Tóm tắt báo cáo “Quyền lực và Trật tự tại châu Á” (CSIS)

Print Friendly, PDF & Email

Biên dịch & tóm tắt: Thụy Điển | Hiệu đính: Nguyễn Thế Phương

Lời dẫn: Châu Á hiện là một khu vực hết sức năng động. Nơi đây hội tụ cả các mâu thuẫn và xu hướng hợp tác. Trong khi Hoa Kỳ đang thực hiện chính sách tái cân bằng thì việc tìm ra các vấn đề then chốt sẽ giúp quốc gia này thành công. Báo cáo tháng 6, năm 2014 mang tên “Quyền lực và Trật tự châu Á – Cuộc khảo sát về kỳ vọng khu vực” của Chương trình nghiên cứu châu Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (CSIS) do hai học giả Michael J. Green và Nicholas Szecheyi thực hiện đã khảo sát quan điểm của 402 chuyên gia chính sách đối ngoại tại  11 quốc gia châu Á. Phần dưới đây dịch và giới thiệu tóm tắt 9 luận điểm chính của báo cáo và những khuyến nghị chính sách cho chính phủ Mỹ. Toàn văn báo cáo có thể tham khảo tại ĐÂY.

Chín luận điểm chính

Luận điểm 1: Quyền lực sẽ dịch chuyển về phía Trung Quốc

Khoảng 53% tin rằng Trung Quốc sẽ nắm quyền lực lớn nhất tại Đông Á trong 10 năm tới, con số này về phía Hoa Kỳ là 43%. Tương tự, 56% những người được khảo sát cũng tin rằng Trung Quốc sẽ trở thành đối tác kinh tế quan trọng nhất với quốc gia của họ và Hoa Kỳ đứng vị trí thứ hai với 28%. Đa phần các chuyên gia được hỏi đều nói rằng Trung Quốc có ảnh hưởng rất tích cực hoặc tương đối tích cực tới sự phát triển của kinh tế khu vực với 79% nhưng lại có ảnh hưởng xấu đến an ninh khu vực với 61%.

Luận điểm 2: Quyền lãnh đạo của Hoa Kỳ tại khu vực vẫn duy trì mạnh mẽ

Mặc dù dự đoán Trung Quốc sẽ trở thành quốc gia hùng mạnh nhất khu vực trong vòng 10 năm tới, các chuyên gia vẫn tiếp tục khẳng định về vai trò lãnh đạo của Hoa Kỳ mặc cho có sự suy giảm quyền lực tương đối. Khi được hỏi vè đặc điểm của quan hệ quốc tế tại Đông Á trong 10 năm tới, 57% dự đoán rằng Hoa Kỳ vẫn sẽ tiếp tục là quốc gia lãnh đạo, trong khi chỉ 7% nghiêng về phía Trung Quốc. Các chuyên gia Hàn Quốc và Nhật Bản hầu như chắc chắn về vai trò lãnh đạo của Hoa Kỳ, đa số các chuyên gia Trung Quốc cũng trả lời tương tự. Đa số người được hỏi cho rằng quyền lãnh đạo của Hoa Kỳ sẽ phù hợp với lợi ích quốc gia của họ, mặc dù chỉ 11% chuyên gia Trung Quốc đồng ý. Thái Lan, bất chấp là một đồng minh của Hoa Kỳ, lại không mặn mà với quyền lãnh đạo của Washington.

Luận điểm 3: Tái cân bằng của Mỹ tại châu Á được ủng hộ nhưng vẫn còn đó những lo ngại về quá trình thực hiện

79% người được khảo sát đặt niềm tin vào kế hoạch tái cân bằng chiến lược của Tổng thống Obama tại châu Á. Trung Quốc là quốc gia duy nhất mà đa số người trả lời không đồng tình với chiến lược này (77% không ủng hộ và 23% ủng hộ). Tuy vậy, khi được hỏi về việc đánh giá quá trình này, 51% cho rằng đây là một chính sách đúng đắn nhưng cho rằng nó chưa được đầu tư cũng như thực thi hiệu quả, trong khi 24% cho rằng chiến lược này đang củng cố sự ổn định và thịnh vượng ở khu vực. Trung Quốc là quốc gia duy nhất mà đa số chuyên gia được hỏi tin rằng chiến lược tái cân bằng là mang tính chất đối đầu quá lớn với Bắc Kinh (74% so với tỷ lệ trung bình của khu vực là 18%).

