đã xin lỗi, Sunak vẫn bị chỉ trích, ngay cả bởi các thành viên trong nội các. Sai lầm này sẽ khiến Đảng Bảo thủ càng khó bắt kịp Công Đảng đối lập, vốn đã dẫn đầu rất đáng kể trong các cuộc thăm dò.
Chiến dịch của ông Sunak cần được thiết lập lại. Vào thứ Ba, ông đã đưa ra tuyên ngôn của đảng: hấp dẫn cử tri trung thành với kế hoạch khôi phục nghĩa vụ quân sự và cố gắng thuyết phục những cử tri đang dao động bằng cắt giảm thuế, bao gồm cả việc bãi bỏ thuế trước bạ cho người mua nhà lần đầu đối với những ngôi nhà có giá dưới 425.000 bảng. Trong khi đó, vào thứ Tư, ông Sunak sẽ cố gắng giành lại phần nào thế chủ động trong một cuộc phỏng vấn trên đài ITV. Nhưng nó có lẽ sẽ không đủ để tiếp thêm sinh lực cho chiến dịch của ông.