Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy
Thủ tướng Israel Binyamin Netanyahu dường như đã bác bỏ đề xuất ngừng bắn với Hezbollah do Mỹ hậu thuẫn, nói rằng tin đồn về lệnh ngừng bắn là “không đúng sự thật.” Bộ trưởng ngoại giao nước này, Israel Katz, cũng tuyên bố Lực lượng Phòng vệ Israel sẽ tiếp tục các hoạt động chống lại Hezbollah “cho đến khi giành chiến thắng và người dân miền bắc được trở về nhà an toàn.” Không kích qua biên giới trong những ngày gần đây là dữ dội nhất kể từ khi Israel xâm lược miền nam Lebanon năm 2006. Trước đó, tham mưu trưởng Lực lượng Phòng vệ Israel Herzi Halevi đã nói với quân đội là không kích nhắm vào Hezbollah nhằm “chuẩn bị khu vực này cho khả năng các bạn tiến vào.”
Eric Adams, thị trưởng đảng Dân chủ của Thành phố New York, vừa bị buộc tội hối lộ, gian lận, và vi phạm tài chính tranh cử. Công tố viên liên bang cáo buộc ông nhận tiền từ các nhà tài trợ “giả” và nhận quà không phù hợp từ ít nhất một quan chức Thổ Nhĩ Kỳ. Ông Adams bị cáo buộc đã đẩy nhanh việc khai trương một tòa nhà lãnh sự quán Thổ Nhĩ Kỳ để đổi lấy chuyến bay hạng thương gia trên Turkish Airlines và phòng tại “những khách sạn sang trọng.” Thị trưởng phủ nhận hành vi sai trái.
Thổ Nhĩ Kỳ tổ chức đợt bán trái phiếu lớn nhất từ trước đến nay và huy động được 3,5 tỷ đô la. Nước này tài trợ lô trái phiếu mới bằng cách mua lại khoảng 1,9 tỷ đô la, cho phép các nhà đầu tư đổi trái phiếu cũ lấy trái phiếu mới (và giảm nợ cho Thổ Nhĩ Kỳ trong ngắn hạn). Thành công của đợt bán cho thấy các nhà đầu tư quốc tế đang lấy lại niềm tin vào Thổ Nhĩ Kỳ sau nhiều năm kinh tế suy thoái.
Tổng thống Joe Biden đã công bố viện trợ quân sự hơn 8 tỷ đô la cho Ukraine trước cuộc gặp với tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Khoản tiền này sẽ được dùng để cung cấp cho Ukraine các hệ thống phòng không, máy bay không người lái, và đạn dược. Ông Zelenksy cho biết khoản viện trợ sẽ giúp đảm bảo một “nền hòa bình công bằng và lâu dài.” Mỹ đã rót hơn 50 tỷ đô la viện trợ quân sự cho Ukraine kể từ khi Nga bắt đầu xâm lược.
Lực lượng vũ trang Sudan đã bắt đầu một cuộc tấn công lớn để chiếm lại lãnh thổ trong và xung quanh thủ đô Khartoum. Họ bị mất quyền kiểm soát thành phố vào tay Lực lượng Hỗ trợ Nhanh ngay sau khi cuộc nội chiến ở Sudan nổ ra vào tháng 4 năm 2023. Ước tính khoảng 150.000 người đã thiệt mạng và hơn 10 triệu người phải rời bỏ nhà cửa kể từ khi cuộc xung đột bắt đầu.
Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản lần đầu tiên cử một tàu chiến đi qua Eo biển Đài Loan. Trước đó nước này luôn tránh cho tàu chiến đi qua eo biển để không chọc giận Trung Quốc, nước tuyên bố chủ quyền đối với Đài Loan và vùng biển xung quanh. Các tàu Úc và New Zealand đã hộ tống tàu khu trục này, đang di chuyển đến Biển Đông để tham gia tập trận quân sự cùng nhau.
Theo Viện Copernicus của EU, châu Âu đã trải qua mùa hè nóng nhất trong lịch sử. Trong khi nhiệt độ thay đổi rất nhiều trên khắp lục địa, đông nam Âu đặc biệt hứng chịu nắng nóng khắc nghiệt: số “ngày ấm” được ghi nhận ở một số nơi trong khu vực này cao hơn tới 60% so với mức trung bình của giai đoạn 1991-2020. Nắng nóng khắc nghiệt đã góp phần gây ra cháy rừng ở Hy Lạp và các khu vực khác của châu Âu trong những tháng gần đây.
Con số trong ngày: 45%, là tỷ lệ lượt xem YouTube tại Mỹ do các màn hình TV đảm nhận.
TIÊU ĐIỂM
Hôm nay đảng cầm quyền Nhật bầu lãnh đạo mới
Hôm nay mọi con mắt ở Nhật Bản sẽ đổ dồn vào kết quả cuộc đua giành vị trí lãnh đạo của Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền. Người chiến thắng sẽ trở thành thủ tướng Nhật Bản, thay thế Kishida Fumio, lãnh đạo hiện tại của LDP. Cuộc cạnh tranh giữa chín ứng cử viên đã diễn ra hỗn loạn một cách bất thường.
