Đừng thổi phồng mối đe dọa khủng bố

Nguồn: John Mueller, “Don’t Hype the Terror Threat,” Foreign Affairs, 10/09/2024

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Mối nguy của các báo động chính thức.

Khi ra làm chứng tại Quốc hội cách đây vài tháng, Giám đốc FBI Christopher Wray nói rằng “môi trường đe dọa” khủng bố, vốn đã khá căng thẳng, nay lại càng “nâng cao” hơn nữa sau khi Hamas tấn công Israel vào ngày 07/10/2023. “Chúng tôi nhận thấy mối đe dọa từ những kẻ khủng bố nước ngoài tăng lên một cấp độ hoàn toàn khác,” ông lập luận. Trích dẫn lời cảnh báo của Wray và lời cảnh báo của các quan chức Mỹ khác, Graham Allison và Michael Morell cho rằng “Nước Mỹ đang phải đối mặt với mối đe dọa nghiêm trọng về một cuộc tấn công khủng bố trong những tháng tới.”

Nhưng chúng ta đã từng nghe những lời cảnh báo như vậy nhiều lần trước đây, và chúng đã được chứng minh là không có cơ sở. Và điều này đặc biệt đúng trong giai đoạn ngay sau vụ tấn công ngày 11/9. Trong những năm đó, Morrell và Allison đôi khi cũng tham gia vào nhóm những người lo ngại. Morell, viên chức CIA phụ trách báo cáo cho tổng thống Mỹ vào thời điểm xảy ra vụ tấn công ngày 11/9, đã hồi tưởng lại bầu không khí một cách sống động trong một cuốn sách ông viết năm 2015. “Chúng tôi chắc chắn rằng đất nước sẽ lại bị tấn công,” ông kết luận, một kết luận được hỗ trợ bởi “hàng nghìn báo cáo tình báo.” Về phần mình, Allison, trong một cuốn sách năm 2004, kết luận rằng “trên con đường hiện tại, một cuộc tấn công khủng bố hạt nhân vào nước Mỹ trong thập niên tới có nhiều khả năng xảy ra hơn là không xảy ra.”

Morrell và Allison cũng không phải những người duy nhất. Như Jane Mayer đã quan sát trong cuốn sách The Dark Side của bà, “Điều chắc chắn duy nhất mà gần như toàn bộ cộng đồng tình báo Mỹ đã chia sẻ vào mùa thu năm 2001 là một làn sóng khủng bố thứ hai, thậm chí còn tàn khốc hơn, đang chuẩn bị tấn công vào nước Mỹ.” Rudolph Giuliani, thị trưởng thành phố New York vào thời điểm đó, nhận xét rằng bất kỳ chuyên gia an ninh nào cũng sẽ kết luận rằng “chúng ta sẽ chứng kiến hàng chục cuộc tấn công như thế này kéo dài trong nhiều năm liền.”

Năm 2002, các viên chức tình báo Mỹ đã nói với các phóng viên rằng có thể có tới 5.000 điệp viên được al Qaeda đào tạo ở nước ngoài đang hoạt động bên trong nước Mỹ. Tuy nhiên, sau một vài năm điều tra sâu rộng, FBI vẫn không tìm thấy bất kỳ nhóm al Qaeda nào trong nước. Dù vậy giám đốc của cơ quan này, Robert Mueller đã không hề cảm thấy nhẹ nhõm và còn nói với một ủy ban Thượng viện vào năm 2005 rằng ông “rất lo ngại về những gì chúng ta đang không thấy.”

Năm 2003, John Negroponte, Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc, tuyên bố rằng có “khả năng cao là Al Qaeda sẽ cố gắng tấn công bằng vũ khí [sinh học, hóa học, phóng xạ, hoặc hạt nhân] trong vòng hai năm tới.” Cuối năm đó, Tổng chưởng lý John Ashcroft đã công khai cảnh báo rằng “al-Qaeda có kế hoạch cố gắng tấn công Mỹ trong vài tháng tới,” rằng tổ chức này sẽ “tấn công dữ dội vào Mỹ” và rằng việc chuẩn bị cho một cuộc tấn công như vậy có thể đã hoàn tất đến 90%. Thế nhưng, không có cuộc tấn công nào như vậy từng xảy ra: thực tế là sau các cuộc tấn công ngày 11/09, al Qaeda không bao giờ còn có thể thực hiện một cuộc tấn công lớn nào khác vào đất nước Mỹ.

Ngay cả sau cuộc đột kích của Mỹ năm 2011 tại Pakistan, giết chết thủ lĩnh al Qaeda Osama bin Laden, các chuyên gia vẫn tiếp tục thổi phồng mối đe dọa mà nhóm này gây ra. Sau cái chết của bin Laden, nhà khoa học chính trị Bruce Hoffman dự đoán rằng cuộc đột kích sẽ dẫn đến “những hành động trả đũa, báo thù, giận dữ, và trừng phạt” nhắm vào Mỹ. Trong khi đó, học giả John Arquilla cho rằng bất kỳ “sự thiếu ‘kỳ tích’” nào trong các cuộc tấn công mà al Qaeda thực hiện sau cái chết của bin Laden “cũng không nên được cho là dấu hiệu của một al Qaeda đang suy yếu, mà đúng hơn là một chỉ báo về sự thay đổi trong chiến lược.”

