Ngành gỗ Myanmar đang nuôi dưỡng chính quyền quân sự như thế nào?

Nguồn: Audrey Thill, “How Myanmar’s Wood Funds Its Brutal Military”, Foreign Policy, 11/06/2024

Biên dịch: Viên Đăng Huy | Hiệu đính: Nguyễn Thế Phương

Theo số liệu từ Dự án Dữ liệu Vị trí và Sự kiện Xung đột Vũ trang, Myanmar được xếp hạng là nơi bạo lực nhất thế giới, đứng trên cả Syria và Palestine. Kể từ cuộc đảo chính năm 2021, cộng đồng quốc tế đã áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế nhằm hạn chế khả năng làm giàu từ tài nguyên thiên nhiên và các hoạt động kinh doanh của các tướng lĩnh quân đội Myanmar. Một số chuyên gia cho rằng chế độ quân sự hiện tại đang yếu hơn so với trước đây, một phần là do thành công của mặt trận thống nhất các tổ chức vũ trang dân tộc vốn đã phối hợp tấn công chính quyền từ cuối năm 2023. Tuy nhiên, chiến dịch “bốn vết cắt” tàn bạo và không ngừng nghỉ của quân đội cho thấy khả năng chống chịu của họ trước lực lượng kháng chiến  và sự cô lập về kinh tế.

Một chiến lược phía quân đội sử dụng là lách luật trừng phạt để bán gỗ ra quốc tế. Theo báo cáo của chính quyền quân sự, Myanmar đã xuất khẩu gỗ trị giá 235,6 triệu USD trong khoảng thời gian từ tháng 10 năm 2021 đến giữa năm 2023. Sản lượng thực tế có thể cao hơn nhiều so với báo cáo chính thức do tình trạng buôn lậu qua biên giới diễn ra phổ biến.

Theo nghiên cứu được công bố vào năm 2021 bởi Sáng kiến Toàn cầu Chống Tội phạm Có tổ chức Xuyên quốc gia, tới 80% lượng gỗ rời Myanmar được buôn lậu sang Ấn Độ và Trung Quốc. Các cuộc điều tra của tổ chức cho thấy những kẻ buôn lậu thường giấu gỗ trong các tàu chở dầu và xe cứu trợ nhân đạo, nhưng trong một số trường hợp, chúng hoạt động công khai. Các nhà sản xuất đồ nội thất nội địa cũng mua gỗ bất hợp pháp từ vùng Sagaing của Myanmar do giá thành rẻ hơn so với gỗ được chứng nhận.

Mặc dù không có mối quan hệ rõ ràng giữa xung đột và khai thác gỗ bất hợp pháp, các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng các quốc gia có mức độ xung đột hoặc bất ổn cao thường gặp khó khăn trong việc quản lý tài nguyên rừng một cách hiệu quả và minh bạch. Nhu cầu toàn cầu đối với gỗ cứng nhiệt đới rất cao, tạo ra động lực cho các bên tham gia các cuộc xung đột khu vực và các mạng lưới tội phạm xuyên quốc gia tránh né các lệnh trừng phạt, các lệnh cấm xuất khẩu và các chương trình chứng nhận tiêu chuẩn.

Mua gỗ từ những khu vực như vậy không phải lúc nào cũng bất hợp pháp; tuy nhiên, người mua phải đối mặt với những rủi ro lớn hơn về tham nhũng và tài trợ xung đột. Nhiều người mua chấp nhận những rủi ro này, vì Interpol ước tính rằng tới 30% thương mại gỗ toàn cầu có thể có nguồn gốc từ các nguồn bất hợp pháp.

Các quốc gia giàu có như Trung Quốc, Ấn Độ và Mỹ chịu trách nhiệm cho khoảng 40% nạn “phá rừng nhập khẩu” – tức là nạn phá rừng do nhu cầu về thực phẩm và các sản phẩm từ rừng – theo nghiên cứu được công bố bởi nhà khoa học dữ liệu Hannah Ritchie. Mặc dù nông nghiệp là nguyên nhân hàng đầu, nhu cầu về gỗ cứng sang trọng đã tàn phá các loài như hồng mộc, xoan đào, hương, dái ngựa và các loại khác, tạo ra một ngành buôn lậu bất hợp pháp mạnh mẽ. Nhà sản xuất và người tiêu dùng ưa chuộng các loài này vì màu sắc phong phú và độ bền của chúng.

