Thế giới hôm nay: 29/08/2024

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Pavel Durov, nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành Telegram, đã bị chính quyền Pháp buộc tội liên quan đến hoạt động bất hợp pháp trên ứng dụng mạng xã hội này. Tỷ phú người Nga bị bắt tại Pháp vào thứ Bảy trong một cuộc điều tra nhắm vào nền tảng mạng xã hội này. Ông được tại ngoại từ thứ Tư nhưng bị cấm xuất cảnh. Chính quyền Pháp đang chính thức điều tra Telegram về các tội danh bao gồm phát tán hình ảnh lạm dụng trẻ em không được kiểm duyệt. Hiện Telegram phủ nhận trách nhiệm.

Lợi nhuận của BYD, nhà sản xuất ô tô lớn nhất Trung Quốc, đã tăng 24% so với cùng kỳ năm ngoái trong nửa đầu năm 2024. Doanh số bán xe điện cao là động lực chính thúc đẩy doanh thu. Nhu cầu xe điện đang chững lại và người tiêu dùng Trung Quốc đang thắt chặt chi tiêu trong bối cảnh khủng hoảng nhà ở. Nhưng mức giá cạnh tranh của BYD đã giúp họ chiếm được thị phần ở nước ngoài, và công ty giờ đây có kế hoạch mở cơ sở sản xuất tại châu Âu và Mexico.

Thủ tướng Anh Keir Starmer đã gặp Olaf Sholz, người đồng cấp Đức của mình, tại Berlin. Trong một tuyên bố chung, hai nước nhất trí xây dựng “mối liên kết sâu sắc hơn” trong các lĩnh vực bao gồm khoa học, công nghệ và văn hóa. Họ cũng sẽ hợp tác giải quyết vấn đề di cư bất hợp pháp. Ông Starmer đã tuyên bố muốn thiết lập lại quan hệ với Liên minh châu Âu.

Berkshire Hathaway, công ty đầu tư của Warren Buffett, đã trở thành công ty Mỹ đầu tiên ngoài lĩnh vực công nghệ đạt giá trị 1 nghìn tỷ đô la. Nhờ kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 9, các nhà đầu tư đã đẩy giá cổ phiếu của công ty tăng hơn 1% trong phiên giao dịch đầu ngày. Được biết danh mục đầu tư của Berkshire Hathaway sẽ được hưởng lợi từ việc cắt giảm lãi suất.

Một tòa án hình sự ở Thụy Sĩ đã kết án hai doanh nhân có liên quan đến 1MDB, một vụ bê bối tài chính sâu rộng với 4,5 tỷ đô la bị lấy cắp khỏi quỹ phát triển nhà nước của Malaysia. Tòa án tuyên Tarek Obaid và Patrick Mahony phạm tội biển thủ hơn 1,8 tỷ đô la từ quỹ, với mức án lần lượt là bảy và sáu năm. Kẻ được cho là chủ mưu của vụ việc, Jho Low (người đã phủ nhận hành vi sai trái), vẫn đang lẩn trốn.

Lực lượng Israel đã giết chết ít nhất chín người Palestine ở phía bắc Bờ Tây. Israel tuyên bố họ đang thực hiện một “chiến dịch chống khủng bố.” Hiện quân đội nước này đã cử bộ binh và tiến hành một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái nhắm vào một trại tị nạn, đánh dấu chiến dịch lớn nhất của Israel ở phía bắc Bờ Tây trong nhiều năm qua.

Chính quyền Nhật Bản đã ban hành cảnh báo thời tiết khắc nghiệt cho miền nam, miền trung, và miền tây trước khi bão Shanshan đổ bộ, trong đó có lệnh sơ tán đối với gần một triệu người. Một số hãng sản xuất ô tô, bao gồm Honda, Nissan và Toyota, đã tạm thời đóng cửa các nhà máy và một số chuyến bay thương mại đã bị hủy. Cơn bão dự kiến ​​sẽ mang đến lượng mưa  kỷ lục, có nguy cơ gây lũ lụt lớn và lở đất.

Con số trong ngày: 10%, là thị phần xe điện mới tại Anh do các thương hiệu Trung Quốc nắm giữ, tăng từ khoảng 3-4% cách đây năm năm.

TIÊU ĐIỂM

Harris có cuộc phỏng vấn đầu tiên kể từ khi trở thành ứng viên tổng thống

Khi Kamala Harris lên thay Joe Biden làm ứng viên đảng Dân chủ vào tháng 7, nỗi tuyệt vọng của đảng bỗng nhường chỗ cho sự hân hoan. Đến nay chiến dịch của bà đã huy động được 540 triệu đô la kể từ khi ra mắt; và Đại hội Toàn quốc của đảng vào tuần trước chẳng khác nào một lễ đăng quang ồn ào. Bà Harris không muốn mất đà tiến: các bài phát biểu của bà hầu như chỉ tập trung vào các giá trị lớn thay vì các điểm thảo luận cụ thể, và cho đến nay bà vẫn tránh xa báo chí. Nhưng vào tối thứ năm, Harris và phó tướng Tim Walz sẽ có cuộc phỏng vấn chung đầu tiên với Dana Bash của CNN.