Tuy nhiên, bằng chứng thu được trong cuộc đột kích đó cho thấy ban chỉ huy trung tâm của al Qaeda chỉ là một cái vỏ rỗng, liên tục phải trốn chạy các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Mỹ và cực kỳ thiếu tiền. Theo lời của chuyên gia về al Qaeda Nelly Lahoud, vào thời điểm đó, nhóm này đã trở nên nổi tiếng chủ yếu vì “sự bất lực trong hoạt động.”

Al Qaeda đã truyền cảm hứng cho những kẻ muốn trở thành chiến binh thánh chiến ở Mỹ, và tổ chức kế nhiệm gần như hoàn hảo của nó, Nhà nước Hồi giáo (còn được gọi là ISIS), đã truyền cảm hứng nhiều hơn nữa trong thời kỳ hoàng kim từ năm 2014 đến năm 2017. Hai mươi năm sau ngày 11/09, khoảng 125 âm mưu của những kẻ cực đoan Hồi giáo nhắm vào nước Mỹ đã được thực hiện hoặc bị chính quyền phá vỡ. (Nhiều âm mưu bị phá vỡ vẫn đang trong giai đoạn phôi thai.) Tổng cộng, những âm mưu này đã khiến khoảng 100 người thiệt mạng – trung bình khoảng năm người mỗi năm. Tất nhiên, những cái chết này thật bi thảm, nhưng con số không quá lớn. Hãy nhớ rằng, trung bình có hơn 300 người Mỹ thiệt mạng mỗi năm do chết đuối trong bồn tắm.

TÌNH HÌNH HIỆN TẠI

Bất chấp những cảnh báo chính thức nghiêm trọng mà Allison và Morrell trích dẫn, vẫn chưa thể nói rõ liệu mối đe dọa của chủ nghĩa khủng bố quốc tế lên nước Mỹ có gia tăng hay không. Vẫn tiếp tục có những âm mưu thánh chiến, nhưng chính quyền đã xoay xở để phá hủy chúng bằng những chiến thuật quen thuộc. Ví dụ, một nỗ lực gần đây của Iran nhằm chiêu mộ một người Mỹ để ám sát John Bolton, người từng là cố vấn an ninh quốc gia trong chính quyền Trump, đã bị FBI ngăn chặn.

Đúng là các tổ chức thánh chiến trên khắp thế giới đang thúc giục những người Mỹ có cùng quan điểm với chúng hành động, nhưng điều này không mới. Hai mươi năm trước, bin Laden và các thành viên al Qaeda khác đã lớn tiếng tuyên bố rằng Mỹ “cần bị đánh đòn thêm” và cảnh báo rằng chúng có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, phần lớn những đòn đánh này đã không trở thành hiện thực.

Wray và nhiều người khác lo ngại rằng những kẻ khủng bố sẽ trà trộn vào số lượng lớn những người di cư vượt biên trái phép ở biên giới Mỹ-Mexico. Tuy nhiên, trong số hàng trăm triệu du khách nước ngoài được phép nhập cảnh hợp pháp vào Mỹ trong hai thập kỷ sau năm 2001 và hàng triệu người nhập cảnh trái phép, rất ít hoặc không có người nào là điệp viên được al Qaeda hoặc ISIS đưa vào. Trong những năm gần đây, một số người di cư tìm cách nhập cảnh đã xuất hiện trong số hai triệu cái tên trong danh sách theo dõi khủng bố của FBI, nhưng điều này dường như phản ánh thực tế rằng bản thân danh sách này quá rộng, hơn là gợi ý về những nỗ lực liên tục của các chiến binh thánh chiến nhằm xâm nhập vào nước Mỹ.

Trong khi đó, thế giới đã phẫn nộ trước sự thông đồng của Mỹ trong phản ứng hủy diệt của Israel để đáp trả cuộc đột kích tàn bạo của Hamas. Nhưng gần một năm sau, sự tức giận đó vẫn chưa tạo ra bất kỳ sự gia tăng hoạt động khủng bố tại Mỹ mà Wray và những người khác đã trích dẫn như một mối đe dọa tiềm tàng.

Nói rộng hơn, kinh nghiệm hậu 9/11 cho thấy rằng bất chấp các báo động chính thức, và ngay cả khi hoạt động khủng bố thực sự gia tăng, thì nó vẫn có thể được kiểm soát mà không cần các hành động đặc biệt. Tuy nhiên, Allison và Morrell lại kêu gọi các bước chính sách quan trọng: xem xét lại “tất cả thông tin đã thu thập trước đó liên quan đến chủ nghĩa khủng bố,” sử dụng “các cơ quan khẩn cấp quốc gia” để ngăn chặn những kẻ khủng bố xâm nhập qua biên giới phía nam và tăng cường các chiến dịch bí mật của Mỹ trên toàn thế giới để tiêu diệt các nhóm thánh chiến. Trên thực tế, có rất ít lý do để tin rằng các biện pháp như vậy là cần thiết.

John Mueller là giáo sư hồi hưu về Khoa học Chính trị tại Đại học bang Ohio, nghiên cứu viên cấp cao tại Viện Cato và là tác giả của cuốn sách “Overblown: How Politicians and the Terrorism Industry Inflate National Security Threats, and Why We Believe Them.