Các cuộc điều tra được tiến hành tại Mỹ và Ý đã tìm thấy bằng chứng cho thấy các doanh nghiệp gỗ đã khai thác gỗ tếch bất hợp pháp từ Myanmar để đóng sàn thuyền buồm và đồ nội thất cao cấp. Một lượng lớn gỗ hồng mộc từ Châu Phi và Đông Nam Á, bao gồm cả Myanmar, cũng được sử dụng làm đồ nội thất đắt tiền trong các ngôi nhà và doanh nghiệp Trung Quốc. Theo một ước tính gần đây, thị trường hồng mộc của Trung Quốc có giá trị 26 tỷ USD mỗi năm.

Sau nhiều thập kỷ vận động của các tổ chức phi chính phủ và những người bảo vệ môi trường, các chính sách và giải pháp chuỗi cung ứng đã ra đời để giải quyết nạn khai thác gỗ bất hợp pháp. Các chính sách then chốt bao gồm Đạo luật Lacey của Mỹ, Quy định Gỗ của Liên minh Châu Âu và Quy định về Quản lý Nhập khẩu và Xuất khẩu Động vật Hoang dã và Thực vật Nguy cấp năm 2019 của Trung Quốc. Khu vực tư nhân cũng đã áp dụng các chương trình chứng nhận gỗ do các tổ chức như Hội đồng Quản lý Rừng (Forest Stewardship Council) và Chương trình Phê chuẩn Chứng nhận Rừng (Programme for the Endorsement of Forest Certification) tạo ra. Tuy nhiên, những chính sách và chương trình chứng nhận này thường không hiệu quả trong việc phát hiện gỗ có nguồn gốc từ các khu vực xung đột và các địa điểm rủi ro cao khác.

Điều này là do các chương trình chứng nhận dựa vào số nhận dạng và tài liệu độc nhất để theo dõi gỗ khi nó di chuyển trong chuỗi cung ứng. Các chỉ số hợp pháp này không phải lúc nào cũng hoạt động theo đúng mục đích trong các môi trường có mức độ tham nhũng cao. Kẻ buôn lậu luồn lách khỏi các yêu cầu do các chương trình chứng nhận và các nhà nhập khẩu đặt ra bằng cách sử dụng một vài chiến lược phổ biến.

Đầu tiên, chúng “rửa” gỗ bằng cách hoán đổi nhận dạng. Giống như rửa tiền, kẻ buôn lậu trộn lẫn gỗ khai thác bất hợp pháp với gỗ được khai thác hợp pháp tại các khu vực nông nghiệp, bãi gỗ và xưởng cưa. Sau đó, những khúc gỗ đó được đánh dấu bằng số nhận dạng không phản ánh nguồn gốc thực sự của chúng.

Điều này xảy ra trong các quốc gia nơi gỗ được khai thác – chẳng hạn như ở Campuchia, nơi trùm tài phiệt Try Pheap “rửa” gỗ được chặt từ khu rừng Prey Lang được bảo vệ thông qua hoạt động khai thác mỏ của mặc dù ông ta bị Mỹ trừng phạt vì sử dụng quân đội để bảo vệ hoạt động buôn bán gỗ bất hợp pháp của mình. Điều tương tự cũng xảy ra trên các biên giới quốc tế, ví dụ như việc những kẻ buôn lậu chuyển gỗ Campuchia vào các kho chứa của Việt Nam. Ở Cộng hòa Dân chủ Congo (DRC), xe tải vận chuyển gỗ vào Uganda, nơi chúng sau đó được trộn lẫn với các nguồn cung hợp pháp.

Thứ hai, kẻ buôn lậu làm giả các tài liệu được sử dụng để theo dõi và chứng nhận nguồn gốc gỗ không tới từ khu vực có xung đột, bao gồm giấy chứng nhận nguồn gốc và giấy phép xuất khẩu. Trong một số trường hợp, giấy chứng nhận không bị làm giả, nhưng chúng chứa thông tin sai về hàng hóa. Khi điều tra than củi từ Somalia, Nhóm Chuyên gia của Liên Hiệp Quốc đã quan sát thấy các giấy chứng nhận giả mạo vượt qua quá trình kiểm tra của cơ quan nhập khẩu. Tại DRC, Liên Hiệp Quốc phát hiện ra rằng một công ty xuất khẩu gỗ đã trả tiền cho một nhóm vũ trang để khai thác gỗ đỏ và sử dụng giấy phép giả mạo nhằm tuân thủ Công ước về Thương mại Quốc tế các Loài Động vật Hoang dã và Thực vật Nguy cấp (CITES) để xuất khẩu bất hợp pháp. Gần đây, CITES đã bổ sung các yêu cầu vượt ra ngoài việc sử dụng giấy chứng nhận để kiềm chế buôn bán gỗ bất hợp pháp. Nhưng ngay cả CITES cũng thừa nhận rằng buôn lậu và khai báo sai loài gỗ vẫn là một vấn đề. Tất cả điều này có thể gây ra sự bất cập trong dữ liệu thương mại. Một ví dụ về điều này là số lượng gỗ do Myanmar báo cáo thấp hơn so với số lượng do các điểm đến chính của các mặt hàng xuất khẩu đó báo cáo: Trung Quốc, Ý và Mỹ.