Trên cương vị phó tổng thống, bà Harris nổi tiếng là người không ổn định, không chân thực và dễ mắc lỗi khi phát biểu. Phần lớn là do màn thể hiện của bà khi phỏng vấn, trong đó bà có thể tỏ ra lúng túng và khó chịu. Nhưng trên đường vận động tranh cử, Harris cũ dường như đã không còn nữa, mà thay vào đó là một chính trị gia tự tin và chỉn chu. Những người ủng hộ kỳ vọng cuộc lột xác của bà sẽ lại thành công khi bà gặp gỡ báo chí.

Hội nghị ngoại trưởng EU

Các bộ trưởng ngoại giao của 27 nước thành viên EU sẽ họp tại Brussels vào thứ năm, khi kỳ nghỉ hè dài của châu lục này kết thúc. Những cuộc khủng hoảng chính mà các nhà ngoại giao phải đối mặt — đặc biệt là ở Ukraine và Gaza — vẫn không khác mấy so với tháng 7. Cuộc họp dự kiến tổ chức tại Budapest nhưng đã đổi địa điểm sau khi thủ tướng Hungary Viktor Orban đến thăm tổng thống Nga Vladimir Putin tại Moscow vào tháng 7.

Trước mắt sẽ là một mùa thu bận rộn. Báo cáo của Mario Draghi, cựu thủ tướng Ý, về chính sách kinh tế của EU sẽ được công bố vào tháng 9. Một nhóm ủy viên châu Âu mới sẽ sớm được công bố, bao gồm uỷ viên phụ trách thương mại, quản lý các công ty công nghệ lớn, và chính sách công nghiệp — tất cả sẽ phải được Nghị viện châu Âu thẩm vấn. Cuối cùng, đến đầu tháng 11, toàn châu lục sẽ nín thở khi nước Mỹ quyết định có nên đưa Donald Trump trở lại Nhà Trắng hay không.

Ấn Độ tập trận không quân

Chính phủ Ấn Độ tự hào về chính sách đối ngoại và quốc phòng “đa liên kết” của mình. Các nhà lãnh đạo của nước này đã phản đối quyết liệt áp lực từ phương Tây nhằm tách Delhi khỏi Nga, nhà cung cấp vũ khí lớn nhất của họ. Nhưng mối quan hệ quân sự của Ấn Độ với phương Tây vẫn ngày càng sâu sắc, đặc biệt là kể từ cuộc đụng độ chết người trên biên giới Himalaya với Trung Quốc vào năm 2020. Dấu hiệu mới nhất của điều này là việc Ấn Độ triển khai cuộc tập trận không chiến đa quốc gia đầu tiên trong tháng 8.

Giai đoạn thứ hai của cuộc tập trận Tarang Shakti (“sức mạnh của sóng”) sẽ bắt đầu vào thứ Năm. Tập trận sẽ diễn ra trong hơn hai tuần tại thành phố Jodhpur ở miền bắc, sau giai đoạn một ở phía nam đất nước hồi đầu tháng. Cuộc tập trận có sự tham dự của 67 máy bay quân sự từ mười quốc gia, bao gồm Mỹ, Anh, Úc, Pháp, Đức, Tây Ban Nha và Hy Lạp. Trung Quốc sẽ không tham dự, ngay cả với tư cách là người quan sát. Các quan chức Ấn Độ cho biết Nga và Israel cũng được mời, nhưng lại bận rộn với các cuộc chiến đang diễn ra.

Những sáng kiến mới của ngành tang lễ ở Nhật

Linh mục bằng robot, những tấm thiệp chia tay tan trong nước “cùng với nỗi buồn của bạn,” một tàu con thoi đưa tro cốt của người thân yêu của bạn lên quỹ đạo. Đây chỉ là một số phát minh mà các công ty Nhật Bản đã giới thiệu tại Endex, hội chợ lớn nhất đất nước dành cho ngành tang lễ, sẽ diễn ra tại Tokyo cho đến thứ năm.

Những thay đổi về nhân khẩu học và văn hóa đã làm tăng nhu cầu cho ngành kinh doanh “kết thúc cuộc đời” tại Nhật Bản. Ngày càng có nhiều người sống một mình, có ít con cái, và cảm thấy ít gắn bó với các phong tục truyền thống hơn — chẳng hạn như việc duy trì phần mộ gia đình. Trong năm tính đến tháng 4 năm 2023, hơn 151.000 ngôi mộ đã bị phá dỡ vì thế hệ trẻ đã từ bỏ chúng và lựa chọn các giải pháp thay thế thân thiện với thành phố. Xu hướng tương tự cũng đang diễn ra ở những nơi khác trên thế giới, chẳng hạn London đang bị thiếu hụt mộ nghiêm trọng đến mức phải tái sử dụng những ngôi mộ cũ. Không gian vũ trụ có thể không phải là nơi an nghỉ được lựa chọn hiện tại — nhưng tang lễ vẫn còn một chặng đường dài phía trước.