Có ba ứng viên dẫn đầu. Koizumi Shinjiro 43 tuổi sẽ mang đến sự thay đổi mang tính thế hệ, vì ông đại diện cho các chính sách tiến bộ về mặt xã hội (như cho phép các cặp vợ chồng sử dụng họ khác nhau) và cải cách công nghiệp. Trong khi đó, cựu bộ trưởng quốc phòng Ishiba Shigeru, người đã kêu gọi thành lập một “NATO châu Á”, lại có phong cách dân túy.
Lựa chọn gây chia rẽ nhất sẽ là Takaichi Sanae, một người theo chủ nghĩa dân tộc cực hữu, người sẽ trở thành nữ lãnh đạo đầu tiên của Nhật Bản. Bà cam kết sẽ đến thăm đền Yasukini, nơi tưởng nhớ những người lính đã chiến đấu trong Thế chiến II, bao gồm cả tội phạm chiến tranh. Điều đó sẽ khiến Trung Quốc tức giận và có thể phá hỏng những thành tựu ngoại giao của ông Kishida, người đã hàn gắn quan hệ với nước láng giềng Hàn Quốc.
Mỹ tăng thuế nhập khẩu các mặt hàng chiến lược từ Trung Quốc
Mỹ đang tăng mạnh thuế quan đối với hàng hoá Trung Quốc. Vào thứ Sáu, họ sẽ áp dụng mức thuế cao hơn đối với một loạt các sản phẩm do Trung Quốc sản xuất: lên đến 100% đối với xe điện, 50% đối với pin mặt trời và chất bán dẫn, và 25% đối với pin EV, thép, khoáng sản quan trọng, v.v. Quyết định này, được chính quyền của tổng thống Joe Biden công bố lần đầu vào tháng 5, bắt nguồn từ việc xem xét lại mức thuế ban đầu mà Donald Trump áp dụng khi ông còn ở Nhà Trắng.
Cách tiếp cận của ông Biden có mục tiêu rõ ràng hơn so với ông Trump. Trong khi mức thuế quan cách đây bốn năm bao trùm 350 tỷ đô la giá trị hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, mức thuế mới chỉ đánh vào khoảng 18 tỷ đô la. Song tác động của chúng có thể sâu sắc hơn. Hiện có rất ít xe điện Trung Quốc trên đường phố Mỹ và với mức thuế 100% được áp dụng, xe điện Trung Quốc coi như không thể xâm nhập được. Điều này sẽ giúp bảo hộ các nhà sản xuất ô tô Mỹ, nhưng nó cũng có thể làm chậm tiến trình chuyển đổi xanh.
G77 họp bên lề Liên Hợp Quốc
Vào thứ sáu, các bộ trưởng ngoại giao của G77, một nhóm lớn các nước đang phát triển, sẽ họp tại New York bên lề Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. Chương trình nghị sự sẽ tập trung vào khoảng cách kinh tế ngày càng tăng giữa các thành viên G77 và các nước phát triển, cũng như tác động của biến đổi khí hậu lên các nước nghèo.
Nhóm này muốn thúc đẩy việc đại tu cấu trúc tài chính thế giới. Một số nhà lãnh đạo cho rằng chi phí vốn cao đối với các nước nghèo phản ánh mức phí bảo hiểm rủi ro không công bằng. Họ cho rằng một phần của vấn đề là các nước đang phát triển có quá ít ảnh hưởng tại các tổ chức đa phương như Quỹ Tiền tệ Quốc tế.
G77, thường được coi là một thế lực địa chính trị nhỏ, đã trở nên có ảnh hưởng hơn nhờ tâm lý phẫn nộ của một số nước đối với phương Tây vì đã làm quá ít để chống lại gánh nặng nợ gia tăng và giảm nghèo. Và Trung Quốc đang được hưởng lợi. Dù không phải là thành viên của G77, nhưng Bắc Kinh đã cung cấp viện trợ tài chính và hỗ trợ ngoại giao cho các nước G77.
Kinh tế Tây Ban Nha tăng trưởng ấn tượng
Dù chính trị ngày càng bất ổn, nền kinh tế của Tây Ban Nha vẫn hoạt động tốt. Tuần này, chính phủ đã nâng dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 từ 2,4% lên 2,7%, và từ 2,2% lên 2,4% cho năm 2025. Những con số này cao hơn gấp đôi so với mức tăng trưởng trung bình dự kiến trong khu vực đồng euro. Hiệu suất mạnh mẽ đã giúp cải thiện tình hình tài chính công; khi thâm hụt ngân sách chỉ bằng 3,6% GDP vào năm ngoái. Dữ liệu niềm tin kinh doanh được công bố vào thứ Sáu có thể sẽ phản ánh triển vọng tươi sáng này.
Tăng trưởng mạnh mẽ chủ yếu nhờ vào bùng nổ của ngành du lịch sau đại dịch, dòng viện trợ từ EU, và đà tạo việc làm ấn tượng. Nhiều việc làm mới đang vào tay người nhập cư, với hơn 1 triệu người đến trong ba năm qua. Liên minh trung tả thiểu số của Pedro Sánchez đã không thông qua được ngân sách tại quốc hội trong năm nay và không có khả năng sẽ thông qua vào năm sau. Dẫu vậy, các con số kinh tế mạnh mẽ đang mang lại cho liên minh của ông một số dư địa chính trị để xoay xở.