Luận điểm 4: Vấn đề tranh chấp và đối đầu về lãnh thổ là trở ngại lớn nhất tới quá trình xây dựng cộng đồng khu vực

Thất bại trong giải quyết các vấn đề chủ quyền là mối lo ngại lớn nhất đối với quá trình xây dựng cộng đồng khu vực. Hàn Quốc, Singapore và Trung Quốc là 3 quốc gia lo ngại rằng thất bại trong giải quyết các vấn đề lịch sử là trở ngại lớn thứ hai. Trở ngại thứ ba được nhắc đến trong báo cáo chính là sự trỗi dậy của Trung Quốc được đa phần các học giả Đài Loan và Nhật Bản đề cập đến. Hơn 80% người Nhật và Trung Quốc đều đồng ý với việc sử dụng biện pháp quân sự để đảo ngược những kết quả tiêu cực gây ra bởi một bên khác trong tranh chấp lãnh thổ.

Luận điểm 5: Đông Bắc Á đang “vật lộn” với lịch sử

Tầng lớp tinh hoa chiến lược ở Hàn Quốc và Trung Quốc lo ngại vấn đề lịch sử còn nhiều hơn vấn đề về chủ quyền. Thêm vào đó, 88% chuyên gia Trung Quốc, 62% ở Đài Loan, 60% ở Hàn Quốc cho rằng ảnh hưởng của Nhật Bản tại khu vực mang tính tiêu cực. Đa phần các học giả, khoảng 42%, tin rằng vấn đề lịch sử sẽ vẫn nằm trên bàn ngoại giao và chưa trở thành vấn đề quân sự nhưng 43% học giả Trung Quốc đều tin rằng những bất đồng về lịch sử có thể dẫn đến đối đầu về quân sự.

Luận điểm 6: Khủng hoảng kinh tế khu vực là thử thách lớn nhất đe dọa an ninh quốc gia

Trên 50% những người trả lời khảo sát cho rằng khủng hoảng kinh tế và tài chính khu vực ảnh hưởng to lớn đến vấn đề an ninh quốc gia của họ, dẫn đầu là học giả Indonesia. Tiếp đến, những cuộc tranh luận về vấn đề chủ quyền và lịch sử đứng ở vị trí thứ hai với sự quan tâm lớn nhất bởi các chuyên gia theo thứ tự từ Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, Ấn Độ và Nhật Bản. Bên cạnh đó, trong khi Ấn Độ và Singapore thể hiện sự quan tâm đến biến đổi khí hậu như là thách thức lớn thứ ba thì các quốc gia Đông Bắc Á lại không mặn mà về vấn đề này.

Luận điểm 7: Sự ủng hộ mạnh mẽ dành cho Khuôn khổ Kinh tế khu vực xuyên Thái Bình Dương

Khi được hỏi về tầm quan trọng của các khuôn khổ kinh tế khác nhau đối với tương lai quốc gia, giới tinh hoa chiến lược của các quốc gia đánh giá APEC và G20 cao nhất, với 82%. Cộng đồng kinh tế ASEAN đứng ở vị trí thứ hai với 81% và thứ ba là TPP với 75%.

Luận điểm 8: Ủng hộ thúc đẩy “Các giá trị Dân chủ” trong khu vực, nhưng hiện nay các giá trị của người Mỹ đang bị đặt nghi vấn

Trong cuộc khảo sát năm 2008 – 2009 của CSIS, những người được hỏi cho rằng các nguyên tắc Dân chủ đứng ở một ưu tiên cao trong quá trình xây dựng cộng đồng khu vực, với sự ủng hộ của các chuyên gia Mỹ ở vị trí đứng đầu, và các học giả Trung Quốc không mặn mà với ưu tiên này đứng ở vị trí cuối. Tuy nhiên, cuộc khảo sát mới nhất đã cho thấy một sự thay đổi bất ngờ, các học giả Mỹ giờ đã đứng cuối bảng khảo sát. Về vấn đề nhân quyền và phụ nữ, Mỹ xếp cuối bảng xếp hạng, phía dưới Trung Quốc. Về việc thúc đẩy các quốc bầu cử tự do và dân chủ, Mỹ đứng thứ 2 từ dưới lên.

Luận điểm 9: Hòa bình ở eo biển Đài Loan có ảnh hưởng tới toàn bộ khu vực

70% các giới tinh hoa chiến lược ở các quốc gia cho rằng nếu Đài Loan bị sáp nhập vào Trung Quốc bằng sự ép buộc sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến lợi ích quốc gia của họ. Trong đó, Hoa Kỳ với 99% và Nhật Bản với 98% cho thấy sự lo ngại thật sự. Kế tiếp là Đài Loan với 89%, Úc 85% và Hàn Quốc 80%. Thậm chí, bản thân Trung Quốc cũng cho thấy lo ngại tiêu cực (43%) nhiều hơn tích cực (40%).