Hơn nữa, tham nhũng tràn lan và sự thông đồng giữa các doanh nghiệp khai thác gỗ, các mạng lưới có tổ chức và các chủ thể có liên quan tới nhà nước tạo thuận lợi cho buôn bán gỗ bất hợp pháp. Từ hối lộ cho nhân viên hải quan và biên phòng đến tham nhũng ở cấp cao nhất của chính phủ, các chuyên gia của Liên Hiệp Quốc đã ghi nhận đặc điểm này của hoạt động buôn bán gỗ bất hợp pháp ở nhiều quốc gia.

Ví dụ, tại Nam Sudan, các sĩ quan của Lực lượng Phòng vệ Nhân dân Nam Sudan được cho là cung cấp an ninh và hậu cần cho các công ty khai thác gỗ với mức phí 800-900 USD mỗi xe tải, theo nguồn của Liên Hiệp Quốc. Xe vận chuyển nhận được sự thông quan an toàn đến biên giới với Uganda, nơi gỗ được rửa thành nguồn cung cấp vận chuyển đến Việt Nam và Ấn Độ. Ở Myanmar, Campuchia và Nam Sudan, những kẻ buôn lậu hối lộ các bên chủ chốt, cho phép xe tải của họ vượt biên giới ngay trước mắt các nhà chức trách ở cả hai phía.

Cuối cùng, những điểm yếu trong hệ thống tài chính và các quy định chống rửa tiền tạo điều kiện cho buôn bán gỗ bất hợp pháp. Ở Myanmar, chế độ quân sự rửa tiền thu được từ gỗ thông qua nhiều tập đoàn và công ty con của mình. Các thế lực tội phạm cũng lợi dụng lỗ hổng trong các quy định về chống rửa tiền và quản lý của Mỹ. Chúng dễ dàng đăng ký các công ty vỏ bọc khó xác minh và chuyển lợi nhuận bất hợp pháp vào thị trường bất động sản của Mỹ.

Một số nỗ lực đã được thực hiện để giải quyết những lỗ hổng trong quy định. Vào tháng 1 năm 2024, Mạng lưới Chế tài Tội phạm Tài chính thuộc Bộ Tài chính Mỹ (FinCEN) đã triển khai yêu cầu báo cáo quyền sở hữu có lợi để buộc các công ty tiết lộ chủ sở hữu và người ra quyết định của họ. Nhưng để việc này hiệu quả, FinCEN cần xác minh thông tin đó và có đủ nguồn lực để theo dõi dòng tiền đằng sau các tội phạm môi trường.

Khi được sử dụng thành công, những chiến lược này cho phép kẻ buôn lậu đưa gỗ từ vùng xung đột vào thị trường hợp pháp. Các khuôn khổ pháp lý cấm nhập khẩu gỗ từ các nguồn bất hợp pháp hầu như không thể ngăn chặn hoạt động buôn bán trong những trường hợp như vậy. Nếu các công ty không tiến hành thẩm định cẩn thận chuỗi cung ứng của mình, thì cả họ và người tiêu dùng đều không biết nguồn gốc thực sự của những sản phẩm họ mua.

Nhu cầu về gỗ đang gia tăng trên toàn thế giới. Các công ty có thể chấp nhận mức độ rủi ro cao hơn để tiếp cận các thị trường này, khiến họ dễ dàng có được gỗ khai thác từ vùng xung đột trong chuỗi cung ứng của mình. Tin tốt là các nhà khoa học đang cải tiến các kỹ thuật để xác minh nguồn gốc của gỗ và xác định những khai báo nguồn gốc gian dối. Tuy nhiên, những phương pháp này hiện chưa thể mở rộng quy mô để theo kịp khối lượng thương mại và việc kiểm tra tất cả các sản phẩm gỗ trong phòng thí nghiệm cũng không khả thi về mặt kinh tế.

Trừ khi những nhà nhập khẩu lớn của các sản phẩm gỗ tới từ các vùng xung đột tăng cường thực thi các yêu cầu chống tham nhũng, chống rửa tiền và thẩm định cẩn thận, thì việc tiêu thụ các sản phẩm gỗ ở các quốc gia giàu có sẽ tiếp tục thúc đẩy xung đột và phá rừng ở Myanmar, DRC và các quốc gia khác trên thế giới.

Audrey Thill là thành viên của Chương trình An ninh và Khí hậu thuộc Hội đồng Rủi ro Chiến lược.