Khuyến nghị chính sách

Kết luận cuối báo cáo, hai học giả đưa ra 8 khuyến nghị chính sách cho chính phủ Mỹ:

  • Một là cho rằng dù nhận được sự ủng hộ trong chính sách tái cân bằng, tuy nhiên người Mỹ cần phải thuyết phục nhiều hơn nữa các đồng minh ở khu vực rằng chiến lược tái cân bằng là quyết tâm thật sự và có cơ sở rõ ràng, không chỉ về khía cạnh quân sự mà còn ở vấn đề kinh tế và các lĩnh vực mang tính giá trị khác.
  • Hai, cuộc khảo sát cũng cho thấy tầm quan trọng của TPP, kể cả các học giả tại các quốc gia hiện nay chưa tham gia TPP. Chính vì vậy, Hoa Kỳ cần phải đưa ra chính sách chính trị phù hợp để ủng hộ TPP cũng như mở rộng hiệp định này để tăng số lượng thành viên. Ngoài ra chính phủ Mỹ phải nhấn mạnh được ý định và khả năng của mình trong việc tìm kiếm sự ủng hộ từ trong nước với hiệp định TPP.
  • Ba, người dân châu Á giờ đây quan tâm nhiều hơn đến dân chủ như các vấn đề về nhân quyền hay bầu cử tự do, chính vì vậy Hoa Kỳ cần phải xây dựng lại những giá trị mà cha ông họ đã mang đến. Đây là một hành động cần thiết bởi lẽ, các quốc gia châu Á sẽ cảm thấy một sự cam kết của Hoa Kỳ về các vấn đề dân chủ và mọi vấn đề sẽ dễ giải quyết hơn rất nhiều.
  • Bốn, do những gánh nặng từ quá khứ vẫn là một vấn đề thời sự của châu Á, Mỹ cần tiếp tục nổ lực cải thiện tình hình căng thẳng giữa các quốc gia Đông Bắc Á (đặc biệt là các sự việc liên quan đến Nhật Bản) xuất phát từ vấn đề lịch sử.
  • Năm, Mỹ cần quan tâm đến vấn đề Thái Lan. Tính ổn định tại Thái Lan vẫn là một thử thách. Đứng trên góc nhìn quan hệ Hoa Kỳ – Thái Lan, giới tinh hoa cho thấy rằng họ không có cái nhìn thiện cảm với Hoa Kỳ. Trong khi không khí chính trị vẫn chưa có nhiều biến chuyển, quan hệ đồng minh của Thái sẽ không bền vững.
  • Sáu, Hoa Kỳ cần phải tăng cường quan hệ với Ấn Độ. Việc chính phủ mới của đảng Bharatiya Janata Party (BJP) lên cầm quyền cho phép Hoa Kỳ thực hiện điều này. Hai quốc gia dân chủ lớn nhất là hai đối tác tự nhiên, nhất là khi cả hai bên đều chia sẻ nhiều quan điểm giống nhau về các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội. Đảng BJP chắc chắn sẽ có cách tiếp cận từ từ tiến đến gần Hoa Kỳ hơn.
  • Sáu, Hoa Kỳ cần khuyến khích Trung Quốc đóng vai trò xây dựng an ninh khu vực. Cuộc khảo sát cho thấy kết quả rõ ràng rằng giới tinh hoa châu Á có thiện cảm với Trung Quốc về mặt kinh tế nhưng về mặt chính trị, quốc gia này đang khiến cho nhiều nước châu Á e ngại. Hoa Kỳ nên khuyến khích Trung Quốc đóng vai trò tích cực hơn trong cục diện chính trị châu Á, nhất là khu vực biển Hoa Đông và Biển Đông. Hoa Kỳ cũng nên gây áp lực Trung Quốc tôn trọng và tuân thủ hệ thống nguyên tắc hành xử cởi mở, minh bạch và hướng đến giải pháp hòa bình.
  • Cuối cùng, Hoa Kỳ cần ủng hộ xây dựng các thể chế khu vực. Trong nhiều năm gần đây, giới tinh hoa của ASEAN ngày càng quan tâm đến các vấn đề hợp tác kinh tế khu vực, xây dựng niềm tin, chính sách dân chủ cũng như những hợp tác quốc phòng và an ninh chung. Hành động này có thể giúp nối khu vực này lại với nhau cũng như đảm bảo an ninh và ổn định khu vực bất kể diễn biến gì xảy ra tại các khu vực khác của châu Á đi nữa. Vai trò lãnh đạo của Hoa Kỳ trong TPP, APEC và đóng góp trong Diễn đàn Đông Á sẽ làm giảm đi những lo ngại về việc lựa chọn giữa TPP và định hướng Đông Á.